Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030
Ngày 8/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý “Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030”. TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN chủ trì hội thảo.
TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược sau này. Và mong rằng, trong hội thảo này, các nhà khoa học sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo để hoàn thiện sớm nhất.
Xây dựng Chiến lược là cần thiết
Theo ý kiến PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021 – 2030. Từ cuối năm 2020, các tổ chức xây dựng Chiến lược đã nhanh chóng được thành lập gồm: Ban Soạn thảo Chiến lược, Tổ Biên tập và Thường trực Tổ Biên tập.
PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN
Thời gian qua, Ban Soạn thảo đã chỉ đạo Tổ Biên tập triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, đã đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, trong đó làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ xây dựng Chiến lược giai đoạn mới; tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO),… để trao đổi, hợp tác nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Chiến lược. Đồng thời, đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương (24 bộ, ngành và 63 địa phương) cùng tham gia cung cấp thông tin về nội dung xây dựng Chiến lược. Các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin đã được Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu cao nhất để thể hiện trong dự thảo Chiến lược.
Cùng với đó, đã tổ chức trên 30 buổi trao đổi, toạ đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đã tổ chức các buổi trao đổi chuyên sâu với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và 2 phiên họp của Tổ Biên tập để trao đổi, thảo luận các nội dung của Chiến lược. Đến nay, Tổ Biên tập đã xây dựng xong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, dự thảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST 2021-2030, dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược.
Theo Thứ trưởng, việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam thông tin, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát KHCN&ĐMST của Đảng, Nhà nước đã được ban hành; đặc biệt, bám sát và cụ thể hóa các nội hàm về lĩnh vực này trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Theo ông Hồng về năng lực nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hầu như xuất phát từ khu vực tư nhân; khu vực doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp cần là đãi thuế - từ việc lập quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phản ánh là thủ tục thực hiện thuế làm không nổi. Tình trạng doanh nghiệp có quỹ lên đến con số hàng trăm tỷ đồng, nhưng không thực hiện được thủ tục thuế. Vậy nên ưu tiên đánh giá xem là một giải pháp căn bản như vậy? Gỡ vướng về thủ tục tài chính cho doanh nghiệp, cũng như cho quản lý khoa học công nghệ nói chung.
Bên cạnh đó, ông Hồng cho hay về tổ chức thực hiện, bên cạnh Bộ Khoa học và Công nghệ cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, đề nghị bổ sung mục riêng cho Bộ GD-ĐT mà không xếp chung cùng nhóm các bộ, CQNB khacs, vì đào tạo và nghiên cứu khoa học cần phải gắn kết chặt chẽ, cần thúc đẩy sinh viên các trường đại học nghiên cứu khoa học, yêu cầu giáo viên phải nghiên cứu khoa học. Bộ GD-ĐT cũng quản lý trực tiếp số lượng lớn các trường đại học với nhiều cơ sở nghiên cứu, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tại hội thảo các nhà khoa học đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến như đối với các tổ chức khoa học công nghệ, đề nghị cân nhắc giải pháp hình thành các đơn vị, nhóm đặc trách khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt.
Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay vô cùng nhanh chóng, nhiều công nghệ mới ra đời, nhiều công nghệ hội tụ vào nhau. Do vậy, theo ý kiến của các nhà khoa học cần làm rõ khái niệm thế nào là “Đổi mới sáng tạo”, nội hàm là gì, nó có đặc trưng gì, qui mô cấp nào, khi rõ những nội dung này thì mới được luật hóa và lúc đó mới vào cuộc sống được.
Tin: HT, ảnh: Lê Hồng