Giáo sư tuổi thất thập xuống đồng
Ông nghó nghiêng, đăm chiêu trước cả... cái cầu tiêu của nông dân. Ông đang làm gì? Giáp Tết, tìm về thị trấn Đức Hòa để tìm ông nhưng người ta cho hay, giờ này ông đang miệt mài dưới xã Mỹ Hưng Đông, huyện Đức Huệ để dạy nông dân làm “lúa sạch GlobGap”. Về tới nơi đã chiều muộn, vẫn thấy ông đang quần xắn móng lợn, miệt mài chỉ dẫn mấy kỹ sư trẻ.
“GlobGap là cái chi mà còn kéo giáo sư tuổi thất thập ra đồng?”. Anh Bùi Minh Cương, nông dân xã Mỹ Hưng Đông kể: “Anh hỏi y chang tụi tôi hồi đầu. Bao chương trình “bốn nhà” nghe thiệt kêu nhưng chả thấy “nhà” nào gần gũi giúp nông dân. Chúng tôi “chơi GlobGap” một phần vì có Giáo sư Xuân! ở đồng bằng sông Cửu Long này, ai chẳng biết ổng thương cây lúa, thương nông dân thiệt lòng nhất. Có ai gần 40 năm ăn ngủ với cây lúa như ổng đâu?”.
Nhắc đến lúa, đôi mắt vị giáo sư già như bừng sáng. Chuyện đến với cây lúa, với cái “GlobGap” dài lắm, mà cũng ân tình lắm! ông gắn bó với cây lúa như một định mệnh. Gắn với cây lúa vì... nghèo. Thuở thiếu thời, ông lên Sài Gòn vừa làm thuê, bán báo, vừa đi học để thoát nghèo. Nhưng nghèo quá, không có tiền du học ở Anh, Mỹ, Pháp, ông đành học Đại học Nông nghiệp Los Banos (Phi-líp-pin). Ông trở thành giáo sư tại Viện Lúa quốc tế tại Phi -líp-pin.
Năm 1971, ông nhận được bức thư của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Đại học Cần Thơ: "Cả miền Tây không có ai chuyên nghiên cứu về lúa cả. Rất cần người như anh...". Thế là ông trở về, về với cây lúa đất mẹ dù phải vừa dạy học vừa đi làm thêm cho một công ty hóa chất. Rồi ông qua Nhật làm bằng tiến sĩ về cây lúa sau đó trở về, chỉ 20 ngày trước ngày giải phóng. Có Tết, ông xin đóng cửa Đại học Cần Thơ, cùng hàng trăm sinh viên tỏa về thôn xóm giúp dân chống rầy. Có những mùa hè bỏng rát, ông dầm mình dưới ruộng cùng bộ đội xử lý phèn Đồng Tháp Mười.
Nông dân cả miền Tây muốn hỏi ông về cây lúa. ông mày mò, xin mở chương trình khuyến nông trên truyền hình Cần Thơ rồi lặng lẽ sang Nhật mua máy móc thu phát mang về, tự làm đạo diễn, tự quay phim, tự biên tập, tự trình bày trên sóng...
Năm 2007, ông nghỉ hưu ở Trường Đại học An Giang. Có lô đất nhà trường tặng ông dưỡng già nhưng nghĩ thương nhiều giảng viên chưa có nhà ở, ông tặng lại cho anh em. Năm 2010, ông được mời về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, cứ ngỡ cái duyên với cây lúa tạm dừng. ông tâm sự: “Gần 40 năm giúp nhà nông trồng lúa, tôi tự hào đã góp phần tăng năng suất, để Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Nhưng còn một điều khiến tôi mãi trăn trở: Vì sao nông dân làm ra lúa ngày càng nhiều mà chưa giàu?”.
Bài toán còn chưa có lời giải thì một ngày nọ, ông bất ngờ được doanh nhân, Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến trao đổi: Chị cũng rất quan tâm tới việc giúp nông dân thoát nghèo. Ngoài chương trình cho nông dân vay vốn, chị đang ấp ủ chương trình sản xuất gạo sạch để xuất khẩu sang thị trường âu -Mỹ. Qua tìm hiểu, chị nhận thấy, các nước tiên tiến không chỉ chú ý chất lượng của sản phẩm mà còn rất quan tâm tới nguồn gốc nên trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP chính là cách tốt nhất để “nâng tầm” hạt gạo, để “hạt gạo làng ta bước ra thế giới”.
Chị Yến cũng đã đưa nội dung này vào chương trình hành động Đại biểu Quốc hội của mình. Chị mời ông tham gia dự án của mình. ông còn ngần ngại thì chị nói:- Anh Ba à! Anh làm khoa học tăng năng suất lúa thì chỉ có thể giúp nông dân bớt nghèo. Muốn giúp bà con làm giàu được thì phải xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường cao cấp.
Ý tưởng lớn gặp nhau. ông nhận lời chủ trì dự án xây dựng vùng sản xuất lúa sạch Global GAP để xuất khẩu, trước mắt triển khai ở 4 huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức của tỉnh Long An. Huyện đầu tiên được triển khai là Đức Huệ, huyện khó khăn nhất của tỉnh Long An. Công ty Cổ phần Đầu tư Nghiên cứu và Sản xuất gạo thơm ITA -RICE được thành lập.
Chủ trương liên kết “4 nhà” gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước đã có từ lâu nhưng quá trình triển khai không dễ. Có doanh nghiệp vào cuộc chỉ để bán thuốc sâu, không giúp nông dân được nhiều. ông nhận thấy rất cần có sự vào cuộc toàn diện của “nhà doanh nghiệp” như ý tưởng mà chị Yến đưa ra. Nhà nông rất khó khăn về vốn nên khó mở rộng sản xuất. Nhà doanh nghiệp sẽ đứng ra tổ chức sản xuất, cấp vốn bằng giống lúa, thuốc trừ sâu, phân bón và thu mua sản phẩm để sản xuất trên một diện tích lớn cùng một giống lúa chất lượng cao.
Chính theo cách này mà Thái Lan đã thành công và gạo Thái Lan có mặt khắp âu -Mỹ. Làm theo mô hình mà chị Yến xây dựng, sẽ có rất nhiều cái lợi cho nhà nông. Nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm tổ chức sản xuất chế biến để bảo đảm chất lượng gạo, khi đó 60% giá thành được tăng lên nhờ chế biến và vận chuyển, giá lúa chỉ chiếm 40% thôi. Chỉ có doanh nghiệp mới có thể sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp hóa và tìm được thị trường nước ngoài nhanh chóng, hiệu quả. Chỉ có cách làm của doanh nghiệp mới xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam .
Hiện nay, gạo Việt Nam chỉ xuất được với giá 500 USD /tấn trong khi gạo Thái Lan được 800 USD /tấn. Chỉ cần tăng thêm 100-200 USD cho 7 triệu tấn gạo xuất khẩu thì cả nước đã có thêm hàng tỷ USD, một con số không hề nhỏ.
Nguồn lợi có thể nhìn thấy nhãn tiền như vậy nhưng hiện nay Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho sản xuất lúa Global Gap. Chỉ có “nhà khoa học” và “nhà doanh nghiệp” vào cuộc. Từ mô hình mà ông cùng một vài doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng, ông bỏ công sức, trí tuệ, còn doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư toàn bộ, mỗi mô hình cũng chỉ được vài chục đến vài trăm héc -ta. Khó đấy, nhưng chắc chắn sẽ thành công.
Chị Yến cùng ông đã tính đến những tương lai rộng lớn hơn khi Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chính sách hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp vay vốn để sản xuất trên quy mô lớn hơn. Dân số thế giới hiện là 7 tỷ người, trong đó 50% ăn cơm hằng ngày và như con số của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) công bố, thế giới mới cung cấp được một tỷ tấn gạo, còn thiếu 400 triệu tấn mỗi năm và còn gần một tỷ người đói trong khi ASEAN chiếm tới 57% lương thực xuất khẩu của thế giới; Thái Lan và Việt Nam là hai nước nhất nhì. FAO cũng dự báo giá gạo năm 2020 sẽ tăng gấp hai lần, hạt gạo Việt Nam sẽ còn nhiều tiềm năng.
Lại hăm hở lên đường. Lại đến với những vùng quê nghèo khó. ở tuổi 72, Giáo sư Võ Tòng Xuân lại lội bùn, lại ra đồng khuya sớm. Đã có cả ngàn lần lội ruộng với nông dân nhưng đây sẽ là lần lội ruộng mà ông hy vọng sẽ giúp được nông dân nhiều nhất. Sẽ có rất nhiều việc đến tay giáo sư như: Đầu tư nghiên cứu, biến đổi công nghệ gien và thử nghiệm các giống lúa thơm chất lượng cao, thành lập nông trường sản xuất lúa thơm, tổ chức cán bộ vị tư vấn Global Gap, giám sát, hỗ trợ nông dân, đăng ký cấp giấy chứng nhận, cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua bao tiêu sản phẩm...
Hôm chúng tôi đến Đức Huệ, thấy trong đoàn cán bộ có cả chị Nguyễn Hồng Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang cũng về hướng dẫn nông dân. Chị kể: “Tôi ở tận Tiền Giang nhưng thầy mời tham gia dự án. Xa xôi vất vả nhưng nghĩ thầy đã ngoài 70 mà vẫn hết mình với bà con, tôi thấy mình càng phải cố gắng”.
Ông Nguyễn Văn Tha, nông dân xã Mỹ Hưng Đông tâm sự: “Tiêu chuẩn Global GAP có nhiều quy định thật khắt khe như hộ sản xuất lúa phải có nhà vệ sinh tự hoại, không được dùng hố tiêu kiểu... bờ kênh như trước. Nhìn hình ảnh Giáo sư Xuân tới từng nhà, dắt chúng tôi ra từng hố tiêu giảng giải, khiến ai cũng thấm thía. Lịch lãm như giáo sư mà còn chẳng quản ngại, huống chi mình? Cái tình của giáo sư dường như cũng ngấm sang anh em kỹ sư trẻ khác”.
Để có những cánh đồng vàng sẽ thu hoạch vào năm 2012 và để được cấp chứng chỉ, sẽ có chuyên gia Đức sát hạch, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có rất nhiều ngày đêm ăn ngủ trên cánh đồng. ông thương nông dân, nhưng người Đức cấp chứng chỉ thì không châm chước. ông lo từ lúc chọn giống lúa, chọn mấy giống lúa thơm thuần Việt gửi qua nước ngoài tặng bạn bè, cho họ ăn thử rồi chọn ra hai loại “Tây thích nhất”.
Sang Mỹ dự hội thảo, đâu có siêu thị bán gạo là ông tìm đến. Ngày về, sổ tay của ông đã có một tổng kết thật bổ ích: “Tại sao 100% các siêu thị của người Việt ở Mỹ vẫn bán gạo Thái Lan?”. Nếu có gạo Việt Nam tốt, chỉ cần đưa vào hệ thống này, đủ xuất hơn 10.000 tấn gạo /năm. Lúa đồng đang trổ bông, giáo sư lại chân ướt chân ráo về kiểm tra nhà máy chế biến gạo bên bờ kênh Tân Đức...
Trong câu chuyện với phóng viên, giáo sư nhiều lần nhắc đến nghị quyết của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ông hy vọng rằng, tự thực tiễn những chuyến lội đồng của ông cùng doanh nghiệp, sẽ xuất hiện thêm những mô hình mới được đi vào nghị quyết...
Ý tưởng mới nhưng triển khai còn không ít khó khăn. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay, mô hình ở Mỹ Thành Nam ban đầu chỉ có mười mấy người tham gia, đến vụ sau mới có được hơn trăm người. Còn mô hình ở Đức Huệ, dự tính ban đầu có 117 người tham gia, nhưng lúc thả giống chỉ có 86 người. Nông dân còn ngại cái mới và còn nghe ngóng nhưng giáo sư và doanh nghiệp không nản.
Ông cho biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi còn là Phó thủ tướng Chính phủ có lần nghe giáo sư trình bày mô hình đã rất tán thành, biểu dương, yêu cầu khi nào thành công sẽ báo cho ông biết để ông vào thăm và nếu tốt sẽ hỗ trợ. Nếu mọi việc thành công, giáo sư sẽ trình mô hình lên Quốc hội, Chính phủ và ông tin rằng, sẽ mở ra triển vọng đưa hàng triệu nông dân thoát nghèo.