Giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Hữu Phát
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Trần Hữu Phát bắt đầu từ năm 1960 khi tham gia xêmina vật lý lý thuyết đầu tiên tại Việt Nam do GS.TS. Nguyễn Hoàng Phương khởi xướng và lãnh đạo. Nhiều thành viên của xêmina này đó trở thành các nhà vật lý lý thuyết suất sắc của nước ta như GS.TSKH. Nguyễn Văn Hiệu, PGS.TS. Phạm Quý Tư v.v. Năm 1962 Trần Hữu Phát đã trình bày công trình nghiên cứu đầu tiên của mình tại Hội nghị Khoa học trường ĐH Tổng hợp Hà nội về không gian 6-chiều với độ cong không đổi, mở rộng những kết quả của Nguyễn Hoàng Phương cho tương tác điện từ, theo đó hai chiều không gian dư (extra) co lại.
Vào thời gian này, phương hướng mở rộng không - thời gian vật lý 4 chiều đ ểthống nhất các tương tác được ít người quan tâm, thậm chí nhiều nhà vật lý ở một số nước cũng phản đối. Chỉ đến những năm 1978-1985 phương hướng này mới được được phát triển rất mạnh trên thế giới, xuất phát từ mở rộng không-thời gian 5 chiều của Kaluza-Klein. Trong những năm 1950-1970 việc nghiên cứu tính chất giải tích của các biên độ tán xạ trong lý thuyết trường và hạt cơ bản đạt được những thành tựu to lớn với sự ra đời hàng loạt các định lý nổi tiếng như định lý Froissart, định lý Pomeranchuk v.v... Người ta coi đây là sản phẩm đặc thù của lý thuyết trường lượng tử, định xứ tương đối tính. Trong một loạt công trình công bố trên các tạp chí vật lý nước ngoài từ 1968-1970, Trần Hữu Phát đã chỉ ra rằng hoàn toàn có thể thu được các định lý trên, xuất phất từ một lý thuyết trường lượng tử, không định xứ tương đối tính. Đây là nội dung luận án phó tiến sỹ bảo vệ năm 1973. Sau năm 1970 việc nghiên cứu trường chuẩn (gauge) trở nên hết sức sôi động, đặc biệt sau khi Gross, Wilczek và Politzer phát hiện ra tính tiệm cận tự do của các trường chuẩn không Abel vào năm 1974 (được giải thưởng Nobel vào năm 2004), Trần Hữu Phát đã nghiên cứu dáng điệu năng lượng cao của các biên độ tán xạ trên cơ sở nhóm tái chuẩn hoá trong lý thuyết trường lượng tử, đặc biệt là các trường có tính tiệm cận tự do và công bố kết quả nghiên cứu trong một loạt công trình đăng trên các tạp chí vật lý quốc tế vào các năm 1975-1976. Đây là nội dung của luận án tiến sỹ khoa học bảo vệ năm 1976. Do phát hiện của Gross, Wilczek và Politzer mà Sắc động lực học lượng tử (QCD) được phát triển rất nhanh trong miền năng lượng cao. Tuy nhiên việc tính toán trở nên rất khó khăn nếu ta nghiên cứu các quá trình vật lý phức tạp. Vì vậy việc xây dựng các mô hình đơn giản cho tương tác quark - gluon trở nên cấp bách, đặc biệt cho nghiên cứu hạt nhân năng lượng cao, tại đó có thể bậc tự do quark-gluon đóng vai trò quan trọng. Trần Hữu Phát và các cộng sự đã đưa ra mô hình parton dây chuyền với kết quả tính toán rất phù hợp thực nghiệm về phóng xạ năng lượng cao lepton-hạt nhân, đặc biệt là hiệu ứng EMC. Những kết quả này được đăng trên một lọat bài báo ở nước ngoài và là nội dung luận án tiến sỹ của Lê Sỹ Hội năm 1991. Từ năm 1995 Trần Hữu Phát tập trung áp dụng phương pháp tác dụng hiệu dụng trong lý thuyết trường lượng tử vào các lĩnh vực khác nhau như lý thuyết hạt nhân, hạt cơ bản và lý thuyết chuyển pha, và đã thu được một số kết quả chính xác, được công bố trên các tạp chí vật lý quốc gia và quốc tế: i/ Đã chỉ ra rằng cực tiểu của tác dụng hiệu dụng tương ứng với hàm truyền gluon bằng không trong mô hình Đối xứng mầu của QCD; ii/ Đã cho các tính toán bằng số phù hợp tốt với thực nghiệm khi nghiên cứu chất hạt nhân; iii/ Đã chỉ ra rằng chuyển pha chiral là chuyển pha loại 1 ngay cả khi ta tính tới sự đóng góp của các giản đồ nhiều loop. Đây là nội dung các luận án tiến sỹ của Phan Hồng Liên (bảo vệ 2000), Nguyễn Tuấn Anh (2002) và Lê Viết Hoà (2004).
GS.TSKH. Trần Hữu Phát đã từng giảng dạy ở Khoa Vật lý ĐH Tổng hợp Hà Nội, giữ các chức vụ Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quân đội và Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt nam. Ngoài nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ, ông cũng đã có nhiều đóng góp cho ngành Năng lượng nguyên tử nước nhà, cho Hội Vật lý toán, và Hội Vật lý Việt Nam .
Nhân dịp này các bạn bè và đồng nghiệp xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới GS.TSKH. Trần Hữu Phát.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn
PGS Phạm Công Dũng
TS Phạm Phúc Tuyền
TS Phan Hồng Liên
TS Nguyễn Anh Tuấn
TS Lê Viết Hoà
Nguồn: Vật lý ngày nay, số 2/2006, tr 34 – 35