Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn: Tận hiến cho khoa học
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 84 tại tư gia ấm cúng của mình. Đông đảo học trò thuộc nhiều thế hệ, đặc biệt cả các bạn trẻ sinh viên đều đến dự sinh nhật, quây quần bên giáo sư trong những giây phút ngập tràn niềm vinh hạnh thiêng liêng của đạo thầy trò.
Mặc dù sức khoẻ đã yếu, căn bệnh tiểu đường hành hạ hơn 5 năm nay, song hiếm có một nhà khoa học nào ở độ tuổi này vẫn có được một dung nhan tướng mạo hồng hào, đẹp lão đến như vậy. Không chỉ với thể lực, giáo sư vẫn ngày đêm miệt mài với công việc viết lách và nghiên cứu khoa học. Cứ đều đặn một tuần, giáo sư lại viết xong một bài báo cho các tạp chí khoa học trong nước. Sức làm việc của một người quá tuổi xưa nay hiếm quả thật là phi thường.
Nhà khoa học tận tụy
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn có tên trong cuốn Tiểu sử danh nhân của Viện Tiểu sử Danh nhân Quốc tế Hoa Kỳ năm 2001 nhờ những đóng góp tiêu biểu trên hai lĩnh vực toán học và giáo dục. Ngoài những chức danh như Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân, nhà toán học… Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn được thế giới biết đến như một danh nhân khoa học thế giới qua phát minh nổi tiếng của ông mang tên: "Hình học siêu phi Euclid ". Năm 2004 và 2005, ông còn được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ cấp bằng Viện sỹ nổi tiếng, và "những bộ óc vĩ đại của thế kỷ XXI" cho ông.
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã từng viết 26 cuốn sách và hơn 650 bài báo về giáo dục. Ông làm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam , Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ trong hơn 40 năm liên tục. Suốt một đời trăn trở và tận hiến cho giáo dục, ông chính là người đã đề xuất chủ trương đào tạo phó tiến sĩ và tiến sĩ ở trong nước, vì căn cứ vào số người đủ khả năng và trình độ để làm luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ thì nhiều nhưng chỉ tiêu gửi đi nước ngoài thì hạn hẹp.
Khi 3 luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ thành công ngày 23/4/1970 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thì Nhà nước Việt Nam chính thức quyết định mở hệ nghiên cứu sinh trong nước. Nhờ đó mà đã có hàng trăm phó tiến sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở Việt Nam .
Ông còn là người đề xuất phong trào "Dạy tốt- Học tốt" tại các khoa trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong những năm cuối thập niên 60, xây dựng phong cách giảng dạy mới, phong cách học tập mới, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Phong trào này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm chiến tranh.
Trong tuyển tập "Bàn về giáo dục Việt Nam ", ông đã viết một số quan điểm của mình, ông quan niệm: "… Tư duy và nhân cách quan trọng hơn kiến thức… Người thầy dở là người chỉ đem kiến thức cho trò, người thầy giỏi là người biết đem đến cho họ cách tìm ra kiến thức".
Về phương pháp tư duy và tự học của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã bộc lộ thiên hướng xuất sắc ngay từ thuở thiếu thời. Từ năm lớp 6, lần đầu tiên giáo sư đi tàu hoả, ông đã tò mò nghiên cứu và tìm ra được đáp án cho câu trả lời: "Đoàn tàu có tốc độ trung bình là bao nhiêu" và ông đã tìm ra phương pháp nhìn đồng hồ và đếm nhịp là biết được tốc độ tàu.
Cứ thế, cách học qua thực tế, học qua sách và tự mày mò nghiên cứu, ông đã từ lớp 11 nhảy lên học lớp 13 (hồi đó hệ thống học phổ thông là 13 lớp). Đỗ tú tài xong, ông chỉ học đại học được 5 tháng thì Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), và từ đó trở đi, các biến cố lịch sử không cho phép ông trở lại trường học mà hoàn toàn tự học, tự nghiên cứu.
Trăn trở với nền giáo dục hiện nay
Mặc dù tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, mắt mờ chân run, nhưng các vấn đề giáo dục vẫn là mối quan tâm hàng đầu, nỗi trở trăn, day dứt luôn chảy trong huyết quản của ông. Ông cho rằng, giáo dục Việt Nam từ sau chiến tranh đến nay gặp rất nhiều khó khăn bởi không tuân theo đúng quy luật khách quan.
Ông viết: “Đối với giáo dục, quy luật cơ bản nhất là nội lực quyết định chất lượng học tập, ngoại lực là quan trọng và trong chừng mực nào đó, nó kích thích được nội lực. Quy luật ấy rất cơ bản mà giáo dục Việt Nam lại không tuân thủ.
Bằng chứng là điều 15 của Bộ luật Giáo dục theo tôi chưa đúng (vấn đề này tôi đã phát biểu thẳng rất nhiều lần trên báo chí, trên các diễn đàn khoa học). Nó không đúng ở chỗ luật ghi rõ thầy giáo quyết định chất lượng giáo dục. Thầy quyết định chứ không phải là trò. Có nghĩa là người học không quyết định chất lượng mà người hướng dẫn, người giúp đỡ người học mới là quyết định chất lượng giáo dục.
Bộ Giáo dục rất coi nhẹ việc giáo dục từ xa. Học từ xa cơ bản là hướng dẫn cho người học tự học là chính. Hiện nay thực trạng học từ xa ở nước ta rất yếu, so với Thái Lan, ta còn thua xa. Bộ Giáo dục có kêu gọi học từ xa nhưng lại không có một sự hướng dẫn, không có giải pháp cụ thể cho việc học từ xa, cho nên mới xảy ra hiện tượng đánh trống bỏ dùi. Học sinh Việt Nam đỗ tú tài rồi nhưng vẫn chưa quen với sự tự học. Do vậy học sinh rất yếu kỹ năng tự học.
Cháu tôi khi đỗ vào đại học, tôi hỏi cháu học như thế nào, cháu bảo nhàn hơn ở phổ thông, tôi lắc đầu thất vọng. Chứng tỏ, chúng không biết rằng lên đại học rồi, thầy giáo rút gọn chương trình lên giảng đường nghe giảng bằng cách cho sinh viên tự học, tự đọc sách, lên thư viện học. Lẽ ra học sinh phải biết thời gian rỗi ấy là dành cho việc tự học.
Vấn đề bất cập thứ ba là, học sinh Việt Nam thi đại học, dẫu có đạt trung bình các môn 9 điểm vẫn trượt đại học như thường, vì trường đại học đó lấy điểm chuẩn 27,5, học sinh thi được 27 điểm tức là trượt. Một kỳ thi đại học như một cái đập chặn đứng dòng sông. Nhưng ngăn sông bằng đập thủy lợi thì người ta còn phải làm hệ thống phối hợp rất rộng như làm hồ chứa nước, kênh mương, nhà máy thủy điện... Còn thi đại học giống như làm cái đập chắn nước trơ ra một mình giữa sông, nước còn lại không biết chảy đi đâu.
Chủ trương thắt chặt đầu vào để nâng cao chất lượng đã phá huỷ cả việc nâng cao chất lượng học, bởi số 85% trượt đại học lại chạy đua luyện thi để năm sau đỗ. Cách dạy và học như thế là hỏng cả một thế hệ. Tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục cứ muốn nắm lấy việc thi đại học này là rất bất cập. Trường đại học là trường dạy nghề cao cấp, vậy để cho trường dạy nghề đó tự tuyển chọn lấy học sinh của mình chứ sao lại để Bộ chọn.
Đã có một kỳ thi theo chương trình phổ thông là thi tốt nghiệp phổ thông rồi, sao thi vào đại học lại tiếp tục thi theo chương trình phổ thông lần hai. Thật phi lý.
Nghịch lý nữa là trong những năm qua, ta đoạt rất nhiều các giải thưởng quốc tế, nhất là toán quốc tế. Nếu căn cứ vào giải thưởng thì Việt Nam là một cường quốc toán. Trong khi đó các bằng sáng chế của Việt Nam lại rất ít.
Tôi lấy ví dụ cụ thể, trong 13 năm, số bằng sáng chế của Việt Nam bằng số bằng sáng chế của Nhật trong 1 ngày. Hàn Quốc trong năm 2002, số bằng sáng chế của họ cao gấp một ngàn lần số bằng sáng chế của Việt Nam . Như vậy Việt Nam vẫn là nước nghèo so với các nước châu Á là vì thế”.
Tận hiến cho khoa học giáo dục
Trong cái lạnh giá của hơi rét cuối năm Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn vẫn một diện mạo phương phi, một gương mặt chữ điền phúc hậu với mái tóc chải ngược đã một màu trắng xoá như cước trên vầng trán cao thông tuệ. Ông dậy từ sáng sớm, mặc complê, thắt cà vạt và chải tóc thẳng tắp, tề chỉnh để đón tôi theo như đã hẹn.
Phong cách của một nhà giáo, một nhà khoa học, một danh nhân dường như thật mẫu mực và mô phạm, ngay cả khi họ đã rời xa những chức tước và danh vọng địa vị ấy, và ngày một gần đất xa trời hơn thì lối sống, sự mực thước trong con người của giáo sư vẫn vẹn nguyên như vốn đã có sẵn từ trong máu thịt.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn yếu hơn nhiều trong sự di chuyển. Ông bị thoái hoá xương chậu, vì vậy các khớp xương từ thắt lưng trở xuống đã trở nên rời rạc, lỏng lẻo, khiến cho ông đi lại rất khó khăn, đau đớn nhiều hơn.
Đã 14 năm nay, người bạn đời tri âm tri kỷ của ông rời bỏ ông về với thế giới bên kia. 14 năm, xét về nghĩa phu thê, ông đơn lạnh gối chiếc bên đàn con cháu chắt. Và dù con cháu chắt có đầy đủ sum vầy thì nỗi cô đơn của ông đã tiễn bà về với tổ tiên trước dẫu sao vẫn làm cho ông thiếu hụt một khoảng đơn lạnh trong tình cảm. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”là lẽ đương nhiên mà cha ông ta đã đúc kết. Dù các con cháu của ông đều thành đạt và hiếu thảo thì dẫu sao ông vẫn thấy thiếu hụt một bàn tay của bà nhà đã bỏ ông đi xa.
Con người suốt một đời tận hiến cho khoa học, giờ đây lại càng chăm chút ngày đêm còn một chút sức tàn vẫn ngày ngày say mê tìm tòi nghiên cứu vun đắp cho sự nghiệp giáo dục, cho những trở trăn và hoài bão mong muốn một nền giáo dục hiện đại phát triển hơn, thực chất hơn và bền vững hơn.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cho biết, từ khi bước sang tuổi 80, ông đã nghỉ hẳn các chức vụ quản lý, chỉ giữ lại hai chức danh mà ông muốn nghỉ mọi người cũng quyết chưa cho ông nghỉ, đấy là: Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm nghiên cứu và phát triển tự học và Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Tiểu sử phục vụ giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mặc dù nghỉ các chức giám đốc, quản lý vì sức khoẻ không cho phép, song hiện nay một ngày ông dành 6 tiếng ngồi vào bàn viết để viết bài cung cấp thường xuyên định kỳ cho các số tạp chí như: Tạp chí Dạy và học ngày nay; tạp chí Trí Tuệ của Hội các Trường đại học ngoài công lập; Báo Khuyến học và Dân trí; Báo Giáo dục và thời đại; Báo Khoa học và phát triển và hai tờ báo của quê hương Nghệ An, nơi ông sinh ra và lớn lên là tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, và tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn tỉnh Nghệ An.
Từng ấy tờ báo và tạp chí gần như số nào ông cũng có bài cộng tác. Sức làm việc và khả năng làm việc của ông ở độ tuổi 84 trong một thể trạng bệnh tật như thế, quả là phi thường. Ở các tờ báo và tạp chí này, một bài viết có tính chất nghiên cứu khoa học như của ông nhuận bút cao nhất chỉ độ vài trăm ngàn. Ông viết không phải là để lấy nhuận bút, mà viết như một nhu cầu cống hiến và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm của ông với thế hệ hôm nay.
Tạp chí do ông sáng lập ra là tờ “Dạy và Học ngày nay”. Ông đã làm việc cho tạp chí đến khi nó trở thành tạp chí chính thức thì ông thôi làm Tổng biên tập, thế nhưng 10 năm nay, gần như số nào ông cũng có bài nhưng chưa hề một lần lấy nhuận bút. Ông nói, nó là đứa con mình đẻ ra, phải nuôi nó, ủng hộ nó cứng cáp khoẻ mạnh và có ích cho đời là phần thưởng quý giá nhất đối với ông rồi.
Rồi ông di chuyển như một rôbốt chậm, hai chân cừng đờ vì đau mỏi do thoái hóa khớp, lần tìm trên bàn làm việc gọn gàng ngăn nắp của ông những bản thảo chưa ráo mực. Tôi cầm trên tay những bản thảo viết tay, nét chữ khỏe khoắn mạch lạc chứa đựng tâm huyết của một giáo sư suốt một đời tận hiến cho nền giáo dục nước nhà, thấy khóe mắt mình cay cay.