Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/11/2011 18:36 (GMT+7)

Giáo sư Hoàng Tụy và những chuyện "rủi mà may"

Với những đóng góp to lớn cho ngành toán tối ưu toàn cục, tháng 9/2011, Giáo sư Hoàng Tụy vinh dự nhận giải thưởng Constantin Caratheodory - giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học lừng danh người Đức (gốc Hy Lạp).

“Tôi từng thi trượt vì môn ám tả”

Là một nhà toán học hàng đầu Việt Nam và được giới toán học cả thế giới nể trọng nhưng kể về thời cắp sách của mình, Giáo sư Hoàng Tụy cười hể hả bảo: “Tôi cũng từng thi trượt.”

Khuôn mặt vị giáo sư đã ngoại bát tuần bỗng giãn ra đầy thư thái, như đang sống lại cả một thời thơ ấu đã xa xưa lắm, ngày ông còn là một cậu học trò lớp dự bị, tương đương lớp 2 bây giờ.

Bậc tiểu học khi đó học 6 năm, sau ba năm đầu thi lấy bằng Yếu lược, học thêm ba năm nữa thi bằng Tiểu học. Mặc dù mới học lớp 2 nhưng vì thấy em học sáng dạ nên anh trai đã khuyến khích cậu em Hoàng Tụy thi bằng Yếu lược, nghĩa là thi trước một năm.

Gần 70 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nhớ rất rõ: “Tôi làm các môn khác rất tốt, nhưng lại trượt vì môn ám tả [tức môn chính tả - PV]. Bài thi là bài tả hai con đường, một con đường rộng rãi thênh thang, một đường thì quanh co khúc khuỷu. Tôi chịu, không biết viết chữ khuỷu như thế nào,” thầy Tuỵ vừa kể, vừa cười hỉ hả, nụ cười đầy hạnh phúc của một người già đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống khi nghĩ về một thời hồn nhiên trong sáng.

Học trò cưng của Hoài Thanh

Kể về ngày thơ ấu, thầy Tuỵ bảo đời ông có cái may là được học với nhiều người thầy giỏi. Ngày tiểu học là các thầy Lê Trí Viễn (hiện là giáo sư văn học hàng đầu Việt Nam ), thầy Khương Hữu Dụng (một nhà thơ nổi tiếng). Lên bậc trung học thì có thầy Hoài Thanh, Cao Xuân Huy.

Với sự dìu dắt của các thầy nên dù chỉ học ở trường làng nhưng Hoàng Tuỵ đã xuất sắc đỗ loại ưu vào trường Quốc học Huế, ngôi trường nổi tiếng nhất Trung kỳ lúc bấy giờ.

Ai cũng biết Giáo sư Hoàng Tuỵ là cây đại thụ lừng lững trong nghiệp toán, nhưng có lẽ không ít người bất ngờ khi biết rằng thời học sinh, ông lại là cậu học trò xuất sắc của nhà phê bình văn học số một Việt Nam – Hoài Thanh.

Trong khi bạn bè trong lớp chỉ mong được 6-7 điểm của thầy Thanh đã là may mắn thì điểm số của Hoàng Tuỵ luôn luôn là 8,5 điểm. “Lúc đó, thầy Thanh đang soạn cuối Thi nhân Việt Nam . Ông cũng cứ nghĩ rằng tôi sẽ theo nghiệp văn,” thầy Tuỵ kể.

Cũng vì giỏi môn văn nên khi học “nhảy cóc” tới hai lớp ở bậc trung học, Hoàng Tuỵ gần như không cần phải lo lắng gì môn học này mà chỉ tập trung học toán để đuổi kịp bạn bè.

Học văn rất giỏi nhưng sau một trận ốm thập tử nhất sinh, ông lại nhận ra mình ham mê toán và khát khao trở thành một nhà khoa học.

Trong cái rủi, có cái may

Thầy Tuỵ bảo mình vốn yếu từ bé. Ngày 2-3 tuổi cứ ốm dặt dẹo còi cọc mãi. Đến khi đang là học sinh năm thứ hai trường Quốc học Huế thì bị ốm một trận thập tử nhất sinh, liệt nửa người, phải nằm một chỗ. “Mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt, bà nghĩ không thể cứu được tôi. Nhìn tôi nằm bẹp trên giường, bà đồ rằng tôi có sống thì cũng bị tật suốt đời.”

Vì trận ốm ấy, Hoàng Tuỵ phải nghỉ học, ở nhà một năm. Nhưng chính trong những ngày ấy, một ngọn lửa đam mê với toán học bắt đầu nhen nhóm trong ông.

Ở nhà một năm, nửa năm nằm, nửa năm dưỡng, nửa năm ốm li bì, nửa năm hồi phục. Trong nhà các anh đi dạy nên có nhiều sách, ông mang ra tự học. “Tình thế bắt buộc như thế. Đó là một năm rủi nhưng lại có cái may. Tôi có dịp suy nghĩ về nhiều thứ và chính trong thời gian đó tôi mơ ước làm khoa học,” thầy Tuỵ chia sẻ.

Khỏi bệnh, Hoàng Tuỵ trở lại trường và nhanh chóng trở thành học sinh xuất sắc nhất lớp, được nhận học bổng toàn phần. Đây là một học bổng rất ít học sinh đạt được vì nó có giá trị đến 12 đồng Đông Dương, trong khi ăn cơm cả tháng cũng chỉ hết có 3 đồng, một bát phở chỉ 3 xu. Ngoài ra, còn được ở ký túc xá miễn phí.

Nhưng những trận ốm liên miên khiến việc học ở một ngôi trường nổi tiếng khá mệt với sức của Hoàng Tuỵ. Ông đành làm một việc hơi ngược với người đời là bỏ trường điểm, bỏ học bổng, xin ra học trường tư.

“Ra tường tư tôi lại có may mắn học được những người thầy như thầy Hoài Thanh, Cao Xuân Huy…” thầy Tuỵ cười nói.

Đi bộ vượt Trường Sơn tầm sư học đạo

Năm 1951, được tin Tiến sĩ Toán học Lê Văn Thiêm mới từ nước ngoài trở về và mở trường đại học ở Việt Bắc, Hoàng Tuỵ khăn gói lên đường để tầm sư học đạo.

Không có xe nên từ xứ Quảng, ông phải đi bộ ròng rã mấy tháng trời. Đến Thanh Hóa thì hết tiền, ông phải ở lại đó hai tháng, đi dạy tư để kiếm tiền làm lộ phí.

Nhưng đặt chân được ra Việt Bắc thì ông lại nhận được tin ngôi trường mình định theo học sẽ không được mở. Kiểm tra thử năng lực của anh sinh viên hụt này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là Nguyễn Khánh Toàn đã không khỏi giật mình. Ông quyết định điều Hoàng Tuỵ sang Nam Ninh, Trung Quốc dạy trường Trung cấp Sư phạm của ta đặt nhờ trên đất bạn.

Từ một người chủ tâm đi học, ông lại làm thầy. Từ muốn làm học trò của Tiến sỹ Lê Văn Thiêm, giờ ông là đồng nghiệp.

Với những thành tích xuất sắc trong giảng dạy, ông được giao nhiệm vụ phụ trách cải cách giáo dục, được cử sang Liên Xô học rồi trở thành một nhà toán học hàng đầu Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới.

“Nếu có gì có thể nói là kinh nghiệm cho người trẻ thì theo tôi, phải có một đam mê thực sự, có mơ ước và luôn luôn cố gắng thực hiện mơ ước ấy. Cho nên dù hoàn cảnh khó khăn, có rủi ro không thuận lợi nhưng có khi lại thành cái thuận lợi.

Thứ hai phải có niềm tin. Đó là phẩm chất rất quan trọng của người làm khoa học, phải tin việc mình làm không vô ích,” thầy Tuỵ chia sẻ.

Và thực sự, càng trò chuyện với ông, càng thấy rất rõ một tinh thần lạc quan rất lớn. Dường như không có khó khăn nào khiến cho ông nản. Với Giáo sư Hoàng Tuỵ, những điều rủi trong đời lại là những ngã rẽ mà luôn ẩn chứa kèm theo nó một may mắn.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.