Giàn phun diệt rầy hiệu quả
Nghe hỏi thăm nhà anh Dương Văn Thuận, mấy bác tài xe ôm ở ngã ba Thạnh Trị, Gò Công Tây (Tiền Giang) niềm nở: “Có phải Hai Thuận diệt rầy nâu?”.
Học hết lớp 9, anh Thuận ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng. “Đầu năm 2008, rầy nâu phá lúa dữ lắm, nông dân dùng bơm tay để phun thuốc”, anh nói “Gia đình tôi cấy 1,2 ha, phải mất 3 - 4 ngày vật lộn ở ngoài đồng để xịt thuốc”. Nhưng khi đi kiểm tra, dùng cây thước dài đè ngọn cây lúa xuống để nhìn dưới gốc thì thấy rầy vẫn còn sống. Anh buồn lắm, đêm nằm trăn trở suy nghĩ, từ đó đã nảy sinh ý tưởng làm một giàn phun thuốc trị rầy.
Anh Thuận cho biết: “Con rầy chủ yếu sống ở gốc và thân cây lúa, nếu tìm ra cách xịt thuốc tới tận gốc thì chắc chắn rầy sẽ bị chết”. Sau mấy đêm thức trắng với cây bút chì và chiếc thước kẻ học sinh, anh ra nhờ thợ hàn làm thiết bị theo bản vẽ, nhưng anh phải thiết kế đến bản thứ ba mới thành công. Thế là cái máy đầu tiên ra đời mang ký hiệu TY.01 và được sử dụng ngay trên diện tích lúa nhà mình; kết quả thật bất ngờ: các con rầy chết hết.
Anh nói: “Đây vẫn là máy bơm thuốc bằng tay, có gắn thêm giàn phun gồm một bộ khung sắt, được thiết kế như một xe trượt rộng 3 m với 6 đầu phun (béc) trên một ống dẫn thuốc gắn vào một thanh sắt có tác dụng gạt cho thân lúa ngã xuống để đầu phun bơm thuốc thẳng vào gốc lúa (nơi rầy tập trung cư trú). Với chi phí vật liệu khoảng 500.000 đồng, giàn phun 10 kg này giúp diệt được tới 90% rầy, với ưu điểm là khi người nông dân kéo xe trên mặt ruộng thì giàn phun tự động xịt thuốc ở phía sau, khiến người phun ít bị nhiễm độc”. Tuy nhiên anh Thuận vẫn chưa hài lòng với giàn phun ban đầu, anh lại mày mò nghiên cứu chế ra giàn phun thứ hai nặng 11 kg (TY.02). Với một ống dẫn thuốc dài 1,6 m, có gắn 8 đầu phun (chi phí vật liệu khoảng 600.000 đ). Qua thời gian sử dụng giàn phun TY.02, kết quả diệt rầy tốt, giảm chi phí 200.000 đ cho một lần phun. Song giàn phun này không sử dụng được cho cây lúa thời kỳ mới trổ bông (khi thanh gạt đi qua thì cây lúa ngóc đầu lên, thuốc xịt vào ngay bông lúa). Không nản chí, anh Thuận một lần nữa lại ngồi vẽ lại, chỉnh sửa kỹ càng thiết kế để cuối cùng cho ra đời “Bộ phụ kiện máy phun thuốc BVTV đa năng TY.03” (3/2009).
Anh Thuận cho biết giàn phun lần này gọn nhẹ hơn nhiều, chỉ nặng 3,5 kg, gồm ống dẫn dài 2,6 m (đường kính 1 cm) có gắn 8 vòi, hai cần điều chỉnh lên xuống theo kích thước của cây lúa; mỗi đầu vòi phun còn có hai cây “ngoe” (cây gạt lúa hình chữ V). Chi phí vật liệu giảm xuống chỉ còn 300.000 đ. Với bộ phụ kiện này máy phun có thể vận hành cho tất cả các thời kỳ phát triển của cây lúa, dùng để xịt thuốc trừ sâu (hoặc diệt cỏ) với mức hiệu quả trên 98%!
Sau khi những sản phẩm của anh Thuận ra đời, Hội nông dân, UBND xã và các cán bộ nông nghiệp của huyện, tỉnh đã xuống xem, công nhận đây là một sáng chế rất độc đáo và đề nghị anh mang giàn phun đi dự cuộc thi sáng tạo KHKT của tỉnh Tiền Giang (đã đoạt giải). Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân và cán bộ kỹ thuật trong và ngoài tỉnh tới tham quan, đã đặt mua giàn phun nhưng anh đều từ chối: “Tôi chỉ có cây bút bi và tờ giấy, làm sao có thể sản xuất hàng loạt được”, anh phân trần. Khi Sở khoa học - công nghệ tỉnh Tiền Giang đề nghị anh đăng ký bảo hộ sáng kiến, anh cũng không làm: “Tôi không đăng ký độc quyền, bà con nào tới hỏi cách làm giàn phun thì tôi cũng chẳng giấu giếm điều gì!”. Được hỏi về ý nghĩa của phiên hiệu TY, anh Thuận cho biết đấy là chữ tắt của tên ấp Thạch Yên - nơi anh sinh ra và đang sinh sống...