Giải pháp chống trộm xe mô tô đơn giản, hiệu quả
Nguyễn Văn Quyết và Vũ Trọng Dũng cùng là học sinh lớp 11A1, trường THPT Tam Dương II. Ở hai em đều có một điểm chung là thích khám phá, nghiên cứu về lĩnh vực khoa học- kỹ thuật. Là giáo viên phụ trách bộ môn vật lý, nhận thấy được niềm đam mê sâu sắc đó, thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà đã đứng ra hướng dẫn các em cùng thực hiện đề tài “Giải pháp chống trộm xe mô tô hiệu quả”.
Ý tưởng của đề tài xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày, khi xã hội hiện nay đang tiềm ẩn những tệ nạn về trộm cắp tài sản, đặc biệt là phương tiện đi lại cá nhân, với những chiếc xe mô tô, xe gắn máy có giá trị lớn. Đã từng chứng kiến những vụ mất trộm xe, mặc dù xe đã được chủ xe cẩn thận khóa cổ, khóa càng, nhưng kẻ gian có thể chinh phục các ổ khóa đó trong thời gian rất ngắn, các em nảy sinh ý tưởng, làm thế nào để kẻ gian dù có phá được khóa xe thì cũng không thể nổ máy để dễ dàng tẩu thoát được một chiếc xe “chết máy”. Để trả lời cho câu hỏi đó, các em đã thực hiện gắn thêm một công tắc bí mật đóng cắt hệ thống đánh lửa. Chiếc xe chỉ còn hoạt động được các chức năng như: đèn, còi, đề…. nhưng không nổ được máy, vì nhiên liệu trong xy lanh động cơ không được đốt cháy, do hệ thống đánh lửa không hoạt động. Đó cũng là nội dung cốt lõi của đề tài nghiên cứu nói trên.
Thầy và trò đã mất khoảng thời gian gần 3 tháng để hoàn thiện mô hình chống trộm xe mô tô. Để thực hiện mô hình này, cần chuẩn bị đủ các công cụ: 1 công tắc đóng cắt loại nhỏ (loại lắp ở đèn bàn), khoảng 1 m dây điện 0.5mm, tô vit, cờ lê các cỡ, băng cách điện, kéo, mỏ hàn thiếc, và 1 chiếc xe mô tô. Sau đó, tiến hành lắp đặt. Để làm cho bu-gi không đánh lửa được, cần cách điện cung cấp cho hệ thống đánh lửa của xe. Trước hết, tháo vỏ nhựa của xe, sau đó lần từ bu- gi đến môbil (cao áp) của xe sẽ thấy hai đầu dây điện cấp nguồn cho môbil; nối một trong hai dây đó thông qua một công tắc đóng cắt được đặt ở một vị trí trên xe sao cho đảm bảo bí mật, dễ thao tác, ví dụ đặt ở trong cốp xe (hiện nay đa số xe trên thị trường đều có cốp, và động tác bật, tắt công tắc chỉ mất thời gian không quá 1 giây).
Tuy rất giản đơn, nhưng đề tài đã chỉ ra được những điểm mới nổi trội. Phương án chống trộm theo cách này có mức chi phí rất thấp, chỉ khoảng 15.000 đ (mười lăm ngàn đồng) nhưng lại rất an toàn và hiệu quả hơn các cách như: lắp hệ thống định vị, chuông báo động, khóa cổ, khóa càng…. Vì với những cách đó, kẻ gian vẫn có thể vô hiệu hóa trong thời gian rất ngắn và trộm được xe. Thế nhưng, nếu lắp thêm công tắc đóng cắt mạch của hệ thống đánh lửa, đặt ở vị trí bí mật thì kẻ gian sẽ không thể phát hiện ra, hoặc nếu lắp trong cốp xe thì dù có biết vị trí công tắc, kẻ gian không những phải phá khóa cổ, khóa càng mà còn phải phá cả khóa bên để tìm công tắc đó. Việc làm này rất rườm rà và mất khá nhiều thời gian, khiến cho hành động trộm cắp sẽ dễ bị phát hiện. Đến nay, giải pháp này đã được lắp đặt thành công trên một số loại xe mô tô như xe số, xe ga của hãng Honda; xe số, xe ga của hãng Yamaha. Tuy nhiên, khi tiến hành lắp đặt hệ thống chống trộm này, cần lưu ý những điểm sau: Tránh để các phần dây điện chạm chập với nhau; khi đấu nối xong, phải cách điện tốt các mối nối; cuối cùng, cần chọn một vị trí kín đáo, chắc chắn trên phần thân xe để đặt công tắc.
Thầy Nguyễn Thế Dũng, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Có những sáng tạo thật đơn giản, hiệu quả nhưng không phải tự dưng mà nghĩ ra được. Thành công của mô hình này, một phần là nhờ tinh thần hăng say học tập, nghiên cứu không ngừng của cả thầy lẫn trò. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu học tập, sáng tạo của các em. Hy vọng, mô hình chống trộm này sẽ được nhân rộng trong mỗi gia đình”.
Phương pháp chống trộm này được thực hiện thành công giúp chúng ta có thể bảo vệ tài sản của mình mọi lúc, mọi nơi; góp phần hạn chế nạn trộm cắp xe mô tô, xe gắn máy. Với tính năng đơn giản, dễ lắp đặt, nhiều người có thể tự lắp đặt hệ thống chống trộm cho những chiếc xe của gia đình mình. Quan trọng hơn, thông qua quá trình nghiên cứu, giúp các em học sinh thêm yêu thích khoa học thực tiễn, kích thích sự say mê nghiên cứu khoa học ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.