Gia Lai: Người trồng tiêu đạt năng suất kỷ lục
Chúng tôi được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Gia Lai cho xe đưa tận nơi tham quan trang trại trồng tiêu của ông Nguyễn Văn quéo. Mục sở thị tại vườn tiêu của ông Quéo mới biết sự giỏi giang của một người vừa làm nông dân vừa làm chủ một doanh nghiệp. Tiêu của ông Quéo trồng bằng trụ bê tông, dây tiêu đã phủ kín trụ, cây nào cây nấy xum xuê, thẳng hàng đẹp như một bức tranh vẽ. Mặc dù vào mùa khô nhưng vườn tiêu vẫn xanh ngắt một màu, những chùm quả nằm xen trong kẽ lá báo hiệu một mùa tiêu bội thu.
Một người đàn ông, trạc tuổi ngoài năm mươi, khoẻ mạnh, bề ngoài trông rất tao nhã, không có vẻ lam lũ, thế mà có cơ ngơi 9 ha tiêu kinh doanh và 11 ha được Uỷ ban nhân tỉnh Gia Lai giao cho trồng tiêu nhằm cung cấp giống và làm nơi để người trồng tiêu trong tỉnh học tập kinh nghiệm về kỹ thuật trồng tiêu. Khi được hỏi về bí quyết trồng tiêu đạt năng suất cao, ông Nguyễn Văn Quéo hồ hởi cho chúng tôi biết: Muốn canh tác vườn tiêu phát triển bền vững, cho năng suất cao, ít sâu bệnh, sau nhiều năm trực tiếp sản xuất tôi đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm: Chọn đất để trồng tiêu, phải chọn nơi có có tầng canh tác dày, tơi xốp, dễ thoát nước về mùa mưa, có đủ nguồn nước tưới suốt cả mùa khô; chọn giống tốt, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại chỗ; chăm sóc bộ rễ tiêu ngay từ khi mới ươm hom giống và tiếp tục đầu tư nuôi bộ rễ trong 1-3 năm đầu để các rễ cái phát triển to khoẻ, đâm sâu dưới dất, hút được nhiều dinh dưỡng từ đất nuôi thân, lá, hoa, quả và nâng cao sức sống, sức đề kháng, chống bệnh trong suốt vòng đời của cây tiêu; bón phân hữu cơ là chủ yếu, hạn chế tối đa bón phân hoá học. Mỗi năm gia đình tôi mua hàng trăm tấn phân bò. Chỉ mua phân có chất lượng ở địa chỉ tin cậy; dùng rơm ủ gốc. Không phun các loại phân, thuốc hóa học trực tiếp lên cây. Khó khăn và thách thức lớn nhất của người trồng tiêu là bệnh chết nhanh, chết chậm. Rệp phấn trắng là tác nhân chính cho vi rút, nấm hại tấn công huỷ hoại bộ rễ của tiêu làm tiêu chết hàng loạt, gây tổn thất vô cùng to lớn. Qua nhiều năm nghiên cứu pha chế, thử nghiệm, tôi đã pha chế thành công thuốc đặc trị, tận diệt được con rệp trắng nên vườn tiêu của tôi không hề bị bệnh. Năm 2008, năng suất bình quân 11 tấn/ha, năm 2009 đến nay năng suất vẫn ổn định và có nhiều vườn tiêu đạt 15 tấn/ha.
Được biết, ngoài thu hoạch tiêu hạt, ông Quéo còn bán cây giống. Từ năm 2007-2011, gia đình ông đã bán được gần 3 tỷ đồng từ cây giống cung cấp cho nhân dân trồng mới được 450 ha. Không dừng lại ở đó, ông Quéo đã tham gia xuất nhập khẩu hồ tiêu. Từ đó ông đã sáng tạo cải tiến máy chế biến tiêu trắng từ trục ngang sang trục đứng, năng suất tăng gấp 2 lần so với máy cũ, tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm. Để nâng cao giá trị của hồ tiêu, ông Quéo đã tạo ra mặt hàng tiêu đỏ, chế biến từ tiêu chín, thành phẩm đóng gói, hút chân không 250g/hộp. Đây là sản phẩm duy nhất có trong ngành Hồ tiêu Việt Nam. Chính sự độc đáo của sản phẩm tiêu đỏ của ông nên giá cao gấp đôi giá tiêu đen.
Thành công của ông Quéo trong sản xuất hồ tiêu đã góp phần trong sự tạo dựng và phát triển thương hiệu hồ tiêu Chư Sê của tỉnh Gia Lai. Ông được bầu làm Ban chấp hành Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nhiều nhiệm kỳ và làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Công ty TNHH Hùng Hưng do ông làm Giám đốc đã được nhiều phần thưởng cao quý: Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn tặng Giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2007; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng năm 2008; đạt Cúp vàng về sản phẩm Hồ tiêu đỏ do Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn tặng năm 2008; Bằng khen của Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn tặng năm 2009, 2010…
Nông dân thời @ có khác, ông Quéo không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội. Ông đã trở thành nhân vật nổi tiếng của tỉnh Gia Lai về trồng tiêu đạt năng suất kỷ lục và có nhiều sáng kiến độc đáo được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất.