Ghi nhận bước đầu lịch sử khai phá vùng Thất Sơn
Thiên Cẩm Sơn hay Cẩm Sơn thường được gọi là Núi Cấm theo âm giọng nặng nề của những lưu dân Hai Huyện (1) đầu tiên tiến về phía tây khai phá cứ địa cuối cùng của miền đất "Tiền Tam Giang Hậu Thất Lĩnh"(2). Thực ra Thất Sơn không phải là bảy ngọn núi như người ta vẫn thống kê trong các thư tịch hay truyện kể (3). Đó là một vùng núi rừng đúng nghĩa, với các khu rừng nguyên sinh rậm rạp ở các độ cao khác nhau, từ rừng trầm dó bầu hay rừng thiên tuế ở trên ngọn cao năm bảy trăm mét đến các cánh rừng bảy thưa ở dưới chân núi, vây quanh bởi các rừng tràm hoang sơ vô tận giữa vùng đầm lầy (trấp) mà chỉ các con rạch (ô) lớn nhỏ cháy qua mới thông thuộc đường đi lối về.
Việc khai phá Thất Sơn có thể đã bắt đầu trước hoặc sau khi Nguyễn Hữu Cánh đến đất Gia Định thiết lập nền hành chính Nam Bộ năm 1698, và được đẩy mạnh khi chúa Nguyễn đặt đạo Châu Đốc năm 1757 làm nền táng mở mang vùng đất Châu Đốc tân cương. Nhưng phải đến giữa thế kỷ 19 thì việc định cư lưu dân mới trở thành quy củ theo sau tổ chức "trại ruộng" của Đoàn Minh Huyên mà người đời sau tôn là Phật Thầy Tây An. Tương truyền Phật Thầy người gốc làng Đoàn của trại Hoà Ninh (4), định cư ở làng Tòng Sơn vùng Sa Đéc, đến khai phá vùng đất thuỷ bạc gọi là láng, dưới chân Núi Cấm từ năm 1850 , truyền dạy đệ tử cả về triết lý đạo giáo, tổ chức cộng đồng, trấn áp thú dữ. Vào thời Phật Thầy đến vùng Thất Sơn thì lưu dân Hai Huyện đã mở rộng đến đất Tân Bình bên bờ sông Hậu, nay là huyện Lấp Vò, trước đó khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bôn đào thì bỏ gia nhân ở lại Nha Mân gần làng Tòng Sơn, năm 1782 chúa cho đắp con đập giữ nước ở chân Núi Cấm để binh lính dùng, nay gọi là đập Gia Long.
Thực ra con đập Gia Long chỉ được phát hiện một cách tình cờ. Vào hôm Chủ tịch tỉnh và Trưởng ty Thuỷ lợi Nguyễn Quang Hơn cùng tôi đi tìm vị trí xây dựng hồ chứa thì trong tay chỉ có mỗi một bản đồ không ảnh photopictomap 1/25.000. Chúng tôi lần mò tiến về phía nguồn theo các lối mòn thợ săn giữa những rừng cây và bất chợt đi vào địa hình đắp cao kéo dài hơn 200 mét chặn ngang khe núi. Nhưng nước của dòng thác Thanh Long nằm lưng chừng núi không đố xuống đây mà biến mất đâu đó giữa một cánh rừng nằm dưới tầm mắt. Bỏ lại đoàn người, tôi cố sục sạo nhưng vẫn không tìm ra con suối, cho đến khi chúng tôi mở lối về phía bắc theo hướng núi Bà Đội thì dòng nước mới xuất hiện. Con đập được xây tại đó tạo thành hồ chứa An Hảo (nay nằm trong khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm) đúng 200 năm sau con đập Gia Long và cũng cách đập này 200 mét về phía hạ lưu.
Xem ra con đường tiếp cận vùng núi Thất Sơn vào thời Nguyễn Ánh là rạch Cần Thảo ở phía bắc và rạch Mặc Cần Dưng ở phía nam; Cần Thảo nối với Vàm Nao qua đạo Châu Đốc ở cù lao Khánh Hoà trong khi Cần Dưng nối với Lấp Vò qua cảng đạo Đông Xuyên nằm đối diện thành phố Long Xuyên ngày nay (5). Lúc bấy giờ các dòng nước còn rộng và sâu, ngọn các con rạch từ nguồn sông Hậu đều nối với thuỷ vực rộng lớn nằm xuôi theo rặng núi giữa các rừng cây, mà mỗi mùa lụt nước ngập lênh láng - cư dân gọi là Láng Linh. Có lẽ Phật Thầy cũng đến Láng Linh qua rạch Cần Thảo, rồi sau đó các nhóm đệ tử tiếp tục mở rộng thêm nhiều "trại ruộng" giữa vùng thuỷ bạc (6) trước khi tiến lên khai khẩn vùng bán sơn địa nơi đất Ngũ Hồ (7) ở Thới Sơn, từ sau tiến về Lạc Quái, Giang Thành, Ba Chúc theo đường kinh Vĩnh Tế (8).
Non nước Thất Sơn - mà Cẩm Sơn nổi lên ở giữa thành khối trung tâm với đỉnh Bò Hong nhô cao 716 mét - là một vùng đất "mầu nhiệm" khả dĩ thu hút con người, không chỉ ngày nay mà cả thuở xưa. Chính nơi đây, ở Sdachao trong các thế kỷ trước Công nguyên, mà một quốc gia – đô thị đầu tiên ở vùng Đông Nam Á bắt đầu hình thành (9) với sự giao tiếp của những người Arikan miền Đông Ấn - biểu trưng bởi thương nhân Hỗn Điền - và cư dân Óc Eo bản địa - biểu trưng bởi công chúa Liễu Diệp con gái vị thần Mặt Trăng. Hiện tượng "giao phối" này tạo thành xã hội quy củ đầu tiên ở vùng Thất Sơn mà truyền thuyết gọi là xứ Tà Lọt (Koh Thlok). Người đời sau gọi Núi Cấm là Phnom Thlok và những người có được sức mạnh huyền bí ở đó được coi là những vị chân tu của núi Tà Lơn.
Kỷ nguyên khoa học đến với núi rừng Thất Sơn khá trễ, có thể bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 20 bằng huyền thoại Bác vật Lang cùng người Pháp đến thám sát các hang sâu - vùng Thất Sơn có rất nhiều hang núi như ở Tưk Dụp, với các ngõ ngách ăn thông với nhau như thành phố ngầm. Nhưng rồi từ đó viên Kỹ sư công chánh tài ba không còn nói được nữa! Mãi đến 1957, Linh mục Henri Fontaine làm việc ở Nha Tài nguyên Thiên nhiên mới có các cuộc thám sát chi tiết. Lúc bấy giờ những cố gắng tiếp cận Thất Sơn với các thiết bị quan trắc đặt trên máy bay đều thất bại, do những nhiễu xạ và cả những dị thường trọng lực, dị thường từ ở tầm thấp nơi Vồ Bà, nơi mõm Thmor Kô, nơi đồi Phnom Touch... May mắn trong các năm 1983-1984, theo sau công trường An Hảo, tôi lại được sự giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và tỉnh An Giang để tiếp tục thu thập thực địa các dữ liệu địa chất và địa vật lý, ở những vị trí đặc biệt đó.
Có lẽ lở núi kinh hoàng và rộng khắp cuối năm 1983 đã thực sự thức dậy núi rừng Thất Sơn, ban đầu là những người tò mò, sau là các khách hành hương tin lời sấm giảng, cuối cùng là các di dân tìm đến định cư ở đồng thấp, ở triền cao và cả ở trên các ngọn núi. Ngày nay cư dân và khách du lịch có thể tìm lên bất kỳ đỉnh nào bằng các đường mòn khám phá, các lối đi truyền thống bên này qua thác Thanh Long hoặc bên kia qua đồi Thlok, hay bằng chính con đường "cái quan" mới được khánh thành tháng 7 năm 2007. Nhưng trong tiết xuân này, khi mà không gian trở nên rạo rực dưới ánh nắng mới, tôi ước được về lại nơi đó: Cũng những lối mòn và bậc đá thấp cao, cũng với Châu Sóc Bai “tâu rờ thmor” (đi coi đá), cũng với Bô Pha tìm bắt các con thằn lằn đá, và nhất là hòa mình vào không gian huyền diệu để nhận ra triết lý nhân sinh ông cha ngày trước như vẫn luôn phảng phất đâu đó.
_____________
Chú giải:
(1) Hoàng Xuân Phương: Lục bình trôi( Kiến thức ngày nay621): Ngay từ đầu ở Chợ Mới lưu dân tổ chức thành các xã hội mẫu mực, tứ danh “nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện”. Hai Huyện ở đây là Bình Chính và Bố Chính thuộc vùng sông Gianh mà cac sách sử ghi là Chinh, đến 1074 thì đổi là Chính, ở đây gọi là Chiêng hay Giêng như trong Cù lao giêng.
(2) Tam Giang gồm 3 đoạn sông liên quan đến bước tiến của lưu dân, gồm sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao nơi tập trung các vạn chài. Hoàng Xuân Phương, đd: Thuở xưa ở nơi Vàm Trước tức cửa trên của sông Vàm Nao có một làng chài gọi là Vạn Chiêng, cũng gọi là Nao. Cuối thế kỷ 17 khi Chương binh Nguyễn Hữu Cảnh đặt đại bản doanh ở đó thì đổi Vàm Nao thành Thuận Giang nhằm lưu dấu nguồn gốc Thuận Hoá của các nhóm lưu dân.
(3) Thất Sơn hay Bảy Núi là ngôn ngữ văn hoá (tam - thất, ba - bảy) nên việc liệt kê chỉ mang tính tượng trưng. Tên gọi Thất Sơn được ghi lần đầu năm 1865 trong Đại Nam nhất thống chí, gồm Tượng Sơn, Tô Sơn, Cấm Sơn, Ốc Nhâm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhơn Hoà. Trong khi đó tên gọi truyền khẩu của ông bà thời trước gồm Anh Vũ Sơn tức Núi Két, Ngũ Hồ Sơn tức Núi Dài năm giếng, Thiên Cẩm Sơn tức Núi Cấm, Liên Hoa Sơn tức Núi Tượng, Thuỷ Đài Sơn tức Núi Nước, Ngoạ Long Sơn tức Núi Dài và Phụng Hoàng Sơn tức Núi Tô.
(4) Hoàng Xuân Phương: Chớp bể mưa nguồn( Kiến thức ngày nay617): Khi nhà Hán thôn tính nước ta, đặt làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, thì cũng đặt ở phía nam Đèo Ngang một quận Nhật Nam . Theo đó huyệtn Việt Thường năm ở thượng nguồn Rào Tró, huyện Tỷ Cảnh ở Vực Tró nơi vùng động Phong Nha – sách cổ viết là Phong Hoả, và đặt huyện Tay Quyển ở Hoà Ninh nơi sau này Lâm Ấp xây thành Khu Túc, có nghĩa là lẫm lúa. Năm 286 đời Tấn chia Tây Quyển mà đặt thêm huyện Thọ Linh. Sử gia Châu Khứ Phi đời Tống viết trong Lãnh Ngoại Đại Đáprằng trại Hoà Ninh – mà nay nằm trong khoảng Nương Cộ của xã Quảng Hoà – là một trong 24 châu lộ thời Lý. Đến năm 1069 thì trại này đổi tên thành châu Bố Chính, tức Quảng Bình ngày nay.
(5) Đối diện Đông Xuyên cảng đạo ở bờ bên kia sông Hậu là ngọn Ba Rạch, nay là sông Long Xuyên đổ nước ra vịnh Rạch Giá. Nhưng năm 1777, quan binh chúa Nguyễn có vẻ không theo đường này mà theo Mặc Cần Dưng chạy thẳng ra cửa Vàm Rây rồi tìm nơi ẩn náu ở Hà Tiên, Phú Quốc, Thổ Chu, đến khi tập trung được lực lượng thì mới trở về lập căn cứ ở Thất Sơn.
(6) Năm 1867 khi thành Châu Đốc rơi vào tay quân Pháp thì Quản cơ Thành và Đề đốc Văn cũng rút về hùng cứ ở Láng Linh, lập đoàn binh Gia Nghị, đóng quân trong rừng bảy thưa ở Tú Tề.
(7) Đất Ngũ Hồ rộng gần trọn huyện Tịnh Biên ngày nay. Trước đây nơi đó có các hồ nước đọng lại dưới chân núi trên nền đất sứ trắng, cư dân đến đó khai khẩn ruộng rẫy. Trung tâm của Ngũ Hồ là Núi Dài năm giếng đối diện mõm núi Ông Két.
(8) Kinh Vĩnh Tế hay Vĩnh Tế Hà được khai đào trong 5 năm, từ 1819 đến 1824 dưới quyền thống suất của Nguyễn Văn Thoại. Nhưng lúc đầu người ta không mấy sử dụng vì đất địa ở đó còn hoang vu chướng khí. Địa danh Châu Đốc có nghĩa là đất cuối, là địa đầu.
(9) Sdachao, Ba Thê và Angkor Borei lần lượt là trung tâm của quốc gia – đô thị (state-city) ở đồng bằng sông Cửu Long trong các thế kỷ đầu Công nguyên. Đến giữa thế kỷ thứ 7 khi kỳ biển tiến Đông Hải đạt đỉnh cao thì cư dân phân hoá làm hai, một sinh sống trên các cù lao trở thành những thương đoàn của đế quốc Sri Vijaya, một lùi lên canh tác đất đai vùng cao thiết lập đế chế Angkor. Vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long được coi là hoang vắng kể từ đỉnh cao Đông Hải đến thế kỷ 13, ngoại trừ các cồn nổi dọc theo sông Hậu và đới nâng Vĩnh Châu. Đến sau thế kỷ 15 thì mới có rải rác lưu dân từ các nơi đổ tới, và đến cuối thế kỷ 17 thì lần đầu tiên được chính thức thiết chế hành chánh bởi chúa Nguyễn của Đại Việt.
Nguồn: Xưa & Nay, số 304, tháng 3/2008, tr 10