Ghi chép về tôn giáo ở VN thế kỷ 18
Cuốn "Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses: A Small Treatise on the Sects among the Chinese and Tonkinese" do NXB Đại học Cornell ấn hành năm 2002. Nhan đề tập sách có thể dịch ra tiếng Việt là: "Một luận thuyết nhỏ về những giáo phái của người Hoa và Đông Kinh", dày 359 trang. Đây vốn là ghi chép của linh mục người Ý, Adriano di ST. Thecla (1667 - 1765), người sống gần 30 năm ở miền Bắc Việt Nam trong thế kỷ 18. Năm 1738, ông đến Đông Kinh (Hà Nội) và qua đời tại đây năm 1765. Cuốn ghi chép của ông viết bằng tiếng Latin, có xen lẫn chữ Hán, Nôm. Khi đang là nghiên cứu sinh của ĐH Cornell với luận án về Liễu Hạnh, bà Olga Dror tình cờ tìm thấy cuốn sách trong một kho tư liệu tại Paris. Người phụ trách luận án của bà, GS. Keith Taylor, viết trong lời mở đầu sách rằng: "Mùa thu năm 2000, khi Olga Dror cho tôi xem tập Opusculum và một phần bản dịch liên quan đề tài nghiên cứu của chị, tôi biết bản thảo hiếm này là quan trọng. Nó chứa đựng những quan sát trực tiếp, không tìm thấy ở đâu khác, từ giữa thế kỷ 18, về đời sống tôn giáo ở miền Bắc Việt Nam, cùng sự khảo sát đời sống trí thức Hán - Việt đương thời. Tôi không biết đến một tác phẩm nào khác có thể so sánh, ngay cả ở Việt Nam." Đến cuối năm đó, đang giữa chừng làm dở luận án, Olga Dror trình bày là bà muốn hoàn tất việc dịch toàn bộ tập bản thảo - một điều tương đương với một luận án thứ hai. Sau 15 tháng, bản dịch tiếng Anh hoàn thành và trong một sự công nhận về tầm quan trọng của nó, bản dịch được thừa nhận tương đương luận án tiến sĩ ở ĐH Cornell. Dưới đây là bài giới thiệu sách của tiến sĩ Li Tana, ĐH Quốc gia Úc, in trong Journal of Southeast Asian Studies năm 2003: Thật ngạc nhiên khi một tác phẩm thách thức cách hiểu hiện nay về lịch sử và văn hóa Việt Nam trên mọi khía cạnh lại có một hình thức "quy ước thường nhất", tức là một bản văn có chú thích về ghi chép của một nhà truyền giáo Augustin mô tả các tôn giáo ở miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Làm việc với tám ngôn ngữ - Latin, Hoa, Việt, Nga, Hebrew, Pháp, Italy và Tây Ban Nha - Olga Dror, một nghiên cứu sinh ở ĐH Cornell, đã hướng dẫn chúng ta đọc ghi chép của cha Adriano di Thecla về một thế giới thờ phụng hấp dẫn tại đồng bằng sông Hồng thế kỷ 18. Cuốn sách chứa đựng những chi tiết sẽ làm ngạc nhiên cho cả những ai quen thuộc với các hành vi tôn giáo Việt Nam và quan hệ của chúng với các hành vi ở Trung Hoa. Ví dụ, bà Chúa Liễu Hạnh, được tôn thờ ở miền bắc cùng với Trần Hưng Đạo như là cha và mẹ của nhân dân, trong đời thật lại là một kỹ nữ hay geisha. Một ví dụ khác là Hội Minh, một cuộc tập hợp thề sẽ trung thành với nhà vua. Mặc dù chúng ta biết một chút về lễ này từ Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng cho đến nay, không có nhiều chi tiết về các thủ tục tiến hành. Nay ta biết nó diễn ra vào tháng cuối cùng của mỗi năm, tại "một quảng trường rộng, vây quanh bằng lau sậy, có thể đi vào từ phía trước và bên cạnh". Việc lựa chọn một cánh đồng lớn cho buổi lễ này, và việc dâng tế (một con bò đực, cơm, và rượu có máu gà) nhắc ta nhớ tới các hành vi của người vùng cao như Lào và Mường. Gợi tò mò hơn nữa khi ta thấy các nhân vật được thờ phụng trong buổi lễ Hội Minh, hai nhân vật hàng đầu là Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Nhiều thần linh khác cũng được thờ, như Thần Tản Viên và Phù Đổng Thiên Vương.
Thậm chí còn gây chú ý hơn là sự thảo luận của cô Dror về tục thờ Bạch Mã. Trong bản thảo, cha Adriano di St. Thecla nói rõ rằng đền Bạch Mã ở trung tâm 36 phố phường Hà Nội là dành để thờ Mã Viện, vị tướng Trung Hoa thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nếu là một dịch giả khác thì có lẽ dễ dàng bác bỏ ghi chép này và nói cha Adriano đã sai lầm ở đây - rằng hai chữ "Mã" chẳng liên quan đến nhau, vì họ "Mã" trong tiếng Hoa cũng được viết bằng kí tự chỉ "con ngựa" - và nói thế cũng có lý do thuyết phục. Đối với mọi bộ óc hiện đại, thật không thể tin rằng Mã Viện, người đè bẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và là biểu tượng cho sự xâm lăng và đô hộ của Trung Hoa, lại có thể được thờ ở bất kì đâu ở Việt Nam. Với một tinh thần tươi mới và đôi mắt sắc sảo, Dror đã thực hiện một nghiên cứu sâu sắc và cho ta thấy rằng nhà truyền giáo đã không sai, mà ông đã cho ta một cơ hội để xem lại việc thờ phụng của người Việt ở một thời gian và không gian khác. Theo Dror, các đền thờ Mã Viện tồn tại không chỉ ở Hà Nội mà cả ở Cổ Loa, cũng như Thanh Hóa và Phúc Yên. Cô còn tìm thấy rằng ở Bắc Ninh nơi người dân thờ Hai Bà Trưng, họ cũng thờ Mã Viện ở trong cùng một ngôi đền. Tất cả những điều này tìm thấy ở miền Bắc, thật kinh ngạc. Còn ở miền Nam Việt Nam, được đặt ở các hội quán người Hoa, tục thờ Mã Viện từng được người ta tin là đã do Hoa Kiều đem vào Việt Nam. Điều này là vì tước danh của Mã Viện là Phục Ba (chinh phục sóng dữ), nó đặc biệt đáp ứng nhu cầu của các lái buôn thường gặp nguy nan trên biển, và ông là một nhân vật Trung Hoa hùng mạnh được xem là có thể bảo vệ quyền lợi của người Hoa ở Việt Nam. Nhưng như Dror chỉ ra, còn nhiều khía cạnh khác của vấn đề này. Giờ đây tôi (tác giả Li Tana) thấy rất có thể câu chuyện lại diễn ra theo hướng ngược lại, tức là người Hoa đã lấy lại tục thờ Mã Viện từ người Việt Nam, bởi khi họ đến Việt Nam, việc thờ phụng Mã Viện như một thần bản địa đã diễn ra rộng khắp. Điều này cũng giải thích vì sao Mã Viện lại được gọi là bản thổ công. Nói ngắn gọn, tác phẩm này chứng tỏ đã không có một biên giới cố định giữa các truyền thống "vĩ đại" và "nhỏ bé", giữa văn hóa cung đình, đô thị và nông thôn, giữa "người Hoa" và "người Việt". Thật đáng khâm phục hơn khi những phát hiện quan trọng như thế được chú thích cẩn thận và chỉ dẫn tham khảo đến nhiều nguồn nghiên cứu cổ điển và hiện đại. Đây là một tác phẩm hạng nhất (first-class) đánh dấu một giai đoạn mới trong ngành Việt Nam học. |
Nguồn:www.bbc.co.uk