Gặp người biến tin học thành ‘cơm bình dân’
Vào thập kỷ 1990, khi tin học vẫn còn là một thế giới “cao siêu” với đa số người Việt Nam, đã xuất hiện những con người “nghĩa hiệp” sẵn sàng lăn xả vào cái thế giới ấy với tinh thần vô vị lợi để kéo nó đến gần hơn với mọi người. Họ xứng đáng được phong danh hiệu anh hùng trong phổ cập tin học ở Việt Nam . Phạm Hồng Phước, với bộ đĩa CD phần mềm nổi tiếng của mình là một trong những con người như vậy.
Làm báo chuyển sang làm "tin"
Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Phước chia sẻ: “Thật tình, là một người làm báo, tôi tìm tới máy tính và internet như là công cụ nghiệp vụ để hỗ trợ cho nghề nghiệp của chứ không hề học qua trường lớp nào hết.
Ban đầu tôi rất sợ máy tính, vì nghĩ là nó quá cao siêu. Nhưng có tính hay tò mò, tìm hiểu và học hỏi, tôi đã mày mò tự học và tự khám phá về lĩnh vực mới mẻ này. Rồi càng làm quen với máy tính, tôi càng đam mê nó”.
Với cái tính là thích chia sẻ những gì tốt đẹp cho mọi người cùng hưởng, khi khám phá ra một tính năng nào mới hay kiếm được một phần mềm nào mới, ông Phước lại mày mò tìm hiểu rồi viết lại và chia sẻ lên mạng cho mọi người.
Hồi ấy, việc tìm kiếm phần mềm mới rất gian nan, chủ yếu là do internet chưa được phổ biến và đường truyền thì quá chậm. Ban đầu, ông Phước chỉ có thể kết nối với mạng nội bộ Intranet, sau đó truy cập “ké” internet qua một cổng của nhà mạng nào đó.
Ông Phạm Hồng Phước được Microsoft trao giải thưởng Microsoft Most Valuable (MVP) 2009 trong tư cách chủ biên MediaZone Group. |
Nhờ quá trình vất vả mày mò đó mà kho lưu trữ phần mềm cá nhân của ông ngày một nhiều hơn. Rồi ông nảy ra ý định tuyển chọn những phần mềm tiện ích, sắp xếp lại, tạo danh mục quản lý và cài đặt chúng, kết hợp với bài giới thiệu và hướng dẫn sử dụng chúng, đưa lên đĩa CD.
Ông làm để mình dùng cho tiện và “đã”, nhưng mấy anh bạn thân thấy "khoái" nên nhờ copy cho họ. Rồi sau đó, chẳng hiểu bằng đường “rò rỉ” nào, đĩa CD tuyển phần mềm của ông xuất hiện trên thị trường và được nhiều người yêu thích.
Mấy chỗ bán đĩa tin học liên hệ với ông Phước, đề nghị cho họ sử dụng. Ông nói rằng mình làm hoàn toàn miễn phí, chỉ vì đam mê, nếu thấy thích thì cứ lấy mà dùng. "Họ không cần phải trả một chi phí nào, nhưng đổi lại, họ phải ghi ra đĩa có chất lượng tốt và bán với giá rẻ cho mọi người cùng thụ hưởng", ông Phước nêu lại yêu cầu của mình.
Thế là các đĩa PHP Softwares 1, 2 và 3 lần lượt ra đời. Mỗi tháng ông Phước đều cập nhật và bổ sung thêm các phiên bản phần mềm mới nhất cho bộ đĩa này.
Sự nghiệp giàu có
Ông Phạm Hồng Phước cho biết, theo đuổi cái “nghiệp” tin học này rất tốn kém. Không chỉ ngốn hết thời gian rảnh ngoài công việc làm báo, việc cập nhật phần mềm còn tốn cả triệu đồng tiền internet mỗi tháng. Để khỏi ảnh hưởng tới ngân sách gia đình, ông phải cắt bớt chi tiêu cá nhân và viết thêm nhiều bài báo để lấy nhuận bút phục vụ cho cái sự đam mê tin học của mình.
Có lần, một anh bạn ở Bình Định vào TP HCM thăm ông. Khi thấy ông sống ở chung cư, anh bạn không tin vào mắt mình, vì trước nay cứ nghĩ là với số lượng đĩa bán khắp cả nước, được ưa chuộng như vậy hẳn ông phải rất giàu, phải ở… biệt thự kia chứ.
“Khi biết tôi làm mọi việc hoàn toàn miễn phí, anh bạn lè lưỡi. Mà quả thật, việc làm này đã khiến tôi trở nên cực kỳ giàu có. Đó là giàu tình bạn và tình thương mến của cộng đồng CNTT Việt Nam mình”, ông Phước thổ lộ.
Sau này, khi Việt Nam hội nhập quốc tế và ký kết các luật lệ bảo vệ bản quyền tác giả, ông Phước đã chấm dứt việc cập nhật các đĩa tuyển tập phần mềm, cho dù lúc đó đã chuẩn bị các đĩa số 4 và 5.
Ông Phước quan niệm tin học vốn khô khan và phức tạp, mình cần phải chuyển tải nó thành đơn giản và hấp dẫn cho mọi người hào hứng mà tiếp nhận. Thế nên, các bài viết về tin học của ông đều theo kiểu “tưng tửng, đọc mắc cười”. Vì vậy mà có anh bạn nói rằng khi nào cảm thấy bực mình, căng thẳng thì họ đọc mấy bài tin học ông viết để… cười ha hả.
Được nhiều người biết đến, ông Phước trở thành một “nhà tư vấn” tin học từ lúc nào không hay. Ông thường xuyên nhận được những cú điện thoại nhờ “cứu bồ”, có khi là vào nửa khuya. Hộp mail thì luôn đầy ắp những thắc mắc. Cũng may là sau này các diễn đàn tin học phát triển rộ thì ông mới được “nhẹ gánh”.
Được phong danh hiệu Hiệp sĩ CNTT nhưng ông Phước luôn tâm niệm: “Tôi chỉ là một viên đá lót đường cho mọi người đến với tin học. Tôi chỉ thừa nhận là mình thành công trong việc truyền được cho những người mới làm quen với tin học sự phấn khởi và tự tin. Phạm Hồng Phước đã làm được thì ai cũng có thể làm được, thậm chí còn làm tốt hơn!”.
Người anh hùng không cô đơn
Những bước đường sự nghiệp của ông Phạm Hồng Phước không thể thiếu vắng bóng dáng của những người bạn, những người cùng chia sẻ ước mơ đem tin học đến mới mọi người.
Người đầu tiên cần phải nhắc đến chính là Lê Hoàn. “Hồi đó, anh Lê Hoàn có in những tập tài liệu hướng dẫn về tin học, anh ấy đã giúp tôi phổ biến những bài viết của tôi. Rồi tôi và anh Lê Hoàn trở thành cặp bài trùng, đồng hành cùng nhau trên con đường phổ cập CNTT. Anh Lê Hoàn là người đi trước đã tận tình rước kẻ đi sau là tôi”, ông Phước tâm sự.
Từ năm 1996, với sự hỗ trợ hết lòng của bác sĩ Phan Xuân Trung, một người bạn và cũng là một Hiệp sĩ CNTT, ông Phước đã xây dựng một trang web riêng nhằm phổ cập thông tin và kiến thức tin học cho cộng đồng. Cho đến nay trang web vẫn còn được duy trì. (Địa chỉ trang web: www.phphuoc.com).
Vào cuối năm 2002, một người bạn khác là Nguyễn Hữu Thiện đã rủ ông Phước cùng Lê Hoàn cùng làm tạp chí tin học Echip. Thấy đây cũng là một cơ hội để mình thực hiện hoàì bão giúp người Việt tiếp cận với tin học, ông Phước đã nhận lời. Sau đó, Echip đã nhanh chóng trở thành một trong những tạp chí tin học có uy tín hàng đầu ở Việt Nam và nổi tiếng với slogan "Tin học như cơm bình dân".
Giữa năm 2007, với sự ủng hộ và giúp đỡ của một số người bạn làm doanh nghiệp tin học, ông Phước đã thành lập công ty MediaZone Group với mục tiêu hình thành một công ty truyền thông về CNTT và công nghệ. MediaZone Group đã xuất bản những ấn phẩm về tin học được trình bày công phu như Thủ Thuật Máy Tính, Cẩm Nang Máy Tính và Siêu Thị Số. Trong tương tai, MediaZone Group sẽ đầu tư phát triển lĩnh vực đào tạo tay nghề CNTT, một lĩnh vực mà ông Phước rất quan tâm.
“Theo thiển ý của tôi, xu thế phát triển tin học ở Việt Nam là tất yếu. Nó chính là nhu cầu thiết thân của cả xã hội lẫn của từng cá nhân trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào dòng chảy quốc tế. CNTT ngày nay đã được tích hợp trong mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội, và là công cụ tốt nhất để khai thác và phát triển mọi lĩnh vực. Bây giờ, các bạn trẻ có nhiều lợi thế hơn bọn tôi ngày trước, cả về trình độ lẫn phương tiện. Vấn đề còn lại chỉ là lòng đam mê và biết chọn cho mình một lối đi tốt nhất”, ông Phạm Hồng Phước nhận định.