Gặp người Anh hùng xóa “cầu khỉ”
Ông đang cố gắng tiếp tục vận động để xây dựng thêm 100 cây cầu trong năm 2010 cho tròn 1.000 cầu, làm món quà ý nghĩa chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháng 10/2009, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông là Trịnh Văn Y (thường gọi là Hai Y) Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường (KHKTCĐ) tỉnh Bến Tre, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.
Xây cầu rồi lại xây cầu...
Lần nào cũng vậy, mỗi khi bắt đầu câu chuyện xây cầu, ông Hai Y thường nhắc đến những câu ngân nga mà ông đã nằm lòng từ nhỏ:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...”
Câu hát ru đó cứ vương vấn mãi trong ông. Đã bao đời Bến Tre như một ốc đảo, bị chia cắt với bên ngoài bởi 4 con sông lớn hình thành 3 dải cù lao (Cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hóa). Người dân chủ yếu dùng phương tiện thủy để đi lại, giao lưu buôn bán, có hơn chăng cũng chỉ là những chiếc cầu dừa.
Nhưng tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể đi với những chiếc xuồng lá, những chiếc “cầu khỉ” bấp bênh mà phải có những chiếc cầu bêtông chắc chắn. Ông Hai Y tâm sự, đời ông lớn lên, trưởng thành làm Cách mạng là nhờ sự đùm bọc của nhân dân. Bến Tre là quê hương của Đồng Khởi, quê hương của Cách mạng, bây giờ Cách mạng thắng lợi thì không lý gì cứ để dân nông thôn nghèo mãi. Mà muốn thoát nghèo thì phải xây dựng cầu, đường để phát triển kinh tế.
“Sao trong thời gian làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, bác không chủ trương huy động sức dân để xây dựng cầu?”, tôi hỏi. Ông bảo: “Có chứ. Lúc đương nhiệm (1991 -2001), phụ trách khối nông - lâm - thủy sản, tôi đã thống kê toàn tỉnh có khoảng 1.500 cây “cầu khỉ” cần được thay thế bằng cầu bê tông.
Nhưng hồi đó tỉnh còn nghèo, dân còn khổ, có huy động nhưng chỉ làm được vài cái nên chẳng thấm vào đâu”. Thế rồi ông xem đó như là một món nợ với dân, để đến bây giờ rời chốn quan trường ông cũng không ngớt đi lại xuôi ngược khắp nơi trong, ngoài tỉnh huy động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. “Nợ dân thì phải trả thôi chú ạ!”.
Trong vòng 7 năm (từ 2002 - 2009), với vai trò là Chủ tịch Hội KHKTCĐ tỉnh Bến Tre, ông Hai Y đã vận động được trên 77 tỷ 500 triệu đồng, trong đó các “mạnh thường quân” đóng góp trên 62 tỷ đồng, nhân dân đóng góp bằng tiền, vật tư, ngày công lao động khoảng 15 tỷ đồng.
Thông qua Hội KHKTCĐ tỉnh, phối hợp với các huyện, xã và nhân dân địa phương tiến hành xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 900 cầu bêtông (xóa 858 cầu khỉ, cầu tạm, cầu xuống cấp và 42 bến đò ngang đã tồn tại hàng trăm năm qua). Xây dựng 127 đoạn đường bêtông xi măng và đường nhựa dài 102km, phục vụ đi lại cho hơn 205.000 hộ dân trong khu vực với khoảng 860.000 người hưởng lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Xây cầu cho đến bạc đầu chưa xong
Đã cập kề cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Hai Y vẫn hăng hái với sự nghiệp xây cầu, làm đường. Nhiều năm làm công tác xã hội, ông nhận ra một điều, tấm lòng từ thiện của mọi người là bao la, vô bờ bến. Quan trọng là phải biết khơi dậy tấm lòng từ thiện đó, phát huy nó với những việc làm cụ thể, thiết thực nhất.
Ông Hai Y dẫn chứng: Có rất nhiều cá nhân hảo tâm không phải là người Bến Tre nhưng khi được ông vận động họ sẵn sàng bỏ ra mấy tỷ đồng để góp cùng Hội xây dựng cầu, đường. Điển hình như ông Toni Ruttimann người Thụy Sĩ, lúc đầu chỉ có ý định xây dựng giúp Bến Tre khoảng 2 đến 3 cây cầu cáp treo.
Nhưng khi làm thấy sự nhiệt tình của cán bộ Hội, sự hăng hái đóng góp của người dân, Toni Ruttimann đã quyết định giúp Bến Tre xây dựng 48 cây cầu cáp treo trị giá trên 15 tỷ đồng. Từ năm 2005 - 2006, Hội cũng đã vận động Quỹ Schmitz (Đức) hỗ trợ Bến Tre xây dựng 20 cầu bêtông cốt thép, mỗi cầu trị giá 25 triệu đồng. Hay như Hòa thượng Thích Như Niệm - Trụ trì chùa Pháp Hoa (Phú Nhuận, TPHCM), Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cùng với tỉnh Bến Tre để xây dựng cầu, đường cho nhân dân.
Để có được sự tin tưởng của các tấm lòng hảo tâm theo ông Hai Y trước hết những việc mình làm phải xuất phát từ cái tâm. Tất cả mọi việc phải được công khai rõ ràng, lấy lợi ích của dân lên hàng đầu. Chính vì vậy mà dù tiếp nhận nguồn đóng góp hàng chục tỷ đồng nhưng Hội KHKTCĐ Bến Tre không lập quỹ xây dựng cầu đường, không thành lập đội công trình để bị hiểu nhầm là Hội vận động để đội công trình có công ăn việc làm, kiếm lợi nhuận.
Các chi phí đi vận động Hội đều tự bỏ ra, Hội còn làm tư vấn giúp lập hồ sơ thiết kế miễn phí để góp phần với dân xây dựng cầu, đường. Khi xây dựng một công trình, tất cả vật tư đưa về dân và dân đóng góp công sức tham gia quản lý. Công trình nhỏ dưới 100 triệu đồng thì đưa về xã, trên 100 triệu đồng thì giao về huyện thành lập Ban công trình có dân tham gia.
Hội cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra giám sát xây dựng cho đến khi hoàn thành. “Tôi dự định trong năm 2010 sẽ tiếp tục vận động các nguồn tài trợ, tiến hành xây dựng và hoàn thiện thêm 100 cầu bêtông cốt thép nữa để tròn con số 1000 cây cầu bêtông được xây dựng ở Bến Tre. Đây sẽ là món quà ý nghĩa mà người dân tỉnh Bến Tre thực hiện để chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.” ông Hai Y cho biết.
“Thế bác định trả nợ dân đến bao giờ?”, tôi hỏi. Trầm ngâm một lát, ông nói: “Chưa biết chú ạ! Lúc nào hết đời mình thì thôi. Mà hết đời tôi, tôi lại nhắn nhủ các con, các cháu sau này sẽ trả nữa. Làm gì được cho dân thì mình ráng làm chứ biết bao giờ mới trả hết được!”.