Gặp cha đẻ của những nghiên cứu khoa học “giá” bạc tỷ
Sinh ra tại vùng quê thuần nông Văn Giang - Ninh Giang - Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố hoạt động cách mạng đi biền biệt, hình ảnh một mình mẹ tảo tần vườn ruộng nuôi 7 người con ăn học đã hằn in vào tâm khảm và thổi bùng lên ngọn lửa khao khát học tập để thay đổi cuộc đời ở chàng thiếu niên Vũ Xuân Cường.
Sau bao nhiêu ngày khao khát, chờ đợi, cầm tờ giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu học trò Vũ Xuân Cường đã khóc và cả đêm hôm trước khi lên Hà Nội nhập học, cậu thao thức không ngủ trong xúc cảm hồi hộp, bộn bề lo âu. 5 năm sau, kỹ sư nhiệt điện Vũ Xuân Cường chính thức tốt nghiệp đại học, bắt đầu hành trình cống hiến cho khoa học.
Vừa ra trường, anh được điều ngay về Nhà máy phân đạm và hóa chất Hà Bắc tham gia đào tạo lực lượng vận hành sản xuất cho nhà máy. Năm 1980, Nhà máy Nhiệt điện Phả lại bắt đầu được xây dựng với công suất thiết kế 440 MW, góp một phần lớn vào việc cung cấp điện cho toàn miền Bắc, kỹ sư nhiệt điện Vũ Xuân Cường được điều chuyển về cùng tham gia xây dựng nhà máy. Niềm vui như “cá gặp nước” khi được làm việc và nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên ngành mình đã được đào tạo, kỹ sư trẻ Vũ Xuân Cường ngay lập tức bắt tay cùng với các anh em công nhân theo dõi, lắp ráp tuabin tổ máy số 1, làm việc tại Phòng kỹ thuật chuẩn bị sản xuất của nhà máy.
Nói về phát kiến đầu tiên của mình, kỹ sư Vũ Xuân Cường chia sẻ: “Khoảng năm 1983, sau khi dây chuyền 1 vận hành, tôi cùng với các anh em công nhân rất băn khoăn về một đường ống dẫn nước đi chèn cùng nhưng không thể làm việc gây lãng phí điện năng và không thuận lợi cho sản xuất. Sau nhiều trăn trở, anh em chúng tôi đã cải tiến thành công hệ thống nước chảy các bơm thải xỉ. Chính từ những phát kiến đầu tiên ấy đã tạo động lực rất lớn cho tôi trong công tác nghiên cứu khoa học sau này”.
Từ một kỹ thuật viên, với những sáng kiến, với những nghiên cứu khoa học có ý nghĩa lớn góp phần cải tạo hệ thống sản xuất của nhà máy, ông Vũ Xuân Cường đã được tín nhiệm và đảm nhiệm nhiều cương vị từ phó phòng kỹ thuật, trưởng phòng kỹ thuật và đến nay là Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với ông Vũ Xuân Cường tại phòng làm việc là sự trẻ trung và tác phong khoa học, mặc dù đã bước sang tuổi ngũ tuần. Chia sẻ về công việc hiện tại, ông trải lòng: “Những sự cố như vậy, mình kiểm soát trong lòng bàn tay. Các anh em công nhân có tin, có yêu quý mình mới hỏi. Mình cũng từ tổ máy, tay đầy dầu mỡ mà lên chứ đâu. Đấy là sự cố nhỏ chứ sự cố nghiêm trọng, nửa đêm mình cũng phải bật dậy chạy vào với anh em để cùng xử lý”.
Rồi ông vui vẻ lấy trong tủ kính ra một tập giấy khen, bằng khen dễ đến cả chục tờ, được cất kỹ với đủ các thành tích. Đặc biệt là loạt 4 giấy khen về 4 lần tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc với 2 giải Khuyến khích, 1 giải Ba và 1 giải Nhì.
Trong đó, đề tài “Nghiên cứu thiết kế cải tạo hệ thống xả của các lò hơi 5 & 6 Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại giảm thời gian khởi động, tiết kiệm dầu đốt lò và các chi phí khác” do ông làm chủ nhiệm năm 2009 đã đoạt giải Nhì toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký tặng bằng khen vào năm 2010.
Nói về ông, PGS.TS Hồ Uy Liêm - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam - khẳng định: “Việc thiết kế cải tạo hệ thống xả của các lò hơi số 5 và số 6 có ý nghĩa thực tế to lớn. Công trình đã nghiên cứu tìm ra được các lỗi của thiết bị và trong thiết kế, đồng thời đã đưa ra giải pháp hữu ích, giảm thời gian đốt lò mà ngay cả nhà thầu nước ngoài cũng không xử lý được”.
Việc vận hành 2 tổ máy số 5 và số 6 trước đây từ trạng thái lạnh tới khi hòa lưới mang tải thường kéo dài từ 36 đến 48 giờ đồng hồ, lượng dầu FO dùng để đốt lò tiêu hao tới 533 tấn cho 1 lần khởi động làm thời gian phát điện lên lưới chậm gây nhiều thiệt hại lớn về kinh tế.
Với những trăn trở về lợi ích của nhà máy, Phó tổng giám đốc Vũ Xuân Cường cùng các đồng nghiệp đã quyết tâm thực hiện thành công đề tài rút ngắn thời gian vận hành 2 tổ máy từ 36 đến 48 giờ đồng hồ xuống còn 15 giờ đồng hồ, giảm tiêu hao nhiên liệu từ 533 tấn dầu xuống còn 222 tấn cho một lần khởi động, mang lại hiệu quả kinh tế tính thành tiền cho cả 2 tổ lò máy trong 1 năm là trên 30 tỷ đồng.
Gần 30 năm đi vào hoạt động đến nay, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã trở thành nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, hoàn thành sứ mệnh lớn lao cung cấp nguồn nhiệt điện cho phần lớn các tỉnh thành Bắc Bộ với tổng công suất là 1.040 MW.
Với những đóng góp ấy, ngày 24/3/2011 vừa qua, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng nhì. Đó là công lao của biết bao thế hệ, biết bao con người đã cống hiến trong quá trình làm việc tại nhà máy, trong đó những tấm gương lao động miệt mài cả cuộc đời như kỹ sư Vũ Xuân Cường hẳn cũng khiến nhiều người phải nể phục.