“Đường về tổ quốc” của vị giáo sư giỏi nhất Tufts
Vị giáo sư làm rạng danh dất Việt
Cuối năm 1968, Võ Văn Tới đi Thụy Sĩ du học, ông lần lượt lấy bằng kỹ sư, tiến sĩ của ngành công nghệ chuyên về các sản phẩm nhỏ (micro engineering). Năm 1983, ông được nhận học bổng của Chính phủ Thụy Sĩ trong chương trình hậu tiến sĩ, sang học tại Đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusettes (MIT) của Mỹ. Sau một năm rưỡi học tập, ông được nhận vào làm giáo sư tại trường Đại học Tufts và giảng dạy từ đó đến lúc trở về Việt Nam. Ban đầu, khi mới dạy tại Tufts, do trường chưa có khoa kỹ thuật y sinh nên ông giảng dạy chế tạo những thiết bị cơ khí. Ông đã hướng dẫn cho sinh viên làm chiếc xe hơi 2 chỗ ngồi chạy bằng năng lượng mặt trời, và tác phẩm này đã đoạt giải 3 tại cuộc thi xe chạy bằng năng lượng mặt trời toàn nước Mỹ (giải nhất và nhì thuộc về hai công ty sản xuất xe hơi tư nhân).
Cho đến nay, GS. Tới đã được cấp 3 bằng sáng chế: máy đo độ nhạy của mắt với ánh sáng chớp tắt (Thụy Sĩ), máy tự nhỏ thuốc vào mắt để chữa bệnh khô mắt, thiên đầu thống (Mỹ) (bệnh nhân bị khô mắt có thể bị mù, việc diều trị khó khăn và tốn kém. GS.Tới sáng chế ra một công cụ mới, được gắn trên khung kính của bệnh nhân, tự động đưa chất lỏng với tốc độ điều chỉnh vào mắt của họ), máy kiểm soát sự lưu thôngcủa máu trong võng mạc (Mỹ).
Từ 1994-1995, GS.Tới là chủ tịch, một trong sáng lập viên hội SILFEV (Société Internationale de Langue Française pour l'exploration Visuelle /French Speaking International Society for the Visual Exploration), Pháp. Ông cũng là một trong những sáng lập viên của nhóm Vietnamese North American University Professors (VNAUP), bao gồm những giáo sư gốc Việt trong các đại học Hoa Kỳ và Canada. Đặc biệt, năm 2004, ông đạt danh hiệu Giáo sư giỏi nhất của Đại học Tufts. Nói về sự kiện này, GS.Tới cho biết: “Đại học Tufts trao danh hiệu này hằng năm, mỗi năm cho một trường.Đối với trường kỹ sư chúng tôi mỗi 5 năm sẽ được xem xét một lần. Đây là giải thưởng cao quý nhất của dại học. Trong buổi lể trao giải thưởng cho cả đại học, người được giải thưởng sẽ được mời đọc diển văn khai mạc. Muốn được xem xét, các đơn vị của trường sẽ đề cử và đưa ra lý do. Hội đồng đưa ra quyết định dựa vào thành tích nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ sinh viên cũng như cộng đồng”.
Từ 2004 đến 2007, ông là thành viên Hội đồng quản trị quỹ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF), Mỹ, do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Sau đó, từ năm 2007 đến 2009, ông là Giám đốc điều hành VEF.
Đường về Tổ quốc
Trở về Việt Nam, ông đến làm việc tại Trường đại học quốc tế (Đại học quốc gia TP.HCM) và thành lập bộ môn kỹ thuật y sinh. Chính ông cũng là người sáng lập bộ môn này tại Đại học Tufts. GS.Tới cho biết: “Kỹ thuật y sinh (KTYS) hiện đang là một lĩnh vực nổi bật thu hút sự quan tâm trên thế giới. Đây là một lĩnh vực đa ngành ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị phục vụ cho sức khỏe, cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Những sản phẩm của ngành KTYS bao gồm máy CT-scan, X-quang, điện tâm đồ, nội soi, bộ phận nhân tạo trong cơ thể, vật liệu sinh học, ....”.
Bộ môn kỹ thuật y sinh được thành lập theo mô hình mới, nhằm thiết lập một cơ sở cho sinh viên và giảng viên cùng học tập, nghiên cứu và kinh doanh. Theo GS.Tới, mục tiêu dài hạn là xây dựng bộ môn thành một Trung tâm xuất sắc của vùng Đông Nam Á về kỹ thuật y sinh. Bộ môn hiện đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất và cơ chế hoạt động để tạo môi trường giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng của mình. Môi trường này cũng giúp giảng viên của bộ môn chuyên tâm nghiên cứu các đề tài chỉ có ở Việt Nam, để tạo một bản sắc riêng hầu thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu quốc tế.
GS.Tới có một sáng kiến rất có ý nghĩa, đó là All the ways home (đường về Tổ quốc), ông giải thích về chương trình này: “Mục đích của chương trình là tạo ý thức và sự dấn thân trong cộng đồng nghiên cứu sinh VEF, trong việc phải làm thế nào trở về phục vụ đất nước một cách tích cực. Đồng thời, thiết lập chương trình Academic job fair (Hội chợ việc làm trong hàn lâm) để tạo cơ hội cho sự trao đổi thông hiểu giữa nghiên cứu sinh VEF và các lãnh đạo đại học Việt Nam, để các nghiên cứu sinh trở về làm việc trong môi trường hàn lâm”.