Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/05/2006 14:10 (GMT+7)

Đường Hồ Chí Minh thời kháng chiến chống Pháp

Nếu nói đến lịch sử xa xưa hơn thì từ một đến hai thế kỷ trước, con đường này đã được sử dụng trong nhiều chiến dịch khác nhau:

Quang Trung đã từng dùng con đường phía Tây thành Quảng Ngãi, Quảng Nam để ra đánh thành Phú Xuân. Nhiều cánh quân của Quang Trung đã dùng voi đi trên con đường này để tạo sự bất ngờ cho quân Nhà Nguyễn.

Từ Bắc vào, Lê Quí Đôn (năm 1775 với cương vị Hiệp trấn tham tán quân cơ), cũng đã dùng còn đường phía Tây Quảng Trị rồi tràn qua đường số 9, dùng voi đánh vào Thuận Hoá. Trong Phủ biên tạp lụcông cũng đã từng kể đến nhiều đoạn gian truân của cuộc hành quân qua con đường này:

Nhưng thành một con đường xuyên suốt Bắc Nam, nhiều khi đứt đoạn nhưng tạo nên những kỳ tích lớn, góp phần vào sự nghiệp các mạng của cả dân tộc, thì phải kể đến từ sau Cách mạng tháng 8. Nhất là từ khi bùng nổ kháng chiến Nam bộ, lúc này nhiều đoạn trên quốc lộ số 1 bị quân Pháp chiếm đóng. Nhiều đoàn cán bộ của ta đã phải hoặc theo ngã Trường Sơn, hoặc biển Đông ra Bắc vào Nam … Như thế cả hai tuyến đường Hồ Chí Minh đã in dấu những chiến sĩ cách mạng từ năm 1946.

Giữa năm 1946, Đông Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ đã bị thực dân Pháp chiếm đóng và kiểm soát hầu hết đoạn quốc lộ Bắc – Nam . Lực lượng vũ trang của ta chỉ còn kiểm soát được phía Tây Quảng Nam , Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đây là các vùng tự do ta có thể đi lại được.

Đầu năm 1947, Pháp đã chiếm được một phần đồng bằng Bắc bộ, Nam Trung bộ, đoạn từ phía Nam đèo Ngang vào đến nam Đà Nẵng, phần lớn Tây Nguyên và Nam bộ. Để chi viện cho chiến trường Nambộ, Trung ương đã cử nhiều cán bộ cấp cao, đồng thời chuyển một số lớn tiền và vàng để giúp miền Nam mua sắm thêm vũ khí.

Ngay từ thời đó, con đường vào Nam đã có hai hướng mở đường: một hướng trên bộ, một hướng trên biển.

Con đường trên bộ:

Trong số đoàn vào Nam thời này có lẽ đoàn đầu tiên mở đường là đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn Bộ trưởng Bộ Canh nông cùng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và ông Ca Văn Thỉnh Bộ trưởng Bộ giáo dục, Tổng thư kí Đảng Dân chủ Việt Nam. Sau khi họp quốc hội đầu tiên vào đầu năm 1946, các ông nhận chức vụ trong Chính Phủ, sau đó tình nguyện vào Nam tham gia chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến Nam bộ. Ngoài nhiệm vụ vào Namtham gia kháng chiến các ông còn kết hợp mang theo tiền, vàng và những tài liệu để xây dựng bộ máy kháng chiến Nam bộ thời đó. Từ Hà Nội vào Nam Bộ, đoàn này chỉ đi được bằng tàu hoả một đoạn từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, sau đó phải đi bộ, nhờ dân địa phương vác hàng hoá, tài liệu và tiền. Đoàn vào Quảng Bình bằng đường quốc lộ sau đó rẽ sang động Phong Nha để lên núi Trường Sơn.

Đơn vị đầu tiên mở đường tiếp tế và dẫn đường cho các đoàn chính là Phòng Liên lạc kiên khu V. Đơn vị này được thành lập theo chỉ thị của đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là đại diện của Chính phủ tại Nam Trung bộ. Đoàn cán bộ của ông Ngô Tấn Nhơn vào đến Quảng Ngãi rồi đi tàu hoả từ đó vào Phú Yên. Đến đây. đoàn không đi tiếp được nữa vì liên lạc từ Bắc vào Nam bị tắc ở đoạn từ Khánh Hoà vào đến Ninh Thuận. Mặc dù UBKCMN đã cử ba đoàn đi mở đường nhưng vẫn không thành công. Đoàn thì bị lộ, phải rút chạy vì bị biệt kích truy đuổi, đoàn thì bị giặc Pháp chặn đánh… mất mát, hi sinh, số còn lại đói khát, thiếu thốn… Cuối cùng UBKCMN quyết định cử ông Nguyễn Đăng, Tham mưu trưởng khu VI làm trưởng đoàn để mở lối đi mới. Rút kinh nghiệm ba đoàn mở đường trước đây, ông Nguyễn Đăng nghĩ ra cách là vượt núi rừng Trường Sơn ở đoạn giáp biên giới Lào. Đoàn đã xuất phát từ Dốc Chanh (Phú Yên), đi đến hòn Dữ (Khánh Hoà) và từ đây đi xuyên qua núi Ba Cụm, qua bản làng của người Thượng, đến Lý Điềm, từ Lý Điềm xuống dốc để đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu). Đây là trạm cuối của đường dây liên lạc. Tính từ lúc xuất phát ở Dốc Chanh đến đây mất 1 tháng 10 ngày, thế là đã thông suốt đường liên lạc bộ trên dãy núi Trường Sơn: Lộ trình bắt đầu từ Hà Tĩnh, đến Quảng Bình, leo núi sang phía Tây Trường Sơn, trở về vùng đồng bằng Quảng Trị, qua Thừa Thiên, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi… Sau đó đoàn của ông Ngô Tấn Nhơn được chuyển giao cho UBKCMN đóng tại Phú Yên dẫn đường đi tiếp vào Nam .

Sau khi vào đến Nam bộ, ông Ngô Tấn Nhơn thấy được những khó khăn của việc đi lại trên đường Trường Sơn, ông thành lập Ban tiếp tế miền Nam Việt Nam và trực tiếp làm Trưởng Ban này. Hiểu được những thiếu thốn của Liên khu V là thuốc chữa bệnh, ông tổ chức mua thuốc tây tại Sài Gòn, đóng vào thùng kẽm, chuyển bằng đường bộ ra liên khu V, mỗi năm chuyển được hai chuyến.

Cùng năm 1947, đơn vị đã tổ chức một đoàn dân công mang tiền bạc thuốc men từ Vinh đi bộ vào liên khu V cùng với đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Đoàn cũng phải đi qua chiến khu thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, qua huyện Hiên (Quảng Nam ). Tuy gọi là đường nhưng không phải đoạn nào cũng sẵn đường. Đường đi thường là tự mở, đi đến đâu mở đến đó, có đoạn phải leo núi, có đoạn phải lội suối. Nguy hiểm nhất trong những ngày đầu mở đường là thú dữ: hổ, voi. Càng đi sâu vào rừng, dấu chân người càng vắng dần. Không chỉ có thú dữ, sốt rét rừng, muỗi, vắt cũng là những đối tượng đe doạ đến sinh mạng và sức khoẻ của con người.

Như vậy, sau hai đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn và Nguyễn Duy Trinh, con đường bộ từ miền Bắc đi dọc Trường Sơn vào tới Nam Trung bộ và tới các căn cứ của Nam bộ Kháng chiến thực sự đã được vạch ra, hầu hết là đường mòn, khi thì đi trên núi, khi xuống ven đồng bằng, khi đi đò… Trên con đường này cũng đã hình thành những trạm giao liên, những cung đoạn do từng đơn vị phụ trách. Bắc và Trung bộ có Phòng liên lạc liên khu V. Từ Phú Yên trở vào do Ban liên lạc UBKCHC Nam bộ phụ trách. Kể từ đó trở đi, việc liên lạc Bắc Nam tuy gian nan vất vả nhưng được thông suốt. Mỗi năm có nhiều đoàn đi ra và nhiều đoàn đi vào. Số lượng vũ khí, tiền bạc, vàng, tài liệu, thuốc men của Trung ương chi viện cho miền Namcũng theo con đường này cùng các phái đoàn để vào Nam .

Trong số những đoàn vào, có những đoàn quan trọng như đoàn của các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Hiến Mai, Hồ Sĩ Ngợi, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Trần Quí Hai, Lưu Quý Kỳ, Nhạc sĩ Lưu Cầu. Một trong những đoàn rất quan trọng đã vào Nam năm 1948 là phái đoàn của Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ (đại diện cho Trung ương Đảng) và đồng chí Phạm Ngọc Thạch (đại diện cho Chính phủ). Đoàn khởi hành vào giữa tháng 9 năm 1948 và tới đầu tháng 9 năm 1949 thì tới Đồng Tháp Mười. Một trong những người đi trong đoàn này, ông Lê Toàn Thư, thư ký riêng của đồng chí Lê Đức Thọ, đã kể lại:

“Đồng chí Lê Đức Thọ giao cho tôi 3 gói riêng biệt, được niêm phong kỹ lưỡng và cho biết: một là tài liệu chỉ thị, nghị quyết, văn kiện của Trung ương, khi tới Nam bộ mới lấy ra làm việc. Hai là một số bạc Đông Dương. Khi có lệnh mới được chi dùng. Ba là một số vàng gửi cho Xứ uỷ Nam bộ. Đây là những vật bất ly thân, phải bảo vệ chúng như bảo vệ tính mạng của mình”.

“Đoàn gồm có 3 đồng chí lãnh đạo về 3 phương diện: đồng chí Lê Đức Thọ trưởng phái đoàn về mặt Đảng, đồng chí Phạm Ngọc Thạch trưởng phái đoàn về mặt Chính phủ. Đồng chí Dương Quốc Chính, tức thiếu tướng Lê Hiến Mai đại diện của Bộ Tổng chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam …”.

Trong số các đoàn từ Nam ra Trung ương công tác, học tập, có các đoàn: đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Đình Thám, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh, Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Văn Trà, Đàm Quang Trung, Đoàn của Xứ uỷ Nam bộ ra họp Đại hội Đảng lần thứ II, đoàn Hoàng thân Xu – pha – nu – vông, đoàn Sơn Ngọc Minh.

Một trong số thành viên của đoàn đại biểu ra họp Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Phó bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, đã kể lại:

“Hồi kháng chiến chống Pháp, khi ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ hai, tôi cùng một số đồng chí vượt núi Tà Lơn của Campuchia qua Thái Lan đi Việt Bắc. Khi về Nam, tôi cùng đoàn cuốc bộ mất một năm (ăn tết năm 1951 ở Việt Bắc, ăn tết năm 1952 ở Đồng Tháp Mười). Hồi đó tôi chưa hiểu lắm về địa lý Việt Nam, nhưng từ chiến khu Việt Bắc (Sơn Dương Tuyên Quang) về đến khu căn cứ Bạc Liêu (Cà Mau), tôi đã thuộc khá nhiều địa danh trên đường mòn và các tỉnh duyên hải khu 4, khu 5, miền Trung và cả Cực Nam Trung bộ. Thực ra đi khoảng hơn 3 tháng, qua từng chặng phải dừng một thời gian để chuẩn bị lương khô cho chặng tiếp theo, ngoài ra phải dừng lại do địch hành quân phục kích… Bấy giờ bom pháo không dữ dội như hồi chống Mỹ, nhưng anh chị em giao liên phải chiến đấu một cách lặng lẽ trong thiếu ăn, thiếu thuốc nhất là sốt rét, để chống địch đốt phá, bảo vệ mạch máu giao thông và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ đi qua. Bấy giờ lương thực có được chủ yếu dành cho khách, còn anh chị em thì sống vô cùng gian khổ. Tôi nghĩ mình đi như thế này đã là gian khổ lắm, nhưng so với các chiến sĩ giao liên chỉ một lon bắp rang, phải chia bữa ra ăn với rau rừng nấu cùng nước lã. . .thì chưa thấm vào đâu”.

Để dễ hình dung con đường bộ do Phòng liên lạc liên khu V mở và dẫn đường, xin kể tên ba trong số những đoạn đường mòn chính trên núi rừng Trường Sơn thời đó:

1. Đường thượng (Tây Trường Sơn).

Lộ trình bắt đầu từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ theo đường sắt đến ga Tân ấp (đầu Quảng Bình) leo nhiều núi qua nhiều đèo và thác, đến Phong Nha, qua Khe Cóc đi đò (vì không có đường đi bộ) lên Khe Giữa, đến Bang Bụt là hết đất Quảng Bình. Đến Cổ Kiềng (Quảng Trị) vào Xóm Mới Khe Sanh, qua đường 9 đến Ba Lòng là chiến khu Quảng Trị.

2. Con đường Đông Trường Sơn:

Bắt đầu từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ, rồi đi goòng (goòng là toa xe lửa nhưng không có đầu máy, 2 người chạy bộ hai bên kéo và hai người chạy sau đẩy trên đường ray) qua Minh Cầm vào Bồng Lai đến Thuận Đức (Quảng Bình). Từ đây có thể đi theo hai hướng qua đường số 9 đến chiến khu Quảng Trị.

3. Từ chiến khu Quảng Trị vào liên khu V.

Từ Ba Lòng vượt qua nhiều thác của đất Bình Trị Thiên như Thác Mệ, qua vùng đồng bào Vân Kiều, Phú Lộc, A Lưới về dốc Bút (Quảng Nam), đến Bến Hiên là địa đầu của tỉnh Quảng Nam rồi đi tiếp vào Bồng Sơn – Bình Định.

Con đường trên biển Đông

Ngoài đường bộ trên đại ngàn, đường biển đã được hình thành trong những ngày đầu sơ khai này.

Có lẽ chuyến đi biểu đầu tiên là đoàn của Bến Tre, do đồng chí Mường Khước và đồng chí Nguyễn Thị Định đi ra Bắc để gặp Bác Hồ và xin tiếp tế vũ khí cho Nam Bộ kháng chiến.

Cũng vào thời gian đó, có một đơn vị thuộc đại đội Hồ Chí Minh của Nam Bộ, xuất phát từ bến Khâu Băng (Bến Tre) xuyên biển Đông ra Nam Trung bộ nhận hàng tiếp tế từ Trung ương chi viện. Họ đi bằng thuyền buồm, không có bản đồ nhưng cũng đã đi tới nơi, về tới chốn.

Năm 1947, chúng ta mở một hướng mới trên biển: một số đoàn thuyền buồm được cử đi Thái Lan mua vũ khí và các phương tiện kỹ thuật như máy móc điện đài để phục vụ cho kháng chiến chống Pháp. Đoàn mang tiền mặt và vàng sang Thái Lan. Đoàn đến Thái Lan liên lạc với đại diện Tổng hội Việt Nam ở Thái Lan là các ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ, lúc đó phụ trách Văn phòng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Bangkok.

Người được giao nhiệm vụ đưa những đoàn thuyền đầu tiên sang Thái Lan là ông Tám Xã kể lại.

“Đầu năm 1947, Chủ tịch Phạm Văm Bạch và Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn giao nhiệm vụ cho tôi đưa đoàn thuyền có trọng tải 15 – 40 tấn sang Thái Lan để công tác. Đoàn gồm 3 chiếc, một chiếc có tôi và anh Hoá đi trước; chiếc thứ hai có anh Hoài và độ 10 cán bộ vừa tốt nghiệp trường quân chính Sơn Tây về; chiếc thứ 3 Sáu Thanh và anh Luy chở máy móc nhà máy đường Đồng Bò. Riêng phần tôi còn mang 500.000 đồng tiền Đông Dương ngân hàng, đem giao cho Tổng hội Việt kiều Thái Lan ở Bangkok, trực tiếp là anh Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ.

9 ngày trôi qua, mọi việc đều được an toàn. Chúng tôi đã tiến vào vịnh Thái Lan, sang ngày thứ 12 thì bờ biển Thái Lan hiện dần. Đến Bangkok anh Hoá nói tiếng Anh hỏi thăm đường, chúng tôi đi đến tiệm may SaigonTailor (địa điểm liên lạc với anh Trần Văn Giàu).

Độ một tuần sau có đoàn các anh Năm Đông, Kỉnh, Kính, Bông Văn Dĩa và một số cán bộ khác nữa từ khu 9, cũng mang vàng của tuần lễ vàng Nam bộ qua tới, lo mua súng ống đạn dược, quân trang chuẩn bị thành lập một đơn vị mang vũ khí về nước (đó là Đoàn Cửu Long II sau này)”.

Sau đó không lâu, khi các căn cứ kháng chiến ở Nam bộ đã được củng cố, cơ quan UBKCMN đóng ở khu VI từ lúc bùng nổ kháng chiến cũng trở về Nam bộ bằng đường biển.

“Tháng 5 – 1947, đoàn vận tải 14 có 6 ghe lớn ở sông Cầu (Phú Yên) do anh Thận phụ trách đưa đi, phải huy động hàng trăm công nhân và dân quân tại chỗ, ngày đêm khuân vác tắt qua đèo Cù Mông đi cả tháng để đến thuyền. Con đường xuyên biển Đông xa bờ, ta đã đi được 36 chiếc thuyền buồm, đưa cán bộ, chiến sĩ, chở gạo tiếp tế ra… rồi nhận vũ khí tiền vàng, rước cán bộ trở về Nam bộ, hai phần ba là đi vào cửa biển Bến Tre. Vũ khí ước tính được trên 250 tấn”

Ở miền Trung Trung bộ, Phòng liên lạc liên khu V, sau thắng lợi mở đường bọ Trường Sơn, cũng đã mở ra tuyến đi ven biển từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào Cửa Đại (Quảng Nam).

Như vậy các tuyến trên biển Đông đã được nối lại thành tuyến Bắc Nam từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, từ Quảng Bình đi qua Quảng Trị, đến Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam, các chi điếm vận tải trên biển được hình thành gồm: Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Nhượng, Cửa Sót (Hà Tĩnh), Cảnh Dương (Quảng Bình), Cửa Đại (Quảng Nam). Đoạn này do Phòng liên lạc khu V phụ trách. Từ Quảng Nam trở vào, có các tuyến từ Hòn Hèo (Khánh Hoà) đi vào cửa Sông Ray của Bà Rịa rồi đi tiếp vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Năm 1953 chi điếm vận tải Cảnh Dương hợp nhất với công ty vận tải Nam Thắng, ngoài vận tải cho khu vực còn sử dụng thuyền có trọng tải 60 – 70 tấn và đã chuyển hàng ngàn tấn vũ khí vào khu V và Nam Bộ.

Con đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển thời đó đã đi vào huyền thoại như thế, rất thầm lặng nhưng cũng đầy oanh liệt.

________________________

Tài liệu tham khảo:

1.Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long - Ấn tượng Võ Văn Kiệt. NXB Trẻ, 2004.

2.Ban liên lạc cựu cán bộ chiến sĩ phòng liên lạc liên khu V - Đường Trường Sơn thuỷ bộ Bắc Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp(1947 – 1954). NXB Đà Nẵng, 2001.

3.Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Thủ Tướng Phủ - Giấy khen số 440 PN/VP, Việt Bắc ngày 1.81950.

4.Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh tặng khen ông: Trần Hữu Tôi, nhân viên Phòng Trung ương liên lạc miền Nam , số 216/SV, ngày 16.6.1951.

5.Cố vấn Ban CHTW Đảng CSVN - Phạm Văn Đồng – Thư gửi ông Bộ trưởng bộ giao thông vận tải, Hà Nội ngày 10.5.1997.

6. Nhớ Nam bộ và cực Nam Trung bộ buổi đầu kháng chiến chống Pháp – Thăng Long (chủ biên). NXB Trẻ, 1999.

7. Nambộ thành đồng tổ quốc đi trước về sau, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, - 1999.

8. Lịch sử Lữ đoàn 125 hải quân. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

Nguồn: Xưa và Nay, số 226, tháng 12 – 2004, trang 13 – 16.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.
Tìm giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
Ngày 4/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học” . Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Gia Hưng và Trưởng ban Truyền thông và phố biến kiến thức Vusta Lê Thanh Tùng chủ trì hội thảo.

Tin mới

Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
HỘI KH&CN HKVN ĐỒNG HÀNH CÙNG CHUỖI HỘI THẢO QUỐC TẾ CỦA IATA “AIR CARGO DAY VIỆT NAM 2024”
Ngày 07-08/11/2024 tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA và Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam, cùng với sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học này.
Thái Bình: Hội thảo về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên
Chiều 07/11, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học: “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Đồng Thụy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Đức Luận đồng chủ trì hội thảo
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…