Dùng lợi khuẩn mang thuốc trị ung thư
“Hiện nay trên thế giới có nhiều nghiên cứu dùng những vật liệu từ hóa học để làm chất mang thuốc trị ung thư. Riêng tôi chọn nghiên cứu theo hướng tìm những hạt nano có nguồn gốc từ vi khuẩn để hướng đích tế bào ung thư” - TS Nguyễn Hoàng Khuê Tú cho biết.
Có khả năng mang nhiều thuốc
Mới với cả VN và thế giới Đề tài “Nghiên cứu tổng hợp minicell để mang thuốc từ Lactobacillus” và một số đề tài nằm trong chuỗi nghiên cứu về thuốc điều trị và chất mang thuốc trị ung thư của TS Nguyễn Hoàng Khuê Tú cùng nhóm nghiên cứu đã được đăng trên một số tạp chí khoa học uy tín của thế giới như Journal of Pure and Applied Microbiology, Biomedicine and Pharmacology Journal, Indian Journal of Microbiology, Journal of Applied Pharmaceutical Sciences. Theo đó, dùng lợi khuẩn để mang thuốc trị ung thư không chỉ có tính mới tại VN mà còn cả ở nước ngoài. |
TS Nguyễn Hoàng Khuê Tú cho biết những năm gần đây, việc sử dụng tế bào nhỏ (minicell) để mang thuốc trị ung thư là một công nghệ mới đầy hứa hẹn. Nhưng việc tạo ra các tế bào nhỏ từ vi khuẩn có lợi chưa được đề cập đến. “Những nghiên cứu trước đó của tôi về lợi khuẩn Lactobacillus khiến tôi nghi ngờ có thể tạo ra một minicell trực tiếp từ chủng vi khuẩn này để làm chất mang thuốc trị ung thư”. Suy nghĩ đó đã chỉ đường và đề tài “Nghiên cứu hệ vận chuyển thuốc paclitaxel của Lactobacillus” được nhóm nghiên cứu thực hiện. Điều đặc biệt là cấu trúc màng của chúng rất giống với cấu trúc màng của các tế bào ung thư. Như vậy, khi các minicell từ lợi khuẩn được sử dụng làm chất mang thuốc trị ung thư thì thuốc sẽ đi trực tiếp vào các tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị, giảm liều lượng, giảm tác dụng phụ của thuốc.
Thạc sĩ Đoàn Thị Thanh Vinh - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết lợi khuẩn luôn là thứ cần bổ sung đối với cơ thể con người. Thực tế, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các hạt nano từ lợi khuẩn Lactobacillus có kích thước vô cùng nhỏ (đường kính 100-400nm) nên có khả năng mang ít nhất 31 triệu phân tử thuốc paclitaxel. Lợi khuẩn nano còn được thử nghiệm mang nhiều thuốc trị ung thư khác như vinblastine hay nhiều loại thuốc khác nhau như kháng sinh nên có khả năng mang hàng loạt thuốc trị ung thư từ ung thư vú, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, vòm họng... Các hạt lợi khuẩn nano này còn có tác dụng đa đích, nâng cao được hệ miễn dịch cơ thể.
Tác dụng tốt lên tế bào ung thư của người
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công các hạt nano này có tác dụng chọn lọc lên tế bào ung thư người ở cấp độ phòng thí nghiệm và cả thử nghiệm trên chuột. Sau khi tạo các hạt nano từ lợi khuẩn xong, các minicell được nhóm gắn ít nhất 31 triệu phân tử thuốc paclitaxel và thử trên tế bào ung thư của người. Điều đặc biệt, các tế bào ung thư được thử nghiệm là của người VN do chính một số bệnh viện VN cung cấp. “Khi dùng những minicell từ lợi khuẩn để mang thuốc trị ung thư, tế bào lành của người không hề bị tác động bởi thuốc. Chúng tôi sẽ tiến đến việc nghiên cứu liều thuốc, hiệu quả trị liệu an toàn cho người bệnh” - TS Nguyễn Hoàng Khuê Tú cho biết.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhân dòng và phân tích chức năng của gen min liên quan đến sự phân chia tế bào của vi khuẩn Lactobacillus từ năm 2010-2012, do Quỹ khoa học công nghệ và phát triển quốc gia VN tài trợ. Từ tháng 7-2012, họ bắt đầu nghiên cứu đến hệ mang thuốc của minicell được tạo nên từ vi khuẩn này. Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu đang tiến hành “gắn” các kháng thể chuyên biệt cho chất mang thuốc này với từng loại tế bào ung thư. Song song với việc tạo các hạt nano, nhóm nghiên cứu cũng tạo được các nguồn thuốc trị ung thư như paclitaxel, vinblastine và các thuốc tự nhiên có nguồn gốc từ vi sinh vật nhằm giảm chi phí điều trị cho người bệnh ung thư.
Hi vọng sớm được triển khai trên bệnh nhân VN Từ trước đến nay hóa trị ung thư có nhiều tác dụng phụ như giảm bạch cầu, giảm hồng cầu, tiểu cầu khi tiêm vào cơ thể. Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu một số loại vật liệu để làm chất mang thuốc, để khi đưa chất hóa học vào cơ thể thì chất này chỉ tác dụng trên tế bào ung thư hoặc ngăn chặn một khâu trong đường chuyển hóa của tế bào ung thư. Phương pháp này gọi là liệu pháp trúng đích, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn phương pháp hóa trị kinh điển. Nếu VN tìm được công nghệ này và nghiên cứu thành công sẽ rất có lợi cho bệnh nhân và y học VN. Tôi hi vọng những nghiên cứu này sẽ sớm được triển khai trên bệnh nhân VN. PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc(phó khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa hô hấp BV Chợ Rẫy). |