Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/05/2008 15:52 (GMT+7)

Dùng EPO cho người thiếu máu do suy thận

Vì sao khi suy thận thì bị thiếu hồng cầu?


Hormon erythropoietin có chức năng kích thích tạo ra hồng cầu. Khoảng 80-90% erythropoietin do thận sản xuất ra, phần còn lại 10-20% do gan và đại thực bào. Người  suy thận, thận không làm tốt chức năng này, nên thiếu erythropoietin dẫn tới thiếu hồng cầu. Người suy thận dù đã đến hay chưa đến tình trạng phải lọc máu đều thiếu hồng cầu. Tuy nhiên, khi vào giai đoạn cần phải lọc máu thì sẽ bị mất máu trong quá trình lọc, thiếu sắt (một thành phần của hồng cầu) nên việc thiếu hồng cầu càng trở nên nghiêm trọng.


Erythropoietin tổng hợp và tính năng


Erythropoietin là chế phẩm sinh học gồm 165 acid amin, có cấu trúc không gian 3 chiều, với nhiều đồng phân khác nhau. Dạng alpha và dạng beta erythropoietin chỉ khác nhau ở vị trí các nhóm glycolsyl. Chúng đều có tính năng sinh học giống erythropoietin nội sinh: kích thích sự phân chia tế bào dòng hồng cầu và các tế bào tiền nguyên hồng cầu, đồng thời làm biệt hóa các đơn vị tạo quần thể hồng cầu (CFU) thành tiền nguyên hồng cầu. Như vậy, erythopoietin cùng lúc tác dụng  trên dòng tế bào hồng cầu và dòng tế bào tủy. Erythropoietin - người tái tổ hợp, viết tắt là EPO, có nhiều biệt dược (procrid, epopen, epokin, eprex,epogen, neorecormon, arannepsp).


Khi nào dùng erythropoietin?


Trước đây, trong thiếu máu do suy thận, nhất là trong giai đoạn phải lọc máu thường phải truyền máu. Từ khi phát hiện ra vai trò erythropoietin kích thích tạo hồng cầu, chế ra được erythropoietin- người tái tổ hợp thì thường thay truyền máu hoặc giảm bớt số lượng máu truyền bằng cách dùng EPO. Điều này làm cho người bệnh đỡ phiền phức tốn kém, nhưng giá EPO hiện vẫn còn cao. Ngoài trường hợp này, EPO còn được dùng trong các trường hợp thiếu máu khác (do viêm khớp dạng thấp, do AIDS, do đẻ non, do hóa trị liệu, do cần phải giảm bớt lượng máu truyền trong phẫu thuật).


Cần dùng thế nào cho hiệu quả, tránh tai biến?


- EPO là chế phẩm sinh học, hạn dùng thường 18 tháng, phải được bảo quản ở 2-8oC, tránh ánh sáng. Nếu không bảo quản  đúng như thế, EPO sẽ không có hiệu lực.


- EPO kích thích tạo hồng cầu. Cần có những yếu tố tạo hồng cầu khác là sắt, protein. Khi dùng EPO, phải chủ động bổ sung sắt (muốn tạo 30g hồng cầu phải bổ sung 400-500mg sắt), phải có chế độ dinh dưỡng tốt, chống các bệnh viêm nhiễm.


- Tiêm EPO dưới da, đạt nồng độ đỉnh chậm (sau 12-18giờ) hiệu lực kéo dài  (chu kỳ bán hủy 20giờ) sau đó còn duy trì nồng độ cao trong 48giờ, có thể dùng liều thấp, tiết kiệm được một lượng thuốc đáng kể (20-30%), nhưng phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được nồng độ hemoglobin theo yêu cầu, dễ gây phản ứng tạo miễn dịch. Tiêm EPO tĩnh mạch đạt nồng độ đỉnh sớm hơn, nhưng thời gian duy trì hiệu lực ngắn hơn (chu kỳ bán hủy chỉ 5 giờ) nhưng mất ít thời gian hơn để đạt được nồng độ hemoglobin theo yêu cầu, ít tạo phản ứng miễn dịch. Phổ biến là dùng đường tiêm dưới da, nhưng  trong trường hợp thẩm phân phải dùng đường tĩnh mạch. Do các tính chất này cách dùng thông thường nhất là tiêm dưới da, mỗi tuần 3 lần.


- Tác dụng của EPO phụ thuộc vào liều dùng. Chưa xác định được liều an toàn tối đa nhưng nếu dùng liều cao  hơn 300 đơn vị/kg thể trọng, mỗi tuần 3 lần không cho kết quả cao hơn. Vì thế, thường dùng thấp hơn liều này. Liều tiêm tĩnh mạch hay dưới da lúc đầu là 50-100 đơn vị /kg thể trọng, mỗi tuần tiêm 3 lần, khi hematocrit đạt dược 36% thì giảm liều, nhưng nếu sau 8 tuần dùng mà hematocrit không tăng lên được 5-6% thì phải tăng liều. Mỗi tháng không điều chỉnh liều quá một lần. 


- Dùng EPO lúc  đầu có thể bị hiện tượng giả cúm: đau khớp, nhức đầu, mệt mỏi.


- Do EPO làm tăng hồng cầu nên sẽ làm tăng huyết áp.Trong giai đoạn tấn công, hay duy trì cần theo dõi huyết áp. Khi huyết áp tăng, phải điều chỉnh liều EPO và liều thuốc huyết áp. Không dùng cho người cao huyết áp không kiểm soát được.


- Dùng EPO có thể bị tăng trương lực cơ gây co giật nhưng hiếm, chỉ xảy ra khi dùng EPO làm tăng hematocrit quá nhanh. Không dùng cho người tăng trương lực cơ mà không kiểm soát được, người động kinh, người bị chuột rút.


- Dùng EPO sẽ làm tăng hồng cầu. Sự tăng nhanh hồng cầu có thể gây nên tình trạng dễ đông máu. Tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra nếu dùng đúng liều và điều chỉnh việc tăng hồng cầu với tốc độ thích hợp. Dẫu vậy, vẫn khuyến cáo:  không dùng EPO cho các trường hợp liên quan đến việc tăng hồng cầu bị cục máu đông (như không dùng cho người tăng tiểu cầu, người bị thiếu máu cơ tim cục bộ).


- Khi dùng EPO, hồng cầu sẽ tăng, cơ được cung cấp nhiều ôxy hơn, vận động viên sẽ thi đấu tốt hơn. Tuy nhiên, khi vận động viên thi đấu, mồ hôi ra nhiều (nhất là trong điều kiện nóng bức, uống ít nước) thì với lượng hồng cầu tăng lên như thế, máu sẽ dễ bị cô đặc lại giống như  bị “bùn hóa” “ nhão hóa” dẫn đến ứ đọng máu, gây nghẽn mạch tim (nhồi máu cơ tim), nghẽn mạch não (gây đột quỵ), nghẽn mạch phổi (trụy hô hấp).  EPO được xếp vào loại doping. Cấm vận động viên dùng.


Việc bảo quản, chỉ định, theo dõi, điều chỉnh liều dùng để đạt hiệu quả và tránh tai biến khi dùng EPO khá phức tạp. Chỉ nên dùng EPO tại các bệnh viện. Không chỉ vận động viên mà cả người bình thường cũng không nên dùng EPO như một chất tăng lực.


Nguồn: suckhoedoisong.vn (25/04/08)

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...