Đồng Tháp: Nông dân sản xuất giỏi, sáng tạo hay
A nh không chỉ là một nông dân trẻ, chịu khó, siêng làm, trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mà còn là người luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc, nơi anh sản xuất cũng là điểm lui tới tham quan thường xuyên của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh.
Thành công từ trồng vụ nghịch
Là một nông dân gắn bó lâu năm với cây lúa nhưng cuộc sống vẫn không khá giả. Trăn trở với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, anh quyết tâm tìm cách phá thế độc canh cây lúa để thoát nghèo. Anh Phương kể: “Bảy năm theo nghề hàng xáo, được đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nên tôi quyết định chuyển sang nghề rẫy, nhưng mà phải làm vụ nghịch mới có lời cao và không sợ rớt giá”.
Để làm được vụ nghịch, anh Phương đã lên đê bao toàn bộ 1,4ha gồm: bờ bao, mương và liếp, trong đó diện tích liếp là 8.000m 2và cây trồng đầu tiên Phương chọn để thay thế lúc đó là củ cải trắng. Theo Phương trồng củ cải trắng có ưu điểm là: ngắn ngày, dễ trồng, cho năng suất cao và đặc biệt là dễ bán. Phương kể tiếp: “Ăn tết xong là xuống giống vụ đầu tiên, một tháng rưỡi là cho thu hoạch. Lúc này là thời điểm khô hạn nên củ cải bán rất được giá, sau đó tiếp tục trồng vụ thứ 2. Khi cải được 5 ngày tuổi, tôi trồng xen ớt để đến tháng 6 - 7 thu hoạch rơi đúng vào thời điểm vụ nghịch. Khi thu hoạch xong vụ ớt, từ tháng 8 đến tháng 10 tiếp tục trồng 2 vụ củ cải, lúc này trùng vào thời điểm nước lũ nên củ cải tiếp tục có giá và vụ cuối cũng là vào tháng chạp. Tôi làm như vậy là “chắc mẽm” sẽ có 3 vụ củ cải và 1 vụ ớt trúng giá”.
Mùa cải đầu tiên thu được kết quả khá khả quan, thu hoạch được trên 30 tấn, trừ mọi chi phí, anh còn lãi trên 20 triệu đồng. Từ đó đến nay cải trắng trồng xen ớt của anh liên tục trúng mùa, trúng giá, nên anh đã tích lũy được một số tiền mua thêm ruộng đất, từ 14 công đất ban đầu, nay anh Phương đã canh tác được 30 công, mỗi năm anh trồng 5 vụ với tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng
Ngoài cây trồng chính là củ cải trắng xen ớt, dưới ao anh Phương thả nhiều loại cá như: cá tra, rô phi, mè vinh, trắm cỏ v.v. những loại cá này có thể tận dụng phụ phẩm từ cải nên không phải tốn chi phí thức ăn, mỗi năm, anh thu hoạch hơn 400kg cá các loại. Nguồn thu tuy không lớn nhưng ao cá này đủ để bổ sung vào thực đơn cho các nhân công mỗi ngày. Làm sao vừa làm rẫy,vừa nuôi được cá? Phương phân bua: “Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và thuốc ít độc nên không ảnh hưởng đến đàn cá nuôi, vừa an toàn cho người sử dụng, vừa an toàn cho môi trường”.
Chiếc máy tưới nước cải tiến mang lại hiệu quả cao
Không chỉ thành công với mô hình trồng củ cải trắng xen ớt, anh Lê Hồng Phương còn có sáng kiến cải tiến máy tưới nước để phục vụ đồng áng, sáng kiến này được đánh giá là một công trình thiết thực và hữu ích. Với sáng kiến này, anh được Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam , Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển thương hiệu Việt trao tặng điển hình sáng tạo Việt Nam 2008.
Theo anh Phương, củ cải trắng là một trong những loại cây có nhu cầu nước tưới rất lớn nên tưới bằng mô tơ rất cực, vừa chậm, vừa tốn nhiều chi phí. Chính vì vậy, anh đã nảy sinh ý định tìm phương tiện khác tưới cho phù hợp. Anh kể: “Một lần tưới nước, tình cờ tôi đưa búp sen tưới lên trời, cao ngang đầu, thấy bề mặt cột nước bung rộng khoảng 3m. Tôi nảy ra ý tưởng là sẽ chế được máy tưới phù hợp hơn. Sau thời gian nghiên cứu, đến năm 2003, tôi quyết định làm thử và sáng chế thành công máy tưới cải tiến này”.
“Máy tưới cải tiến” của Lê Hồng Phương đã tích hợp thành công nguyên lý hoạt động của loại máy bơm thông dụng là máy bơm ly tâm và lực đẩy của nước khi máy hoạt động. Máy gồm 1 động cơ D15 đặt trên chiếc chẹt gỗ có kích thước ngang 1,7m, dài 3,5m, động cơ gắn liền bơm ly tâm (bơm hút). Nước được hút lên bằng ống nhựa, sau đó nước được đưa lên dàn phun bằng ống dài dựng đứng cao 1,7m. Dàn phun là 2 ống nhựa đường kính 49mm có cùng chiều dài 17m, nằm kề nhau và một trụ giữa đỡ hình chữ T. Trên dàn phun này cứ cách nhau 2,8m được gắn 2 vòi búp sen quay ngược hướng nhau, khi hoạt động nước sẽ được phun về phía sau vừa tạo lực đẩy đưa toàn bộ dàn phun và chiếc chẹt lao về phía trước mà không cần gắn thêm chân vịt vào động cơ. Với cách thiết kế búp sen như trên, có thể tưới tới hoặc tưới lui thông qua 4 van khóa, được gắn xung quanh nơi tiếp giáp giữa ngõ ra và dàn phun, không phải mất thời gian quay đầu chẹt. Một lần phun có thể tưới 2 liếp (20m).
Hiệu quả kinh tế của máy tưới cải tiến rất cao, giúp người dân giảm thiểu tối đa công tưới. “Diện tích 1ha cây màu nếu tưới bằng máy bơm phải mất 5 giờ và tốn 5 lít dầu, 2 nhân công. Còn tưới bằng máy tưới cải tiến chỉ cần 30 phút, chi phí nhiên liệu chỉ hết 0,5 lít dầu, tốn 1 nhân công để điều khiển máy. Tính ra tiết kiệm được hơn 50.000đ/ngày. Riêng giá thành nếu thực hiện chỉ khoảng 12 triệu đồng”.
Anh Phương cho biết: “Máy tưới cải tiến phục vụ sản xuất hoa màu này rất phù hợp cho hộ trồng màu có diện tích lớn từ 4-5 công trở lên. Hiện nay có nhiều bà con đến hỏi cách làm máy này tôi cũng chia sẻ vì mình cũng là nông dân nên giúp được bà con đỡ cực hơn mình cũng thấy vui”.