Dòng bông mới lai tạo giúp tăng sản lượng 25%
Bước tiến này đã được thực hiện do nhà khoa học Guo Sandui và các đồng nghiệp tại Hàn lâm viện Nông nghiệp Trung Quốc. Dựa trên thành công của loại bông biến đổi gien kháng sâu rầy mà nhóm của Guo năm 1999 đã bắt đầu nghiên cứu một hệ thống lai tạo phân tử cho cây bông lai. Năm nay đã có 2,3 triệu ha được trồng.
Sau nhiều năm làm việc cật lực, Guo, “cha đẻ của cây bông biến đổi gien Bt của Trung Quốc”, nay đã có dòng cây bông “Yimian 2” được Ủy ban đánh giá cây trồng quốc gia công nhận và cho thương mại hóa.
“Cây bông lai ba dòng với gien kháng sâu rầy”, nếu được trồng trên 3,33 triệu ha đất phù hợp sẽ gia tăng sản lượng 1 triệu tấn/năm. “Ba dòng” có nghĩa là dòng không có cây bông đực (thứ không trổ bông), dòng bảo tồn và dòng phục hồi trong kỹ thuật lai tạo cây bông.
Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu “cây bông lai ba dòng” năm 1948, nhưng đã thất bại trong việc tìm ra một giải pháp nhằm đảm bảo một sản lượng cao đáng mong ước, và chỉ cho ra đời một dòng bông lai kháng sâu rầy mà thôi. Những nước trồng bông nhiều, như Ấn Độ, phát triển cây bông lai qua một phương pháp lai tạo thủ công chưa đầy đủ.
Yuan Longping, “cha đẻ của lúa lai” trên thế giới, nói: ”Tôi tin rằng cây bông lai ba dòng của Trung Quốc với gien kháng sâu rầy thực sự là một bước đột phá hàng đầu trên thế giới". So sánh với “lúa lai” của ông có khả năng tăng sản lượng 20%, Yuan nói cây bông lai của Guo đang trên đường gia tăng sản lượng 30% trong vài năm tới đây.
Nguồn: tuoitre.com.vn 20/9/2005