Đoàn kết là sức mạnh vô song
X&N:Thưa giáo sư, về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử dân tộc, Giáo sư nhìn nhận như thế nào?
GS. Bùi Đình Thanh: cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của Việt Nam đã trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, những kẻ thù xâm lược khác nhau, với những chủ thể lãnh đạo cuộc kháng chiến khác nhau, nhưng đều hướng tới một mục tiêu không bao giờ thay đổi được khái quát ngắn gọn trong mười chữ: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Sau khi ký Hiệp định Paris ngày 27-1-2973, H. Kissinger đến Hà Nội. Khi thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Kissinger được giới thiệu bài thơ của Lý Thường Kiệt. Ông ta nói: Đây là điều 1 của Hiệp định Paris. Nội dung của điều 1: “Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Mục tiêu nói trên đã thấm sâu vào tiềm thức, tư tưởng, ý chí, tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Nó là bức thành đồng, lũy thép mà bất cứ thế lực hiếu chiến xâm lược nào húc vào đều thất bại. Xưa là như thế. Nay cũng như thế. Mãi mãi sau này vẫn là như thế.
X&N: Là một nhà nghiên cứu sử học, Giáo sư đánh giá như thế nào về hành động của Trung Quốc xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa qua?
GS. Bùi Đình Thanh: Sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, ai có thể nghĩ rằng dân tộc ta lại phải tiếp tục một cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ? Có điều khác trước là lần này không phải chống các thế lực đế quốc mà đối tượng đấu tranh lại là Trung Quốc, nước láng giềng lớn và cũng là một nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.
Cho đến năm 1974, không có vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu lịch sử, các văn bản có tính pháp lý, các bản đồ Việt Nam do các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn và nước ngoài vẽ đều cho thấy rõ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu nổi tiếng với bộ sưu tập bản đồ cổ Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đã thu thập và nghiên cứu hàng trăm bản đồ thế giới của các nước phương Tây thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ đều gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam” (1).
Năm 1974, Mỹ thất bại, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn đang trên đà suy sụp. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang tiến nhanh đến thắng lợi cuối chùng. Không bỏ lỡ cơ hội, Trung Quốc đưa quân đến chiếm Hoàng Sa nhằm thực hiện chính sách bành trướng ấp ủ từ lâu.
Tháng 6-1979, bốn tháng sau khi gây ra chiến tranh ở biên giới Trung - Việt để dạy cho “tiểu bá Việt Nam” một bài học, các nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tại cuộc gặp, Trung Quốc đưa ra yêu cầu Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Trường Sa. Yêu cầu đó đã bị bác.
Hành động của Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và đòi chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã mở đầu cho cuộc tranh chấp chủ quyền phi lịch sử đó. Điều cần nhấn mạnh là tuy thường xuyên lớn tiếng đòi lại chủ quyền về hai quần đảo nhưng Trung Quốc không đưa ra được bất cứ một tài liệu lịch sử, một văn bản pháp lý nào làm cơ sở cho sự đòi hỏi đó.
Suốt 30 năm qua, trên các diễn đàn ở Đông Nam Á và thế giới với các chủ đề an ninh, xây dựng luật pháp về các quan hệ quốc tế trên biển, giải quyết các tranh chấp quốc tế trên biển, không thấy ở bất cứ nơi nào, những lập luận của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình giành được sự đồng tình, ủng hộ của những người dự hội nghị.
Cần đặt hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông trong khung cảnh chiến lược và kế hoạch hiện đại hoá Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc các thế hệ tiếp theo nhằm biến một Trung Quốc “nhất cùng, nhị bạch” thành một nước phát triển cao, sánh vai các cường quốc trên thế giới. Họ đã thành công trong nhiệm vụ đó. Trong vòng hơn 30 năm, từ sau Cách mạng văn hoá đến thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế vượt qua Nhật Bản để chiếm vị trí thứ hai trên thế giới về kinh tế. Tham vọng của Trung Quốc là vượt Mỹ để chiếm vị trí số 1 trên thế giới. Muốn thế, chỉ mạnh về kinh tế là không đủ, mà còn phải trở thành một cường quốc về quân sự, một cường quốc trên biển cả. Trung Quốc nhận thức rất rõ về điểm này. Trong lịch sử, vao thế kỷ XV, hạm đội Trịnh Hoà đã từng vượt Ấn Độ Dương, Biển Đỏ đến tận Đông Phi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc hẳn có biết đến tư tưởng chiến lược của đô đốc Mỹ Alfred Mahan khi ông xây dựng chiến lược của hải quân Mỹ với tư tưởng: trong thế kỷ XX, ai làm chủ biển cả sẽ làm chủ thế giới.
Trong khi chưa đủ sức ra đại dương, Trung Quốc tập trung vào khai thác Biển Đông, nơi mà từ những năm 50 của thế kỷ trước nhà nghiên cứu người Anh Mal-colon Caldwell trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc dầu khí ở Đông Nam Áđánh giá là có trữ lượng rất lớn. Trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc xem đối tượng tranh chấp chủ yếu là Việt Nam. Trung Quốc vu cáo Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này và làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.
Với tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng biến Biển Đông thành ao nhà, nhưng lại không có cơ sở lịch sử và pháp lý để đòi hỏi về chủ quyền được chấp nhân, Trung Quốc chỉ còn một cách là ra sức tăng cường xây dựng lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân, xem đó là công cụ chủ yếu kết hợp với nhiều thủ đoạn mang tính “bá đạo” như tuyên bố một đằng làm một nẻo, xuyên tạc sự thật, kết hợp răn đe với mua chuộc, giải quyết tranh chấp bằng song phương, không đa phương, đe doạ dùng vũ lực và không ngần ngại sử dụng vũ lực.
Về mặt pháp lý, Trung Quốc lợi dụng những kẽ hở trong Công ước luật biển quốc tế năm 1982 để lách luật và ngang nhiên xâm phạm vùng thềm lục địa của Việt Nam trong ttháng 5 và tháng 6-2011. Đó là đòn nắn gân Việt Nam và thuốc thử phản ứng của nhân dân thế giới để có những bước tiếp theo, sau khi Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” trong đó 80% Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc. Đây là một “sáng tạo” không tiền khoáng hậu, tự biên, tự diễn về công pháp quốc tế, bắt thế giới phải theo, coi thường lịch sử, vứt bỏ pháp lý quốc tế, thách thức dư luận thế giới. Những hành động nói trên của Trung Quốc chỉ đưa đến kết quả là uy tín chính trị của Trung Quốc giảm sút. Các nước Đông Nam Á và thế giới có lý do chính đáng để nghi ngờ và cảnh giác với những chính sách đối ngoại của Trung Quốc và thấy cần phải làm gì để chống lại chính sách đó.
X&N: Thưa giáo sư, chúng ta đã có những biện pháp gì để giáo dục thế hệ trẻ cũng như các thành phần khác trong xã hội để họ hiểu về lịch sử biển đảo của nước ta, nhằm nâng cao ý thức chủ quyền của dân tộc và khai thác những tiềm lực, những cống hiến của họ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước cũng như trong vấn đề biển Đông?
GS.Bùi Đình Thanh:Đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo đòi hỏi một nhận thức sâu sắc của toàn dân. Để đạt được điều đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là giáo dục cho nhân dân, trước hết là thanh, thiếu niên thấm nhuần tinh thần tự hào dân tộc, khí phách anh hùng, trách nhiệm với đất nước.
Vùng biển rộng lớn là tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu đãi dân tộc ta và dân tộc ta phải biết hưởng thụ, bảo vệ, khai thác, phát triển tài sản đó. hướng ra biển, yêu biển, đẹp vì biển, giàu vì biển, mạnh vì biển, phải chăng đó là những ý tưởng vừa lãng mạn, vừa hiện thực nên đặt ra.
X&N: Theo Giáo sư, Việt Nam cần làm gì để đảm bảo chủ quyền trước những vụ việc vừa xảy ra?
GS. Bùi Đình Thanh:Cuộc tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng sa, Trường Sa sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, lúc căng, lúc chùng, không loại trừ có những đột biến nghiêm trọng, kể cả xung đột vũ trang.
Bình tĩnh và chủ động, không rơi vào bẫy khiêu khích của Trung Quốc không nhân nhượng vô nguyên tắc, Việt Nam cần có kế hoạch trước mắt và lâu dài cho cuộc đấu tranh. Ta có chính nghĩa nhưng chính nghĩa phải dựa trên sức mạnh tổng hợp, toàn diện (chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao). Cả dân tộc đoàn kết thành một khối vững chắc là một sức mạnh vô song.
Cần có những biện pháp làm cho nhân dân TQ, nhân dân các nước ASEAN và thế giới thấy rõ sự thật về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông, điều mà TQ ra sức bưng bít và xuyên tạc. Sợ sự thật, đó là gót chân Achille của TQ.
Trong hồ lô của TQ chắc còn nhiều “phép”. Nhưng phép màu nhiệm nhất mà TQ cần sử dụng là thực hiện nghiêm chỉnh, thực tâm chính sách hoà bình, hữu nghị được cụ thể hoá bằng 16 chữ (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và 4 tốt (bạn bè tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) do chính TQ sáng tác.
Chú thích:
(1). Nguyễn Đình Đầu, Hành trình của một tri thức dấn thân, tạp chí Xưa&nay, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2010, tr.121.