Đồ gốm Việt Nam qua các hiện vật khai quật ở Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
1. Hoàng Thành Thăng Long nơi hội tụ các giá trị văn hóa dân tộc
Trong thời kỳ Bắc thuộc (179 trước Công nguyên - 938), Lý Nam Đế (thế kỷ VI) là người đầu tiên nhận ra vị trí chiến lược của vùng đất này, khi cho dựng thành ở cửa sông Tô Lịch và đóng đô ở Vạn Xuân. Ông là người đầu tiên nhận ra cái thế địa lý thủ đô tự nhiên của đồng bằng châu thổ sông Nhị (Trần Quốc Vượng, 2010, tr.10). Thời nhà Tùy, vào năm 607 trị sở của chính quyền đô hộ dời về Tống Bình trên đất Hà Nội và tiếp sau nhà Tùy là nhà Đường vẫn đóng trị sở ở vùng đất này. Vào năm 866, nhà phong thủy Cao Biền đồng thời là viên cai trị của nhà Đường đã mở rộng thành Đại La có chu vi hơn 6km, ngoài đắp đê dài khoảng 7km, dựng hơn 5.000 gian nhà, tất cả đều nằm trong khu vực Thăng Long sau này.
Đến thế kỷ V, khi giành được quyền tự chủ, cách chính quyền họ Khúc, họ Dương vẫn đặt trụ sở ở thành Đại La. Mùa thu, vào tháng 7 năm Giáp Tuất (1010), Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư trở lại về thành Đại La (Hà Nội) và đổi thành tên Thăng Long là nơi mà "ở giữa khu vực trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam , Bắc, Đông, Tây lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng muôn vật phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời" (Ngô Sĩ Liên, 1967, tr.214). Dời đô về Thăng Long thể hiện cái nhìn chiến lược, hội tụ sức mạnh, các giá trị văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới.
Kể từ thời Lý từ thế kỉ XI và các triều đại kế tiếp đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt tuy có một vài lần đổi tên như: Thăng Long thời Lý (1010-1226) và thời Trần (1226-1400); Đông Đô thời nhà Hồ (1400-1407); Đông Quan ( cửa quan phía đông) thời thuộc Minh; Đông Kinh vào năm 1430 thời Lê sơ (1428-1527), triều Mạc (1527-1592) và Lê Trung Hưng (1593-1788).
Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học từ 2002 đến 2004 ở Hoàng thành đã cho các nhà nghiên cứu có đủ cơ sở khoa học để đưa ra những đánh giá về giá trị lịch sử - văn hóa vô giá của Thăng Long suốt 1.300 năm. Di tích phát lộ một phần phía tây Hoàng thành Thăng Long bắt đầu từ thời tiền Thăng Long (Đại La, thế kỷ VI-IX) đến thời kỳ Thăng Long liên tục từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc đến Lê Trung Hưng (thế kỷ XI-XVIII). Tại vị trí của một số hố khai quật như hố A10-A11, B3-B9 và D4-D6 có thể nhận ra được di tích của các thời đại chồng lên nhau, từ 1m trở xuống và dày từ 2,3m-3,5m (Tống Trung Tín, 2004, tr.10). Một số lượng dày đặc gồm 4 triệu hiện vật trên các tầng văn hóa chồng lên nhau liên tục qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các hiện vật tìm thấy ở khu Hoàng thành gồm các loại vật liệu kiến trúc rất đa dạng, nhiều vật dụng cung đình, đồ trang sức, đồ gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ.
Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (vẽ năm 1490) rồi bản đồ Hà Nội (1873) cho thấy Hoàng thành Thăng Long không được quy hoạch theo lối kỷ hà đối xứng như Trung Hoa truyền thống, dù vẫn tuân thủ chặt chẽ theo thuật phong thủy phương Đông là xây dựng theo trục Bắc-Nam. Trung tâm Hoàng thành gắn núi Nùng linh thiêng có điện Càn Nguyên(tên gọi thời Lý), điện Thiên An(tên gọi thời Trần) và sau này thời Lê gọi là điện Kính thiên (Việt sử thông giám cương mục, 2007, tr.289). Nơi đây thường diễn ra những nghi lễ quan trọng của các vương triều phong kiến và trở thành chốn linh thiêng nhất của Hoàng thành Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long được xây dựng nương theo sông hồ triệt để sử dụng điều kiện thuận lợi sẵn có của thiên nhiên trong giao thông, thoát nước: sông Hồng ở phía Đông, sông Tô Lịch phía Bắc và sông Kim Ngưu phía Nam Kỹ thuật chống lún được thiết kế hoàn toàn dựa theo phong cách và kỹ thuật xây cất của dân tộc (cột chịu lực), theo đó móng cột được nhồi bằng các trụ sỏi, trên mặt trụ sỏi là những cột đá. Đất nhồi là đất trung du Vĩnh Phú được sử dụng làm nền Hoàng thành thêm chắc chắn.
Hệ thống thoát nước cũng được cha ông ta thiết kế đơn giản nhưng hết sức sáng tạo. Những dấu vết của đồ gốm trong lòng sông cũ chứng tỏ tiền nhân đã sử dụng hệ thống thoát nước sẵn có của địa hình với những đường cống dẫn ra sông. Đường thoát nước ở hiên nhà thì nhỏ hơn nhưng được bố trí rất khéo để cứ một đoạn lại có một đường ống thoát nước ngang, điều này tránh được tình trạng nước bị ứ đọng không kịp thoát khi gặp trời mưa to hoặc mưa dài ngày.
Các loại vật liệu xây cất Hoàng thành Thăng Long mang dấu ấn bản địa rõ nét. Thế kỷ thứ X, đã tìm thấy một số loại gạch màu đỏ, mặt gạch in chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên( , gạch xây quân thành của nước Đại Việt). Đây là loại gạch rất phổ biến trong các công trình xây dựng thời Đinh-Lê ở Hoa Lư. Sự tồn tại của những viên gạch xây kinh đô có in quốc hiệu Đại Việt (tìm thấy ở khu khai quật Hoàng thành Thăng Long) đã chứng minh rõ ràng tồn tại quốc hiệu Đại Việt (xuất hiện vào năm 1504 thời Lý) như ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư() của Ngô Sĩ Liên.
Người ta có thể thấy vật liệu, kiến trúc gạch, ngói, gốm sứ của Hoàng thành Thăng Long phát triển trước hết mang đặc trưng bởi các giá trị bản địa. Những hiện vật liên quan thời Lý (thế kỷ XI-XII), có gạch bìa, gạch hình chữ nhật và gạch vuông. Gạch hình chữ nhật có kích thước 38cm x 23cm x 5,6cm và gạch gần vuông loại nhỏ có kích thước 26,5cm x 23,5cm, mặt gạch có in nổi hàng chữ Lý gia tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo ( , năm Long Thụy Thái Bình thứ tư, đời vua thứ 3 nhà Lý, 1057).
Gạch xây thời Trần có loại đặc trưng in nổi chữ Vĩnh Ninh trường(), gạch lát in nổi hình hoa mẫu đơn. Thời Hậu Lê, di vật đặc trưng là các loại gạch vồ. Cả thời Lê-Mạc và thời Lê Trung Hưng đều sử dụng loại gạch vồ có kích thước trung bình và nhỏ.
Các loại hiện vật gạch ngói rất phong phú và hình thức trang trí khá đa dạng như mặt linh thú, mặt hề, hoa sen, hoa thị v.v. Người ta đã tìm thấy các loại ngói bò nóc có gắn tượng uyên ương, hay ngói hình rồng, phượng trang trí trong lá đề lệch có niên đại thế kỷ X-XI. Nhiều loại ngói lợp rất đẹp thời Lý gồm ngói bò úp nóc, ngói ống, ngói âm, ngói mũi sen cũng được phát hiện. Đây là những loại ngói mang phong cách truyền thống kiến trúc đặc Việt Nam . Loại ngói ống trang trí hoa sen cánh nhỏ hay loại ngói ống trang trí mặt linh thú ở Thăng Long dường như là hình ảnh phản chiếu sự tiếp biến văn hóa, phong cách của nó rất xa lạ với nghệ thuật truyền thống Trung Hoa (Bùi Minh Trí, Tống Trung Tín, 2010, tr.28).
Trong khu khai quật Hoàng thành Thăng Long các nhà khảo cổ còn tìm thấy di vật đặc trưng bản địa, như ngói âm dương kích cỡ lớn thời Lê Sơ. Di vật thời Lê-Mạc có loại hình đầu ngói ống chạm rồng, khá giống với hình con rồng trên chân đèn gốm cùng thời kỳ đó. Bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần có lá đề trang trí hình rồng, phượng là đặc trưng kiến trúc độc đáo Việt Nam , không hề có trong kiến trúc của các nước lân cận (Tống Trung Tín, 2004, tr.21).
2. Hoàng thành Thăng Long là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa qua giao lưu với các nước
Thăng Long là một trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng nhất của Đại Việt, là nơi sớm có các quan hệ giao thương rất rộng rãi với các nước. Theo ghi chép của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu thì Thăng Long 61 phố phường "là nơi hộp chợ" và "cảnh buôn bán rất thịnh vượng" (Trần Nghĩa, 1972, tr.117). Kinh thành Thăng Long mang dáng vẻ quốc tế của một đô thành, lôi cuốn nhiều người nước ngoài đến làm ăn, buôn bán, kể cả người Hồi Hột từ Trung Á xa xôi (Đại Việt sử ký toàn thư, 1993, tập 2, tr.39). Thông qua các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ thương mại, Thăng Long tiếp nhận ảnh hưởng trên các phương diện như tư tưởng chính trị, tôn giáo, kỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc của nhiều nền văn minh bên ngoài, đặc biệt là Trung Hoa và Ấn Độ.
Trong khu di tích, dấu ân Phật giáo có thể tìm thấy rất nhiều qua hình thức trang trí hoa sen, lá đề trong các hiện vật thời Lý-Trần. Một điều khá lý thú là ở khu khai quật Hoàng thành Thăng Long, ngoài các di vật có nguồn gốc bản địa, người ta tìm được rất nhiều hiện vật gốm sứ, cùng các đồ kim loại có xuất xứ từ nước ngoài như súng thần công, kiếm, dao, mũi tên, tiền đồng Trung Quốc với những niên đại khác nhau.
Các di vật gốm sứ tìm được có niên đại ở mỗi thời kỳ khác nhau cho thấy nguồn gốc bản địa độc đáo Việt Nam cùng với sự phong phú loại hình, kỹ thuật chế tác do ảnh hưởng giao lưu văn hóa bên ngoài. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy trong khu di tích mảnh gốm Chăm, gốm sứ Trung Quốc (từ thế VII đến thế kỷ XIX), gốm Hizen, Nhật Bản (nửa cuối thể kỷ XVII) và có cả đồ gốm Islam từ vùng Tây Á xa xôi. Những hiện vật gốm sứ phảng phất mang ảnh hưởng Trung Hoa cũng tìm thấy khá nhiều trong khu vực khai quật Hoàng thành Thăng Long.
Đồ gạch, ngói tìm được ở khu di tích Hoàng thành cũng mang dấu ấn kết hợp yếu tố bản địa với tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài, bắt đầu từ thời kỳ Đại La (thế kỷ VI-IX). Các di vật là những viên gạch có màu đỏ xám, rìa cạnh in hoa văn hình ô trám lớn có niên đại khoảng thế kỷ VI. Gạch ngói thuộc về thời kỳ tiền Thăng Long (khoảng thể kỷ VI-IX) tìm thấy rất nhiều trong khu di tích Hoàng thành. Gạch thời này đều được ghi chữ Hán là Giang Tây quân() màu xám, hoặc có viên lại in 3 chữ Giang Tây chuyên(), thỉnh thoảng có viên gạch màu đỏ. Trần Quốc Vượng cho rằng đó là gạch do đạo quân Giang Tây (vốn là vùng gốm sứ nổi tiếng Trung Quốc, đồng thời là quê hương của Cao Biền) chiếm đóng nước ta vào thời nhà Đường (Trần Quốc Vượng, 2004, tr.26). Giang Tây quânlà loại gạch tốt cho nên đời sau vẫn tận dụng để xây dựng, thậm chí dùng lại tới mấy lần.
Gạch Giang Tây() làm ra khoảng thế kỷ IX, sau này lại được các vua Đại Việt sử dụng lại cùng với gạch thời Lý để xây dựng các cung điện. Thời Trần, thời Lê về sau cũng có nơi dùng loại gạch này. Trong loại gạch in 3 chữ Giang Tây chuyên(có nghĩa là gạch Giang Tây), có cả viên có nét chữ bị in ngược (có lẽ do chữ trên khuôn in đã khắc xuôi). Ngoài gạch in chữ Hán, người ta còn tìm thấy viên gạch Việt có chữ Chăm cổ, cùng với các mảnh gốm Chăm, cho thấy sự giao lưu với văn hóa Chămpa phía Nam .
Loại ngói có đầu trang trí cảnh sen thời tiền Thăng Long thể hiện khá rõ nét ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thời Đường. Đây cũng là hiện vật người ta tìm thấy trong các kiến trúc Nhật Bản, Hàn Quốc (thế kỷ VIII). Các loại gạch, ngói từ thời Đại La tới thời Lý-Trần với các mẫu hoa văn trang trí vừa phản ánh ảnh hưởng văn hóa truyền thống Trung Hoa vừa phản ánh sự tiếp nhận và cải biến mang tính bản địa hóa. Những hiện vật đó đã phản ánh mối quan hệ giao lưu giữa các nền văn hóa với văn hóa Việt diễn ra từ thế kỷ VI tới XIX.
Ngoài các hiện vật, kỹ thuật xây cất cũng có mang ảnh hưởng bên ngoài. Các giếng nước thời kỳ tiền Thăng Long đào rất sâu, kỹ thuật xây dựng cơ bản theo truyền thống Trung Hoa. Đã hơn một ngàn năm trôi qua, nước trong các giếng vẫn rất trong, có thể uống được.
Các hiện vật tìm thấy ở khu vực khai quật khảo cổ Hoàng thành không chỉ cho thấy trình độ kỹ thuật phát triển cao trên nhiều trình độ kỹ thuật phát triển cao trên nhiều lĩnh vực của nước ta, mà còn cho thấy quan hệ kinh tế, giao lưu văn hóa rộng rãi giữa Thăng long của Đại Việt với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc láng giềng rất gần gũi về địa lý.
3. Ảnh hưởng Trung Hoa với đồ gốm Đại Việt qua các di vật gốm sứ ở Hoàng thành Thăng Long
Những hiện vật gốm sứ tìm thấy nhiều nơi ở miền Bắc và ở khu khai quật Hoàng thành Thăng Long cho thấy sự giao lưu và ảnh hưởng kỹ thuật sản xuất gồm của Trung Quốc với Việt Nam diễn ra từ rất sớm.
Vào thời kỳ tiền Thăng Long, đồ gốm có bát màu xanh, có các dấu con kê lớn trong lòng bát (thế kỷ VI-VII), các di vật này không nằm thành các tầng văn hóa mà thường xuất hiện lẫn trong lớp văn hóa thế kỉ VII-IX. Các sản phẩm gốm cơ bản mang phong cách truyền thống Trung Hoa, nhưng các yếu tố bản địa đã manh nha xuất hiện và phát triển vào cuối thời Bắc thuộc. Về đồ gốm thế kỷ VII-IX, người ta tìm được những hiện vật điển hình như ấm gốm men ngọc chân cao cùng các loại men 6 núm.
Trong tầng văn hóa Đại La của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô số hiện vật của các lò gốm Việt Châu, Trường Sa, Tây Thôn (Trung Quốc) và những đồ gốm men sản xuất tại các lò miền Bắc Việt Nam như Thanh Lãng, Lũng Hòa, Tuần Châu (Bùi Minh Trí, Đỗ Đức Tuệ, 2010, tr.81). Trong khu di tích Hoàng thành người ta còn tìm thấy một con sư tử kích thước nhỏ, tráng men ngọc mang dấu ấn Trung Hoa. Sang thế kỷ X, ngoài các đồ sành có hoặc không có trang trí hình sóng nước, các loại đồ gốm miệng loe, đáy tròn có trang trí hoa văn thừng truyền thống từ thời văn hóa Đông Sơn. Cùng với hàng loạt các loại sản phẩm, vật dụng khác từ Trung Hoa đưa sang, diễn ra ảnh hưởng kỹ thuật sản xuất gốm sứ của Trung Quốc với Đại Việt.
Trong các thời kỳ lịch sử từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn (thế kỷ XI-XVIII), người ta cũng có thể tìm thấy những yếu tố ảnh hưởng của kỹ thuật và mỹ thuật gốm Trung Hoa thể hiện ở hình dáng, hoa văn. Sự ảnh hưởng thể hiện qua các loại gốm Trung Hoa thường có như gốm men (thế kỷ X), gốm ảnh thanh, gốm men ngọc (thế kỷ XIII-XIV) và gốm hoa lam (thế kỷ XVII-XVIII). Hiện vật gồm men có xương gốm xám, dày, men màu xanh xám. Gốm ảnh thanh Trung Hoa có xương gốm trắng đục, mỏng, độ nung cao, men xanh nhạt, bóng. Gốm men ngọc Trung Hoa có xương gốm mà xám đanh, dày, độ nung rất cao, men ngọc màu xanh, chân đế thấp, hoa văn in hình hoa sen dây. Gốm hoa lam có thành cao, độ nung rất cao, men trắng xám bóng, độ kết dính rất cao, hoa văn màu lam vẽ hoa sen và hình kỷ hà, nét vẽ đậm.
Nhưng kỹ thuật tạo chân đế đồ gốm Việt có sự khác biệt cơ bản với gốm sứ Trung Hoa, đó là chưa kể các loại hoa văn gốm Việt có sự cải biến tạo nên sự phong phú về chủng loại. Phan Huy Lê cho rằng các giá trị bên ngoài luôn được tiếp nhận và kết hợp với những giá trị nội sinh, tạo nên những giá trị mang tính hỗn hợp dung và vận dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất Thăng Long, phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa dân tộc (Phan Huy Lê, 2010, tr.20). Điều đó có nghĩa là từ kỹ thuật nung và cả hoa văn, kiểu dáng gồm sứ Đại Việt phát triển trước hết phải dựa trên cái nền bản địa.
Trên cơ sở phát triển nội sinh và sự giao lưu với Trung Hoa, đồ gốm men thời Lý rất đẹp và khá phong phú về tạo dáng và trang trí hoa văn. Tại nhiều khu vực Hoàng thành, các nhà khảo cổ học tìm thấy đủ các loại hình bát, đĩa, ấm, chậu của đồ sứ cao cấp thời Lý có men trắng, men hoa nâu, men xanh lục và đặc biệt là men vàng. Các đồ gốm sứ có màu men rất sắc sảo, hoa văn trang trí đẹp, chứng tỏ việc sản xuất đồ gốm thời Lý đã đạt đến một trình độ khá cao. Nhiều học giả cho rằng đồ sứ cao cấp này chính là độ ngự dụng sử dụng cho sinh hoạt hoàng cung.
Trước đây khi chưa có những bằng chứng về gốm sứ khai quật ở Hoàng thành Thăng Long, nhiều học giả và chuyên gia gốm sứ nước ngoài vẫn lập luận rằng ngoài gốm hoa nâu đặc trưng, còn các loại sản phẩm gốm khác thời Lý chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Các chuyên gia gốm sứ nước ngoài không tin Đại Việt thời Lý lại có thể sản xuất được những loại vật dụng gốm men trắng và men ngọc tinh xảo như men gốm thời Tống. Người Pháp trước đây cũng cùng quan điểm, khi họ quy các sưu tập gồm Việt Nam thời Lý tìm được ở Thăng Long chính là đồ gốm của Trung Quốc thời Tống. Một số học giả Việt Nam có tên tuổi cũng cho rằng thời Lý chưa thể có tên tuổi cũng cho rằng thời Lý chưa thể có công nghệ sản xuất gốm sứ để làm ra được những loại gốm men trắng và gốm men xanh ngọc đẹp đến như vậy. Cho nên, ngay cả các học giả Việt Nam cũng xếp những hiện vật gốm sứ thời Lý vào hệ gốm của Trung Hoa.
Những hiện vật gốm sứ ở khu khai quật khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến 2004 đã trả lại giá trị đích thực của đồ gốm Việt Nam.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng gốm men ngọc thời Lý qua hiện vật nhóm bát, đĩa ch thấy sự tiếp thu tinh hoa nghệ thuật gốm sứ Trung Hoa như cách trang trí hoa văn cúc dâyvốn là kiểu hoa văn kinh điển của gốm Tống truyền thống, đồng thời nhóm bát đĩa khắc chìm hoa senlại mang phong cách Việt đặc trưng.
Thực tế, phân biệt sự khác nhau giữa đồ gốm men trắng thời Lý và đồ gốm men trắng Tống rất khó, vì đồ gốm men trắng thời Lý đã đạt đến độ tinh xảo và có một số hoa văn cũng có nét tương tự như hoa văn trên gốm Tống. Người ta chỉ có thể phân biệt được đồ gốm men trắng thời Lý khi so sánh những hình thức trang trí rồng và hoa lá giống các hình ảnh chạm khắc đá trên các kiến trúc chùa, tháp Đại Việt thời Lý như chùa Phật Tích, tháp Chương Sơn (Bùi Minh Trí, 2004, tr.32).
Gốm sứ cao cấp thời Lý, đặc biệt là các sản phẩm ngự dụng hoàng cung vừa thanh thoát, trang nhã lại rất cầu kỳ, tinh tế trong từng chi tiết hoa văn trang trí. Sản phẩm đặc trưng là nắp hộp gốm men lục (tìm thấy ở hố A9MR) cực kỳ tinh mỹ trang trí rồng thời Lý, giống hệt hình con rồng giun trên tháp Chương Sơn (Nam Hà). Hình rồng thời Lý, Trần trên các hiện vật gốm thường có bộ phận mào và lôi hình chữ S mà rồng Trung Quốc không có.
Những người thợ gốm tài hoa Đại Việt biết kết hợp tiếp thu kỹ thuật bên ngoài để sáng tạo nên kỹ thuật chế tác gốm men ngọc, men xanh lục, men xanh ngọc và men hoa nâu mang tính dân tộc độc đáo. Các đề tài trang trí phổ biến như là hoa sen, hoa cúc mang đậm dấu ân Phật giáo và thể hiện sự tiếp thu đến mức tinh tế ảnh hưởng nghệ thuật gốm thời Tống.
Gốm thời Trần có khá nhiều trong các hố khai quật ở Hoàng thành, hoa văn trang trí lại có phần phong phú hơn hoa văn đồ gốm thời Lý. Những hiện vật đồ gốm thời Trần có dáng chắc, khỏe khoắn, trang trí hoa lam hoặc hoa văn mầu nâu gỉ sắt. Sang thời Lê-Mạc, hình rồng trên đồ gốm được vẽ rất đơn giản, không còn cầu kỳ như hình rồng thời Lê Sơ. Hiện vật phát hiện trong khu di tích phổ biến nhất là bát, đĩa trang trí hoa cúc màu nâu và xanh, giống như đồ gốm Việt Nam đã được xuất khẩu sang các nước châu Á. Điều đó cho thấy mối giao lưu kinh tế, văn hóa hai chiều giữa Thăng Long với các nước khu vực châu Á.
Nguồn gốc bản địa của gốm thời Lý-Trần thể hiện qua bằng chứng sản xuất tại chỗ ngay tại Thăng Long. Trong khu khai quật Hoàng thành người ta đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật gốm phế thải như gốm bị nung quá lửa, mảnh bao nung gốm, dụng cụ thử men, v.v. đặc biệt là các mảnh khuôn in hoa cúc dây (hố D6). Hoa văn in trên khuôn có phong cách như hoa văn trên đĩa men ngọc thời Lý phản ánh sự ảnh hưởng phong cách trang trí hoa cúc dây của gốm Tống (hố D10). Theo nhiều tư liệu thì hoa cúc dây kiểu này là loại hoa văn kinh điển của gốm Tống Trung Quốc, có niên đại từ 1090 đến 1096 (Bùi Minh Trí, 2004, tr.33).
Không ai phủ nhận đóng góp của nghệ thuật gốm Trung Quốc với nghệ thuật gốm Việt Nam là to lớn và diễn ra trong quá trình giao lưu khá dài, nhưng nghệ thuật gốm sứ Việt Nam vẫn là một dòng chảy văn hóa liên tục, có đặc trưng riêng, không thể coi nó là một dáng vẻ địa phương Trung Hoa hay nhập làm một với nghệ thuật gốm sứ Trung Hoa được (Nguyễn Thị Bẩy, Trần Quốc Vượng, 2006, tr.165). John Guy, một chuyên gia bảo tàng Albert Victoria London nhận xét rằng lịch sử đồ gốm Đại Việt tồn tại song song với sự biến thiên về kiểu cách, hình dáng của đồ gốm Trung Hoa từ thời Hán trở đi. Ông cho rằng các thợ gốm Đại Việt về cơ bản đã thể hiện nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình trên đồ gốm, họ có cách trình bày và có những hoa văn chưa từng thấy trong truyền thống Trung Hoa (John Guy, 1986). Những đồ gốm thời Lý tìm được trong khu vực Hoàng thành là những bằng chứng quan trọng để khẳng định được rằng nước Đại Việt thời Lý cũng sản xuất được những đồ gốm tinh xảo không thua kém đồ gốm Tống Trung Quốc. Đồ gốm Việt sử dụng men vàng trong khu di tích Hoàng thành là một phát hiện rất lý thú đối với các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước. Cũng có nhiều hiện vật gốm dù không trang trí hoa văn nhưng vẫn rất đẹp vì người thợ gốm Đại Việt rất trau chuốt hình dáng, kỹ lưỡng tạo màu men, thổi hồn vào sản phẩm gốm của mình.
4. Nhận xét
Lần đầu tiên một phức hệ di tích của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được phát lộ với những di vật liên tục từ Đại La thời thuộc Đường tới Hoàng thành Thăng Long-Đông Đô-Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng rồi Hà Nội thời Nguyễn suốt 13 thế kỷ.
Những phát hiện khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long có niên đại hơn 1.300 năm lịch sử, từ thể kỷ VI-VII đến XIX phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc cùng với sự giao thoa văn hóa với các nước. Nhiều di vật tìm được ở Hoàng thành đã phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIX nhiều đồ gốm tr, gốm Hizen (Nhật Bản), gốm Chăm, đặc biệt là những di vật gốm từ khu vực Trung Đông được du nhập vào Việt Nam, rồi gốm Việt Nam xuất đi các nước đã phản ánh mối giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Với vai trò trung tâm quyền lực, trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước, Thăng Long kết tinh nhiều giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc và giá trị toàn cầu. Quan hệ giao thoa văn hóa đã dẫn tới quá trình Thăng Long tiếp nhận, học hỏi và dung hòa nhiều thành tố kỹ thuật, các giá trị nhân văn làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Minh Trí, 2004, Tản mạn về đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long. Tạp chí Xưa và Nay số (203-204). Tháng 1/2004. Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam .
2. Bùi Minh Trí, Đỗ Đức Tuệ, 2010. Nhận thức mới về đồ sành tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tạp chí Khảo cổ học. Số (166). Tháng 4/2010. Hà Nội.
3. Bùi Minh Trí, Tống Trung Tín.2010. Giá trị nổi bật toàn cầu, tính chân thực và tính toàn vẹn khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Tạp chí Khảo cổ học. Số (166). Tháng 4/2010. Hà Nội.
4. Guy, John, 1986. Oriental Trade Ceramics in South East Asia: Ninth to 16 Centuries. London: Oxford University Press.
5. Ngô Sĩ Liên. 1967. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 1. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
6 Ngô Sĩ Liên: 1993. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 2. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
7. Nguyễn Thị Bẩy, Trần Quốc Vượng. 2006. Đồ gốm trong văn hóa ẩm thực Việt Nam . Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin.
8. Phan Huy Lê. 2010 Giá trị toàn cầu của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tạp chí Khảo cổ học Số (166). Tháng 4/2010. Hà Nội.
9. Quốc sử quán Triều Nguyễn. 2007. Việt sử thông giám cương mục. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
10. Thu Hà, Hà Hương. 2010. Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới. Báo tuổi trẻ. Ngày 2/8/2010.
11. Tống Trung Tín 2004. Kết quả ban đầu khai quật khảo cổ học. Tập chí Xưa và Nay. Số (203-204). Tháng 1/2004. Hà Nội: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam .
12. Trần Nghĩa. 1972. Một bức "ký họa" về xã hội nước ta thời Trần, bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu. Văn học. Hà Nội: Hội nhà văn Việt Nam .
13. Trần Quốc Vượng.2004. Những vết tích của Hoàng thành Thăng Long trên mặt và dưới lòng đất. Tạp chí Xưa và Nay, số (203-204). Tháng 1/2004 Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam .
14. Trần Quốc Vượng, 2010. Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội Tạp chí Xưa và Nay. Số (363). Tháng 9/2010 Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam .