Đồ cũ không vứt đi
Giáo cụ polyme
Là tác phẩm của tập thể học sinh lớp 9R trường Phổ thông Sao Việt (Q.7, TP.HCM). Mô hình sử dụng những đồ vật polyme đã qua sử dụng làm đồ dùng dạy học môn Hóa học. Nội dung giáo dục cho học sinh biết được rác thải làm từ polyme qua thời gian dài mới tiêu hủy được. Mô hình chia làm 4 nhánh: tơ sợi, cao su, chất dẻo và keo dán. Nhìn vào mô hình, học sinh có thể biết được chất dẻo nói chung gồm có nhiều tên gọi và đặc tính sử dụng khác nhau, như: PMM làm ra những hạt nhựa màu trang sức; PS làm ra những hạt xốp; PVC làm ra ống nước, dây điện; PE dùng sản xuất ống tiêm và lõi băng keo trong và các loại chất dẻo khác như PP, PPF. Cạnh đó, nhánh tơ sợi chỉ rõ có hai loại là tơ sợi hóa học và tơ sợi tự nhiên. Chúng có thể dùng để sản xuất ra các sản phẩm: quần áo, túi xách… Đây là mô hình có tác dụng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Trồng rau thủy canh |
Trồng rau trong nhà
Thu hút rất nhiều người đến xem là sản phẩm “Hệ thống trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh” của tập thể học sinh trường THCS Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Những khóm cải bẹ xanh mọc lên tươi tốt, tràn trề sức sống trên những đoạn ống nước cũ. Thầy và trò đã khoan lỗ trên những đoạn ống nước cũ, mỗi lỗ cách nhau 10cm và đường kính 5cm. Trên những cái lỗ đặt những chiếc ly nhựa dẻo, loại ly uống nước dùng một lần. Các em đã gom những chiếc ly này lại, khoét lỗ thoát nước và bỏ đất, phân, trấu, hạt giống vào đấy. Hệ thống ống được bịt kín một đầu để đặt ống dẫn nước vào, còn một đầu để thoát nước ra. Cách trồng rau này vừa tiết kiệm nước, không làm bẩn nhà và lượng nước có thể tái sử dụng nhiều lần. Giá đỡ là những thanh gỗ cũ được lấy từ bàn, ghế bỏ đi của học sinh. Với hệ thống này gồm 14 lỗ (một lỗ chuyền nước, 13 lỗ rồng rau), sau 10 ngày sẽ cho ra 2kg rau sạch. Những gia đình ở thành phố không có vườn có thể tự trồng rau sạch ở ban công hoặc trong nhà. Với đặc tính gọn nhẹ và tiết kiệm diện tích, hệ thống này có thể làm thành giàn đặt trên cao.
Máy phát điện xanh
Cạnh đó, máy phát điện xanh sử dụng thiết bị lưu trữ điện năng (UPS) đã qua sử dụng trong ngành Công nghệ thông tin của nhóm học sinh Nguyễn Quốc Duy, Nguyễn Trần Thanh Danh và Nguyễn Lý Minh Thy (lớp 8/3 và lớp 8/5 trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM) được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Máy phát điện xanh, sạch, không ồn từ tấm pin mặt trời và thiết bị lưu trữ điện năng (UPS) đã hỏng.
Máy phát điện xanh |
Tấm pin mặt trời sau khi chuyển hóa quang năng thành điện năng cho ra điện áp 26,5V được lưu trữ vào bình ắc-quy. Từ bình ắc-quy này sẽ cung cấp năng lượng điện cho bình UPS. Sau đó, nhờ tính năng biến dòng điện một chiều 24V thành điện thế 220V của UPS sẽ tạo ra dòng điện 220V trong sinh hoạt (quạt máy, đèn chiếu sáng, tivi…). Tùy theo dung lượng của bình ắc-quy và hiệu suất của tấm pin mặt trời mà ta có dòng điện nhiều hay ít được tạo ra từ máy phát điện này. Sản phẩm này như một máy phát điện nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời, cung cấp điện năng cho học tập và sinh hoạt, nâng cao ý thức tiết kiệm điện cho mọi người. Sử dụng máy phát điện xanh sẽ góp phần giảm đi sự phụ thuộc của con người với các dạng năng lượng dùng nguyên liệu hóa thạch khác như máy phát điện chạy từ xăng, dầu diesel. Bằng những sản phẩm dự thi, các học sinh đã nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Nhóm bạn muốn gửi đi một thông điệp: “Ý thức bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc nhỏ nhất đến việc cao hơn trong cuộc sống làm cho hành tinh chúng ta ngày càng xanh hơn”.