Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 27/07/2006 00:39 (GMT+7)

Định ngữ nghệ thuật trong ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Tuân

Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp chủ trương cách hiểu định ngữ là một thành phần nằm trong hệ thống thành phần phụ của câu tiếng Việt. Trong công trình Thành phần câu tiếng Việt, các tác giả này viết: “Theo quá trình phân xuất và nhận diện câu của mình, chúng tôi xác định sự tồn tại của một thành phần mà chúng tôi gọi là định ngữ câu, xem nó là loại thành phần phụ có thể đứng trước nòng cốt câu hoặc chen vào giữa chủ ngữ và vị ngữ, có nhiệm vụ biểu thị những ý nghĩa hạn định về tình thái hoặc cách thức cho sự tình được nêu trong câu” (1).

Thành phần được gọi là định ngữ câutheo quan niệm của Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp không giống với cách hiểu thành phần định ngữở một vài tác giả trong giới nghiên cứu Việt ngữ. Theo Nguyễn Văn Tu, “Định ngữ là thành phần phụ của cụm danh từ trong câu, có chức năng bổ sung thêm cho thành phần chính bằng quan hệ phụ thuộc, chỉ ra các thuộc tính, tính chất của người, vật, sự vật, hiện tượng do danh từ làm thành phần chính gọi tên” (2). Diệp Quang Ban cũng cho rằng: “Định ngữ là thành phần phụ của từ đi kèm danh từ và nêu lên những đặc trưng của vật do danh từ ấy biểu thị” (3). Đối tượng mà chúng tôi tiếp cận ở đây chính là định ngữ được xác định theo quan niệm này.

Trong nghiên cứu ngôn ngữ văn chương, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến khái niệm định ngữ nghệ thuật.

Định ngữ nghệ thuậtđược hiểu là “một phương thức chuyển nghĩa, trong đó, một từ (hoặc một cụm từ) đóng vai trò phụ nghĩa cho một từ (hoặc cụm từ) khác nhằm làm nổi bật một đặc điểm nào đó của đối tượng để tạo nên ấn tượng thẩm mĩ” (4).

Có thể xem khái niệm định ngữ nghệ thuậtđịnh ngữ thườngkhông hề khác nhau về cấu tạo cũng như cương vị ngữ pháp trong câu. Điểm phân biệt cơ bản nhất là ở chỗ: “ định ngữ thườngchỉ có ý nghĩa xác định đặc điểm vốn có của sự vật, hiện tượng, không đem lại hiệu quả thẩm mĩ; định ngữ nghệ thuậtmang lại một ý nghĩa mới cho sự vật, hiện tượng, không chỉ ý nghĩa vốn có mà còn ý nghĩa có thể có, tạo cảm xúc cho người đọc, người nghe” (5).

Định ngữ nghệ thuật được dùng khá phổ biến trong ngôn ngữ văn học, đặc biệt là thơ ca. A.N. Vêxelôpxki cho rằng: “Lịch sử của định ngữ nghệ thuật là lịch sử phong cách thi ca dưới dạng rút gọn” (6). Trong văn xuôi, cách sử dụng định ngữ nghệ thuật ở các tác giả ít nhiều có sự khác nhau. Tần số xuất hiện cũng như tỉ lệ câu văn có chứa định ngữ nghệ thuật so với tổng số câu trần thuật trong truyện của Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan chênh lệch nhau không đáng kể. Tính trung bình, ở truyện Thạch Lam, cứ 27,6 câu trần thuật có 1 câu chứa định ngữ, tỉ lệ là 3,6%, ở truyện Vũ Trọng Phụng là 1/23,7, tỉ lệ 4,2%; Nam Cao: 1/23,5, tỉ lệ 4,3%; Nguyễn Công Hoan: 1/30,3, tỉ lệ 3,3%.

Trong khi đó, ở truyện Nguyễn Tuân, bình quân cứ 5,2 câu văn trần thuật thì có một câu chứa định ngữ nghệ thuật. Tỉ lệ chung là 19,7%, vượt xấp xỉ 3 lần so với bốn tác giả nói trên. Những số liệu đã cho thấy Nguyễn Tuân chú trọng khai thác một cách tối đa nhưng khả năng biểu hiện của hình thức ngôn ngữ này.

Trong văn học, khi một nhà văn không chú ý đến phương thức tu từ nào đó (phản ánh trước hết qua mặt định lượng), thì biện pháp đó khó mà để lại những dấu ấn gì riêng trong ngôn ngữ tác phẩm. Các định ngữ nghệ thuật trong lời văn của những tác giả được khảo sát trên (trừ Nguyễn Tuân), dường như mới chỉ phân biệt được với định ngữ thông thường ở tính tạo hình, tính tình thái của câu văn. Chẳng hạn:

- Lang Rận lại là một anh chàng bẻo lẻo.

( Lang Rận- Nam Cao)

- Chỉ nhìn cái điệu bộ cỏn con của anh ta , các khán quan cũng phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp.

( Kép Tư Bền- Nguyễn Công Hoan)

- Xong cuộc, anh về nhà trình diện mẹ, bị đánh chửi là đêm nào cũng đi, như một người con chí hiếu ở thế kỷ 20 vậy.

( Người có quyền- Vũ Trọng Phụng)

Ở Nguyễn Tuân, sự thể lại khác hẳn. Không chỉ phong phú về số lượng, định ngữ nghệ thuật của ông còn rất đa dạng, đặc sắc về nhiều phương diện.

Có thể nhận thấy điều này trước hết ở loại định ngữ có cấu tạo là một từ trong lời văn Nguyễn Tuân. Đây là loại định ngữ nghệ thuật đòi hỏi một khả năng sáng tạo rất cao, bởi trong dung lượng một từ, nếu không tạo ra sự đặc dị thì khó mà gây được ấn tượng gì đáng kể. Nguyễn Tuân đã vượt qua những thách thức nghiệt ngã này. Ông chọn để đặt vào vị trí của định ngữ những từ ít ai ngờ tới: chén trà sương , bữa rượu máu , bữa rượu đầu lâu , hương cuội , mùi dâm bôn , hòn lửa ngon lành , mùi thơ , vị triết lí , tiếng hát u hiểm , lối phú quý chơi trèo , chén trà phát du , cái tiểu sử quái quỉ , lá màn bệnh , cái chén gỗ tuỳ thân , quỹ hành lạc , cái nghĩa rượu , nét cười bạo ngược , cuộc đỏ đen rất trí thức , chất vui sướng , bóng tối nặc danh

Mô hình phổ biến của loại định ngữ nghệ thuật kiểu này thường là: Danh từ + tính từ (kiểu: anh chàng bẻo lẻo , điệu bộ cỏn con …). Nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, loại định ngữ này còn có cấu trúc khá đặc biệt: danh từ + danh từ (kiểu: chén trà sương, bữa rượu máu , mùi thơ , vị triết lí …). Điều đáng nói là, loại cấu trúc ít gặp trong tác phẩm những nhà văn khác, lại xuất hiện khá thường xuyên trong lời văn Nguyễn Tuân. Công phu sáng tạo ngôn ngữ của ông thể hiện rất rõ ở điểm này.

Tuy nhiên, trong truyện Nguyễn Tuân, số định ngữ có cấu tạo là một cụm từ, một cụm chủ - vịvẫn chiếm tỷ lệ cao hơn. “Với khuôn khổ của một từ tổ hoặc một cụm C-V, nhà văn sẽ rộng đường hơn trong việc tìm tòi, sáng tạo, bằng cách phát huy tối đa những khả năng mà trục kết hợpcho phép, tạo ra những “bất ngờ cú pháp” (chữ của Nguyễn Phan Cảnh). Một khi khả năng biểu hiện của từ đơn tiết cũng như lối kết hợp thông thường đã lộ rõ những giới hạn, thì những kết hợp có vẻ “bất thường” lại đem đến những hiện quả thẩm mĩ nhất định. Người đọc sẽ có cái thú vị khi nhìn ra những nét mới ở đối tượng, bật ra những “kênh” liên tưởng khác nhau mà nhà văn đã khơi mở bằng những hình ảnh trong định ngữ nghệ thuật. Chẳng hạn, Bố Ô - một hậu duệ của Lưu Linh, mỗi sáng thường ngồi ở một trong năm cửa ô Hà Nội, nếm rượu của các cô hàng rượu đi qua - được Nguyễn Tuân gọi là “ một đứa con nuông già nua hom hem của tất cả những ô vào kinh thành ” (Bố Ô). Hai vế của định ngữ tạo nên tương quan đối nghịch ( đứa con nuông - già nua hom hem ), nhưng chính sự đối nghịch ấy mới thể hiện đúng cái gu thẩm mĩ, cái “chất Nguyễn Tuân” trong cách sử dụng ngôn từ. Sự thống nhất của những đối cực vốn là một nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật cũng như phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Tuân. Thông thường, đối với mỗi con người, quê hương là nơi thiết thân, gắn bó (ít nhất là trong tâm tưởng), nhưng ở người “tửu đồ” kia, “mỗi buổi mặt trời gần hửng, cửa ô nào đối với ông già cũng đều là một cái quê hương trong chốc lát của mỗi ngày ”. Và trước con mắt kẻ say, thì người đời cũng chỉ là những “ nhân ảnh của một giấc chiêm bao thú vị ” (Bố Ô).

Một hiện tượng khá nổi bật ở lời văn Nguyễn Tuân là sự dôi dư các yếu tố ngôn từ nếu xét từ yêu cầu thuật chuyện thuần tuý. Sự dôi dư này biểu hiện trên tất cả các cấp độ ngôn từ tác phẩm. Trong thực tế sáng tạo, một hình thức xuất hiện bao giờ cũng gắn với một quan niệm nghệ thuật. Vì thế, độ dư ngôn từ trong lời văn Nguyễn Tuân không gây cho người đọc cảm giác thừa thãi, dù đọc văn ông, nhiều khi độc giả như bị dẫn vào những “mê cung bí hiểm”, vào những “trận đồ bát quái” chữ nghĩa, độ dư mà ông tạo ra luôn luôn cần thiết để biểu đạt những cảm nhận phong phú, nhiều chiều của ông về đối tượng. Ông không chấp nhận lối định danh giản đơn về một sự vật, một hiện tượng, một con người được nói đến trong tác phẩm của mình. Đối tượng bao giờ cũng phải được khắc hoạ thật nổi bật, sinh động bằng những hình hài, đường nét, góc cạnh riêng, không giống với những gì đã từng xuất hiện trong văn phẩm của bất kì ai khác. Điều này dẫn đến một số hệ quả: thứ nhất, số lượng định ngữ nghệ thuật trong lời văn Nguyễn Tuân vượt rất xa so với những người cầm bút cùng thế hệ; thứ hai, định ngữ nghệ thuật của Nguyễn Tuân có mặt ở tất cả các thành phần câu (trong khi ở những tác giả mà chúng tôi đã khảo sát, đại bộ phận định ngữ nằm trong thành phần vị ngữ); thứ ba, Nguyễn Tuân thường dùng những định ngữ dài, trổ nhiều nhánh, nhiều tầng bậc, có cấu trúc phức hợp. Rất hiếm gặp trong lời văn của các tác giả khác những câu có chứa định ngữ nghệ thuật như kiểu của Nguyễn Tuân:

- “Cái áo vải trắng của cậu Chiêu đã biến thành một áo lụa màu xanh của một người phong lưu và đa tình. Đấy là cái màu xanh dịu mát của chất ngọc bích ; đấy là cái màu xanh ở những cánh đồng lúa non ngút ngàn của những xứ sở không bao giờ có nạn binh lửa ” (Ngôi mả cũ).

- “Thần núi và vị hoàng tử Nước kia đã là một thiên tình sử thoát phàm trong cái mơ hồ vô tận ở tít trên một chỏm non xanh, ở tít tận dưới đáy một thuỷ cung ” (Trên đỉnh non Tản).

- “Lùng tìm cái dấu bàn chân một chính khách thất quốc lúc vượt bể ra ngoài mưu việc lớn , có lẽ còn dễ hơn đi đuổi theo ông Cử Hai những lúc cái hứng giang hồ ở người ông nổi dậy” (Đèn đêm thu).

Cách sử dụng định ngữ nghệ thuật của Nguyễn Tuân đã ảnh hưởng rõ rệt đến lối kiến trúc câu văn. Qua khảo sát và phân tích, chúng tôi nhận thấy, hễ trong câu xuất hiện một danh từ, bất luận ở vị trí nào, lập tức một định ngữ được kiến tạo để làm rõ thuộc tính, đặc điểm của đối tượng mà danh từ ấy biểu đạt. Ông không ngại dùng định ngữ quá nhiều khiến cho câu văn trở nên dài dòng, rậm rịt:

- “Trong đời sống hàng ngày của trại an trí, người tù bị đầy kia là tượng trưng cho đời tù của bọn trí thức say đắm với công cuộc, vướng luỵ vì hoài bão, đưa cách mệnh lên thành một tôn giáo , và trong cảnh đày ải tù tội, tinh thần lúc nào cũng vững vàng như cái thái độ bất diệt của bậc chân tu chuyên nhất trong niềm đạo hạnh ” (Chùa Đàn).

- “Mỗi lần nếm thử các thứ rượu cất ở các thứ nồi nấu khác nhau , không phải trả tiền, và nhắm bằng cái đinh đóng thuyền ấy , ông già lại khoan khoái nhìn theo những đám quang gánh xinh gọn kia nhoè biến vào sương khói dày đặc bên hữu sông như những nhân ảnh của một giấc chiêm bao thú vị hồ tỉnh là muốn nối lại ngày ” (Bố Ô).

Phức hoá thành phần câu bằng nhiều phương thức, trong đó có việc dùng định ngữ là một nét nhất quán trong đặc điểm cú pháp Nguyễn Tuân. Không hiếm trường hợp trong một câu, ông tung ra một loạt định ngữ, do vậy, câu văn phải dãn ra để các bộ phận của nó có thể dung chứa những thành phần phụ được phát triển đến mức đôi khi làm nhoè mờ cả phần nòng cốt của câu. Số lượng trường cú, vì thế, chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong tổng số câu trần thuật của Nguyễn Tuân.

“Định ngữ nghệ thuật là kết quả sự phát hiện của nhà văn” (7). Có nghĩa, bằng định ngữ nghệ thuật người viết đã thực sự đem đến cho độc giả những thức nhận mới mẻ về đối tượng. Cái mới đó chính là kết quả của một cách nhìn, một cách cảm nhận, một lối liên tưởng khác lạ, độc đáo. Nói theo ngôn ngữ Nguyễn tuân, đấy là một kiểu “nhãn quan riêng”. Dùng định ngữ nghệ thuật, Nguyễn Tuân đã biết phát huy cao nhất hiệu lực của nó. Qua đó, ta thấy được một kiểu tư duy nghệ thuật, một lối tạo hình giàu ấn tượng, một tiết tấu riêng của lời văn, đặc biệt, một kiểu tổ chức ngôn từ in đậm bản sắc của chủ thể.

_______________

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp (2004) - Thành phần câu tiếng Việt, NXB ĐHQG Hà Nội, tr. 305.

(2) (3) Nguyễn Như Ý chủ biên (1996) - Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB GD Hà Nội, tr. 89, 90.

(4) (5) (7) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (2004) - Từ điển thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG Hà Nội, tr. 119, 120.

(6) Trần Đình Sử (1998) - Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB GD Hà Nội, tr. 171.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 11 (121), 2005

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.