Định hướng phát triển thị trường lao động chuyên môn kỹ thuật cao ở Việt Nam
Thị trường lao động chuyên môn kỹ thuật cao (CMKTC) là phân mảng của thị trường lao động toàn quốc và có quan hệ cung cầu lao động CMKTC, trong đó lao động CMKTC là lao động qua đào tạo các kiến thức, kỹ năng cao về nghề nghiệp chuyên môn, kỹ thuật. Đó là lao động tốt nghiệp các cấp trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, làm các công việc có mức độ lao động phức tạp cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp, tổ chức, ngành, lĩnh vực và xã hội. Khác với lao động khác, lao động CMKTC phải trải qua một quá trình đào tạo, rèn luyện công phu, dài hạn về kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất đặc biệt (khả năng làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, công nghệ tin học…). Trên thị trường lao động CMKTC, quan hệ cung-cầu của thị trường lao động là nơi cung cấp thông tin đa chiều, làm cơ sở cho hoạch định chính sách điều chỉnh tình trạng bất cân đối lớn về nguồn nhân lực CMKTC. Việc phát triển thị trường lao động CMKTC là tất yếu khách quan, do yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế và thị trường lao động quốc tế. Trên cơ sở đó, nhằm đáp ứng quá trình biến đổi về quy mô, phạm vi không gian hoạt động và sự phát triển về chất lượng của các yếu tố cấu thành thị trường lao động CMKTC (cung, cầu lao động, giá cả lao động, các thể chế về quan hệ lao động) đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1. Thực trạng phát triển lao động chuyên môn kỹ thuật cao ở nước ta
1.1. Cung lao động CMKTC
Tính đến năm 2008, số lao động tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên của cả nước là 2703,2 nghìn người, chiếm 5,69% lực lượng lao động. Trong thời kỳ 1996-2000, nhân lực CMKTC tăng bình quân với tốc độ khá cao là 12,7%/năm và thời kỳ 2001-2008 là 11,5%/năm. Quy mô lao động CMKTC của nước ta chiếm tỷ lệ nhỏ trong lực lượng lao động, năm 2008 là 5,69%; trong đó, số lao động trình độ trên đại học có tỷ lệ thấp: năm 1999 có 16.704 người, năm 2000 có 24.285 người chiếm 0,58%. Từ năm 2001 đến nay, số lao động trình độ trên đại học tăng lên đáng kể, tính đến năm 2007, có 17.996 người có trình độ tiến sỹ, 78.555 người có trình độ thạc sỹ. Lực lượng lao động CMKTC có thể thấy ở bảng sau:
Bảng 1. Lao động CMKTC (năm 2008) theo 3 nhóm ngành
Đơn vị: người
Tiến sỹ | Thạc sỹ | Đại học | Cao đẳng | Tổng số | |
1. Nông, lâm, thủy sản | 33 | 130 | 12.857 | 1.994 | 15.014 |
2. Công nghiệp, xây dựng | 717 | 5.121 | 377.232 | 128.864 | 511.934 |
3. Dịch vụ | 17.246 | 73.304 | 1.470.911 | 571.964 | 2.133.425 |
Tổng số | 17.996 | 78.555 | 1.861.000 | 702.822 | 2.658.379 |
Nguồn: Thống kê dân số-lao động, Tổng cục Thống kê, 2008
Trong các năm chuyển sang nền kinh tế thị trường, đào tạo lao động CMKTC có xu hướng phát triển khá nhanh ở nước ta, thể hiện qua số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không ngừng tăng lên.
Mặc dù cung nhân lực CMKTC tăng nhanh trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, nhất là trong khu vực sản xuất kinh doanh, ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, sức ép về nhu cầu lao động CMKTC ngày càng lớn. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù lao động CMKTC còn thiếu nghiêm trọng nhưng tình trạng thất nghiệp của loại lao động này vẫn khá phổ biến trong nền kinh tế.
Bảng 2. Thất nghiệp lao động CMKTC toàn quốc năm 2007
Đơn vị: Người
Tổng số | Lao động CMKT cao (CĐ, ĐH, trên ĐH) | Trung học chuyên nghiệp | Qua đào tạo nghề và tương đương | Chưa qua đào tạo |
1. Lao động từ 15 tuổi trở lên | ||||
582.589 | 369.070 | 79.290 | 52.725 | 81.504 |
2. Lao động trong độ tuổi lao động | ||||
574.219 | 363.767 | 78.151 | 51.968 | 80.333 |
Nguồn: Điều tra lao động – việc làm, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, 2007
Theo số liệu của trung tâm thông tin quản lý giáo dục đào tạo ở 51 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, thì tỷ lệ sinh viên các trường sau khi tốt nghiệp có việc làm là 23,84% và 3,69% đang đi học thêm. Ở mức độ nào đó, số liệu này chứng tỏ đào tạo nhân lực CMKTC còn có khoảng cách so với yêu cầu của người sử dụng và thị trường lao động CMKTC. Tình trạng trên phản ánh hệ thống đào tạo nhân lực CMKTC của nước ta còn có bất cập về số lượng, cơ cấu ngành nghề, chất lượng chuyên môn kỹ thuật so với yêu cầu thực tế của việc làm.
1.2. Cầu lao động CMKTC
Bảng 3. Số lao động CMKTC đang làm việc trong nền kinh tế
Đơn vị: Nghìn người
2000 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | |
Cao đẳng | 372,3 | 578,3 | 6.240,0 | 662,5 | 728,7 |
Đại học trở lên | 1.090,0 | 1.662,8 | 1.759,6 | 1.811,1 | 2.016,9 |
Tổng số | 1.463,3 | 2.241,1 | 2.383,6 | 2.473,6 | 2.745,6 |
Nguồn:Điều tra lao động-việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2000-2008; Thống kê dân số-Lao động, Tổng cục Thống kê, 2008.
Bảng 3 cho thấy, trong các năm 2000-2008, quy mô lao động CMKTC làm việc trong nền kinh tế có xu hướng tăng. Tốc độ tăng việc làm của lao động CMKTC bình quân hàng năm theo các loại lao động là: cao đẳng 11,14%/năm; đại học 9,46%, chung của lao động CMKTC 9,86%. Xét cầu lao động CMKTC theo khu vực hành chính, sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, cho thấy như sau:
Bản 4: Cơ cấu lao động CMKTC đang làm việc theo khu vực làm việc
Đơn vị: % so với tổng số từng loại lao động CMKTC đang làm việc
Hành chính, Đảng, đoàn thể | Sự nghiệp | Sản xuất, kinh doanh | Tổng số | |
1.Tiến sỹ | 19,81 | 62,12 | 19,07 | 100 |
2.Thạc sỹ | 17,10 | 60,20 | 22,70 | 100 |
3.Cử nhân, kỹ sư | 24,42 | 30,42 | 45,16 | 100 |
4.Cao đẳng | 13,16 | 66,61 | 20,23 | 100 |
Nguồn:Tổng cục Thống kê. Kết quả điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp.
Đa số lao động có trình độ cao học được thu hút vào làm việc trong khu vực sự nghiệp (giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học…). Các khu vực khác, mặc dù những năm qua chất lượng nhân lực có được cải thiện, nhưng tỷ lệ lao động CMKTC còn thấp. Nếu xét lao động CMKTC theo các khu vực kinh tế cho thấy như sau:
Bảng 5: Lao động CMKTC theo khu vực kinh tế
Đơn vị: người
Tiến sỹ | Thạc sỹ | Cử nhân, kỹ sư | Cao đẳng | Tổng số lao động CMKTC | |
DN nhà nước | 1.840 | 4.370 | 333.500 | 32.200 | 371.910 |
DN ngoài nhà nước | 2.964 | 4.940 | 361.135 | 64.631 | 433.670 |
DN FDI | 750 | 2.550 | 163.500 | 45.000 | 211.800 |
Nguồn:Thống kê dân số-Lao động, Tổng cục Thống kê, 2008
Tính đến ngày 1-7-2008, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức cầu lao động CMKTC lớn nhất là 433.670 người, khu vực doanh nghiệp nhà nước là 371.910 người và doanh nghiệp FDI 211.800 người. Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực FDI là hai khu vực có kỳ vọng thu hút nhiều nhân lực CMKTC, do xu hướng phát triển nhanh của các khu vực này. Khu vực doanh nghiệp nhà nước trong những năm tới có khả năng thu hút nhân lực CMKTC vào làm việc với quy mô nhỏ hơn các khu vực khác, do quá trình đa dạng hóa các hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước.
Xét theo ngành kinh tế cho thấy, lao động CMKTC làm việc trong các ngành kinh tế như sau:
Bảng 6: Lao động CMKTC làm việc theo ngành kinh tế
Đơn vị: người
Tiến sỹ | Thạc sỹ | Cử nhân, kỹ sư | Cao đẳng | Tổng số lao động CMKTC | |
CN khai thác mỏ | 79 | 7 | 15.900 | 3.816 | 19.954 |
CN chế biến | 596 | 159 | 201.549 | 43.529 | 248.048 |
Điện, khí đốt, nước | 39 | 236 | 30.495 | 4.196 | 34.966 |
Xây dựng | 1.587 | 2.040 | 243.495 | 26.078 | 273.029 |
Thương nghiệp, sửa chữa xe | 1.162 | 3.704 | 284.164 | 56.621 | 345.651 |
Khách sạn, nhà hàng | - | 162 | 19.512 | 4.878 | 24.552 |
Vận tải kho bãi thông tin | 243 | 1.217 | 94.584 | 18.259 | 114.303 |
Tài chính, tín dụng | 189 | 1.994 | 83.960 | 16.162 | 102.305 |
Khoa học, công nghệ | 2.098 | 1.705 | 12.831 | 527 | 17.161 |
Kinh doanh tài sản và tư vấn | 756 | 1.814 | 61.948 | 6.264 | 70.782 |
Giáo dục và đào tạo | 6.783 | 17.771 | 271.320 | 326.805 | 622.679 |
Nguồn: Thống kê dân số-lao động, Tổng cục Thống kê, 2008
Tỷ lệ lao động CMKTC so với tổng số lao động làm việc trong các ngành, cao nhất là ở các ngành: khoa học và công nghệ 63,8%, giáo dục và đào tạo 45,9%, tài chính và tín dụng 48,74%, kinh doanh tài sản và tư vấn 32,77%; thấp nhất là trong các ngành: khách sạn, nhà hàng 3,02%, công nghiệp chế biến 4,16%, công nghiệp khai thác mỏ 5,02%, các ngành khác từ 9-17%. Tốc độ tăng lao động CMKTC của các ngành trong các năm 2000-2008 thể hiện ở bảng 7:
Bảng 7: Tốc độ tăng bình quân/năm của lao động CMKTC các ngành trong các năm 2000-2008
Đơn vị: %
Tiến sỹ | Thạc sỹ | Cử nhân, kỹ sư | Cao đẳng | |
CN khai thác mỏ | 7,84 | 7,9 | 7,91 | 7,46 |
CN chế biến | 1,5 | 0,99 | 1,06 | 1,05 |
Điện, khí đốt, nước | 20,53 | 19,8 | 19,74 | 19,75 |
Xây dựng | 16,85 | 16,8 | 16,84 | 17,56 |
Thương nghiệp, sửa chữa xe | 5,1 | 5,12 | 5,11 | 5,11 |
Khách sạn, nhà hàng | - | 2,6 | 2,66 | 2,66 |
Vận tải kho bãi, thông tin | 0,55 | 0,52 | 0,52 | 0,52 |
Tài chính, tín dụng | 26,0 | 25,6 | 25,58 | 25,59 |
Khoa học, công nghệ | 6,15 | 6,12 | 6,79 | 6,17 |
KD tài sản và tư vấn | 7,61 | 34,06 | 34,0 | 34,0 |
Giáo dục và đào tạo | 5,19 | 5,19 | 5,19 | 5,19 |
Nguồn: Điều tra lao động-việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, 2000-2007; Thống kê dân số-lao động, Tổng cục Thống kê, 2008.
Nhìn chung, trong những năm từ 2000-2008, các ngành đều có mức cầu lao động CMKTC tăng lên. Tốc độ tăng lao động CMKTC của các nhành phụ thuộc vào tốc độ mở rộng quy mô các hoạt động và đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực của các ngành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
1.3. Giá cả (tiền lương) của lao động CMKTC
Năm 2008 tiền lương bình quân của lao động CMKTC (cao đẳng trở lên) cao gấp 3,6 lần so với tiền lương của lao động phổ thông, cao hơn 2,2 lần so với tiền lương bình quân của lao động trung học chuyên nghiệp và 2,9 lần so với công nhân kỹ thuật. Tốc độ tăng tiền lương bình quân của lao động CMKTC khoảng 12-14%/năm. Cụ thể tiền lương, thu nhập của lao động một số ngành nghề như sau:
Bảng 8: Tiền lương, thu nhập bình quân của lao động CMKTC một số ngành
Đơn vị: nghìn đồng/tháng
Năm Nghề | 2007 | 2008 | ||
Tiền lương | Thu nhập | Tiền lương | Thu nhập | |
Lao động quản lý | 4.369 | 5.042 | 4.619 | 5.222 |
Cán bộ kỹ thuật bậc cao trong các lĩnh vực | 2.986 | 2.847 | - | - |
Cán bộ kỹ thuật bậc trung trong các lĩnh vực | 2.264 | 2.847 | - | - |
Lao động kỹ thuật cao đẳng, ĐH trong nông, lâm, ngư nghiệp | 1.876 | 2.283 | - | - |
Lao động CMKTC khoa học tự nhiên và xã hội | 2.595 | 2.996 | 2.650 | 3.062 |
Lao động CMKTC ngành tài chính, kế toán | 2.822 | 3.437 | 2.987 | 3.538 |
Lao động CMKTC ngành tin học | 2.318 | 2.766 | 2.432 | 2.877 |
Lao động CMKTC ngành kinh doanh thương mại | 2.116 | 2.562 | 2.118 | 2.608 |
Nguồn:Điều tra lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, 2007; Thống kê lao động – việc làm, Tổng cục Thống kê, 2008.
Hiện nay, trên thị trường lao động CMKTC có những mức lương rất cao. Nhiều chức danh quản lý cao cấp được trả mức lương đến hàng nghìn USD/tháng. Khảo sát về tiền lương của Navigos Group với 28.000 nhân viên ở 156 công ty Việt Nam cho thấy, lao động trình độ đại học về quản lý, kỹ thuật có thể có mức lương từ 4.000-5.000 USD/tháng, các chức danh quản lý cao cấp khác còn có mức lương trên 10.000 USD/tháng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trên bình diện chung, tiền lương của lao động CMKTC còn thấp. Lương của lao động CMKTC thấp có nguyên nhân từ năng suất lao động thấp, khả năng tài chính của người sử dụng lao động hạn chế, nền kinh tế trình độ thấp, liên thông với thị trường lao động quốc tế còn hạn chế… Đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ ngoài nhà nước và khu vực quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể, người lao động có tiền lương thấp nhất.
1.4. Chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động CMKTC
Trong các năm chuyển đổi nền kinh tế, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho phát triển thị trường lao động CMKTC, cụ thể:
- Trong Mục IV, Bộ Luật lao động quy định các ưu đãi trong sử dụng, đãi ngộ đối với lao động CMKTC như: i) người lao động CMKTC có quyền kiêm việc hoặc kiêm chức trên cơ sở giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; ii) người sử dụng lao động có quyền giao kết hợp đồng lao động với bất kỳ người nào có trình độ CMKTC; iii) Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với lao động CMKTC đến làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo và những vùng có nhiều khó khăn…
- Tại nhiều địa phương (Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh…) có các chính sách thu hút, ưu đãi vật chất và chính sách đào tạo lao động CMKTC. Ví dụ UBND Tp. Hà Nội quy định ưu đãi, thu hút nhân tài với một số cơ chế như: lập quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, ưu đãi về nhà ở (thưởng nhà, bán nhà theo cơ chế trả dần), các ưu đãi về phụ cấp, thưởng bằng tiền, trợ cấp mua phương tiện, tài liệu nghiên cứu…
- Nhà nước tạo khung pháp luật thuận lợi cho học sinh ra nước ngoài du học tự túc, dành một khoản đầu tư đáng kể để gửi học sinh đi đào tạo đại học, trên đại học ở các trường danh tiếng của nước ngoài. Động thái này cũng có tác động thúc đẩy phát triển cung lao động CMKTC trên thị trường lao động.
- Nhà nước tạo điều kiện pháp lý và đầu tư cho sự phát triển của hệ thống kết nối cung với cầu lao động. Các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm… phát triển có tác động thúc đẩy nhu cầu giao dịch việc làm của người lao động CMKTC và người sử dụng lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động được Nhà nước quan tâm hoàn thiện, tạo điều kiện nâng cao hoạt động môi giới việc làm của lao động CMKTC.
1.5. Một số hạn chế của thị trường lao độngCMKTC
- Đào tạo lao động CMKTC còn có hạn chế về giáo dục, rèn luyện các phẩm chất nghề nghiệp như: tính năng động, sáng tạo, khả năng phối hợp, làm việc theo nhóm, khả năng thích ứng, hội nhập theo sự biến đổi của thị trường lao động… Trình độ ngoại ngữ, tin học của lao động CMKTC của nước ta chưa đáp ứng hội nhập thị trường lao động quốc tế, do đó hạn chế đến khả năng tiếp cận thông tin, việc làm trên thị trường lao động rộng mở của khu vực và quốc tế.
- Cung lao động CMKTC những năm qua tăng khá nhanh nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp, đến năm 2008 mới đạt 5,6% trong lực lượng lao động. Hiện nay các ngành đang thiếu nhiều lao động CMKTC như: đóng tàu, dầu mỏ, hàng không, điện năng (đặc biệt là điện hạt nhân), kế toán-kiểm toán cao cấp, tài chính-ngân hàng, cơ khí, công nghệ thông tin, xây dựng, hành chính, điện tử, y dược, du lịch-quản lý khách sạn, bảo hiểm…
- Cầu lao động CMKTC trên thị trường thấp do các nguyên nhân: (1) Tỷ lệ tham gia thị trường lao động thấp, năm 2008 mới có 31,8% (14 triệu lao động) lao động làm công ăn lương trong tổng lực lượng lao động cả nước. (2) Thiếu lực lượng lao động chuyên môn, kỹ thuật cao cấp. (3) Thị trường lao động còn bị chia cắt theo vùng, thành thị - nông thôn do các yếu tố chính sách hành chính và môi trường di chuyển lao động (4) Tiền lương, thu nhập của người lao động CMKTC thấp, hệ thống thang, bảng lương Nhà nước quy định cho khu vực doanh nghiệp nhà nước còn mang tính cứng nhắc. (5) Nền kinh tế chưa có đột phá mạnh về tái cấu trúc theo hướng phát triển nhanh các ngành sản xuất, kinh doanh có hàm lượng công nghệ, tri thức cao để thu hút nhiều lao động CMKTC vào làm việc. (6) Hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm… hoạt động hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu là cầu nối giữa cung và cầu lao động. (7) Tỷ lệ lao động CMKTC được bao phủ hệ thống bảo hiểm xã hội còn thấp, đặc biệt là lao động CMKTC làm việc trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài nhà nước, doanh nghiệp hộ gia đình. (8) Khu vực nông thôn, nông nghiệp thiếu lao động CMKTC. (9) Vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu nhân lực CMKTC nghiêm trọng (10) Hạn chế của hệ thống thông tin tiền lương/tiền công CMKTC từ thị trường lao động để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thương lượng, cam kết mức tiền lương cho CMKTC. (11) Điều kiện sinh sống, việc làm (nhà ở, phương tiện làm việc…) của lao động CMKTC còn khó khăn. (12) Chính sách ưu đãi xã hội về vật chất, tinh thần, tôn vinh đối với lao động CMKTC, đội ngũ nhân tài của đất nước có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế.
2. Định hướng phát triển thị trường lao động chuyên môn kỹ thuật cao đến năm 2020
Từ nay đến năm 2020, toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhanh đối với nền kinh tế nước ta. Khoa học, công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt và những đột phá lớn. Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới… tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, tác động rộng lớn đến cơ cấu và sự phát triển của nền kinh tế, mở ra triển vọng mới về việc làm cho lao động CMKTC. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm, theo kinh nghiệm của các nước phát triển và các nước công nghiệp mới (NIC), chỉ có cách duy nhất là dựa vào tri thức, tiến bộ khoa học, công nghệ, hay nói cách khác là dựa vào nguồn nhân lực CMKTC. Cũng từ nay đến năm 2020, với việc phát triển nhanh của hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học, trên đại học và thực hiện cải cách, xã hội hóa giáo dục, đào tạo nên số lượng lao động CMKTC sẽ tăng nhanh và chất lượng ngày càng được cải thiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số chỉ tiêu cơ bản của lực lượng lao động nước ta đến năm 2020 như sau:
Bảng 9: Dự báo chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhân lực đến năm 2020
Chỉ tiêu | 2005 | 2010 | 2015 | 2020 |
1. Số dân (nghìn người) | 83.120 | 88.400 | 94.000 | 98.500 |
2. Dân số trong độ tuổi lao động (nghìn người) | 54.000 | 57.400 | 59.800 | 61.400 |
3. Lực lượng lao động (nghìn người) | ||||
- Số người | 44.385 | 46.800 | 48.400 | 49.200 |
-% dân số trong tuổi lao động | 82,2 | 81,5 | 81,00 | 80,0 |
4. Lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế - Tổng số (nghìn người) | 44.456,6 | 45.750 | 47.500 | 48.500 |
Trong đó: cơ cấu % | ||||
- Nông-lâm-ngư | 56,8 | 50 | 40 | 28-29 |
- Công nghiệp xây dựng | 17,9 | 20-22 | 26-28 | 32-33 |
- Dịch vụ | 25,3 | 28-30 | 32-34 | 38-39 |
5. Tỷ lệ biết chữ của lực lượng lao động (%) | 94,0 | 96,0 | 98,0 | 99,0 |
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%) | 24,8 | 40,0 | 50,0 | 60,0 |
7. Tỷ lệ đi học-người trong nhóm tuổi (%) | ||||
- Tỷ lệ đi học tiểu học đúng tuổi | 97,0 | 99,0 | 99,5 | 9,8 |
- Tỷ lệ đi học THCS đúng tuổi | 85,0 | 90,0 | 95,5 | 98,0 |
- Tỷ lệ đi học THPT đúng tuổi | 55,5 | 68,0 | 75,0 | 80-85 |
8. Tỷ lệ tham gia đào tạo nghề nghiệp các cấp của các nhóm tuổi 18-23 (%) | ||||
- Dạy nghề các cấp | 12-15 | 30,0 | 50,0 | 60,0 |
- Trung cấp chuyên nghiệp | 4,0 | 7,0 | 10,0 | 10,0 |
- Đại học cao đẳng | 12,0 | 20,0 | 25,0 | 30,0 |
9. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam (15 tuổi)-mét | (2001) | |||
- Nam | 1,62 | 1,64 | 1,67 | >1,69 |
- Nữ | 1,53 | 1,55 | 1,57 | >1,60 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Một số định hướng phát triển thị trường lao động CMKTC ở nước ta đến năm 2020 là:
2.1. Phát triển thị trường lao động CMKTC đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế
Phát triển thị trường lao động CMKTC phải hướng vào phục vụ đắc lực cho quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; gắn phát triển thị trường lao động CMKTC với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhu cầu mở rộng liên thông thị trường lao động nước ta với thị trường lao động quốc tế, coi đó là điều kiện đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với cung lao động CMKTC: cần cơ cấu lại ngành nghề và trình độ đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học, coi trọng nâng cao chất lượng để hình thành đội ngũ nhân lực trình độ CMKTC, có năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với cầu lao động CMKTC: thúc đẩy quá trình đổi mới kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại vào nền kinh tế, tái cấu trúc ngành nghề, tạo điều kiện phát triển nhanh các ngành có hàm lượng tri thức cao, loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI. Hoàn thiện, bổ sung thể chế kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hiện đại hóa năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để mở rộng cầu lao động CMKTC trên thị trường lao động.
2.2. Thúc đẩy quy luật cung cầu lao động CMKTC hoạt động trên thị trường lao động
Hiện nay ở nước ta cung lao động CMKTC chưa đáp ứng cầu lao động CMKTC. Do đó, trong thời gian tới, một mặt phải thực hiện các giải pháp tăng cung lao động CMKTC; mặt khác phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, mở rộng ngành nghề công nghiệp, dịch vụ mới, để tăng cầu lao động CMKTC. Để phát triển thị trường lao động CMKTC, cần phải tôn trọng cơ chế vận hành khách quan của thị trường lao động, thừa nhận sự tồn tại khách quan của thị trường lao động CMKTC và thật sự coi sức lao động CMKTC là loại hàng hóa đặc biệt. Cung lao động CMKTC phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động CMKTC về số lượng, chất lượng và cơ cấu, chủ động linh hoạt với yêu cầu của thị trường. Nhu cầu lao động CMKTC xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng lao động là lực lượng chủ động và tích cực của thị trường lao động. Họ có vai trò tạo việc làm, không ngừng mở rộng cầu lao động CMKTC và phải có quyền tự do trong tuyển dụng, đãi ngộ lao động CMKTC.
Nhà nước phải không ngừng hoàn thiện, bổ sung khung pháp lý, tạo hành lang bình đẳng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của thị trường lao động CMKTC phù hợp với nền kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước phải thừa nhận và tôn trọng nguyên tắc ngang giá trên thị trường đối với lao động CMKTC, đảm bảo các điều kiện pháp lý cho lao động CMKTC và người sử dụng lao động CMKTC có thể thỏa thuận, thương lượng hiệu quả với nhau trong quan hệ lao động.
2.3. Mở rộng liên thông thị trường lao động CMKTC nước ta với thị trường lao động CMKTC quốc tế
Việc mở rộng liên thông thị trường lao động CMKTC nước ta với thị trường lao động CMKTC quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nhanh, chất lượng của cung cầu lao động CMKTC. Đặc biệt là khi nước ta tham gia Tổ chức Thương mại quốc tế, thì đội ngũ lao động CMKTC có giá trị đặc biệt quan trọng đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh té quốc tế.
Trong các năm đến 2020 cần tiếp tục nghiên cứu, cải thiện môi trường pháp lý và kinh tế, đa dạng hóa các hình thức và cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời tăng cường đầu tư của Việt Nam sang các nước trên thế giới trong những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh quan trọng. Đây là hướng quan trọng để gắn kết thị trường lao động CMKTC nước ta với tị trường lao động CMKTC các nước trên thế giới.
Xuất khẩu, di chuyển có thời hạn lao động CMKTC ra thị trường lao động quốc tế cũng là hướng quan trọng để thúc đẩy phát triển cung và cầu lao động trên thị trường lao động. Trong xuất khẩu và di chuyển lao động cần có chính sách giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa đảm bảo nguồn nhân lực CMKTC cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và nguồn nhân lực CMKTC cho thị trường lao động ngoài nước. Ngoài ra, Nhà nước cần chú trọng hơn trong mở rộng hợp tác với các nước để gửi sinh viên đi đào tạo phù hợp với cơ chế thị trường có sự khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. Tăng cường hình thức liên kết nghiên cứu khoa học giữa nước ta và các nước trên thế giới để giải quyết việc làm và đào tạo nguồn nhân lực CMKTC.
2.4. Hoàn thiện hệ thống kết nối thị trường lao động và tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường lao động CMKTC
Hệ thống kết nối (các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm…) có vai trò quan trọng đối với hoạt động hiệu quả của quy luật cung cầu lao động CMKTC trên thị trường lao động. Để phát triển hoạt động của hệ thống kết nối thị trường lao động, phải có chính sách thúc đẩy phát triển các trung tâm giao dịch việc làm của Nhà nước, đoàn thể và tư nhân. Xúc tiến hiệu quả cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục thành lập trung tâm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm… Mở nghề đào tạo cán bộ chuyên nghiệp cho các trung tâm giao dịch việc làm, các doanh nghiệp môi giới việc làm. Mở rộng hình thực hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm ở các địa phương, phát triển cung ứng việc làm trên mạng internet, hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê về thị trường lao động CMKTC…
Thị trường lao động chuyên môn kỹ thuật cao vận hành theo quy luật kinh tế khách quan. Cơ chế này đóng vai trò tích cực trong điều tiết quan hệ cung cầu lao động CMKTC. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng có những khuyết tật, do đó phải có sự quản lý của Nhà nước để hạn chế các khuyết tật của thị trường lao động CMKTC. Trong đó, Nhà nước cần phải có giải pháp quản lý thị trường lao động CMKTC, hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn khi tham gia thị trường. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy kết nối người lao động và người sử dụng lao động trên thị trường lao động CMKTC. Nhà nước đóng vai trò điều tiết vĩ mô thị trường lao động CMKTC, giám sát và điều tiết cung cầu lao động CMKTC, tiến hành công tác dự báo cung cầu và biến động của thị trường lao động CMKTC trong nước và quốc tế./.