Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 21/07/2010 19:02 (GMT+7)

Định hướng bảo tồn đa dạng sinh học vùng Bắc Trung Bộ

Lãnh thổ của Bắc Trung Bộ gồm nhiều dãy núi có độ cao từ 600 - 2450m, đỉnh cao nhất là đỉnh núi Phacatun cao 2450m, đỉnh giăng màn thượng nguồn sông Ngàn Sâu cao 2235m, Pù Huống 1570m, Pù Kô Kô 1124m, Pù Chó 1500m, Bạch Mã cao 1450m, với địa hình bị chưa cắt mạnh tạo nên độ dốc lớn 35 - 40 0trước khi chuyển dần xuống đồng bằng hay ven biển. Đây cũng là địa hình phức tạp tạo nên nhiều hệ sinh thái: Rừng núi cao (chiếm gần 50% diện tích); vùng gò đồi (gần 30% diện tích); và các dải đồng bằng nông nghiệp, đất cát ven biển, rừng ngập mặn, đảo ven bờ… giữ vai trò quan trọng trong kinh tế biển và an ninh quốc phòng. Đặc biệt ở Quảng Bình có hệ sinh thái núi đá vôi Casto rộng lớn, khổng lồ, có nhiều hang động đẹp nổi tiếng như động Phong Nha (Bố Trạch) rộng và dài vào bậc nhất thế giới lại nằm tiếp giữa hai vùng địa lý sinh học Bắc và Nam, là nơi có cấu tạo địa chất đặc biệt của vùng Castơ trẻ, là địa bàn có tính đa dạng sinh học cao.

Về mặt khí hậu, là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Bắc và nam, theo số liệu điều tra cơ bản toàn vùng chịu ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, áp thấp nhiệt đới, bão lụt xảy ra hàng năm v.v… trung bình có 6 cơn bão mỗi năm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều trận lụt lớn xảy ra do rừng đầu nguồn bị phá hủy. Yếu tố khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tự nhiên của vùng gò đồi Bắc Trung Bộ bởi các hiện tượng bốc hơi nước. Theo lượng bốc hơi nước kể cả thảm thực vật, dao động trong khoảng 1.100 - 1259 mm/năm, bằng hơn ½ lượng mưa năm. Song song với đặc điểm bốc hơi nước, hiện tượng gió Tây khô nóng (gió Lào) gây ảnh hưởng xấu tới cây trồng vật nuôi trong khu vực. Tuy vậy, đây là các cảnh quan sinh thái chứa nhiều tiềm năng nếu như có tác động đúng với quy luật tự nhiên, việc khôi phục sinh thái môi trường hiện nay và tương lai có nhiều khả năng hiện thực. Với vị trí độc đáo của rừng núi Bắc Trung Bộ được các nhà khoa học trong nước và quốc tế công nhận còn chứa đựng nguồn tài nguyên sinh vật phong phúc và đa dạng, là vùng duy nhất có sự giao lưu giữa các luồn sinh vật Bắc và Nam, bao gồm các yếu tố Trung Hoa, yếu tố Ấn Độ - Malaysia, yếu tố Hymalaia; Yếu tố phân bố toàn cầu và yếu tố đặc hữu. Nhờ vậy, đã phát hiện thêm nhiều loài cá mới ở sông Lam, sông suối Phong Nha, 3 loài thú lớn mới ở Vũ Quang, Phù Mát và đã ghi nhận 45 loài động vật đặc hữu, 108 loài thuộc diện bị đe doạ. Các tổ chức quốc tế như IUCN, WWF, ICBP, SNV, Birdlife International.. đánh giá vùng Bắc Trung Bộ là một trong 4 vùng có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, là vùng được đề xuất ưu tiên cao nhất về bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu, là một trong 200 vùng sinh thái ưu tiên bảo tồn trên thế giới. Với điều kiện khí hậu và đất đai phong phú của vùng có thể tạo ra ở đây một nền nông nghiệp đa dạng có giá trị kinh tế; các thủy vực, đàm phá ven biển giữ vai trò quan trọng trong kinh tế và đời sông cộng đồng, có đầy đủ điều kiện để phát triển nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản đạt giá trị kinh tế cao.

Những thách thức và trở ngại chính trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học ở Bắc Trung Bộ có thể tóm tắt như sau:

Nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng và đa dạng sinh học còn cao; chất lượng rừng bị giảm sút ngày càng trầm trọng. Tình trạng nghèo đói của các cộng đồng dân cư sống gần rừng đang gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên rừng. Cả nước có khoảng 2,8 triệu hộ nông dân nghèo, trong đó có hơn 30% số hộ nghèo sống ở vùng núi Bắc Trung Bộ; sinh kế hàng ngày vẫn phải dựa vào tài nguyên rừng trong khi kỹ thuật sử dụng tài nguyên rừng nhiệt đới và đất lâm nghiệp của người dân địa phương còn thấp.

Lợi thế cạnh tranh của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế thị trường còn yếu nên khả năng tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ nghề rừng còn thấp. Rừng tự nhiên nghèo, rừng trồng gỗ năng suất thấp, khả năng khai thác gỗ và lâm sản thấp, giá thành sản xuất cao, thu nhập của người làm nghề rừng bấp bênh.

Nguồn lực tài chính của Nhà nước có hạn, phần ngân sách dành cho phát triển lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học còn thấp (chỉ chiếm khoảng 2% tổng số chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước). Cơ chế tài chính và hỗ trợ đầu tư chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất ở miền núi. Chưa lồng ghép chặt chẽ kế hoạch, chương trình phát triển lâm nghiệp với các chương trình quốc gia khác trong vùng núi.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng mất rừng, suy giảm chất lượng rừng và đa dạng sinh học là tình trạng nghèo đói ở vùng rừng núi còn cao, người dân thiếu việc làm trong khi quyền sử dụng đất đai và quyền hưởng lợi từ rừng của họ còn thấp, chưa thực sự tạo nên một động lực đủ mạnh để khuyến khích bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học Bắc Trung Bộ sẽ đạt được hiệu quả cao khi được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Một số định hướng sau đây được đề xuất:

Tổ chức điều tra cơ bản đầy đủ, hệ thống về tài nguyên sinh vật tại vùng Bắc Trung Bộ.

Công việc này đã được nhiều cơ quan khoa học trong nước và ngoài nước thực hiện, nhưng chưa lúc nào được tổ chức một cách có hệ thống mà thường chỉ là các công trình về từng nhóm phân loại sinh vật riêng rẽ, theo sở thích chuyên môn của các nhà khoa học và tại một địa điểm nào đó trong vùng. Tài liệu điều tra đã có thường là các tài liệu cũ, thực hiện nhiều năm về trước và thiếu tính toàn diện, đến nay cần được cập nhật.

Trong mười năm qua, tại vùng Bắc Trung Bộ, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài động vật có xương sống mới cho khoa học, như thú, chim, bò sát, ếch nhái, cá, nhiều loài côn trùng, nhiều loài thực vất. Việc phát hiện 3 loài thú mới ở đây là điều hết sức hiếm có trong mấy thập kỷ vừa qua về nghiên cứu đa dạng sinh học trên thế giới. Điều đó chứng minh rằng vùng Bắc Trung Bộ còn chứa đựng nhiều điều kỳ lạ về đa dạng sinh học mà chúng ta chưa được biết.

Cần phải tập trung nghiên cứu một cách có hệ thống các nhóm động thực vật, vi sinh vật chính, các hệ sinh thái tự nhiên chính trong vùng. Trước tiên nên chọn một số khu vực điển hình sau đó đúc rút kinh nghiệm và lần lượt tổ chức nghiên cứu tiếp các vùng khu vực khác.

Nghiên cứu các lâm sản ngoài gỗ trong vùng, khả năng thị trường. Về sử dụng bền vững đa dạng sinh học và khả năng nuôi trồng các loài có giá trị kinh tế, có giá trị bảo tồn, sản xuất để hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng và nghiên cứu các cây rừng bản địa có giá trị về kinh tế và sinh thái để trồng rừng, thay thế dần các loài cây ngoại lai như keo, bạch đàn.

Xây dựng hệ thống và quản lý tốt các hệ thống khu bảo tồn và rừng đầu nguồn.

Hiện nay trong vừng đã xây dựng được một số khu bảo tồn, nhưng chưa đạt cả về số lượng cũng như chất lượng. Cần nghiên cứu xây dựng thêm một số khu bảo tồn khác tại những nơi có điều kiện, nhưng công việc cần làm ngay là nghiên cứu cách quản lý các khu bảo tồn thế nào cho phù hợp với tình hình địa phương, nhất là xây dựng được cách quản lý các vùng đệm của các khu bảo tồn nhằm mục đích nâng cao cuộc sống của người dân gần các khu bảo tồn, giúp họ sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sẵn có trong vùng, giảm bớt sức ép của người dân lên rừng và thu hút sự tham gia tự nguyện của cộng đồng vào việc bảo vệ ĐDSH.

Xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật.

Cần có các thể chế, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích mọi người tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật của địa phương. Vì đây là nguồn tài nguyên cơ sở rất quý giá cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai. Xây dựng các khu bảo tồn, quản lý các vùng đệm thông quan việc cụ thể chế hóa bằng các chính sách phù hợp hơn.

Xây dựng và phổ biến các mô hình sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật.

Tài nguyên sinh vật trong vùng rất phong phú, là nguồn sống của đa số người dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị khai thác không hợp lý, hủy diệt nên về lâu dài nguồn tài nguyên quý giá này sẽ bị suy thoái dần cho đến cạn kiệt. Cần xây dựng và tuyển chọn một số mô hình xây dựng trang trại rừng, vườn rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, ao thủy sản, trồng rừng, nâng cao hiệu quả để phổ biến rộng rãi, bằng cách tổ chức các lớp đào tạo, tham quan, trao đổi giữa những người sản xuất và cán bộ chuyên môn…

Áp dụng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái.

Trong vùng có một số cây, con quý đã được nhân dân nuôi trồng từ lâu, hiệu quả kinh tế cao nhưng đang có chiều hướng suy thoái như Hươu sao, Bưởi Phúc Trạch, Cam Xã Đoài, Cam bù Hương Sơn, Hồng Nghi Xuân… Cần phải tuyển chọn lại, phục tráng, tạo vườn ươm sản xuất cây giống tốt để nhân rộng ra nhiều nơi có điều kiện tạo thành nguồn hàng có giá trị, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tổ chức giáo dục đào tạo đôi ngũ cán bộ địa phương

Để bảo tồn được nguồn gen quý và sư phong phú đa dạng sinh học của vùng cần phải có trình độ chuyên môn và nhiệt tình. Hiện nay đội ngũ cán bộ đó rất thiếu và yếu. Cần tuyển chọn một số cán bộ trẻ của địa phương để đào tạo dần trong thực tiễn và qua các lớp đào tạo tại các trường và viện nghiên cứu. Cũng cần phải nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học cho các cán bộ lãnh đạo các cấp và toàn dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và cách thức sử dụng bền vững các loại tài nguyên đó./.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.

Tin mới

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.