Dinh dưỡng cho người huyết áp thấp
Nguyên nhân gây tụt huyết áp
Thường thường cơ thể mất nước nhiều đột ngột như: tiêu chảy, nôn mửa... hoặc mất máu lớn do tai nạn, vết thương gây chảy máu; có khi do chảy máu trong khó nhận thấy như chảy máu dạ dày, chửa ngoài dạ con bị vỡ. Cũng có khi, nguy hiểm hơn, huyết áp tụt do bệnh nặng như suy tim, nhồi máu cơ tim, ung thư, nhiễm trùng nặng... Những trường hợp tụt huyết áp như vậy, phải nhanh chóng tìm bác sĩ giỏi khám bệnh ngay mới tìm ra nguyên nhân để giải quyết kịp thời. Để chậm, tụt huyết áp kiểu này rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai lại khác hẳn, huyết áp bệnh nhân đó lúc nào cũng thấp, huyết áp tâm thu 90 mmHg, mặc dù người đó vẫn đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Những người này chỉ hay cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai hoa mắt... một lúc lại đâu vào đấy. Đôi khi thấy trống ngực, vã mồ hôi, tái mặt hoặc đang nằm mà đứng dậy đột ngột thì hoa mắt, nặng có thể ngã hoặc ngất đi vài giây.
Kiểu hạ huyết áp này thường gặp trong cùng một gia đình, và hay thấy ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Khi bị các triệu chứng của huyết áp thấp nên nằm nghỉ chỗ thoáng mát, uống một chén nước đường ấm hoặc một tách trà gừng nóng, nhắm hai mắt lại, triệu chứng sẽ bớt dần. Phải đi khám bệnh, nhưng các bác sĩ thường chỉ thấy rất ít dấu hiệu bệnh lý; các xét nghiệm cho kết quả bình thường: chụp chiếu, điện tim, siêu âm cũng không phát hiện gì thêm... Có thể nói rằng dấu hiệu duy nhất ở những trường hợp này là huyết áp thấp? Những huyết áp thấp “vô căn” đó, tuy ít nguy hiểm và biến chứng, nhưng nó cũng gây nhiều phiền phức khó chịu, làm giảm chất lượng sống của người bệnh.
Điều trị
Trong y học hiện đại, việc làm giảm huyết áp dễ hơn làm tăng huyết áp, vì thế hiện vẫn chưa có loại thuốc hiệu quả nào dành cho những người huyết áp thấp. Người có huyết áp thấp cần cải tiến cách sống là chính, thuốc men chỉ giúp thêm.
Dinh dưỡng
- Ăn mặn hơn người bình thường: muối ăn có tác dụng làm tăng huyết áp; người bình thường ăn 10 - 12 g muối mỗi ngày; người tăng huyết áp nên ăn ít hơn 6 g muối mỗi ngày; người huyết áp thấp có thể ăn hơn 12 g muối mỗi ngày.
- Các thức uống làm tăng huyết áp: uống 1 - 2 ly cà phê đặc mỗi ngày. Không uống quá nhiều cà phê có thể gây khó ngủ, rối loạn nhịp tim. Người nhạy cảm với cà phê thì không nên uống. Uống nước trà đặc, nước sâm, nước ép rau cần tây, nước nho.
- Tăng cường ăn uống cho đủ cân. Gầy quá huyết áp sẽ thấp.
![]() |
Giảm tiêu hao: làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Những người huyết áp thấp cần ngủ đẫy giấc, khoảng 9 - 11 tiếng/ngày. Những người thân nên biết điều này để tránh kìm hãm giấc ngủ của những người huyết áp thấp. Giữ vệ sinh, tránh ngộ độc thực phẩm, uống thuốc xổ giun định kỳ 6 tháng một lần.
Vận động và thay đổi lối sống
- Tập thường xuyên các môn như đi bộ, chạy, bơi, cầu lông, thể dục nhịp điệu... Tránh các môn thể dục gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy dù, leo cao... Tập vừa sức, không tập khi đói cũng như ngay sau ăn no. Nhiều hiện tượng bệnh lý sẽ biến mất sau một thời gian luyện tập.
- Khi ngủ không gối đầu cao. Người huyết áp thấp phải biết thức dậy đúng cách. Vì khi ngủ, máu sẽ tập trung vào khu vực dạ dày (gan, phổi, lá lách), xuất hiện tình trạng thiếu máu não tạm thời. Nếu người huyết áp thấp ngồi hoặc đứng dậy đột ngột, có thể bị ngất xỉu. Khi thức dậy, cần nằm thêm một lúc, tập một vài động tác thể dục đơn giản (vận động các khớp xương chân tay). Sau đó ngồi dậy, để chân trên giường, rồi mới từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc.
- Không vận hành máy móc, lái xe, leo trèo cao.
- Tránh nắng gắt hay trời lạnh.
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, và nhất là bình tĩnh. Những xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể làm huyết áp hạ thêm.
- Có thể dùng thêm một số thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Khi đang uống thuốc điều trị tăng huyết áp phải theo dõi huyết áp thường xuyên. Đa số thuốc này chỉ nâng huyết áp được vài tiếng đồng hồ, sau đó huyết áp lại xuống như cũ. Tuy vậy, chúng cũng có ích nhất thời, khi huyết áp xuống quá khó chịu như: ephedrin, dihydro ergotamin, heptamyl, corticoid, coramin, long não... Đôi khi cần dùng những thuốc mạnh hơn như fludrocortison nhưng phải có bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Tránh một số thuốc có thể làm hạ huyết áp: các thuốc hạ áp, thuốc giãn mạch.