Dịch cúm H5N1 đã có nhiều biến đổi
Theo Tổ chức FAO, trên thế giới có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch vụ cúm gia cầm, trong đó khu vực châu Phi là 12, châu Á là 26 và Cận Đông là 7; tổng số gia cầm bị chết và tiêu hủy là hơn 400 triệu con, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ USD. Theo Tổ chức WHO, virut cúm gia cầm H5N1 đã lây nhiễm cho 565 người trong đó 331 người đã tử vong. Vì vậy, việc phòng chống dịch cúm gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Tùng – Cục thú y cho biết, bắt đầu từ tháng 8/2005, Chính phủ cho phép áp dụng chiến lược tiêm phòng vacxin cúm cho đàn gia cầm. Thực hiện chiến lược tiêm phòng vacxin này, Cục thú y đã chủ động giám sát thường xuyên sự lưu hành và biến đổi của virut cúm, đồng thời triển khai những thí nghiệm đánh giá hiệu lực vacxin nhằm lựa chọn đúng chủng loại vacxin có hiệu quả cao nhất để phục vụ chiến lược tiêm phòng quốc gia, góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch cúm gây ra, phấn đấu đạt được mục tiêu khống chế và tiến tới thanh toán bệnh trong tương lai.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, tất cả các mẫu virut cúm thu thập được từ các ổ dịch và các chương trình giám sát sau tiêm chủng đã được gửi về Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương – Cục thú y để chọn lọc, xét nghiệm và gửi đến những phòng thí nghiệm tham chiếu cúm quốc tế để nghiên cứu sâu về sự biến đổi gen của virut. Và kết quả cho thấy, kể từ cuối năm 2003 đến nay, virut cúm H5N1 đã có nhiều biến đổi.
Theo ông Tùng thì virut cúm gia cầm luôn biến đổi và để theo dõi, đánh giá sự biến đổi của virut, các nhà khoa học đã phân loại virut cúm H5N1 dựa trên gen HAH5 thành nhiều nhánh từ 0-9. Tại Việt Nam, kết quả phân tích mẫu virut từ các ổ dịch cho thấy có nhiều clade của virut cúm H5N1 xuất hiện như: clade 1, clade 5, clade 2.3, ngoài ra còn có clade 7 đang lưu hành ở Trung Quốc được tìm thấy trên gà nhập lậu qua đường Lạng Sơn.
Qua số liệu phân tích các mẫu virut từ các ổ dịch cúm gia cầm gần đây và số liệu giám sát virut cho thấy nhánh virut mới của virut cúm H5N1 lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Còn các nhánh virut cũ (clade 1) vẫn lưu hành ở một số tỉnh phía Nam, từ thành phố Hồ Chí Minh trở xuống tới Cà Mau.
Năm 2011, nhánh 1 tiếp tục gây ra các ổ dịch tại Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An. Theo kết quả phân tích gen cho thấy có 2 chủng virut khác nhau thuộc nhánh 1 gây ra các ổ dịch này. Đặc biệt có một chủng được phát hiện trong ổ dịch cúm trên gà tại huyện Mang Thít của tỉnh Vĩnh Long. Chủng này cũng đã được phát hiện trong các ổ dịch tại Sóc Trăng và Long An trong tháng 2/2011. Các thí nghiệm đánh giá hiệu lực vacxin H5N1 Re5 đối với chủng mới này đang được gấp rút tiến hành.
Từ đầu năm 2011, nhánh 2.3.2 đã biến đổi và phát triển thành 2 nhánh phụ có sự khác biệt lớn về kháng nguyên. Nhánh phụ 2.3.2-A lưu hành rộng rãi ở hầu khắp các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Quảng Trị… trong đó nhánh phụ 2.3.2-B mới chỉ phát hiện tại Nam Định và Phú Thọ, Bắc Ninh.
Ngoài ra, năm 2011 còn phát hiện thêm một ổ dịch cúm gia cầm trên gà tại Thái Nguyên do chủng virut cúm độc lực cao H5N2 gây ra.
Ông Tùng cho biết, theo kết quả thí nghiệm đánh giá độc lực của nhánh virut mới 2.3.2 cho thấy, sau khi công cường độc gà 9 tuần tuổi và vịt 4 tuần tuổi bằng cách nhỏ mũi với liều 10 6TCID 50/con, 100% gà chết trong vòng 3 ngày và 20% vịt chết trong vòng 7 ngày. Như vậy có thể thấy nhánh virut mới này rất độc với gà và ít độc hơn với vịt.
Theo ông Tùng thì vacxin H5N1 - Re-5 hiện đang sử dụng tại Việt Nam vẫn có hiệu quả đối với virut cúm H5N1 thuộc Nhánh 1, hiệu quả không cao với Nhánh 2.3.2-A và không có hiệu quả với Nhánh 2.3.2-B.
Với sự xuất hiện và lưu hành rộng của chúng virut H5N1 mới này, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tổ chức FAO cũng đã cảnh bảo nguy cơ cao phát sinh dịch cúm tại những quốc gia Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể tại các lục địa khác thông qua chim di trú.