Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/10/2008 14:56 (GMT+7)

Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết

Sông Vĩnh (Cồn Mộc) bắt nguồn từ dãy núi Đại Huệ, có mười hai khúc quanh co, lững lờ chảy qua dước chân núi Kỳ Lân, rồi đổ ra Sông Lam nơi ngã ba Hạc.


Dòng sông Lam như một con Thanh Long (Rồng Xanh) khổng lồ, chảy từ đại ngàn Trường Sơn về đến đây tự uốn mình vòng quanh phía đông nam chân núi Dũng Quyết tạo ra chốn địa linh sinh ra nhân kiệt như câu ca dân gian đã nói:

     "Sông về cho núi khoả chân

                          Để đất nuôi dưỡng nhân văn cho đời"

Khu vực thiên nhiên có phong cảnh đẹp độc đáo này đã được con người nhân hoá qua quá trình lao động cần cù, gian khổ đầy sáng tạo và chiến đấu kiên cường, dũng cảm, dám chịu hy sinh bao đời của nhân dân nên trữ lượng văn hoá du lịch phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, đậm đà về bản sắc xứ Nghệ.


Đứng trên núi Dũng Quyết vào những buổi sáng trời trong xanh, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi biển, hoặc những buổi chiều tà, khi vừng dương sắp gác núi thấy hiện rõ phong cảnh một miền non nước xứ Nghệ cực kỳ ngoạn mục.


Nhìn về phía Bắc, cách chừng 20km là dòng sông Cấm và núi Đô Cấm, như bức tường thành che chắn cho thành phố Vinh.


Đó là nói đến yếu tố địa. Trong tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Huệ
- Quang Trung còn có một điều hết sức quan trọng, đó là yếu tố Nhân.


Trong quá trình hoạt động chiến đấu tiêu diệt kẻ thù cả đàng Trong lẫn đàng Ngoài, Nguyễn Huệ - Quang Trung rất chú trọng tới con người xứ Nghệ.


Ngược dòng lịch sử, dưới thời Trần, khi vận nước đang bị uy hiếp trước làn sóng xâm lăng của vó ngựa Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông vẫn đặt niềm tin tưởng vào lực lượng ở xứ Nghệ biểu lộ trong câu thơ:

       " Cối Kê cựu sự quân tu ký,

                                    Hoan Diễn do tồn thập vạn binh"

                  (Nghĩa là: Cối kê chuyện cũ người nên nhớ

                         Hoan Diễn đang còn mười vạn binh)


Năm 1424, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đang trong tình thế khó khăn, không phát triển được, Lê Lợi dã đặt ra câu hỏi lớn: " Phải đi đâu về đâu để lo việc nước?".Tướng Nguyễn Chích đã hiến kế: " Nghệ An là đất hiểm, đất rộng, người đông...Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Lân, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, vật lực đất ấy mà quay ra đánh đông đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ"

Đó là những bài học lịch sử sống động khi biết dựa vào thế đất và lòng người xứ Nghệ.


Xứ Nghệ là đất cố hương của anh em nhà Tây Sơn. Năm 1653-1657, quân chúa Nguyễn chiếm 7 huyện phía nam tỉnh Nghệ An, khi rút lui có đưa một số tù binh người Nghệ An, trong đó có Hồ Sĩ Anh, quê ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên vào ở đất Bằng Châu, tỉnh Bình Định. Hậu duệ đời thứ 4 của Hồ Sĩ Anh là Hồ Phi Phúc đổi sang họ Nguyễn nên gọi là Nguyễn Phi Phúc. Ông Nguyễn Phi Phúc là cha đẻ của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.


Do thực tế cuộc sống đã trải qua, nhân dân xứ Nghệ rất ghét tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn ở đàng Ngoài và tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn ở đàng Trong, vì cả hai tập đoàn này đã gây ra chiến tranh tàn khốc nồi da nấu thịt suốt 200 năm, nhân dân xứ Nghệ phải trực tiếp chịu bao điều cơ cực khổ nhục.


Đối với nhà Tây Sơn, nhất là Nguyễn Huệ - Quang Trung nhân dân xứ Nghệ triệt để dốc lòng ủng hộ.


Vì thế, trong chiểu gửi La sơn phu tử Nguyễn Thiếp ngày mồng 9 tháng 3 năm Mậu Thân (1/10/1788).Nguyễn Huệ đã viết: "...Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. Ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: chỉ đông đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về...


... Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Qủa cũng đã từng mở xem địa đồ. Thấy ở huyện Cấn Lộc xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn để xây dựng kinh đô mới. Thực là chổ rất đẹp để đóng đô vậy...


... Tiên sinh mau mau đến chốn ấy, ở tạm vài tháng, xét rõ cồn vũng, chọn lấy vương địa để làm ngự điện, chỉ định phương hướng để tiện cho quan trấn theo mà làm. Rồi vẽ đủ đồ dâng nộp".


Chỗ đất đẹp ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc để đóng đô chính là vùng đất giữa chi núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân, nay thuộc khối 3, phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An. Vì thế gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.


Nguyễn Huệ đã giao cho Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận (Thận trực hầu) và La sơn phu tử Nguyễn Thiếp thực thi việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Công việc đang được khẩn trương tiến hành thì ở Nghệ An gặp hạn hán, mất mùa. Nguyễn Huệ - Quang Trung xuống chiếu: "Những công việc to lớn tạmhoãn lại, nhưng sở Ngũ Hành thì không thể lưỡng lự được, cần phải hoàn thành sớm".


Chỉ hơn một năm sau, ngày 5 tháng 10 năm Kỷ Dậu (21/10/1789), trong tờ chiếu gửi La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, một lần nữa, Quang Trung khẳng định việc xây dựng bằng được Phượng Hoàng Trung Đô để dời đô từ Phú Xuân ra Nghệ An: " Trẫm ba lần xá giá Bắc Thành. Tiên sinh đã chịu bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ". Tiên sinh hẳn có thế, chứ không phải là hạng người bo bo làm việc gần mình mà thôi...


... Trẫm nay đóng đô ở Nghệ An, cùng Tiên sinh gần gũi . Rồi đây, Tiên sinh hãy ra giúp nhau để trị nước".


Ngay sau đó, Quang Trung đã cử tướng Trần Quang Diệu ra làm trấn thủ Nghệ An thay Nguyễn Văn Thận, để đẩy nhanh tốc độ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.


Thành ngoài của Phượng Hoàng Trung Đô xây bằng đất, đá ong, hình tứ giác, chu vi khoảng 2.820m, bờ thành cao từ 3m - 4m, diện tích rộng 22ha. Bao quanh phía ngoài có hào rộng khoảng 30m, sâu từ 2,50m - 3m.


Thành nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi 1.680m, cao 2m. Trong thành nội có toà lầu rồng 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp bằng đá ong, phía sau có 2 dãy hành lang nối với điện Thái Hoà, nơi dùng cho việc thiết triều của vua Quang Trung.


Tuy chưa dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô, nhưng Quang Trung đã dừng lại ở đây nhiều lần. Tháng 10 năm kỷ dậu (1789), Quang Trung đã hồi giá nghỉ ngơi ở Phượng Hoàng Trung Đô. Tháng 5 năm 1791, từ đây Quang Trung kéo quân lên vùng thượng du Nghệ An trở về, Quang Trung cũng dừng chân tại đây.

Vua Quang Trung đang có những dự định to lớn để củng cố và xây dựng phát triển đất nước lên một tầm cao mới thì đột ngột lâm bệnh nặng. Khi tỉnh dậy, Quang Trung cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu vào Phú Xuân bàn việc dời đô ra Nghệ An. Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình đã nguy kịch. Trước khi mất, Quang Trung đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần:

"Ta mở mang bờ cỏi, khai thác đất đai của cả nước Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử (Quang Toản ) tư chất hơi cao nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định (Nguyễn Ánh) là quốc thù, mà Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lảo thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô (Vinh) để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn đâu".


Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý 16/9/1792), vua Quang Trung mất.


Việc dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô không thực hiện được. Tuy vậy, với tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Huệ - Quang Trung, Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng như một kinh đô của đất nước. Đây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, cần được gữi gìn và phát huy mạnh mẽ để góp phần giáo dục, bồi dưỡng truyền thống hào hùng cho các thế hệ hôm nay và cả mai sau.


Phượng Hoàng Trung Đô là một chứng tích rõ ràng, cụ thể, đầy sức thuyết phục nói lên sự gắn bó mật thiết giữa Nguyễn Huệ - Quang Trung với đất tổ Nghệ An trong suốt cả quá trình dựng lên nghiệp lớn.


Cho đến tận ngày nay, ở vùng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An còn lưu giữ huyền thoại về ngôi mộ tổ của Nguyễn Huệ - Quang Trung như sau: Tại núi Thai Phong (có sách chép là Đài Phong), thuộc dãy Độc Lôi có một huyệt cát địa, phát làm Hoàng đế với cảo địa lý: "Dĩ Thai Sơn vi kiếm, Dĩ Chung Sơn vi cổ, Dĩ Lam Thành vi kỳ, Dĩ Hồng Lĩnh vi vạn mã, thiên binh phát tại Nam Phương" (Nghĩa là: lấy núi Thai làm kiếm, lấy núi Chung làm trống, lấy núi Lam Thành làm cờ, lấy núi Hồng Lĩnh làm binh bùng, tướng mạnh, phát tại phương Nam)


Nơi đây đã táng hài cốt của tổ tiên Nguyên Huệ.


Năm 1786, sau khi lật đổ chúa Trịnh ở Bắc Hà, Nguyễn đã về Nghệ An tìm lại cội nguồn gia đình, nhận họ Hồ ở làng Thái Lão làm dòng tộc, chon Thái Lão làm tổ quán. Năm 1789, Quang Trung đã truyền cho làng Thái Lão tu tạo lại tổ miếu để phụng thờ tổ tiên.


Năm 1802, triều Tây Sơn sụp đổ, Gia Long đã sai người đến tìm mộ tổ Nguyễn Huệ - Quang Trung để triệt phá. Nhưng được nhân dân vùng Thái Lão tìm cách che dấu , bảo vệ. Gia Long không triệt phá được mộ, nên đã sai đào 7 cái giếng quanh núi Thai Phong để yểm long mạch đã phát đế Vương.


Ngoài quan hệ mật thiết, linh thiêng Nghệ An là tổ quán, trong quá trình lật đổ kẻ thù bên trong, quét sạch kẻ thù bên ngoài đến xâm lược, Nguyễn Huệ - Quang Trung luôn luôn dựa vào thế đất và lòng người xứ Nghệ.


Sau khi hạ chiếu chọn đất Nghệ An để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô (1/10/1788), cuối năm 1788, được tin Lê Chiêu Thống hèn hạ rước quân nhà Thanh vào xâm lược nước ta, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, lấy đế hiệu là Quang Trung, rồi hành quân thần tốc ra Bắc. Ngày 29/12/1788 đã ra đến Phù Thạch, lỵ sở Nghệ An hồi đó, Quang Trung đã dừng lại hỏi kế sách của La sơn phu tử Nguyễn Thiếp và tuyển thêm quân người Nghệ An. Khi được Quang Trung hỏi kế sách đánh quân Thanh, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã hiến kế: "Quân quý thần tốc, đánh gấp trong 10 ngày, có thể phá giặc tan".Quang Trung nghe vậy rất mừng vì rất hợp với chủ kiến của mình. Chỉ trong 10 ngày dừng lại ở Phù Thạch, Quang Trung đã tuyển được hàng vạn trai tráng người Nghệ An, bổ sung quân số lên 10 vạn người.


Những trai tráng Nghệ An mới tuyển vào hàng ngũ nghĩa quân, tuy chưa được huấn luyện, chưa qua chiến trận, nhưng rất hăng hái dũng cảm, một lòng tin tưởng vào chủ tướng, được phiên chế vào cách trung quân do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng hiển hách muôn đời Ngọc Hồi - Đống Đa, giải phóng Thăng Long, quét sạch quân Thanh ra khỏi nước ta.


Sau khi đại thắng quân Thanh ( xuân Kỷ Dậu - 1789), để bổ sung cho đội ngũ quan lại có đủ năng lực thực hiện chính sách "Văn Trị", vua Quang Trung đã tổ chức kỳ thi hương đầu tiên ở Nghệ An (1789) để chọn nhân tài, do La sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm chánh chủ khảo.


Quang Trung lập Sùng chính thư viện, mời La sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, trụ sở đặt ở đỉnh núi Bùi Phong thuộc dãy Thiên Nhẫn, ngay nơi có nhà ở của La sơn phu tứ Nguyễn Thiếp (nay thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Dưới sự điều khiển của La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, có sự cộng tác tích cực của các nhà khoa bảng như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch... Đến đầu năm Quang Trung thứ 5 (1792) Sùng chính thư viện đã dịch ra chữ nôm bộ tứ thư và tiểu học. Nhà vua xuống chiếu dịch thêm các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch. Nhờ sự quan tâm của vua Quang Trung, văn chương chữ nôm thời Tây Sơn được thịnh vượng. Nhiều tác phẩm có giá trị ra đời như truyện Hoa Tiên, Mai Đình mộng ký, Chinh Phụ Ngâm diễn nôm, thơ Hồ Xuân Hương...


Năm 1790, triều đình nhà Thanh tổ chức mừng thọ vua Càn Long bát tuần đại khách và yêu cầu vua Quang Trung sang tận Bắc Kinh để chúc thọ Càn Long. Nhưng vua Quang Trung không đi sai Phạm Công Trị đóng giả Quang Trung dẫn đầu đoàn sứ giả khởi hành tại Phượng Hoàng Trung Đô ngày 29/3 năm Canh Tuất (12/5/1790) sang tận Bắc Kinh chúc tụng vua Càn Long. Đây là một sự kiện ngoại giao độc đáo, có một không hai.


Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" chép rằng: Năm 1790 vua Quang Trung đã gửi thư cho tổng đốc Lưỡng Quảng xin phân rõ biên giới cũ đã ổn định rồi , nhưng bị trả lại thư. Vua Quang Trung bất bình, khuyến khích quân sĩ làm tàu thuyền, âm thầm có chí dòm ngó đất Quảng Đông, Quảng Tây. Ngài thường nói với các tướng lĩnh rằng: “Rộng cho ta vài trăm bồi dưỡng uy lực, nhuệ khí, ta nào sợ chúng”.


Vua Quang Trung đã giao cho Nguyễn Duy Có, người xã Tiền Thành, huyện Đông Thành ( nay là xã Bắc Thành, huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An làm trung uý trung lệnh hầu Thượng tướng quân thống lĩnh quân đội hai xứ Thanh Hoá, Nghệ An chuẩn bị thu hồi đất Lưỡng Quảng.


Tháng 5 năm 1791, tại Phượng Hoàng Trung Đô, Quang Trung có sắc mệnh gửi Vũ Văn Dũng đang ở Bình Định làm chánh sứ sang Bắc Kinh để đề đạt với vua Càn Long hai yêu cầu là xin cầu hôn công chúa nhà Thanh và đòi đất Lưỡng Quảng để đóng đô.


Trước uy thế lớn mạnh của nước ta dưới thời vua Quang Trung, vua Càn Long đã nhượng bộ hai yêu cầu nói trên, nhưng rất tiếc ở thời điểm huy hoàng của “ước mơ vượt xa biên giới”thời điểm mà chánh sứ Vũ Văn Dũng đang ở Bắc Kinh, chờ để tiếp nhận kết quả, thì ở Phú Xuân, vua Quang Trung lâm bạo bệnh rồi qua đời.

Trước khi mất, vua Quang Trung vẫn nhớ đến đất tổ Nghệ An và Phượng Hoàng Trung Đô nên đã trăng trối với Trần Quang Diệu và các tín thần như đã viết ở trên.


Vua Qung Trung từ trần được hơn nữa năm, vua Càn Long mới nhận được tin báo là vua Quang Trung đã mất ở Phượng Hoàng Trung Đô vào tháng 9 năm Nhâm Tý, sự thật mất ở Phú Xuân ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý)


Khi được tin vua Quang Trung mất, vua Càn Long nói với các đại thần rằng: Trẫm vô cùng thương tiếc Quốc Vương, mất từ tháng 9 năm ngoái, giờ mới được báo tin là quá chậm. Chắc bây giờ đã tống tang rồi, không kịp làm lễ Vĩnh tôn nữa. Trẫm làm một bài thơ riêng cho Án sát Quảng Tây đem qua Nghệ An để đốt trước mộ, lại ban cho Quốc Vương các cấp đạt (Vật làm bằng lụa quý, người Tây Tạng dùng để thờ phật), chuẩn trích ở kho Quảng Tây 3.000 lạng bạc để lo tang lễ. Tất cả giao cho Thanh Lâm mang sang điếu phúng.


Với tình cảm mặn nồng, sâu nặng là quê hương đất tổ Quang Trung , nên bất cứ tình thế nào, hoàn cảnh nào, người Nghệ An cũng dốc lòng ủng hộ Nguyễn Huệ - Quang Trung một cách tích cực và có hiệu quả.


Cái chết của vua Quang Trung đã làm cho cả trời đất xúc động sâu sắc. Cùng với nỗi đau cắt ruột của nhân dân cả nước, đối với nhân dân Nghệ An, nỗi đau đó càng nhân lên gấp bội.


Trên đất Nghệ An từ thời đại vua Qung Trung đến tận ngày nay, nhân dân ta vẫn còn lưu giữ được nhiều tư liệu lịch sử, văn hoá quý báu phản ánh sinh động và chính xác tình cảm sâu nặng của Nguyễn Huệ - Quang Trung đối với đất tổ Nghệ An và nhân dân Nghệ An đối với Nguyễn Huệ - Quang Trung.


Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân thành phố Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung và khách trong nước, ngoài nước khi đến với thành phố Vinh, đến với Nghệ An có nơi trang trọng để thành kính thắp nén hương thơm bày tỏ lòng tri âm với vị anh hùng “Áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình”, Nguyễn Huệ - Quang Trung, được sự đồng ý của Bộ VHTT, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Nghệ An ngày 15/8/2005, UBND thành phố làm lễ khởi công xây dựng đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết theo quyết định số 2721/QĐ-UB ngày 23/7/2004 của UBND Tỉnh Nghệ An.

Đền toạ lạc trên đỉnh thứ hai, thuộc chi phượng dực (cánh Phượng Hoàng), ở độ cao 97m so với mặt biển.


Đền là một quần thể kiến trúc văn hoá tâm linh gồm có toà thượng điện, trung điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, hai nhà bia, cổng tam quan trông rất uy nghi và cổ kính. Kiểu dáng và hoa văn trong đền cơ bản mô phỏng theo kiến trúc văn hoá tâm linh của thời kỳ hiện tại.

Tại thượng điện có đặt tượng Quang Trung và tượng phụ mẫu vua Quang Trung. Trung điện đặt các vị công thần góp phần quan trọng tạo dựng triều đại Tây Sơn, nhưng có quan hệ mật thiết với mảnh đất Nghệ An như La sơn phu tử Sùng chính Viện trưởng Nguyễn Thiếp,thống suốt đại nguyên soái, Thái phó Trần Quang Diệu, Binh bộ Thượng Thư, Trình phái hầu Ngô Thời Nhậm, Thuỷ sư đô đốc Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Trung liệt nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Bắc hành sứ bộ đoàn thủ linh Phạm Công Trị...


Các bài vị, đại tự, câu đối trưng bày trong đền đều được viết bằng chữ Hán, bia ghi công trạng vua Quang Trung, bia ghi lời chủ tịch Hồ Chí Minh, bia dẫn trích viết bằng chữ quốc ngữ.


Ngày 7/5/2008, nhân kỷ niệm 54 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ công trình đó được khánh thành mở cửa đón khách tham quan và tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân để nâng cao chất lượng mỹ thuật, nội dung công trình.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...