Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông Hà Nội để khắc phục ùn tắc xe cộ trong tình hình mới
Đến nay, HN Mới có 3974 km đường, trong đó nội thành có 634 km (chiếm gần 7% diện tích đất), TP Sơn Tây có 50,7 km (chiếm khoảng 5% các đô thị), còn riêng Quận Hà Đông có 37,1 km (chiếm gần 9%). Diện tích dất dành cho bãi đỗ xe (gọi là giao thông tĩnh) chỉ khoảng 1% ở nội thành trong khi yêu cầu của quy hoạch giao thông (QHGT) là 6%.
QHGT đề xuất tới năm 2020, tổng số đường ở nội thành HN mở rộng phấn đấu tăng lên 1143 km. Theo đó, cần ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng giao thông (HTGT) tạo khung chủ đạo cho các tuyến có vận tải khối lượng lớn, tuyến xe buýt nhanh, tuyến đường sắt đô thị… để khắc phục cơ bản UTXC ở HN.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, trước mắt cần tập trung vào việc hoàn thành một số đoạn tuyến quan trọng cho tới năm 2010 ở: Quốc lộ hướng tâm, đường vành đai để khắc phục UTXC cục bộ. Đó là: cầu Vĩnh Tuy và đoạn đường dẫn 2 đầu cầu, đoạn đường dẫn cầu Thanh Trì, đoạn quốc lộ 5 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân, vành đai 3 ở đoạn Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân, QL 1 cũ (đoạn cầu Chui - cầu Đuống), QL 3 đoạn thuộc địa phận HN, QL 32 (đoạn Nam Thăng Long - cầu Diễn - Nhổn - Sơn Tây), cầu Phùng, QL 2 (đoạn Phủ Lỗ - Vĩnh Phúc), đường Láng - Hoà Lạc từng bước mở rộng và nâng cấp. Việc triển khai công trình GT trên diện rộng cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư tập trung cho đạt hiệu quả khai thác.
Theo kế hoạch đến năm 2010, một số đường và nút GT nội thành cũng sẽ được đẩy mạnh xây dựng và hoàn thành như: đường Cát Linh - La Thành, đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông, đường Phúc La - Văn Phú, đường ven sông Tô Lịch (phía bờ phải), đường Văn Cao - Hồ Tây, đường Lạc Long Quân, nút giao lớn Kim Liên, nút giao thông cầu Trắng (Hà Đông), nút giao thông ngã ba Viện 105 (Sơn Tây). Ít ra các công trình này cũng phần nào khắc phục UTXC ở một số nơi.
Vấn đề UTXC còn là nan giải. Hiện quy hoạch chung Thủ đô còn đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu và hoàn thiện. Về mặt HTGT, chúng tôi cho rằng HN đã có những nỗ lực cố gắng nhất định để đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông theo kế hoạch đề ra. Nhưng những vấn đề cấp bách nổi lên và việc cải tạo, sửa chữa đường cũ, nâng cấp cầu yếu, lắp đặt thêm các đèn tín hiệu giao thông… thực tế làm còn chưa kịp. Những tồn tại này góp phần làm cho UTXC tăng lên ở chỗ nọ chỗ kia. Nguyên nhân chính là vốn đầu tư cho HTGT còn thấp không đáp ứng nhu cầu đề ra.
Qua thử thách thời tiết khắc nghiệt, xấu, mưa nhiều, lụt lội lớn ở HN năm 2008 cho nên trên khá nhiều tuyến, đoạn đường xuống cấp nhanh trông thấy mà việc sửa chữa bảo trì đường xá làm không xuể và không kịp. (Theo báo cáo sau cơn mưa lớn cuối 10 - 2008 có khoảng 1 vạn hộ phải di dời tránh trú đồng thời 1 vạn m2 vỉa hè bị hư hỏng, 10 vạn m2 đường sá bị bong tróc…).
Hiện nay trên địa bàn Thủ đô mở rộng đã có tới trên 25 vạn ô tô các loại, gần 3 triệu xe máy với khoảng 1 triệu xe đạp… lưu thông, chưa kể các xe cộ ngoại tỉnh khác ra vào HN thường xuyên. Tốc độ tăng số xe cá nhân là trên 12%/ năm mà tốc độ xây dựng mới diện tích đường sá và GT tĩnh tăng không tương xứng đáp ứng. Thực tế GT công cộng hỗ trợ cho GT chung vẫn đang ở mức khiêm tốn so với tốc độ tăng xe cá nhân. HN vẫn hạn chế chỉ có 11 bến xe liên tỉnh: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Đan Phượng, Chúc Sơn, Hoài Đức, Thường Tín với số lượng xe chạy còn giới hạn.
Việc dự kiến sẽ khởi công thi công tuyến đường sắt nội đô Cát Linh - Hà Đông năm 2009 sẽ góp phần khắc phục UTXC ở trục đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng -Tây Sơn. Nhưng theo chúng tôi, vẫn chưa đáp ứng khắc phục UTXC cho nhiều tuyến đường nội đô khác. Việc xây dựng GT thường vẫn bị chậm trễ do giải toả trì trệ.
Nhằm thực hiện nhanh các dự án giao thông trên địa bàn, UBND TP HN đã mạnh dạn phê duyệt một số chính sách đặc thù về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án GT nói trên (Quyết định số 2607/QĐ – UBND). Đây là một bước tiến bộ tháo gỡ trong đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng HTGT ở HN để khắc phục nhanh ùn tắc xe cộ đã được áp dụng ở đường vành đai 3 quận Thanh Xuân.
Bên cạnh đó, một số giải pháp quan trọng khác cũng đang được thực hiện như: có kế hoạch từng bước di dời nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường dạy nghề, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra ngoài khu trung tâm để tăng quỹ đất xây dựng GT cho nội thành, giảm mật độ dân cư và ùn tắc xe cộ.
Ngoài ra, có đề xuất phương án viễn cảnh như: Quy hoạch đô thị ven sông Hồng, di dời gần 4 vạn hộ dân đang sống ngoài đê trong vòng dự kiến 13 năm để tạo ra một đô thị vệ tinh, gần, lớn làm đối trọng với hạt nhân nội thành HN cũ nhằm dãn dân HN, khắc phục ùn tắc xe cộ là phương án có thể là xa vời không mấy khả thi khi vốn đầu tư lên tới trên 7 tỷ USD ở tương lai gần.
Chúng tôi cho rằng trước mắt cần tập trung đầu tư đích đáng cho HTGT như đã nêu trên sẽ là bước đi đúng đắn, có thể phù hợp với tình hình thiếu vốn đầu tư hiện nay.
Được biết, cuối tháng 2 - 2009, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam. Đây là sự nhạy bén của Chính phủ Nhật, một đối tác chiến lược của nước ta trước tình hình mới khi có khủng hoàng kinh tế toàn cầu. Từ đó, chúng ta cần có tư duy mới phù hợp hơn về đầu tư xây dựng HTGT cho HN.
Khắc phục UTXC là vấn đề lớn, thường xuyên bao trùm của Thủ đô HN mà bài toán GT đang đặt ra cấp bách. Theo chúng tôi, việc đầu tư cho HTGT cần được nhận thức nâng tầm lên và cần phải được đưa vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia để tập trung đầu tư mạnh hơn nữa nhất là dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Lon g- Hà Nội sắp đến gần.