Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 25/03/2006 00:17 (GMT+7)

Dấu vết lịch sử triều Tiền Lê trên đất Hải Phòng

Trong bài viết này, chúng tôi cố sưu tầm những dấu vết lịch sử triều Tiền Lê trên đất Hải Phòng ngày nay vốn là vùng ven biển Xứ Đông xưa, nơi diễn ra những trận quyết chiến của tổ tiên ta chống giặc Tống xâm lăng năm Tân Tỵ (981) mong góp phần làm rõ vấn đề.

Huyện Thuỷ Nguyên

1. Chùa Linh Sơnở thôn Mỹ Cụ xã Chính Mỹ là một ngôi chùa cổ không rõ dựng từ bao giờ. Theo truyền ngôn, mẹ Lê Hoàn đã đến cầu tự tại chùa này sinh ra ông. Thuyết này có phần phù hợp với chính sử ghi nhiều về mẹ nhà vua như nằm mơ thấy hoa sen nở trong bụng kết hạt đem chia cho mọi người, còn mình không ăn… Còn cha chỉ ghi sơ sài, nguyên văn chỉ có hai chữ “ phụ mịch”, mịch gồm chữ bất ở trên và chữ kiến ở dưới. Do đó cũng có thuyết nói, sử vốn chép “phụ bất kiến” nghĩa là không thấy ghi về cha, hay không rõ cha là ai, nhưng do thợ khắc ván khắc in liền hai chữ “ bất” và “ kiến” thành ra chữ “ Mịch”…

Ghi lại truyền thuyết này , chúng tôi quan tâm đến việc từ nhỏ Lê Hoàn đã qua lại vùng Mỹ Cụ, Hàn Cầu… ở ven tả ngạn sông Bạch Đằng. Là con cầu tự ở chùa Linh Sơn thì hàng năm theo tục lệ đều phải đến lễ tạ, chí ít đến năm 13 tuổi. Khi giữ chức Thập đạo tướng quân triều Đinh, hiển nhiên Lê Hoàn phải thị sát lo việc bố phòng ở vùng cửa biển quan yếu bậc nhất này. Do đó, ông am tường địa hình nơi đây.

2. Đình Thuỷ Tú(Ngọc Phương cũ) thờ Phạm Quang.

3. Miếu Lương Kệvà miếu Chiếm Phương(nay thuộc xã Hoà Bình) thờ Phạm Nghiêm.

4. Đền Thường Sơnở thị trấn Núi Đèo, thờ Phạm Huấn.

5. Miếu Thuỷ Đườngthờ Cúc Nương.

Theo thần tích các đền miếu trên thì 4 anh em Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn, Phạm Cúc Nương là con ông bà Phạm Hoàng và Phạm Thị Bích, người trang Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Đường (nay là huyện Thuỷ Nguyên). Cuối đời nhà Đinh, đầu đời nhà Tiền Lê, có giặc ngoại xâm sang đánh nước ta theo đường sông Bạch Đằng. Vua Lê Đại Hành hành quân đến Thuỷ Đường đóng quân trên một gò cao, nhân dân ra chào đón, anh em nhà họ Phạm là người tài giỏi được bô lão tiến cử, vua thu dụng cử làm tướng theo giúp việc quân. Khi dẹp yên giặc ngoại xâm, cả bốn người đều được ban thưởng. Sau khi qua đời được nhân dân thờ phụng.

6. Đình Trinh Hưởngthờ 3 anh em Đào Tế, Đào Đại, Đào Độ người trang Trinh Hưởng huyện Thuỷ Đường. Khi quân Tống sang đánh nước ta, 3 anh em tình nguyện đầu quân, được vua Lê Đại Hành phong làm tướng quân sai cần quân chống giặc. Ba ông chỉ huy quân đánh một trận lớn ở Bàng Châu quân ta đại thắng. Giặc tan, đất nước yên bình, 3 ông đều được ban thưởng. Sau khi qua đời được nhân dân thờ làm thành hoàng.

7. Đình Phương Mỹ(xã Mỹ Đồng) thờ Phạm Quảng, ông xuất thân trong gia đình nghèo ở trang Hoa Chương huyện Thuỷ Đường (sau đổi là xã Phương Mỹ) huyện Thuỷ Nguyên. Vốn là người có chí lớn, ham học. Khi Lê Đại Hành chỉ huy chống giặc Tống ở sông Bạch Đằng, Phạm Quảng được vua sai chỉ huy một cánh quân dự trận. Sau chiến thắng Bạch Đằng, ông xin về quê, khuyến khích dân làng mở mang đồng ruộng, chăm chỉ nghề nông. Ít lâu sau, ông mất ở quê nhà, dân cảm công ơn thờ làm thành hoàng.

8. Đình Trại Kênhtên cũ là Sài Kênh (xã Kênh Giang) thờ ba anh em Lý Phả, Lý Hoằng, Lý Quảng con ông Lý Lã và bà Đặng Thị Quỳnh, người Hoa Lư, Ninh Bình, cả ba đều làm quan dưới triều Đinh Tiên Hoàng vì có công tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Cuối đời Đinh, nội bộ triều đình mâu thuẫn, ba anh em về ẩn cư ở trang Sài Kênh, huyện Thuỷ Đường. Nhưng khi Lê Hoàn muốn giành ngôi vua. Nguyễn Bặc vời ba anh em về Hoa Lư giúp chống Lê Hoàn và đều bị tử trận cùng Nguyễn Bặc. Dân Sài Kênh ngưỡng mộ lòng trung nghĩa của ba vị nên thờ làm thành hoàng.

Phạm Tề con ông Phạm Hưng và bà Trần Thị Chính, người trang Sài Kênh do có biệt tài hô gió gọi mưa, đã vâng chiếu chỉ của vua Lê Đại Hành lo việc đắp đê chống lụt chống hạn giúp dân yên vui cày cấy nên được vua ban chức tước. Sau khi qua đời phong phúc thần trang Sài Kênh.

Bản thần tích Phạm Tề rất ca ngợi công lao đức độ của vua Lê Đại Hành với nước với dân.

Huyện Vĩnh Bảo

9. Đình, miếu Lô Đông(xã Thắng Thuỷ) thờ ba vị thành hoàng: Bảo Sơn Phạm Đại Vương, Cảm Ứng Thượng sĩ Trần Đại Vương, Hoằng Hoá Chính Trực Nguyễn Đại Vương. Theo thần tích, ba vị là tướng đời Tiền Lê, có giặc xâm lăng, vua sai ba vị đem quân chống giặc đều hy sinh ở trang Lô Đông (trang này ở hữu ngạn sông Luộc). Sau hiển ứng nên dân thờ làm thành hoàng.

10. Đền Ngãi Am(xã Trấn Dương) thờ thần Thổ Lệnh. Theo thần tích, khi vua Lê Đại Hành đem quân đi đánh Hầu Nhân Bảo nhà Tống bên Tàu, đã vào đền nghỉ, và cầu đảo, được thần báo mộng theo quân đi giúp việc quân. Giặc tan, vua phong là “Tích phúc duyên hy công chính chi thần”.

Huyện Tiên Lãng

11. Đình Đông Ninh(xã Tiên Minh) thờ 4 vị thành hoàng: Huy Thâu Trinh Thục công chúa, Ả Láng Phương Viên công chúa, Đoan Dung Thục Diệu công chúa và Lý Xoa Kỳ bản lộ đại tướng đều là người Đông Ninh. Cả 4 vị có công giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm được vua ban thưởng. Sau khi mất được thờ làm thành hoàng.

12. Đình Chàng Xuyên(cũng đọc Trình Xuyên , Trình Xuyên nay thuộc xã Tiên Minh) cũng thờ 4 vị trên. Hai làng trước Cách mạng tháng Tám 1945 có lệ giao hiếu.

13. Đình Đốc Hànhxã Toàn Thắng, cũng thời Lý Xoa Kỳ bản lộ.

14. Đình Đốc Hậu(xã Toàn Thắng) thờ 5 anh em Đặng Công Xuân, Đặng Công Trung, Đặng Công Thọ, Đặng Công Tuấn, Đặng Công Nghiêm, quê ở Đốc Hậu có công giúp Lê Đại Hành đánh Tống bình Chiêm nên được thờ.

15. Đình Phương Laitên cũ là Đăng Lai (xã Quyết Tiến) thờ Chu Đô có công giúp Lê Đại Hành đánh Tống Bình Chiêm được phong làm thành hoàng trang Đăng Lai.

16. Đình, miếu Đống Táo(xã Tự Cường) thờ Châu Bạc đại vương và Phúc Mẫu tôn thần. Cả hai đều là nhân vật đời Hùng. Hai vị có công âm phù Lê Đại Hành đánh quân Tống.

Huyện Kiến Thuỵ

17. Đình Đại Trà.

18. Đình Phong Cầu.

19. Đình Lạng Côn.

20. Đình Đức Phong.

Đền thờ Chu Xích, thường viết Chu Xích Công, người Vấn Dương, Trung Quốc, con ông Chu Lợi và bà Minh Thị Thiện. Khi còn ít tuổi do gia cảnh Chu Xích và người anh nuôi tên là Phú phiêu bạt đến trang Đại Trà huyện Nghi Dương (Kiến Thụy nay) dạy học bốc thuốc được dân các xã trên kính dưới mến. Do có văn tài và uy vọng nên khi vua Lê Đại Hành đi đánh Chiêm Thành ông cùng một số học trò người các xã trên theo vua giúp việc quân, có công lớn nên được phong quan tước cao và ban thưởng rất hậu.

Những dấu vết lịch sử triều Tiền Lê trên đất Hải Phòng nêu trên có những điểm đáng chú ý:

Hầu hết các đình chùa miếu mạo này đều nằm ở vùng ven sông Bạch Đằng, sông Luộc là nơi diễn ra giao chiến lớn giữa quân dân Đại Cồ Việt với quân Tống; số còn lại ở các vùng cửa sông Văn Úc, sông Thái Bình có đường thuỷ thuận lợi cho việc hành quân tiến sâu vào đất liền để chia cắt lực lượng, bao vây cô lập kinh đô Hoa Lư. Điều tra khảo sát điền dã của các nhà nghiên cứu Lê Đình Sỹ, Tăng Bá Hoành… ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên cũng phản ánh những thông tin tương tự và nhất là gầy đây phát hiện cụm di tích An Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương là đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong chiến dịch Bạch Đằng. Ở gần cụm di tích này còn có địa danh Bàng Châu phủ Nam Sách là một chiến địa tuy chính sử không ghi nhưng thần tích một số nơi, trong đó có thần tích Trinh Hưởng, Thuỷ Nguyên nhắc đến. Đây là những chứng tích quan trọng góp phần chứng minh con đường hành quân của Hầu Nhân Bảo không qua đường Lạng Sơn, Chi Lăng; vì tên Lạng Sơn ngày ấy chưa có, nó thuộc Lạng Giang; còn địa điểm Chi Lăng Giang mà chính sử nhắc đến hiểu là sông Chi Lăng cũng không ổn vì thực tế không có sông ấy hoặc cho sông Chi Lăng là sông Nguyệt Đức tức sông Thương cũng chưa đúng vì không sách nào ghi việc thay đổi tên sông Thương như thế. Phải chăng Chi Lăng Giang là một đơn vị hành chính đời Đinh - Lê (tương đương cấp huyện sau này) như Nam Triệu Giang, Nam Sách Giang, Ngũ Huyện Giang… Có thể địa bàn Giang Chi Lăng đời Đinh - Lê gồm vùng đất nam Lạng Sơn, bắc Bắc Giang ngày nay.

Do đó có thể suy hai cánh quân thuỷ bộ của nhà Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và trực tiếp chỉ huy cánh quân bộ còn quân thuỷ do Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng chỉ huy cùng theo đường Đông Bắc tiến quân, tức là con đường Mã Viện đã tiến quân đánh Trưng Vương. Khi quân bộ đã vượt Lạng Sơn (Quảng Ninh) không gặp chống cự cứ tiến thẳng đến Bạch Đằng hội sư với cánh quân thuỷ. Nhân trận đầu thắng quân ta, cướp được 200 chiến thuyền, Hầu Nhân Bảo đã sử dụng số thuyền chiến lợi phẩm này và chia quân tiến vào sông Lục Đầu lên sông Thương chiếm cứ vùng Chi Lăng Giang. Còn cánh quân thuỷ do Lưu Trừng, Tôn Toàn Hưng chỉ huy, sau trận thắng Bạch Đằng, sợ Hầu Nhân Bảo lập công lớn nên trùng trình ở vùng Hoa Bộ có thể là vùng Hoa Chương tức địa bàn xã Mỹ Đồng Thiên Hương nay. Vua Lê Đại Hành lợi dụng Hầu Nhân Bảo chủ quan kiêu ngạo tách rời cánh quân thuỷ, còn quân bản bộ lại phân tán, nên đã phản công tiêu diệt Hầu Nhân Bảo ở thượng lưu sông Bạch Đằng, giết hắn và quẳng xác hắn xuống sông như sử sách đã ghi. Đội quân Hầu Nhân Bảo phải đi đánh chiếm Giang Chi Lăng và Đồ Lỗ cũng bị quân ta đánh bại. Suy luận này phù hợp với sách Độc sử phương dư kỷ yếucủa Cố Viêm Võ, một sử gia đời Minh. Thiên An Nam bị lục sách này ghi: Cửa sông Bạch Đằng ở phía Bắc phủ Giao Châu. Trước kia từ đấy tiến đến Hoa Bộ đến Phong Châu. Đời Ngũ Đại nhà Tấn, Hoàng Thao đem chiến hạm vào sông Bạch Đằng mà tiến quân. Quân Giao Châu đón đánh ở cửa biển, Hoàng Thao thua chết. Thời Tống năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 6, sai lũ Tri Ung Châu và Hầu Nhân Bảo đánh Lê Hoàn, chia quân đi từ Ung Châu, Liêm Châu hai đạo cùng tiến, rồi thì quân hành doanh đánh bại giặc ở cửa sông Bạch Đằng. Nhân Bảo đem quân vào trước bị quân Giao Châu đánh thua…

Như vậy, trong sự nghiệp chống quân Tống xâm lăng đời Tiền Lê, tại sông Bạch Đằng, quân dân Đại Cồ Việt do vua Lê Đại Hành trực tiếp chỉ huy đánh tan cánh quân chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo chỉ huy làm tan rã tinh thần của các cánh quân khác do bọn Lưu Trừng, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ chỉ huy, phải gấp rút tháo chạy khỏi nước ta. Vua Tống phải nhận cầu hoà, hai nước thông hiếu.

Ca dao cổ vùng Thuỷ Nguyên có câu:

Sâu nhất là sông Bạch Đằng

Ba lần giặc đến ba lần giặc tan.

Nguồn: Xưa và Nay, số 91, tháng 5/2001, tr 19 - 21

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.