Đất Long Hưng quê hương Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Theo kết quả nghiên cứu mới của các nhà sử học có uy tín, thì phủ Long Hưng thời Trần, Thái Bình là quê hương của nhà Trần, cũng tức là quê hương của Trần Nhân Tông. Đức vua mở đầu Vương triều Trần là Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) ở ngôi báu từ năm 1225 đến năm 1258, đã sinh ra trên đất phủ Long Hưng. Ngược thời gian về trước, tính từ cụ tổ Trần Hấp, ông nội Trần Lý, cha đẻ Trần Thừa, chú Trần Thủ Độ của Đức vua Trần Thái Tông đều sinh ra và được phong thổ phủ Long Hưng nuôi dưỡng.
Ngày nay, tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình còn có lăng mộ các vị vua đầu triều Trần, gồm: Thọ Lăngsau đổi là Huy Lăngcủa Trần Thừa - người được triều Trần truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ vào năm 1248; Chiêu Lăngcủa vua Trần Thái Tông; Dụ Lăngcủa vua Trần Thánh Tông; Đức Lăngcủa vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến tại làng Phương La, xã Thái Phương có Đền thờ và Lăng mộ của Đức Hoằng Nghị Đại vương (em trai của Nguyên Tổ Trần Lý) – thân phụ của Trần Thủ Độ; tại làng Phù Ngự, xã Liên Hiệp có lăng mộ Đức Thái sư Trần Thủ Độ - người có công sáng lập Vương triều Trần…
Đất Long Hưng không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn lăng mộ các vua đầu triều Trần, mà quan trọng hơn, đây là nơi các vua Trần thường tổ chức Lễ Hiếu phù- tức lễ dâng các viên tướng của giặc bị bắt để báo công thắng trận lên Tiên Tổ nhà Trần: Sử cũ cho biết: “ Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), đem các tướng của giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc và Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Điền Nguyên soái và các vạn hộ, thiên hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng” (Toàn thư, H. 1971, tập 2, tr 68). Hoặc như, năm 1312, vua Trần Anh Tông sau khi bình xong Chiêm Thành, bắt vua của họ là Chế Chí, thì đã đưa: “ Xa giá trở về, dâng lễ thắng trận ở các lăng phủ Long Hưng” (Toàn thư, tập 2, tr 111).
Không phải ngẫu nhiên, trí tuệ dân gian còn tự hào ghi nhận:
Dẫu không con mẹ, con cha
Cũng sinh ở đất Hưng Hà - Thần Khê.
Thần Khê, Hưng Hà (tức Hưng Nhân và Duyên Hà) đều là tên huyện, thuộc phủ Long Hưng được đặt ra từ đời Trần, và là quê hương phát tích của nhà Trần, Vương triều Trần. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu để sản sinh ra câu ca dao vừa nói trên.
Có thể nói đất Long Hưng vào cuối thời Lý (1010 - 1225), là mảnh đất lập nghiệp của dòng họ Trần. Dòng họ Trần vào những năm đầu thế kỷ 13 đã trở thành một dòng tộc nổi tiếng, vừa có tiềm lực về kinh tế vừa có thực lực về quân sự. Chính vì thế, trong thời gian phải dời khỏi Kinh đô Thăng Long chạy loạn vào cuối đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), Hoàng Thái tử Lý Sảm (tức vua Lý Huệ Tông sau này) đã về nương nhờ tại trang ấp của cụ Trần Lý ở thôn Lưu Gia, nay là xã Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình: Hoàng Thái tử Lý Sảm đã “ thấy con gái của Trần Lý có sắc đẹp, bèn lấy làm vợ” (Toàn thư, tập 1, tr 302). Người con gái ấy, sau này trở thành Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông. Sử cũ còn cho biết, cũng từ mảnh đất Long Hưng - Hưng Hà này: “ Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước Vua (tức Lý Cao Tông) về Kinh sư [Thăng Long], khôi phục chính đạo”.
Từ Long Hưng, các vị tướng tài ba của dòng họ Trần như: Tô Trung Từ, Trần Tự Khánh; Trần Thừa (tức Thượng hoàng nhà Trần) và Trần Thủ Độ đã từng bước, từng bước tiến về Kinh đô Thăng Long. Đúng 15 năm sau, kể từ ngày Hoàng Thái tử Lý Sảm về tránh loạn tại phủ Long Hưng, vị tướng kiệt xuất nhất của dòng họ Trần là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, bằng tài ba, mưu trí và sự quyết đoán đã đưa người cháu mình - Trần Cảnh - bước lên ngai vàng. Từ đây, cuối năm 1225, nhà Trần đã thay thế nhà Lý làm chủ Kinh đô Thăng Long, mở ra một triều đại mới: Vương triều Trần.
Là con cháu dòng họ Trần, trên đất phủ Long Hưng xưa, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng: Khi nói quê hương nhà Trần là tỉnh Thái Bình, không bao giờ chúng tôi quên được vị trí quan trọng của các vùng đất khác như: Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh… đối với việc dựng nghiệp của Vương triều Trần. Theo hiểu biết của chúng tôi, không phải ngẫu nhiên trên đất nước ta, bốn tỉnh phía Bắc gồm: Thái Bình, Nam định, Hải Dương và Quảng Ninh là những nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa liên quan tới nhà Trần và Vương triều Trần nhất.
Thái Bình, quê hương, đất phát tích của nhà Trần, như trên đã nói có lăng mộ các vua đầu triều Trần, khu Thái miếu nhà Trần, Đền thờ và lăng mộ Đức Hoằng Nghị Đại vương, Đền thờ và lăng mộ Đức Thái sư Trần Thủ Độ, Đền thờ và mộ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung…
Nam Định, với khu Tức Mặc - Thiên Trường - Kinh đô thứ hai của triều Trần - có đền thờ 14 vị vua Trần, có chùa Phổ Minh, nơi lưu giữ một phần xá lỵ của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông…
Hải Dương với khu Di tích Lịch sử Vạn Kiếp - Kiếp Bạc - Côn Sơn nổi tiếng, có Đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, có Đền thờ Tư đồ Trần Nguyên Đán…
Quảng Ninh, vùng đất có khu Thang mộc ấp của An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Quốc Tuấn, có lăng mộ của các vua giữa và cuối triều Trần. Đặc biệt có khu Thiền viện Quỳnh Lâm và khu Đất Phật - Yên Tử, gắn với hành trạng, sự nghiệp 3 vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang…
Thay mặt cho Hội họ Trần Việt Nam tỉnh Thái Bình, chúng tôi trân trọng kiến nghị lên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, cùng các vị Lãnh đạo bốn tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và Quảng Ninh cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ, tôn tạo và xây dựngQuần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa liên quan đến nhà Trầnvừa kể trên. Đặc biệt là các Di tích lịch sử - Văn hóa của dòng họ Trần, Vương triều Trần trên đất quê hương Thái Bình như: khu Thái miếu ở xã Tiến Đức, khu Đền và Lăng mộ Đức Hoằng Nghị Đại vương ở xã Thái Phương, khu Đền và Lăng mộ Đức Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp, đều thuộc huyện Hưng Hà, và nhiều di tích nhà Trần khác trên địa bàn tỉnh.
Theo thiển nghĩ của chúng tôi, việc làm trên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, nó thể hiện sự biết ơn của hậu thế chúng ta đối với công lao to lớn của Vương triều Trần, nhưng thiết thực hơn, nó góp phần giáo dục thế hệ trẻ, bồi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu ước. Đó là những điều rất cầnt hiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày nay. Chúng ta đều hiểu sâu sắc rằng: Việc xây dựng Đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh trong vòng từ 10 - 15 năm nữa, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Muốn làm được công việc lớn lao ấy, điều đặc biệt cần có nhất ở họ, chính là: Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.
Chúng tôi trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đông đảo các nhà khoa học cần có biện pháp và kế hoạch cụ thể để trong tương lai gần đây sẽ trình lên “ Tổ chức - Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)xin công nhận Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là “Danh nhân văn hóa Thế giới””.