Đất khuyến lương và miếu thờ Nguyễn Thị Lộ
Xe của Hồ Chủ tịch đỗ ở đường chân đê, gần miếu bà Nguyễn Thị Lộ. Vừa bước xuống xe, Chủ tịch đã chỉ về phía miếu căn dặn ông Thanh, Phó chủ tịch xã ra đón: “Các cháu cần làm vệ sinh. Nơi thờ tự để như thế sao?”. Ông Lương Văn Công, Trưởng thôn Khuyến Lương đang ở tuổi 63 cho biết bác mình là cụ Lương Văn Hoằng trên 100 tuổi kể: Sáng hôm ấy Hồ Chủ tịch vào trụ sở thôn rồi vào nhà cụ Hoằng hỏi thăm sức khoẻ, chúc tết. Trong câu chuyện, Hồ Chủ tịch có nhắc: “Thôn Khuyến Lương có nhiều thành tích, thật xứng với Nguyễn Trãi, cùng với việc xã viên thực hiện “sạch làng tốt ruộng” phải chăm lo nơi thờ anh hùng dân tộc”.
Sự kiện đó lại tiếp liền với một sự kiện quan trọng khác: Ngay sau khi Hồ Chủ tịch đến Khuyến Lương năm 1961 thì đến năm 1962, nước ta chuẩn bị kỷ niệm 520 năm tròn ngày mất của Nguyễn Trãi.
Ngày 19 tháng 9 năm 1962 (tức ngày 16 tháng 8 âm lịch) lần đầu tiên Chính phủ ta chính thức làm lễ kỷ niệm Nguyễn Trãi tại Hà Nội. Năm 1964 Hồ Chủ tịch lại về thăm Khuyến Lương lần thứ 2 thì tháng 2 năm 1965 Chủ tịch ghé thăm Côn Sơn, lên nghỉ ở suối Thạch Bàn, nơi để lại nhiều dấu tích của Nguyễn Trãi.
Khuyến Lương có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người, trong đó có các nhà lãnh đạo (không những Hồ Chủ tịch mà cả Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, kể cả nhà lãnh đạo nước ngoài như Xu Pha Nu Vông, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào cũng về đây). Bởi đây là đất tiêu biểu cho sự xuất hiện những cánh chim đầu đàn trong phong trào xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa của ngành nông nghiệp Thủ đô… Nhưng cũng bởi lý do quan trọng hơn: Khuyến Lương là vùng đất cổ (với cái tên “Kẻ Mui” lâu đời), có bề dày lịch sử văn hoá: đây là một bộ phận trong thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân. Nơi đây có chùa Diên Phúc với những di vật hiếm quý từ Lê đến Nguyễn, có đình xây từ đời Lê Thánh Tông, thờ những vị thành hoàng có công dựng làng lập ấp. Nhưng làm cho bề dày văn hoá ấy có ý nghĩa hơn, nổi tiếng hơn vì ở đây có đền miếu thờ Nguyễn Trãi, thờ một tài nữ gắn với vụ thảm án Lệ Chi Viên làm xúc động muôn đời là Nguyễn Thị Lộ.
Sánh với nơi thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín) và ở Côn Sơn, Khuyến Lương là nơi thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ hiếm có ở nước ta và duy nhất ở Hà Nội. Bởi vì Hà Nội chỉ có Khuyến Lương ở vị trí tiện lợi dễ dẫn đến các vùng đất từng để lại những kỷ niệm sâu sắc của Nguyễn Trãi: Từ Khuyến Lương, lấy miếu bà Nguyễn Thị Lộ làm mốc, theo đường chân đê sông Hồng đi về phía Nam, chúng ta sẽ đến Tây Phù Liệt (thuộc các xã Ngũ Hiệp, Đông Mỹ), nơi đóng đại bản doanh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi để tìm cách hạ thành Đông Quan. Cũng từ miếu bà Lộ về phía ấy nhưng rẽ xuống đường Pháp Vân, vào đường 1A về phía Nam ta sễ đến Nhị Khê. Từ miếu bà Lộ cũng theo đường chân đê sông Hồng nhưng đi về phía Bắc đến các làng Vĩnh Tuy hoặc Kẻ Mơ (Mai Động), ta sẽ tiếp xúc với phía Nam thành Đông Quan, trên bờ sông Nhị, nơi có hội thề Đông Quan ngày 10 tháng 12 năm 1427 do Nguyễn Trại soạn thảo văn thề.
Về đời sống: Khuyến Lương gắn với sông nước, cũng như quê bà Lộ (làng Hải Triều, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, còn gọi là làng Hới - hay có thuyết cho là ở Đông Triều, Quảng Ninh) đều gắn với sông nước, dâu tằm tươi tốt (chỉ có mỗi một cái khác: quê bà Lộ có nghề làm chiếu nổi tiếng mà Khuyến Lương không có). Khuyến Lương cùng các làng mang tên mai (mơ) như Tương Mai, Hoàng Mai… thuộc vùng đất lập thái ấp của Trần Khát Chân được gọi chung là Cổ Mai, từ thời xưa đã trồng rất nhiều mai. Nó phù hợp với Nguyễn Trãi là người hay làm thơ về mai, tỏ rõ ông rất thích xem mai (xem Quốc âm thi tập và phần thơ chữ Hán của ông). Cho nên Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ rất thích sống ở Khuyến Lương (cũng như thích ở Côn Sơn, ở Nhị Khê) hơn ở trong nội thành Thăng Long. Bởi hồi thơ ấu Nguyễn Trãi đã sống ở dinh thự ông ngoại ở ven bờ Bích Câu trong nội thành Thăng Long. Ông đã hoạt động chính trị, làm quan ở nội thành. Nhưng càng ở đó, ông càng thấy “cửa quyền quý ngại lượm chân tay” và càng thầm thía:
“Ngại ở nhân gian lưỡi trần
Thời nằm thôn dã miễn yên thân
(Thuật hứng).
Miền “thôn dã” Khuyến Lương là nơi trung gian dễ vào nội thành nhưng “yên thân” hơn nên cũng như Côn Sơn, Nhị Khê, Nguyễn Trãi đến đây ở lâu hơn, có điều kiện làm nhiều công đức hơn, làm cơ sở cho việc dựng đền miếu.
Theo các cụ cao tuổi ở Khuyến Lương kể lại (dựa theo truyền tụng từ đời trước): Đến đây, Nguyễn Trãi chọn được khu đất cao nổi lên như hình cái bút giữa vùng hồ ao và ruộng sâu (gọi là vùng thuẫn) gần giếng “Đồng” ở một bên làm nghiên mực. Trên khu đất cao có cây đề cổ thụ phía trước, Nguyễn Trãi dựng trường dạy học. Thuở ấy dân cư thưa thớt, nhà cửa chưa mọc lên lộn xộn như ngày nay, ngồi dạy học trong hương đồng gió nội, ông có thể nhìn thấy cả kinh thành ở phía Bắc. Sau đó là thảm án Lệ Chi Viên kết thúc cuộc đời hai người. Nhưng mãi đến tháng 7 năm Giáp Thân niên hiệu Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông chính thức ban “Chế tẩy oan”, đến rằm tháng 7 năm ấy lễ tẩy oan Nguyễn Trãi được tổ chức trọng thể tại thôn Hạ xã Nhị Khê thì sau đấy, ở Khuyến Lương, đền Nguyễn Trãi mới dựng lên từ nền nhà dạy học. Còn miếu bà Lộ tiếp sau dưng lên từ nền nhà tranh. Triều đình cấp hơn 1 mẫu ruộng hương đăng để dân làng thờ phụng hai vị. Khuyến Lương trước kia chia làm 6 phe, phe 5 và phe 6 giữ việc hương khói ngày rằm, mùng 1 và tổ chức giỗ Nguyễn Trãi ở đền vào ngày 16 tháng 8 âm lịch, còn phe 4 trông nom cúng lễ ở miếu bà Lộ cũng vào các ngày này. Theo các cụ ở địa phương: Xưa kia đền Nguyễn Trãi và miếu bà Lộ đều xây tường dày 50 - 60 cm suốt từ đáy đến chỗ cuốn, bằng gạch Bát Tràng. Xưa miếu bà Lộ có đủ tiền tế hậu cung, bên ngoài vẽ hai long mã, bên trong thường xuất hiện hai “hoàng xà” (rắn vàng) càng tăng thêm vẻ linh thiêng của miếu, gắn với truyền thuyết rắn của bà Lộ. Ngày nay đền Nguyễn Trãi vẫn ở vị trí cũ nhưng thu lại, bé nhỏ giữa một khu dân cư lộn xộn lấn vào. Kiến trúc ngôi đền quá đơn sơ: Khung toà tiền tế làm bằng gỗ bình thường, mái lợp ngói ta. Hậu cung trong xây vòm cuốn, phía ngoài xây tường gạch, cũ mới lẫn lộn. Vài chữ Hán sót lại cho biết đền trùng tu lần cuối vào năm 1911 đời Duy Tân. Còn miếu bà Lộ, theo các cụ miếu đã được sửa chữa vào năm Thành Thái nguyên niên (1889), đời Khải Định (1916 - 1925) được sửa chữa lần nữa, nhưng từ sau thời cải cách ruộng đất và hợp tác hoá miếu bị phá, bỏ mặc rơi vào hoang phế. Ở một phía gần miếu, người ta làm chuồng nuôi dê. Hồi chống Mỹ có một số người dỡ gạch ở miếu để xây hầm trú ẩn. Nay trước mắt chúng tôi chỉ còn lại một phần hậu cung mà mái ngói tróc vỡ hết, chỉ còn trơ lại một vòm cuốn, cỏ cây hoang dại mọc lên xù xì, bên dưới bẩn thỉu không hơn gì một chuồng lợn. Dân cho biết thêm: trước đây, sát miếu là khu ruộng cấy lúa rồi người ta đào ao vật đất lên làm trại chăn nuôi đã phát hiện thấy một khối gỗ xếp theo hình cũi lợn, mộng rất khít không có đinh, kích thước 4m x 4m, các thanh gỗ kích cỡ giống nhau 4m x 0,20m x 0,40m. Lúc mới đào gỗ mềm như bún, để một lúc thì khô cứng như đá. Anh Nguyễn Văn Khải (cháu cụ Nguyễn Đăng Nông) nhặt được chiếc trâm cắm búi tóc phụ nữ dài 15cm ở trong cũi. Dư luận có người cho đấy là trâm của bà Lộ, sau khi bị chém tử thi chôn cùng cũi, có người thì phân vân… Vậy mà những di vật cực quý ấy nay không còn. Ngay cả khu lăng ở đây do Nguyễn Trãi dựng, nghe đồn đất phát, nhiều người đưa mồ mả đến chôn làm mất cả dấu ấn…
Nhớ lời căn dặn của Bác, sang năm lại tròn 560 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Trãi cũng là của người bạn đời chung kiếp phận, phải chăng chúng ta phải sửa sang lại những dấu tích của lòng dân đối với người đã khuất cho đúng với đạo nghĩa thờ cúng tổ tiên của dân tộc.
Nguồn: Xưa và Nay, số 101, tháng 10/2001