Darwin - vị hôn phu lãng tử và người chồng vô tâm
Vị hôn phu lãng tử và cuộc chờ đợi 8 năm ròng
Cha của Emma (ông Josiah Wedgwood) là em ruột mẹ của Charles Darwin (bà Suzanne). Emma biết Charles từ khi cậu mới chào đời (Emma hơn Charles một tuổi) và có lẽ đã yêu người em họ của mình suốt cả cuộc đời. Khi bà Suzanne qua đời, ông Wedgwood tự thấy có trách nhiệm phải chăm lo cho sáu đứa cháu, trong đó có Charles mới lên tám. Trên con đường nối liền hai điền trang lân cận của nhà Darwin và nhà Wedgwood (Maer Hall) những cỗ xe ngựa cứ chạy tới chạy lui chở những người anh em con cô con cậu đến thăm nhau.
Tuy nhà Wedgwood cũng có tới chín đứa trẻ, nhưng ông chủ nhà máy sứ giàu có này luôn giang rộng vòng tay trước những đứa cháu mồ côi. Chính tại Maer Hall, năm 22 tuổi, Charles đã nói với người cậu về nguyện vọng được tham gia chuyến đi vô cùng có ý nghĩa với anh sau này:
- Cậu Jose, cháu không dám mong cậu ủng hộ. Nhưng vị trí nhà vạn vật học trong chuyến đi này có lẽ là thứ duy nhất mà cháu thực sự khát khao trong đời.
Nấp phía sau cửa phòng đọc sách, nơi cha mình và Charles đang nói chuyện, Emma thấy tim cô như thắt lại… Cô những tưởng rằng thứ mà Charles khát khao hơn mọi thứ trên đời là vòng tay của cô và anh đã đến Maer chỉ vì cô...
Vì cùng trang lứa, nên từ nhỏ Emma và Charles thường chơi đùa chung. Những lọn tóc vàng và đôi mắt nâu của Charles đã trở thành cái gì đó vô cùng thân thương với Emma. Mùa thu nào anh em nhà Darwin đến Maer Hall ở vài tuần để cùng đi săn. Và những buổi tối tuyệt vời cùng nhau quây quần ngoài sân vườn đã gieo cho Emma hy vọng rằng tình cảm mà Charles dành cho cô nhiều hơn tình họ hàng. Nhưng có vẻ như cô đã nhầm. Những gì mà Charles cần ở Maer Hall chỉ là sự chở che của người cậu tốt bụng…
Từ các mẩu hội thoại rời rạc vọng đến, Emma hiểu rằng một giáo sư thực vật học ở Cambridge đã mời Charles tham gia một cuộc khảo sát vòng quanh thế giới với vai trò là nhà tự nhiên học trên tàu Beagle. Nhưng bác sĩ Robert Darwin, cha của Charles, đã khăng khăng từ chối sau khi tuyên bố rằng ông chẳng thấy lợi lộc gì trong cuộc lãng du ngốc nghếch ấy, rằng nhiệm vụ của Charles lúc này là lo học hành để trở thành một mục sư.
Emma không lấy làm lạ về phản ứng của cha Darwin . Lâu nay mọi người trong nhà vẫn cho rằng tuy tính tình hết sức dễ thương nhưng Charles rồi sẽ trở thành một anh chàng lông bông. Ngay từ nhỏ Charles đã khiến mọi người phải trố mắt vì những câu chuyện bịa như thật của cậu. Ví như cậu bảo rằng có thể trồng được hoa cúc màu xanh nếu tưới nước sunfat đồng hay hoặc màu đỏ nếu tưới máu bò… “Nước tưới màu gì thì bông hoa sẽ màu ấy!” – Charles nói. Lần khác cậu lại khiến cả nhà xôn xao khi tìm thấy một… kho hoa quả khô dưới các bụi cây. Hóa ra là Charles đã lấy trộm từ vườn nhà hàng xóm về giấu ở đấy.
Ở trường, Charles là một học trò cá biệt. Cậu thường bị trách mắng vì đã phí thời giờ vào những chuyện vô bổ như nhặt nhạnh xác côn trùng, các mẩu đá. Quá thất vọng về Charles, khi cậu 16 tuổi, bác sĩ Robert Darwin quyết định gửi con trai đến Đại học Edinburg để học ngành y với hy vọng môi trường ở đó sẽ khơi dậy lòng hiếu học nơi cậu. Nhưng Charles không hào hứng với giải phẫu học và chán ghét các buổi thực tập ở bệnh viện. Chưa đầy hai năm sau, anh tuyên bố ngành y không phải dành cho mình và chuyển sang Đại học Cambridge để học thần học. Nhưng thay vì siêng năng nghiên cứu các học thuyết thần học, Charles chỉ lo luyện bắn súng và thưởng thức những bản thánh ca. Thậm chí anh còn vung tiền ra mời cả dàn đồng ca đến biểu diễn tại nhà. Anh đã thú nhận với Emma rằng anh chẳng thấy lợi lộc gì trong chuyện học hành cả và anh hoàn toàn có thể sống thoải mái với tài sản của gia đình để lại.
Tuy nhiên, việc gì đã thích thì Charles chẳng quản nhọc nhằn. Say mê lịch sử tự nhiên, anh lang thang khắp các vùng quanh Cambridge để tìm kiếm mẫu vật cho các bộ sưu tập kỳ quái với những mẩu đá, xác bọ cánh cứng. Nghe đâu, một trong những con bọ ấy đã được đưa vào một cuốn sách khoa học nào đó với ghi chú: “… được tìm thấy bởi ngài Charles Darwin” khiến anh tự hào ghê gớm.
Chuyến đi của Charles kéo dài bao lâu? Ít nhất cũng hai năm. Nếu Emma chờ đợi lâu hơn, cô có thể thành gái già. Cô đã 23 tuổi mà nhan sắc lại chẳng hơn người. Có lẽ, ít ra thì Charles cũng hẹn ước với cô trước khi đi? Nhưng sẽ tốt hơn nếu anh nói rằng sẽ chẳng đi đâu cả. Sau một hai năm nữa anh sẽ trở thành mục sư và họ có thể kết hôn, rồi sinh con đẻ cái trong một căn nhà mục vụ ấm cúng… Emma đã mơ mộng như vậy đấy. Nhưng sáng hôm sau, khi tiễn cha mình đi cùng với Charles đến thuyết phục bác sĩ Robert Darwin về chuyến đi trên tàu Beagle, Emma không ngờ rằng cô sẽ phải chờ vị hôn thê của mình đến 8 năm nữa…
Chẳng thể yêu ai ngoài… khoa học
Chàng trai ấy đã ra đi mà chẳng hứa hẹn gì ngoài một nụ hôn kiểu chị em. Để có đủ can đảm cho cuộc chờ đợi dài lâu và rất có thể là vô vọng, Emma đã tự thuyết phục mình rằng Charles không hẹn ước chỉ vì anh không muốn cô bị ràng buộc với một cuộc hành trình mạo hiểm của anh.
Nhưng rồi, dù đã trở về (sau chuyến đi kéo dài 5 năm) vào tháng 10/1836, đến lễ Giáng sinh và mới năm Charles cũng chẳng ló mặt đến Maer Hall. Emma rất buồn… Và đến mùa hè thì nỗi buồn ấy đã biến thành sự tuyệt vọng không thể che giấu.
- Con buồn vì Charles sắp đi London và con sẽ không được gặp anh ấy nữa?
Ánh mắt đầy thấu hiểu của người cha khiến Emma đỏ mặt. Ông Wedgwood nhẹ nhàng ôm lấy vai con gái:
- Hãy suy nghĩ kỹ, Emma, cuộc sống với Charles Darwin sẽ không ngọt ngào đâu. Cậu ấy không còn là chàng trai dễ mến mà con đã gắn bó thuở nhỏ nữa. Với những gì Charles đã làm, cậu ấy đã xác định được sứ mệnh của mình. Bố không nghĩ là cậu ấy còn cần điều gì khác trong cuộc đời này. Dù thế nào thì Charles cũng khó mà yêu được ai khác ngoài khoa học và bản thân cậu ấy. Nếu Charles có khả năng đó thì cậu ấy đã lấy vợ từ lâu rồi. Hơn nữa, sau chuyến đi, sức khỏe của cậu ấy sa sút lắm. Tuy nhiên, nếu như con nhất quyết…
Sau đó Emma đã có hai ngày sang thăm Charles để rồi trở về đôi mắt mọng nước. Chẳng có gì hơn ngoài những câu chuyện vu vơ, ngoài những bản nhạc mà cô chơi cho anh nghe. Rồi Charles lại vội vã lên London với lũ bọ cánh cứng, với những bài báo, những mẩu đá và các cuộc tranh luận khoa học của mình.
Từ bỏ đức tin hay từ bỏ Charles?
Thế nhưng, một năm sau, mọi người thấy Charles đột nhiên quay về cầu hôn Emma. Thực ra, tất cả là do Emma, cuối cùng cô đã phải thúc đẩy anh đi đến quyết định này. Và họ đã thành vợ thành chồng!
Sau những thành quả từ chuyến khảo sát trên tàu Beagle, Charles rất có uy tín trong giới học thuật, ông sẽ trở thành một giáo sư. Còn bà sẽ tiếp đón bạn bè của chồng là các nhà khoa học và nuôi dạy những đứa con ngoan trong căn hộ rộng rãi của một vị giáo sư. Ban đầu, mọi thứ đúng là như Emma từng mơ ước. Những bữa tiệc mà bà bày biện trong căn hộ đẹp đẽ của họ ở phố Gower, London luôn có mặt các nhà khoa học danh tiếng như: Charles Lyell, Henslow John, Robert Brown, William Fitton. Các cuộc trò chuyện của họ về sinh vật, địa chất thật là cuốn hút bởi sự kỳ bí khiến Emma nghe như nuốt lấy từng lời. Nhưng chẳng bao lâu, tai bà bắt đầu nghe thấy những điều bà run rẩy: "Các loài động thực vật biển đổi theo thời gian. Một số bị tuyệt chủng, một số lại trở nên đông đúc. Trong chuyến khảo cứu của mình, tôi đã tìm được những dấu tích của các loài đã biến mất từ lâu, và căn cứ vào nhiều đặc điểm tôi thấy chúng na ná với các loài hiện tại".
Mặc dù các đồng nghiệp của Charles gật đầu vẻ tán thưởng, Emma bỗng thấy hoảng sợ. Nếu họ thực sự nghĩ như vậy thì có nghĩa là họ đã phủ nhận hoàn toàn những tín điều của Giáo hội trong đó nêu rõ rằng Thiên Chúa tạo ra muôn loài và đó là những tạo vật bất biến. Nếu Charles dám giải thích mọi thứ trái với nhà thờ, các linh mục sẽ không để ông yên. Say xỉn, hoang đàn, hư hỏng – thì cứ việc, nhưng đừng bao giờ xâm phạm đặc quyền của nhà thờ!
Charles tất nhiên chẳng say xỉn, hoang đàn, hư hỏng. Ông luôn là người chồng chung thủy, người cha hiền hậu và nói chung không cho phép mình làm những chuyện xấu xa. Ông chỉ muốn khám phá chân lý. Khám phá bằng mọi giá. Mà không đơn thuần là khám phá ra chân lý mà phải công bố với cả thế giới chân lý đó – một chân lý vĩ đại được phát hiện bởi một Charles Darwin vĩ đại. Còn Emma thì phải từ bỏ niềm tin quen thuộc của mình, bằng không bà buộc phải từ bỏ Charles. Nhưng làm sao Emma có thể bỏ Charles: ông là cả cuộc đời bà. Bà đơn giản là cứ thể theo ý Chúa và cái gì đến sẽ đến. Chúa đã ban cho bà người chồng mà bà hằng mong ước, có nghĩa là Chúa tin rằng bà có đủ sức mạnh trước gánh nặng mà Charles muốn trút lên vai bà.
Hạnh phúc chẳng bình yên
Những bức biếm họa nhắm vào Charles Darwin |
Căn bệnh lạ lùng của Charles (xuất hiện từ hồi ông còn lang thang trên tàu Beagle với các triệu chứng: nôn mửa liên tục, tim đập mạnh, người yếu lả, tâm trạng trầm uất…) đã khiến Emma vô cùng vất vả. Mỗi khi trở bệnh, Charles trở nên đỏng đảnh như một đứa trẻ, đòi vợ khi thì chơi piano, đọc sách cho nghe, khi thì mang chăn đến ủ chân cho ấm, khi thì phục vụ trà để giảm thiểu những cơn buồn nôn. Các gia nhân rất ngạc nhiên trước thái độ nhẫn nại của bà chủ đối với ông chủ. Và đúng là chỉ có bà mới lý giải được điều này. Theo quan sát của bà thì cơn bệnh lạ đặc biệt dữ dội với Charles mỗi khi ông miệt mài với công trình chính của ông – luận thuyết về nguồn gốc muôn loài. Và bà cho rằng thử thách ấy là do Chúa đã dành cho Charles vì sự phản bội của ông, và dành cho bà vì sự bao dung đối với người chồng lầm lạc.
Trái với dự kiến, bão táp nổ ra xung quanh các công trình của Darwin không phải là vào mùa hè 1858, khi các luận đề đầu tiên được đọc tại một hội nghị của Hiệp hội Linnean, mà xảy ra một năm sau đó, khi mà cuốn "Nguồn gốc muôn loài" được xuất bản. 1200 bản được bán ra trong nháy mắt (sau đó 3000 cuốn tái bản lần hai cũng được bán hết veo). Và chỉ vài ngày sau Down House đã chìm ngập trong những lá thư phẫn nộ. Các ấn phẩm có ảnh hưởng nhất như "Athenaeum", "Edinburgh Review, Tin tức hàng ngày", "Bút ký Hiệp hội Hoàng gia Edinburg" cũng đăng tải những bài viết phê phán cha đẻ của Thuyết tiến hóa. Không chỉ địch thủ mà ngay cả người quen, bạn bè cũ từng có quan hệ tốt với Charles cũng nổi giận vì sự "xấc xược" của ông. Các nhà truyền giáo trên toàn nước Anh đã chỉ trích Charles trong các bài giảng của họ. Hiệu trưởng Đại học Trinity ở Cambridgethậm chí đã ra lệnh “trục xuất” toàn bộ sách của Darwin ra ở thư viện nhà trường.
Emma đã buộc phải thay đổi tập quán đọc cho mấy đứa con lớn nghe thư từ của các nhà khoa học là đồng nghiệp của cha. Bà cũng phải giấu biến đi những tờ báo có in các bức biếm họa với hình ảnh Darwincó đôi tai lừa, Darwin trong hình dạng một con khỉ râu dài. Nhưng tệ hại hơn cả là Charles cứ rơi vào trầm cảm liên miên và chẳng buồn nghĩ đến chuyện cải thiện tình hình.
Emma đã đi vào lịch sử khoa học như một người vợ bao dung hiếm có. |
Chúa đã tin, nên mẹ cũng tin…
Cùng với học thuyết nổi tiếng về nguồn gốc các loài của Darwin , Emma đã đi vào lịch sử khoa học như một người vợ bao dung hiếm có. Người đương thời không ngừng ngạc nhiên về sự điềm tĩnh, cam chịucủa bà trước sứ mệnh đầy gian truân mà chồng bà, một nhà khoa học chỉ biết có công việc, đã lựa chọn.
Sự hòa thuận của vợ chồng Darwin đặc biệt gây ngạc nhiên cho những người biết rõ rằng hai con người ấy trái ngược nhau ra sao, có quan điểm về thế giới khác biệt nhau đến mức nào. Sau cái chết củacha, con gái Emma đã hỏi mẹ rằng bà đã kiếm đâu ra sức mạnh để chịu đựng lâu đến vậy, thì bà trả lời: “Có lẽ là, vì cha không tin vào Chúa. Nhưng Chúa, chẳng nghi ngờ gì nữa, đã tin cha. Có nghĩa làmẹ cũng tin…”
Ngay cả quyền thiêng liêng được chôn cất người chồng cạnh ngôi nhà cũ, trong nghĩa trang có phần mộ hai đứa con đã mất từ thuở nhỏ của họ, Emma cũng hy sinh vì sự vĩ đại của chồng: bà đồng ý để ông yên nghỉ ở Tu viện Westminster nổi tiếng, bên cạnh mộ của Isaac Newton. Tang lễ được tổ chức ngày 26/4/1882.