Đào Văn Tiến - người thầy giáo và nhà khoa học mẫu mực
Tôi biết ông từ năm 1951, khi gia đình ông và gia đình bố mẹ tôi được Nhà nước cử sang Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Khi đó ông dạy ở Trường Sư phạm Cao cấp và Khoa học cơ bản. Những sinh viên đầu tiên của ông là các nhà sinh học đầu đàn như GS Võ Quý, GS Lê Quang Long, GS Nguyễn Đình Khoa ...Thế hệ chúng tôi là lớp học sinh thứ hai của ông sau ngày hòa bình lập lại, những người trở thành các giảng viên đầu tiên về sinh học tại các trường Đại học Tổng hợp, Sư phạm, Nông nghiệp... Vì vậy có thể coi Ông là một trong những người thầy của những thế hệ các nhà sinh học Việt Nam . Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội các ngành sinh học Việt Nam .
Năm 1946, khi kháng chiến bùng nổ với tư cách là người tốt nghiệp Cao học Đại học Đông Dương về sinh học (hồi đó gọi là vạn vật học), ông lên đường tham gia kháng chiến, là anh Vệ quốc quân 26 tuổi và tham gia giảng dạy cho các lớp Quân y đầu tiên. Ông được Nhà nước cử sang Khu học xá ngay từ khi mới thành lập cái nôi đào tạo cán bộ chuẩn bị cho sau ngày chiến thắng thực dân Pháp.
Tôi vừa là sinh viên của ông vừa tham gia giảng dạy từ khóa I ở Đại học Tổng hợp nên được gần gũi ông cho mãi đến ngày ông từ trần (3-5-1995). Ông là người xây dựng nên ngành Sinh học cùng với các GS Lê Khả Kê, Dương Hữu Thời... nhưng là ông tổ của ngành Động vật học nước ta. Với 94 công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước, với các sách chuyên khảo về động vật có xương sống, các sách điều tra khu hệ động vật , những khó phân loại đầu tiên về các động vật có xương sống ở nước ta, GS Đào Văn Tiến đã đặt nền móng cho ngành khoa học này. Đấy là chưa kể đến tác phẩm Danh từ khoa học (phần Sinh học) xuất bản năm mà ông viết năm 1945, đặt cơ sở cho việc dạy Sinh học hoàn toàn bằng tiếng Viết ở mọi cấp học ở nước ta .
Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) cho Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam ( 1957 - 1980 ) đã đủ nói lên giá trị các thành tựu khoa học của ông. Tôi chỉ muốn nói ít nhiều về khía cạnh nhân cách của ông trong giảng dạy, nghiên cứu và đời sống. GS Đào Văn Tiến sống rất khiêm tốn trong căn phòng nhỏ bé được phân ở Hàng Chuối với vợ và hai con. Ông sinh hoạt hết sức giản dị và luôn luôn mặc quần áo dã chiến lăn lộn khắp các miền để điều tra khu hệ hầu hết các loài động vật có xương sống. Ông vừa làm vừa hướng dẫn tỷ mỉ để đào tạo nên những thế hệ các nhà động vật học Việt Nam sau này. Có thể nói việc ông say mê nghiên cứu trên thực địa đã làm gương cho chúng tôi về phong cách một nhà khoa học, lấy cái mình tìm thấy kết hợp với hợp tác quốc tế (ông thường xuyên có quan hệ với rất nhiều nhà động vật học tại 25 nước trên thế giới) để công bố thành các công trình khoa học có giá trị đích thực. Ông luôn gắn việc nghiên cứu với các đề xuất tới Nhà nước về các chính sách lớn (như xây dựng các vườn quốc gia. các khu dự trữ thiên nhiên, trồng rừng và bảo vệ rừng, giữ gìn và phát huy tài nguyên các động vật hoang dã...).
GS Đào Văn Tiến không bao giờ làm việc một mình mà bao giờ cũng lôi cuốn các cán bộ trẻ cùng làm để đào tạo các thế hệ kế cận. Trong các giờ lên lớp, ông bao giờ cũng rất gương mẫu, đúng giờ, trình bày mạch lạc và khoa học, giới thiệu nhiều hình ảnh mà ông đã hợp tác với hai họa sĩ và một nhà nhiếp ảnh chuyên ngành để tạo nên bộ hình ảnh các động vật có thực ở nước ta. Trông dáng bề ngoài GS Đào Văn Tiến rất nghiêm nghị nhưng thực ra lại rất gần gũi , hòa mình với đồng nghiệp và học sinh. Ai cũng yêu mến ông và mãi cho đến nay tại phòng làm việc cũ của GS Đào Văn Tiến, trước bức tượng đồng bán thân, các học trò vẫn đặt hoa tươi và thường xuyên hương khói để tưởng nhớ ông.
GS Đào Văn Tiến không để lại cho gia đình một tài sản gì có giá trị vật chất nhưng đã để lại một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền từng là Trưởng bộ môn ở Viện Công nghiệp thực phẩm và hai người con thành đạt (một Tiến sĩ và một họa sĩ có tài). Ông để lại cho tất cả chúng tôi- những nhà sinh học được trực tiếp hoặc không trực tiếp học ông - một tấm gương tốt đẹp về nhân cách một thầy giáo tận tụy, một cách sống mẫu mực và một tấm gương hoạt động sôi nổi của một nhà khoa học chân chính.