Đánh giá tiềm năng thoái hoá và sạt lở đất các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ
Tình trạng thoái hoá đất đã diễn ra từ lâu do nhiều nguyên nhân như canh tác lạc hậu, đốt nương làm rẫy, du canh, du cư,... Diện tích rừng và độ che phủ đất giảm nhanh chóng do khai thác không hợp lý dẫn đến tăng cường xói mòn rửa trôi hình thành đất xói mòn trơ sỏi đá hay đất xám bạc màu ở vùng đồi núi. Còn ở vùng đồng bằng ven biển thoái hoá đất do các quá trinh cát bay, cát chảy, mặn hoá, phèn hoá, ngày càng gia tăng. Diện tích đất trống đồi trọc cả nước đạt tới trên 13 triệu ha. Do thoái hoá đất đã làm tăng cường hậu quả của lũ lụt, hạn hán, sa mạc hoá và sạt lở bờ biển. Bởi vậy một trong những nhiệm vụ cấp bách của đất nước là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ngăn chặn nguy cơ thoái hoá đất phục hồi cải tạo đất đang bị suy thoái, hoang hoá. Nhiều chương trình trồng rừng đã và đang thực hiện. Ngày 2 tháng 9 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình hành động Quốc gia chống sa mạc hoá giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 (theo Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg). Chương trình đã khẳng định nhiệm vụ chống sa mạc hoá ở nước ta cần phải ngăn chặn thoái hoá đất, khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển... Ở nước ta tình trạng sa mạc hoá lan toả khoảng 9,3 triệu ha, nơi có 22 triệu người dân sinh sống. Một trong các vùng trọng điểm cấp bách chống sa mạc hoá, thoái hoá đất là duyên hải miền Trung gồm các tỉnh Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Tại đây thoái hoá đất xảy ra đa dạng, phức tạp trên diện rộng và nhiều nơi đã xuất hiện hoang mạc hoá, sa mạc hoá. Đồng hành với thoái hoá đất là thiên tai lũ lụt, hạn hán và sạt lở bờ biển. Các tỉnh Bắc Trung bộ đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, chuyển đổi nền kinh tế hướng biển trên bước đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
1. Phương pháp nghiên cứu
Thoái đất và sạt lở bờ biển vùng Bắc Trung bộ là hệ quả tương tác phức tạp giữa các quá trình tự nhiên và hoạt động kinh tế-xã hội phản ánh quy luật địa đới và phi địa đới thuộc vùng nhiệt đới gió mùa. Đặc điểm nổi trội là quá trình tương tác lục địa và đại dương, sông và biển. Thoái hoá đất vừa là sản phẩm phát sinh nội sinh như sự già hoá, leterit hoá ở vùng đồi núi hay mặn hoá, phèn hoá, sạt lở do triều cường, biển dâng ở đồng ven biển... Đồng thời vừa là hậu quả khai thác của con người. Bởi vậy để hiểu bản chất của thoái hoá đất và dự báo thoái hoá cần nghiên cứu trên quan điểm tổng hợp địa lý.
Nội dung của quan điểm tổng hợp địa lý nghiên cứu thoái hoá đất là phân tích tương quan giữa các quá trình thoái hoá tiềm năng - Potential degradation soil) với các tính chất thoái hoá hiện tại do con người khai thác. Thoái hoá tiềm năng của đất là sự suy giảm độ phì do các quá trình tự nhiên. Các quá trình này hình thành cũng do sự tác động tương của các yếu tố địa chất - địa mạo – khí hậu - thuỷ văn. Nó là một bộ phận, một giai đoạn của “Đại tuần hoàn địa chất”. Còn thoái hoá đất hiện tại chỉ do con người tác động tới “Tiểu tuần hoàn sinh vật”. Bản chất của đất hình thành và thoái hoá nằm trong vùng giao thoa của 2 vòng tuần hoàn này. Với quan điểm và phương pháp luận trên chúng tôi tiến hành phân tích dữ liệu thành lập bản đồ thoái hoá đất Bắc Trung bộ theo qui trình tổng hợp sau:
2. Điều kiện hình thành và thoái hoá đất Bắc Trung bộ
Bắc Trung bộ bao gồm 6 tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế diện tích 51.510,9 km 2, dân số năm 2005 là 10.547.900 người và mật độ dân số trung bình 205 người/ km 2.
Vị trí địa lý của Bắc Trung bộ kéo dài gần 5 độ vĩ tuyến từ 16 05’ B đến 20 040’ B. Dải đất hẹp ngang có nơi ở Quảng Bình chỉ 40 km được giới hạn phía tây là biên giới Việt Lào trên đỉnh núi Trường Sơn và phía đông là 642 km bờ biển.
Bắc Trung bộ được hình thành trong điều kiện địa chất khá đa dạng với sự có mặt các thành tạo đá biến chất, trầm tích, trầm tích phun trào, các đá xâm nhập và trầm tích bở rời có tuổi từ protezozoi đến hiện đại. Khu vực nằm trong 2 đơn vị kiến tạo lớn là hệ uốn nếp tây bắc và hệ uống nếp Trường Sơn (hay còn gọi là hệ uống nếp Việt - Lào). (Lê Đức An, 2005).
Các thành tạo địa chất đã cung cấp tập hợp đá mẹ, mẫu chất đa dạng trong phong hoá thành tạo đất.
Địa hình Bắc Trung bộ (BTB) là miền Đông của Trường Sơn Bắc là “Một miền núi già bị chia cắt dữ dội” (Lê Bá Thảo 1990) với các đồng bằng hẹp gắn liền với đồi núi sót và được phân cách bởi cách dãy núi ăn ra sát biển... Lịch sử hình thành địa hình và đá mẹ, mẫu chất là kết quả hoạt động kiến tạo Trường Sơn như quá trình xâm nhập, phun trào, nâng lên, bóc mòn lục địa, hạ xuống, trầm đọng bồi lắng ven biển, và tiếp đến là các quá trình bồi tụ sông biển - xói mòn của nước mưa, sóng gió đang diễn ra hiện nay. Theo Lê Bá Thảo (1990) “Cũng có những đồng bằng mà về mặt nguồn gốc khó lòng tách rời được với miền đồi núi kế cận. Các vật liệu sông biển phủ chờm lên đá gốc của đồi núi Trường Sơn; Bởi vậy Vũ tự Lập (1978) cho rằng tính chất chung của dải đồng bằng Miền Trung là tính chất chân núi ven biển.
Diện tích đất đồi núi Bắc Trung bộ 74%, núi đá gần 5,1% còn diện tích đồng bằng thung lũng chiếm khoảng 19,1%. Trong đó đất đồi núi dốc trên 25 0chiếm 48,96%. Và đất có độ dốc dưới 15 0chỉ khoảng 12,58%. Qua đó cho thấy tiềm năng xói mòn rửa trôi sạt lở của khu vực rất lớn.
Nằm gọn trong khu vực nội chí tuyến Bắc Trung bộ có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa. Song do các dãy núi cao án ngữ và nằm dọc theo biển hơn 642 km nên điều kiện khí hậu phân hoá sâu sắc theo không gian và thời gian như gió mùa đông bắc yếu sau đèo Ngang, đồng thời tính chất nhiệt đới mạnh dần về phía nam, mưa lũ lụt kéo dài và gió khô nóng (gió Lào) thường xuất hiện. Hệ quả của chế độ khí hậu thời tiết Bắc Trung bộ dẫn đến tốc độ khoáng hoá nhanh, triệt để trong quá trình thành tạo đất. Đất ít mùn, chua và nghèo cation kiềm di động dễ rửa trôi. Mùa mưa đất đồi núi dốc bị rửa trôi mạnh dẫn đến tầng đất mỏng, nhiều nơi trơ sỏi đá. Ngược lại vùng đồng bằng ven biển thường xảy ra lũ lụt, xói lở và vùi lấp đất canh tác. Mùa khô do khô nóng kéo dài, cấu trúc đất bề mặt bị phá huỷ. Quá trình phong thành hoạt động mạnh trên vùng đất cát và đất xám bạc màu tạo thành các luồng cát bụi bay lấp vùng đất kế cận. Ở đây “hơn ở nơi nào hết trong đất nước ta, nhịp điệu mùa ghi dấu ấn của mình một cách rõ rệt” (Lê Bá Thảo 1990). Hệ thống sông ngòi ở Bắc Trung bộ khá dày đặc đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ ra biển Đông. Có thể nói đây là vùng thiên nhiên của sông và biển cả. Từ Thanh Hoá đến bắc Nghệ An đã có 54 sông suối dài trên 10 km, còn ở các đồng bằng nối tiếp cứ cách 15 - 20 km lại có 1 con sông hay suối từ Trường Sơn chảy ra. Sông đổ nước xuống đồng bằng hầu như không có phần trung lưu và cửa sông thường bị các dải cồn cát ven biển và che chắn. Vì vậy độ xói mòn lưu vực khá lớn và tình trạng lũ lụt thường xuyên xảy ra vào mùa mưa. Vào thời kỳ lụt nhiều nơi đất phù sa bị vùi lấp bởi các dòng sạn sỏi, lũ tích. Mùa khô nhiều sông suối bị bồi lấp lòng và cạn nước. Các sản phẩm do lũ mang xuống phần lớn là vật liệu thô, có thành phần cơ giới nhẹ. Lượng phù sa thấp: sông Mã đạt 4-5 triệu tấn/năm còn các sông khác lượng phù sa chỉ dưới 1 triệu tấn/năm(trong khi đó lượng phù sa sông Hồng đạt 50 - 60 triệu tấn/năm). Do đó các đồng bằng phù sa của Bắc Trung bộ kém màu mỡ, thường có màu nâu xám hoặc xám, thành phần cơ giới nhẹ.
Lũ lụt và hạn kiệt của điều kiện khí hậu thủy văn khu vực Bắc Trung bộ là một trong những tác nhân gây thoái hoá, sạt lở đất ven biển.
Hệ sinh thái Bắc Trung bộ đa dạng phong phú từ biển đến núi cao. Đây là vùng có độ đa dạng sinh vật cao, bên cạnh các yếu tố sinh vật bản địa còn là nơi hội tụ của các yếu tố sinh vật từ Bắc xuống Nam và từ tây sang đông (Trần Đình Lý, 2006). Song thực tế cho thấy diện tích rừng tự nhiên chỉ còn trên 1,8 triệu ha, trong khi đó đất trống đồi núi trọc, núi đá chiếm trên 1,9 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng đang ở mức thấp, là tiền đề gây thoái hoá đất, sạt lở và hoang mạc hoá.
Rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn bị khai thác hàng chục ngàn ha mỗi năm và việc phát triển nuôi tôm trên cát của người dân Bắc Trung bộ đang đẩy nguy cơ thoái hoá đất và hoang mạc hoá tăng cường. Các quá trình cát bay, cát chảy, sạt lở bờ biển, mặn hoá, xói mòn, sập lở đang ngày càng phổ biến ở khu vực.
3. Tài nguyên đất và tiềm năng thoái hoá đất Bắc Trung bộ
Sự tương tác của các yếu tố thành tạo đất Bắc Trung bộ đã hình thành lớp phủ thổ nhưỡng đa dạng với 10 nhóm 23 loại phản ánh các qui luật địa đới và qui luật đai cao, địa ô...
Trên bản đồ phân vùng địa lý thổ nhưỡng Bắc Việt Nam và là 1 á miền đặc thù Trường Sơn Bắc. Trong á miền phân hoá thành 3 khu địa lý thổ nhưỡng:
- Khu địa lý thổ nhưỡng Hoà Bình - Thanh Hoá.
- Khu địa lý thổ nhưỡng Nghệ Tĩnh.
- Khu địa lý thổ nhưỡng Bình Trị Thiên
Các nhóm và loại đất gắn kết có qui luật trong 23 vùng địa lý thổ nhưỡng. Các vùng núi cao được đặc trưng bởi đất Alit mùn, feralit mùn trên núi. Còn vùng đồi núi thấp phân bố các loại đất đỏ vàng, đất xám và vùng đồng bằng duyên hải được đại diện các đơn vị đất phù sa, đất cát, đất mặn, đất phèn... Tài nguyên đất Bắc Trung bộ có độ phì không cao và hai nhóm đất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp là đất phù sa và đất đỏ chỉ chiếm 9,45% và 3,90% diện tích. Trong khi đó phần lớn diện tích là đất dốc (khoảng 80%) và đất có vấn đề như đất cát, đất mặn, đất phèn, đất xám bạc màu và đặc biệt đã xuất hiện đơn vị đất thoái hoá có diện tích khá lớn là đất xói mòn trơ sỏi đá (2,49%) và núi đá trọc hoang hoá 5,07%. Phân tích đánh giá tổng hợp các yếu tố phát sinh và các quá trình thoái hoá đất cho phép thành lập bản đồ tiềm năng thoái hoá đất khu vực Bắc Trung Bộ.
Các quá trình thoái hoá đất cơ bản ở khu vực gồm:
- Các quá trình xói mòn rửa trôi do nước của vùng nghiên cứu xảy ra mạnh mẽ vào mùa mưa hàng năm: theo kết quả xác định xói mòn tiềm năng Việt Nam thông qua phương trình Wishmei - smith cho thấy xói mòn tiềm năng của khu vực nghiên cứu nhiều nơi đạt hàng ngàn tấn/ha/năm (Nguyễn Văn Nhưng 1972). Tiềm năng xói mòn theo lưu vực cũng cho kết quả tương tự (Nguyễn Lập Dân - Vũ Thu Lan 1988). Quá trình xói mòn do nước mạnh nhất ở sườn đông Trường Sơn. Tại đây độ dốc lớn, chiều dài sườn và lượng mưa đều lớn. Đất xói mòn trơ sỏi đá là hệ quả của quá trình này. Tầng đất ở đồi núi phổ biến < 50 cm và nhiều nơi < 30 cm. Có thể quan sát thấy diện tích lớn đất có đá lộ, đá lăn.
- Quá trình cát bay, cát chảy phổ biến ở vùng duyên hải nơi có các cồn cát và hứng chịu gió biển, gió núi. Tốc độ gió mạnh > 8 - 13 m/s làm tăng khả năng bốc hơi và di chuyển cát bay vào đất liền. Có nơi cát bay lấp đất canh tác tiến vào sát chân núi. Vào mùa mưa cộng với triều cường làm chảy cát tạo thành các dòng cát chảy. Cát bay và cát chảy đang là dấu hiệu xuất hiện sa mạc hoá cục bộ ở nhiều nơi.
- Quá trình hình thành kết von và đá ong hoá. Quá trình tích tụ Secquioxyt (R203) trong đất là qui luật phổ biến trong đất nhiệt đới khu vực. Song để hình thành đá ong chỉ xuất hiện ở ven rìa đồng bằng tiếp xúc với vùng gò đồi, diện tích xuất hiện đá ong tới hàng chục ngàn ha. Nhiều hơn đá ong lộ trên mặt đất và được khai thác làm vật liệu xây dựng. Hầu hết đất trên tầng đá ong đều bị bạc màu, xương xẩu nghèo dinh dưỡng. Nguyên nhân tầng đá ong trở thành mặt chắn địa hoá ngăn nguồn cung cấp vật chất đỏ bazan của khu vực cũng xuất hiện khá nhiều kết von - đá ong laterit.
Quá trình mặn hoá, phèn hoá diễn ra theo qui luật triều dâng và nước biển ngấm ở vùng đất ven biển tình trạng mặn hoá, phèn hoá ngày càng gia tăng cùng với sự xuất hiện các quá trình sạt lở bờ biển.
Trên cơ sở đánh giá các quá trình thoái hoá và các yếu tố tự tương tác gây thoái hoá đất phân ra 3 cấp thoái hoá
T3: Thoái hoá mạnh đến rất mạnh
T2: Thoái hoá trung bình
T1: Thoái hoá yếu
Tiềm năng thoái hoá mạnh và rất mạnh T3 ở khu vực Bắc Trung bộ rất lớn đạt 57,45% bao gồm cả những đơn vị đất còn rừng đầu nguồn (Ha, Hj, Hq, Hs). Các khu vực có tiềm năng thoái hoá mạnh cần được bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác hạn chế. Cấp thoái hoá trung bình (T2) cho phép khai thác với mô hình nông lâm kết hợp, còn cấp thoái hoá nhẹ (T1) khai thác cho mục đích nông nghiệp thâm canh.
5. Tiền năng thoái hoá đất và vấn đề sạt lở bờ biển Bắc Trung bộ
Dải bờ biển Bắc Trung bộ dài 642 km nằm hầu hết trong cấp tiềm năng thoái hoá mạnh đến rất mạnh (T3). Theo các kết quả thống kê sạt lở đất ven biển của đề tài KT - 03 - 04 cho thấy cứ trung bình7, 5 km bờ biển trong khu vực lại xảy ra một đoạn sạt lở. Tình trạng sạt lở phân theo các tỉnh như sau.
Thanh Hoá 22 đoạn
Quảng Bình 13 -
Nghệ An 16 -
Quảng Trị 9 -
Hà Tĩnh 17 -
Thừa Thiên Huế 7 -
Các đơn vị đất phân bố dọc đường bờ biển phần lớn là đất cát biển, đất mặn, đất xói mòn trơ sói đá,.. các đơn vị đất cát vàng kém ổn định về cấu trúc là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.
Phân chia theo tính chất bờ biển bị sạt lở cho thấy có 5 đoạn bờ đá gốc bị xói lở ở Nghi Thiết (Nghệ An), Kỳ Xuân (Hà Tĩnh), Vĩnh Kim – Vĩnh Quang (Quảng Trị). Có 9 đoạn bờ biển bị sạt lở cấu tạo từ đá sét và bùn sét. Còn lại 84% tổng số đoạn sạt lở thuộc vùng bờ cát.
Thực tế sạt lở bò biển nêu trên cho thấy mức độ sạt lở dạng bờ:
Đất phong thành > đất thuỷ thành > đất địa thành
Đường bờ dài cấu tạo đất phong thành (đất cát biển) là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đây là những khu vực có tiềm năng xói lở mạnh. Các dấu hiệu đất đường bờ biển của các tỉnh và số liệu hoá lý của đất phản ánh quan hệ đất quá trình sạt lở bờ biển khá chặt chẽ.
Trên cơ sở bản đồ tiềm năng thoái hoá đất và thực trạng sạt lở bờ biển đòi hỏi phải qui hoạch khai thác vùng đất ven biển hợp lý. Bảo vệ rừng ngập mặn và trồng cây phủ cát là hết sức cần thiết, để ngăn chặn quá trình thoái hoá đất và hoang mạc ở khu vực này.
Nguồn: Biển Việt Nam, số 7 + 8 - 2007, tr 19