Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/06/2006 00:32 (GMT+7)

Đặc trưng văn hoá Chăm ở Ninh Thuận

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn chú ý bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của những di tích Chăm. Nhiều di tích đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia. Đặc biệt khu di tích Mỹ Sơn - Quảng Nam được công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận có 3 tôn giáo: đạo Bà-la-môn, Hồi giáo Bà-ni và Hồi giáo Is-lam. Hiện cả tỉnh có 3 cụm tháp, 7 thánh đường Bà-ni, 4 thánh đường Is-lam và 2 đền tháp. Tháp, thánh đường là nơi tổ chức các lễ hội lớn hàng năm của đồng bào Chăm.

Tháp Hoà Lai

Tháp Hoà Lai (còn gọ là Ba Tháp) có 3 tháp, được xây dựng tại làng Ba Tháp (cạnh quốc lộ 1), xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; là một trong những tháp cổ nhất có từ đầu thế kỷ IX. Kiến trúc cụm tháp bộc lộ những sắc thái có tính riêng biệt, hoạ tiết trang trí hoa lá chen nhau có vẻ kỳ ảo, làm cho khối kiến trúc sống động hơn. Hiện nay ngôi tháp trung tâm đã sụp đổ, còn lại 2 ngôi tháp được trùng tu và bảo vệ.

Hoà Lai là một quần thể kiến trúc đền tháp vào loại cổ xưa của người Chăm, nhưng khác với những cụm di tích khác. Vì thế, chưa xác định được chức năng thờ tự, mặc dù có truyền thuyết để lại.

Tháp Pô Klaung (Klong) Garai

Tháp Po Klaung Garai là một trong những cụm tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất của người Chăm. Tháp được xây dựng trên đỉnh núi mà dân địa phương gọi là đồi Trầu, tại phường Đô Vinh, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Cụm tháp gồm tháp chính cao 20m, mỗi cạnh rộng trên 10m, có lối kiến trúc như tháp thờ (cao chừng 10m), 2 cửa thông nhau, cửa Đông và cửa Tây được trang trí đơn giản. Phía nam là tháp thờ thần Hoả, kéo dài từ đông sang tây (dài 8m rộng 4m, cao 10m).

Theo sử sách ghi, tháp do vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) xây vào cuối thế kỷ XIII để thờ vua Klaung Garai, người đã có nhiều công trạng trong việc khai mương, đắp đập, dẫn thuỷ nhập điền làm cho mùa màng tươi tốt, người người được no ấm, hạnh phúc.

Tháp Pô Rômê

Tháp Pô Rômê được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, trên một quả núi cao 50m, tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Tháp Pô Rômê là một quần thể gồm nhiều mô hình lớn nhỏ khác nhau. Trong quần thể này, ngoài tháp chính cao 70m còn có tháp phụ ở phía sau thờ Hoàng hậu người Ê-đê, tháp phụ bên phải thờ thần Hoả (yang Pui), có nơi nấu nướng các đồ tế lễ. Cạnh một bên đá khối trụ vuông có tượng sư tử đá nằm ở phía tây – nam và một số bia, mộ. Tháp không trang nhã và tinh tế như các tháp cổ khác, nhưng xây bằng gạch, bề thế, có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc của người Chăm. Họ thờ vua Rômê - một vị vua hoá thần có nhiều công lao cho dân tộc Chăm được hưng thịnh.

Điêu khắc

Hệ thống tháp Chăm đứng sừng sững một dải đất miền Trung – Trung Nam Bộ, từ vùng biển đến cao nguyên, trên các ngọn đồi, quang cảnh thơ mộng hay trong thung lũng, xung quanh bao bọc bởi nhiều dãy núi xanh lơ kỳ vĩ. Người người không chỉ say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng về nghệ thuật kiến trúc, mà còn thích thú khi phát hiện được nét đặc trưng của nhiều hình ảnh điêu khắc hoa văn sinh động trên các đền – tháp. Người nghệ sĩ Chăm xa xưa đã đem hết thần lực và tài năng của mình trút vào các khối đá, những mảnh gốm vô tri tạo nên những tác phẩm đầy sức sống.

Những trang trí hoa văn phong phú, đa dạng được biểu hiện ở nhiều phong cách khác nhau. Các cụm tháp cũng theo từng chủ đề của mỗi nhóm qua từng giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc Chăm.

Thời Vương quốc Chăm Pa, khi xây dựng một ngôi tháp, các vị vua đều thể hiện sự súng tín của mình đối với các thần Bà-la-môn giáo, vì muốn thánh thần luôn bảo hộ mình; danh xưng của vị vua luôn gắn với tên thần. Sự sùng tín còn thể hiện hình ảnh ở những khu vực liên quan đến tôn giáo, thần thoại, văn học, nghệ thuật được chạm khắc trên các đài thờ, mi cửa, vòm uốn, lá nhĩ hay quanh tường tháp từ chân đến đỉnh.

Nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa là cả chặng đường lịch sử dài vươn tới sự hoành tráng và lột tả thần thái của hình tượng theo từng chủ đề. Từ đó, tạo ra nhiều ấn tượng cho từng kiệt tác, khiến cho điêu khắc Chăm Pa có vị trí riêng biệt và đáng ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á.

Lễ hội

Dân tộc Chăm là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam . Với số dân 132.873 người, tập trung ở tỉnh Ninh Thuận 57.137 người, Bình Thuận 29.356 người, còn lại cư trú ở các tỉnh miền Trung và miền Tây. Hiện nay, họ vẫn giữ tập tục truyền thống mang bản sắc văn hoá riêng, trong đó các lễ hội diễn ra hàng năm là một di sản văn hoá tinh thần quý giá.

Lễ hội Chăm được cấu thành 2 phần: lễ và hội. Lễ là phần tín ngưỡng tâm linh, tin tưởng cầu nguyện sâu lắng của con người; phần hội có tổ chức vui chơi giải trí nhằm thu hút mọi người vào phần lễ.

Người Chăm có 75 nghi lễ: lễ cộng đồng, lễ dòng tộc, lễ gia đình của 2 đạo Bà-la-môn và Bà-ni, nhưng tập trung hơn là đạo Bà-la-môn. Dân tộc Chăm Ninh Thuận có 2 lễ hội chính là lễ Ka-tê của người Chăm Bà-la-môn và lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo.

Lễ hội Ka-tê

Hàng năm vào cuối tháng 6 Chăm lịch, hoa Tagilau (bằng lăng) nở rộ, đồng bào Chăm Bà-la-môn rạo rực đón mừng lễ hội Ka-tê. Vào ngày 1-7 Chăm lịch (tháng 10 dương lịch), ở 2 tháp Pô Inưnưgar Hữu Đức đều diễn ra lễ hội Ka-tê để nhớ đến Yang Mư là người có mặt đầu tiên trên quả đất khi khai thiên lập địa. Trong nghi lễ, sau phần rước y trang lên tháp, các vị tu sĩ Bà-la-môn là Pô Dhia đại diện tâu trình với thần linh. Sau đến phần lễ của Ôn Kathar hoà cùng tiếng đàn kanhi, gợi nhớ về sự hình thành quả đất, cùng hát những bài ca về cuộc đời và sự nghiệp các vị vua và những nhân thần có công lớn. Muk Pajau (bà Bóng) gửi chiết atâu từ các làng Chăm đến dâng lễ tạ ơn. Các đội múa - áo màu sặc sỡ, quạt trong tay uyển chuyển, nhịp nhàng, âm vang tiếng kèn saranai, tiếng trống ginăng như gọi mời các vị thần xuống trần vui hưởng ngày hội lớn của người Chăm. Đến khi mặt trời ngả về chiều, kết thúc phần lễ hội về với các làng Chăm và các gia đình tổ chức cúng gia tiên. Người người tụ tập thăm hỏi, chúc phúc nhau. Các trò chơi dân gian như bóng đá, văn nghệ, thi dệt vải, nấu cơm… được diễn ra khắp nơi cho đến hết một tuần lễ.

Lễ hội Ramưwan (Ramadan)     

Lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo diễn ra trong một tháng. Lễ bắt đầu từ ngày 1-9 (theo Hồi lịch), tháng 9 là tháng Ramưwan. Sau khi tảo mộ, người ta mời tổ tiên, ông bà về dự tết Ramưwan. Trong những ngày cúng gia tiên, bà con tộc họ, thân hữu gần xa đều họp mặt đông đủ và đi chúc phúc lẫn nhau, cầu tổ tiên phù hộ làm ăn phát đạt, ấm no hạnh phúc. Ngoài ra họ còn tổ chức giao hữu bóng đá, văn nghệ, các trò chơi dân gian như thi cày, giã gạo, nấu cơm, nhảy bao bố… thu hút đông đảo người xem. Đến 19 giờ ngày thứ 3 thì ngừng việc cúng tế, sát sinh và vui chơi hội ở các làng Chăm Hồi giáo. Tất cả làm lễ tẩy uế, mặc trang phục màu trắng truyền thống vào thánh đường để dự lễ Ramưwan.

Từ đây On Char (tu sĩ Hồi giáo) vào thánh đường tịnh chay. Mỗi ngày On Char chỉ ăn một lần vào buổi tối, tín đồ mang lễ tới cầu nguyện. Đến tối ngày thứ 15 và 20 làm lễ On trun-Múk trun chính là Yang Pô Yang Mư hạ thế về trong thánh đường, tất cả tín đồ đều đến cầu nguyện và từ đây người Chăm mới được sát sinh, kết thúc lễ hội Ramưwan.

Âm nhạc dân gian

Người Chăm còn bảo lưu và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng. Những nhạc cụ thường dùng này có 3 nhóm: bộ gõ, bộ hơi và bộ dây.

Bộ gõ gồm: trống ginăng, paranưng, hagăr sit, cheng, akhok (mõ), agrông (lục lạc).

Bộ hơi gồm: kèn saranai, asăng (tù và), taowao (tu hú), taliăh (sáo).

Bộ dây gồm: đàn kanhi, chapi, rabăp (đàn gáo).

Nhạc cụ truyền thống là những thành tựu âm nhạc, được người Chăm xem là nhạc khí thiêng, kết tinh trong suốt quá trình lịch sử của cộng đồng. Các loại nhạc cụ trên là những phương tiện biểu diễn trong các lễ hội, mang lại sự biểu cảm, thẩm mỹ tâm linh và có giá trị về mặt văn hoá của người Chăm xưa để lại. Ngày nay, số nhạc cụ không chỉ phục vụ trong phạm vi lễ hội theo tín ngưỡng dân gian của cộng đồng, mà vượt xa khỏi phạm vi làng đến với bạn bè các dân tộc anh em vào những dịp giao lưu văn hoá - nghệ thuật.

Dân vũ

Về lĩnh vực âm nhạc và múa của người Chăm, hiện nay vẫn còn giữ và phát huy được nghệ thuật truyền thống xa xưa của dân tộc mình vì đây là cốt lõi của thuyết đa thần và vũ nữ của đạo Hin - đu. Đặc trưng của âm thanh, múa có vai trò quan trọng đối với các nghi lễ, hội hè mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng như: lễ hội Ka-tê, cầu đảo, chà-và lớn hay nhỏ, lễ hội múa đầu năm (Rija nưgăr)…

Tuỳ theo tính chất của các ngày lễ và hình thức sinh hoạt khác nhau mà người Chăm tổ chức cho phù hợp. Múa Chăm gồm các thể loại tiêu biểu như: múa dân gian (múa nữ) gọi là đoa pụ(nguyên gốc là múa quạt, múa khăn…) Múa nam có trống paranưng, chèo thuyền ( qua kè), bắn chim ( mưk chim), kiếm sống ( xarich)… Ngoài các điệu múa dân gian còn có múa phục vụ cho các nghi lễ: lễ soa, múa halang halâu, kek apui…, múa mừng bà lingưh (chỉ làm khăn đỏ), múa mừng Pô Balginà, múa roi ( huây), múa đạp lửa… Âm nhạc và múa của người Chăm luôn hoà quyện với nhau, được vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt bằng kỹ thuật nhịp nhàng điêu luyện với tính thẩm mỹ cao cùng nhạc cảm tinh tế trong từng động tác biểu diễn làm say mê lòng người.

Ngày nay âm nhạc và múa của người Chăm không còn chuyên biệt cho cộng đồng, cho nghi lễ mà đã nâng lên thành nghệ thuật sân khấu biểu diễn giao lưu với các dân tộc anh em trong cả nước.

Dệt thổ cẩm

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm ra đời rất sớm. Những ấn tích ngành dệt thổ cẩm xuất hiện trên các bức tượng Chăm, rõ nét nhất là hoa văn được chạm trên vương miện Pô Muk Taha ở đầu thế kỷ thứ XVII, đang được lưu giữ. “Biết dệt và dệt khéo là một đức tính của phụ nữ Chăm” – Ariya Muk Thruh Palei – bà tổ quê hương đã dạy như vậy nên từ bao đời nay, tất cả phụ nữ chăm đều biết dệt.

Tại Ninh Thuận nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ và phục hồi mạnh mẽ từ năm 1992 ở các làng Chăm: Phước Nhơn, Hữu Đức, Văn Lâm… Nghề dệt thổ cẩm giữ vai trò quyết định trong thu nhập kinh tế của nhiều hộ, nhất là người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Thổ cẩm Chăm ngày càng nổi tiếng, mang nét văn hoá đặc trưng của họ. Thổ cẩm không những phục vụ trang phục hàng ngày của người Chăm mà còn là hàng hoá để mua bán, trao đổi với các dân tộc anh em trong nước, hơn nữa, nó xuất hiện trên thế giới dưới góc độ giao lưu các giá trị văn hoá.

Nghề gốm

Nghề gốm của người Chăm đã có từ ngàn xưa, được lưu giữ và phát triển đến bây giờ. Tại làng Vĩnh Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nghề gốm rất được chú trọng. Nơi đây chỉ có phụ nữ mới trực tiếp chế tạo ra sản phẩm. Đàn ông tham gia hái củi, lấy đất, nhào đất, phụ giúp phụ nữ trong khâu nung sản phẩm. Độc đáo hơn, đây là địa phương duy nhất mà nghề làm đồ gốm truyền thống còn giữ nguyên bản sắc cổ điển. Những sản phẩm như: lu, chậu, hoả lò, khuôn đúc bánh căn, bánh xèo, bình nước… trăm nghìn cái như một, rất chính xác, tinh xảo được tạo ra từ đôi bàn tay, không có bàn tay như những vùng làm đồ gốm khác. Hầu hết phụ nữ tại địa phương này đều được gia đình truyền dạy làm đồ gốm, nhưng chỉ là nghề sản xuất phụ.

Ngày nay, nghề gốm Vĩnh Thuận được Nhà nước đầu tư bảo tồn và phát triển nên sản phẩm của Vĩnh Thuận đã đến hầu hết các địa phương trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm gốm không chỉ để sử dụng mà còn giữ phong cách văn hoá chạm khắc tinh tế của phụ nữ Chăm Vĩnh Thuận, góp phần làm phong phú nền văn hoá Chăm trong truyền thống văn hoá đa dân tộc Việt Nam .

Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số 77, 4/2005

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.
Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.