ĐẶC TRƯNG NHÂN CÁCH VÀ BẢN LĨNH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Có thể nói đối với Võ Nguyên Giáp từ môi trường sống, đến các yếu tố điều kiện để định hình Tính cách tốt đẹp và Nhân cách lớn khá thuận lợi ngay từ tuổi ấu thơ đến vị thành niên và thành niên để khi bước lên tuổi trưởng thành được sở hữu những hành trang cơ bản, đầy đủ, phong phú sẵn sàng tiếp nhận Đạo làm người tạo nền tảng xây dựng cho mình phẩm giá đạo đức trong sáng mà không phải ai muốn cũng được.
Nhân cách không tự nhiên có, mà là kết quả tác động của môi trường và điều kiện sống cùng với nhận thức và quá trình tu dưỡng rèn luyện của mỗi người. Vì thế ngoài những yếu tố chung nhân cách mang đặc trưng riêng từng cá nhân.
Với Võ Nguyên Giáp đặc trưng cơ bản như sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời ông, chi phối các yếu tố khác. Đó là:
Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao cả.
Đặc trưng này được hình thành từ tuổi ấu thơ kế thừa truyền thống gia đình, quê hương; được củng cố từ những năm học Trường Quốc học Huế; được bồi dưỡng, bổ sung và thử thách trong hoạt động qua các phong trào cách mạng bí mật, hoặc công khai kể cả khi bị bắt, bị tù đầy; được tích lũy và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại phống Pháp và chống Mỹ. Đặc trưng cơ bản này là động lực giúp ông trở thành thiên tài quân sự ngang tầm những danh tướng lỗi lạc trong lịch sử nhân loại. Đặc trưng cơ bản này tạo cho ông phương châm sống: " Dĩ cồng vi thượng ", đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc trên hết; giúp ông vượt qua mọi thăng trầm sóng gió ở đời góp phần làm nên nhân cách lớn Võ Nguyên Giáp. Đặc trưng cơ bản này đã đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp lên hàng vĩ nhân không chỉ được người Việt Nam mà cả thế giới ngưỡng mộ.
Đặc trưng cở bản thứ hai làm nên nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là:
Bản lĩnh vững vàng, trước mọi áp lực luôn bình tĩnh, tỉnh táo, kiên nhẫn xử lý sáng suốt, đúng đắn.
Bản lĩnh là khả năng chịu đựng, vượt qua, chiến thắng mọi áp lực đối với cả tinh thần, thể chất từ mọi phía, mọi lúc, mọi nơi, mọi cách bằng ý chí và tất cả khả năng linh hoạt sáng tạo của mình.
Cuộc đời Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua biết bao áp lực. Không chỉ phạm vi cá nhân, gia đình mà nhiều áp lực mang ý nghĩa quốc gia dân tộc.
Võ Nguyên Giáp kết duyên với Nguyễn Thị Quang Thái, một hiếu nữ xinh đẹp cùng lý tưởng cách mạng đã từng gắn bó sau suốt những năm tháng hoạt động ở Huế, lại cùng bị bắt, bị giam tại nhà tù Lao Bảo. Đó là người bạn đời lý tưởng. Ngày 4-1-1940 Quang Thái sinh con gái - bé Võ Hồng Anh. Hạnh phúc tràn ngập gia đình. Tháng tư năm ấy Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng cử sang Trung Quốc. Chuyến đi phải hoàn toàn bí mật. Chiều thứ sáu, ngày 3-5-1940 Võ Nguyên Giáp đội mũ, đeo kính đen để người quen không nhận ra cùng Quang Thái bồng bé Hồng Anh thong thả đi dạo trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên ). Võ Nguyên Giáp giữ vẻ bình thản, nhưng Quang Thái dù cố cũng không dấu nổi xúc động. Họ đã thống nhất dự định sau cuộc chia tay này Quang Thái sẽ tìm người tin cậy gửi bé Hồng Anh về Quảng Bình nhờ ông bà nội nuôi còn mình sẽ nhận nhiệm vụ mới hoạt động trong lòng địch. Với họ biết bao khó khăn nguy hiểm đang chờ đợi phía trước. Đến đầu phố, lợi dụng lúc đông người Võ Nguyên Giáp mất hút. Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được lệnh bí mật rời khỏi đất nước. Hơn Võ Nguyên Giáp sáu tuổi, là nhà báo, từng hoạt động ở Trung Quốc, theo học Trường Quân sự Hoàng Phố bị kết án sáu năm tù khổ sai, quen biết nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương khi cùng bị giam ở Côn Đảo, Phạm Văn Đồng được Võ Nguyên Giáp rất khâm phục và tin cậy. Nhiệm vụ của họ là sang Quảng Châu gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...
Sau cuộc chia tay, Quang Thái gửi được con về quê, rồi cùng chị gái là Nguyễn Thị Minh Khai rời Hà Nội. Bị mật thám theo sát truy lùng. Tháng 7-1940 Minh Khai bị bắt. Chúng tra tấn rất dã man nhưng không khuất phục được. Ngày 21-8-1941 bọn cai ngục bịt mắt chị đem bắn tại Hóc Môn gần Sài Gòn, khi ấy chị đang giữ chức Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Quang Thái trốn thoát, nhưng tháng 5-1942 cũng bị bắt. Chúng nhốt chị ở ngục Hỏa Lò (Hà Nội), tra tấn vô cùng dã man và chị đã anh dũng hy sinh tại đây.
Tin dữ ấy mãi đến tháng 4-1945 khi đã về nước, tham gia Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) Võ Nguyên Giáp mới được Trường Chinh thông báo cho biết. Nỗi đau quá lớn, quá đột ngột khiến ông bàng hoàng lặng đi hồi lâu. Rồi cố kìm nén để khỏi ảnh hưởng tới cuộc họp.
Những đêm sau đó ông không ngủ. Vĩnh viễn mất đi người vợ trẻ mà ông vô cùng yêu quý, thương con còn quá nhỏ đã phải chịu mồ côi, lo cha mẹ già yếu liệu có vượt qua được khó khăn này? Nỗi đau giằng xé làm tan nát trái tim, nhưng với bản lĩnh một chiến sỹ yêu nước đã xác định từ trước những tổn thất sẽ phải chịu nếu quyết tâm dấn thân làm cách mạng cứu nước, ông khắc sâu mối thù này thề sẽ trút lên đầu bọn giặc xâm lược. Ý chí kiên cường trong ông được hun đúc như sức nóng của ngọn núi lửa âm ỷ trong lòng đất.
Sau Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt ngày 6-3-1946, để chuẩn bị cho Hội nghị Phong-ten-blo (Fontainebleau) gặp gỡ giữa hai phái đoàn cấp Chính phủ Việt - Pháp tại Pari, Hội nghị trù bị Đà Lạt được họp từ 19-4 đến 11-5-1946. Phía Việt Nam do Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ liên hiệp kháng chiến làm trưởng đoàn và Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Đông Dương phó đoàn cùng hơn mười thành viên khác. Đoàn Pháp do Mac Andrê (Max Andre') dẫn đầu cũng khoảng hơn chục thành viên. Ngay từ đầu không khí đã căng thẳng. Đoàn Pháp rất ngạo mạn, đòi tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, không thừa nhận quyền ngoại giao độc lập của Việt Nam ý đồ lập lại chế độ thực dân ở Đông Dương. Đại diện phái đoàn Pháp lấy cớ bảo hộ dân thiểu số, thực chất họ muốn tách Tây Nguyên thành khu vực riêng thuộc Pháp. Võ Nguyên Giáp thẳng thắn vạch trần âm mưu ấy, kiên quyết giữ vững lập trương hòa bình độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, quan hệ với Pháp trên nguyên tắc bình đẳng không can thiệp nội bộ nhau. Ông nói: " Việc ấy thuộc nội trị của chúng tôi". "Đó là bổn phận của nước Pháp". "Chính phủ Việt Nam đã có chương trình và thi hành chương trình ấy"... Cuộc khẩu chiến càng gay gắt. Đoàn Việt Nam hết sức phẫn nộ khi nghe đại diện Pháp nói: "Các ông không có quyền được nói trong vấn đề này". Lập tức Võ Nguyên Giáp đứng dậy dõng dạc tuyên bố: "Nếu các ông cố tình phá hoại cuộc thương thuyết để tiếp tục chiến tranh xâm lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất buộc người Pháp các ông phải đền tội". Nói xong ông xách cặp bước ra khỏi phòng đóng cửa đánh "sầm!" trưóc con mắt sửng sốt của các thành viên cả hai phái đoàn.
Không phải đến lúc này, mà trước đó, ngày 26-8-1945 Võ Nguyên Giáp đã có cuộc gặp Sanh-tơ-ny ( Sainteny ) đại diện Chính phủ Pháp. Ông mặc bộ đồ trắng, cà-vạt sẫm rất lịch lãm đường hoàng và tự tin. Bằng vốn tiếng Pháp phong phú, hoàn hảo ông lập luận khúc triết thể hiện mạnh mẽ dứt khoát lập trường của Chính phủ Việt Nam, không khoan nhượng vô nguyên tắc. Lần đầu tiên Sanh-tơ-ny đối mặt với một người Việt Nam dũng cảm và giầu bản lĩnh như thế khiến thái độ ngạo mạn vốn có bị dội nước lạnh, ông ta lúng túng. Võ Nguyên Giáp thẳng thắn nói với viên tướng Pháp: " Các ông luôn miệng nói hòa bình, hợp tác vậy mà dưới con mắt người Việt Nam chúng tôi, việc làm của các ông không thể đánh giá khác hơn là hành động của kẻ xâm lược". Thật bất ngờ với Sanh-tơ-ny, ông ta phải cúi mặt xuống. Một nhà báo phương Tây chứng kiến việc này đã nhận xét Võ Nguyên Giáp giống như "Ngọn núi lửa phủ tuyết".
Bản lĩnh Võ Nguyên Giáp đã hạ uy thế kẻ xâm lược.
Lần đầu tiên ta tổ chức đánh một tập đoàn cứ điểm mạnh trên địa hình rừng núi là Điện Biên Phủ. Biết bao công việc đặt ra cho Võ Nguyên Giáp với tư cách vừa là Tư lệnh kiêm Chính ủy phải suy nghĩ, tính toán, lo toan: điều động quân đội, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng, thuốc men và các phương tiện chiến tranh... Đặc biệt phải suy nghĩ rất nhiều về chiến thuật, chiến lược. Không chỉ ở Điện Biên Phủ, là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lúc ông phải lo chỉ đạo các chiến trường khác: 1 giờ sáng ngày 10-2-1954 ông gửi "Mật điện" cho Nguyễn Chánh, Chính ủy Liên Khu 5 nhận định tình hình khi quân Pháp rút khỏi Kon Tum đề ra kế hoạch tác chiến mới rất cụ thể. Ngày 6-3-1954 ông gửi "Mật điện" cho Ban Cán sự mặt trận Hạ Lào phân tích và đề ra chủ trương mới. Cùng ngày mở màn tấn công Điện Biên Phủ 13-3-1954 Tổng Tư lệnh gửi điện động viên các chiến trường trên toàn quốc tăng cường chiến đấu phối hợp với Điện Biên Phủ. Ngày 19-4-1954 ông ký Chỉ thị về "Kế hoạnh chấn chỉnh, củng cố phát triển lực lượng vũ trang nhân dân"... Ông có tầm nhìn chiến lược sâu, rộng, cụ thể, sắc bén, khả năng tư duy và sức làm việc phi thường. Ông trao đổi công tác với các tham mưu ngay trên ô tô khi xe đang chạy; có đợt suốt hai tuần lễ liên tục chỉ đạo tác chiến, mỗi đêm ông chỉ chợp mắt vài giờ đồng hồ. Áp lực thời gian và công việc đòi hỏi phải có thần kinh thép mới chịu đựng nổi. Nhưng với bản lĩnh tuyệt vời đã được rèn luyện, ông có thể ngồi mấy phút là "nhập thiền", cần ngủ nửa giờ có thể làm được ngay nhờ thế trí tuệ luôn minh mẫn, khả năng tư duy vẫn rất sáng suốt.
Bản lĩnh tuyệt vời ấy đặc biệt thể hiện khi ông quyết định thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ từ "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Không có tầm nhìn chiến lược như ông nên nhiều tướng lĩnh và sĩ quan của ta không đồng tình, thậm chí phản đối. Cố vấn quân sự Trung Quốc băn khoăn do dự. Ông phải tìm mọi lý lẽ tuyết phục mềm giẻo nhưng kiên quyết. Với tư cách Tư lệnh kiêm Chính ủy được Bộ Chính trị và Bác Hồ giao toàn quyền quyết định ngoài mặt trận với yêu cầu: "Phải thắng!". Bởi thế ông giữ vững lập trường của mình: "Đánh là thắng. Chỉ đánh khi chắc thắng. Nếu không thắng thì không đánh". Điều đó đồng nghĩa với việc ông phải gánh chịu trách nhiệm vô cùng nặng nề trước quân đội, trước Đảng, trước Nhà nước, trước Bác Hồ, trước nhân dân và lịch sử. Đó là quyết định vô cùng dũng cảm đòi hỏi bản lĩnh lớn mà sau này như ông nói: "Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi" . Bằng trí tuệ và bản lĩnh ông đã thuyết phục được mọi người. Đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt đem lại thắng lợi vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ. Thượng tướng Lê Trọng Tấn có lần nói: "Nếu không có quyết định ấy của anh Văn thì lớp cán bộ chúng tôi sẽ không còn để có mặt trong cuộc chiến chống Mỹ".
Ở đời cứ mỗi khi có thêm chiến công thường sẽ có thêm kẻ thù. Người ta có thể tung hô ca tụng anh, nhưng thật ra trong lòng đã nảy sinh lòng ghen ghét và chỉ chờ thời cơ là "Trả thù những cái mình không có bằng sự phủ định" (Nhà văn Liep Tonxtoi).
Lịch sử đã có không ít bài học. Cùng chịu hoạn nạn chứ không chia vinh quang. Bắn được chim rồi chặt nỏ, săn được thỏ rồi đốt cung. Muốn thâu tóm độc tôn quyền lực phải diệt công thần. Biết trước điều ấy nên giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô Phù Sai rồi, Phạm Lãi từ quan, thay tên đổi họ sang nước Tề buôn bán lấy tiền giúp bạn bè và phù trợ người nghèo khó. Giúp Lưu Bang giành được thiên hạ rồi Tiêu Hà lui về ở ẩn nơi thôn dã. Nguyễn Trãi phò Lê Lợi lấy được giang sơn, về Côn Sơn viết sách làm thơ. Vậy mà mấy năm sau vẫn phải chịu nỗi oan ngút trời bằng thảm án Lệ Chi Viên bị chu di ba họ. Văn Chủng không nghe lời khuyên của Phạm Lãi tin Câu Tiễn không thể đem oán đền ơn mà chết thảm bởi chính Câu Tiễn. Hàn Tín giúp Lưu Bang lập bao chiến công lừng lẫy, vì cả tin mà bị Lữ Hậu thanh trừ...
Là giáo sư sử học, những việc như trên ông biết cả. Nhưng lịch sử luôn lấy sự thật làm chân lý. Đã là nhân vật lịch sử thì dù đứng đâu cũng là nhân vật lịch sử và ngược lại. Ai bắn vào lịch sử bằng súng lục thì lịch sử sẽ đáp trả bằng đại bác. "Luật nhân quả" của Đạo Phật luôn ứng nghiệm với tất cả mọi trường hợp. Thuyết "Vô vi" của Lão Tử: "Việc gì đến khắc đến. Việc gì không đến khắc không đến. Việc gì đi sẽ đi" và Đạo Giáo dạy bất kể trường hợp nào cũng phải ứng xử xứng đáng với nhân cách người quân tử. Hiểu được như thế sẽ có thêm bản lĩnh.
Sống ở đời bất kỳ ai cũng đều trải qua những sóng gió. Chỉ khác nhau ở chỗ cách nhìn nhận, đánh giá và xử lý thế nào. Điều này phụ thuộc ở sự hiểu biết, kết quả suy ngẫm và đẳng cấp nhân cách từng người.
Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có những thăng trầm. Ông là nhân vật lịch sử, những sóng gió thăng trầm ấy sẽ được lịch sử và hậu thế xem xét đánh giá chính xác. Bởi lịch sử và lòng dân rất công tâm. Tìm hiểu và suy ngẫm về ông chúng ta biết rằng các triết lý nhân sinh được tiếp thụ từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, cùng với những thử thách khắc nghiệt qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt cho nên dù phải nhận cả sự xúc phạm vô đạo nhưng ông vẫn vượt qua tất cả bằng bản lĩnh vững vàng và nhân cách cao thượng của mình. Không bàng quan, cũng không bận tâm nhiều tới những gì mà mình phải oan khuất gánh chịu.
Năm 1984, kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ ông bị lãng quên khiến dư luận xôn xao bất bình. Nhưng ông vẫn thản nhiên. Mái tóc bạc phơ, gọn ghẽ trong bộ quân phục nhân dân cấp, cầu vai lấp lánh hàm Đại tướng Bác Hồ phong ông lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa trong vòng tay và sự chào đón nồng nhiệt, đầy xúc động của đồng bào các dân tộc dành cho ông như người ruột thịt. Ông đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương nghiêng mình tưởng niệm những người lính, đồng đội đã cùng ông chiến đấu ngoan cường và dũng cảm hy sinh để làm nên chiến thắng " lừng lẫy địa cầu ". Ông không quên nhân dân. Nhân dân không quên ông. Ông không quên đồng đội. Đồng đội không quên ông. Ông không quên lịch sử. Lịch sử không quên ông. Thế là đủ. Cũng như trước đây điều ông quan tâm là mục đích và kết quả của sự nghiệp cách mạng chứ không phải công trạng.
Tư chất ấy chỉ có ở những nhân cách lớn, bản lĩnh lớn.
Trong cuộc hội nghị quan trọng người ta công bố một tài liệu chưa được kiểm chứng. Theo đó ông bị gieo nỗi oan lớn, khiến những người đồng chí chân chính thận cận rất hiểu về ông khảng khái phản ứng, phủ nhận. (sau đó cơ quân chức năng điều tra kết luận vụ việc không có thật). Ông vẫn thản nhiên. Buổi trưa về nhà nghỉ, ông hỏi đồng chí thư ký của mình: "Cậu nhớ có ai tên là N.C ở Nam Bộ ra đến đây gặp mình không?". Đồng chí thư ký nhắc lại việc người có tên N.C ấy cùng một số cựu chiến binh đến thăm chào xã giao mấy chục phút rồi đi. Nghe rồi ông gật đầu, ăn cơm xong ông vào nghỉ. Đồng chí thư ký có phong thanh biết chuyên nên không khỏi lo lắng. Cận giờ họp buổi chiều vẫn thấy ông ngáy khò khò anh liền nói: "Việc đến nước này mà Thủ trưởng vẫn ngủ được à?". Ông cười: "Cây ngay không sợ chết đứng". Thế thôi. Ông chẳng cần thanh minh, tranh luận gì với ai, vẫn giữ thái độ hòa nhã, cư xử thân ái, đàng hoàng kể cả với những người thiếu thiện chí. Làm được như thế phải chăng ông hiểu sâu sắc triết lý của "Nhẫn" trong giáo lý Phật pháp. "Nhẫn" là sự bền bỉ không nản lòng trước khó khăn nguy hiểm, là sự kìm nén tâm trạng trước mọi áp lực để thực hiện mục đích, đặc biệt mục đích cao cả. Trong cuộc sống hai phương pháp tu tập của Phật Giáo là "Nhẫn" và "Thiền" đã giúp ông không ngừng bổ sung, hoàn thiện và bảo vệ nhân cách của mình. Mặt khác chính sự thử thách khắc nghiệt, phải chịu nhiều áp lực lớn nhân cách càng vững vàng. Đó cũng là hai yếu tố trong đặc trưng nhân cách Đại tướng. Hiểu ông, cảm phục, kính trọng ông giáo sư Trần Văn Hà đã tặng ông mấy câu thơ của Trần Lệ Nhân tác giả sách "Cổ học tinh hoa":
"Có khi "Nhẫn" để yêu thương
Có khi "Nhẫn" để liệu đường lo toan
Có khi "Nhẫn" để vẹn toàn
Có khi "Nhẫn" để tránh tàn hại nhau".
Mục đích cao cả trong sự "Nhẫn" của ông là lợi ích Quốc gia. Nước muốn thịnh, dân muốn an thì mọi người nhất là những rường cột của xã tắc phải biết giữ hòa khí, phải đoàn kết, gắn bó, phải coi "Dĩ công vi thượng" làm nguyên tắc xử thế. Trong cuộc sống ý kiến khác nhau, thậm chí trái nhau là chuyện bình thường, nhưng không nên đẩy sự khác nhau ấy thành bất hòa, không đẩy bất hòa thành bất đồng, không đẩy bất đồng thành mâu thuẫn và không đẩy mâu thuẫn thành xung đột. Trong phép tề gia trị quốc mất đoàn kết nội bộ là điều tối kỵ, sức tàn phá gấp nhiều lần hiểm nguy từ bên ngoài. Tư tưởng này trong sách "Binh thư yếu lược" Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã viết: "Hòa mục có công hiệu rất lớn cho việc trị an... Vua tôi hòa mục thì dùng được người tài, các tướng văn, tướng võ hòa mục thì làm nên công nghiệp. Tướng sĩ hòa mục thì khi được ban thưởng sẽ nhường nhịn nhau, nguy nan sẽ cứu nhau. Đó, hòa mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh không bao giờ đổi được". Trước họa quân Nguyên xâm lược, vua nhà Trần mở Hội nghị Bình Than bàn kế chống giặc. Họp xong Trần Hưng Đạo mời Trần Quang Khải sang thuyền mình. Hai anh em cùng tắm nước lá thơm, kỳ cọ cho nhau với hàm ý rửa sạch thù riêng lo việc Quốc gia đại sự. Hơn ai hết Võ Nguyên Giáp thấm nhuần truyền thống đạo lý tốt đẹp ấy. Ông "Nhẫn" để giữ đoàn kết chính là "Dĩ công vi thượng". Mục đích cao cả là thế.
Tư chất ấy chỉ có ở nhân cách lớn, bản lĩnh lớn.
Có thời kỳ ông được rút bớt và ít giao nhiệm vụ, hoặc giao công việc không hợp với tài năng của ông. Nhiều người bất bình thay, ông vẫn thản nhiên, thư thái, " Thiền " nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Im lặng và cười. Ở đời có hai thứ vũ khí tự vệ rất hữu hiệu là im lặng và cười. Im lặng là cách tránh những điều rắc rối và cười là cách để giải quyết những việc phức tạp. Ông tận dụng thời gian, trí tuệ và sức lực để tập hợp hồi ký, tổng kết chiến tranh giống như ngày xưa Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương xa lánh chính trường về nghỉ ngơi ở Kiếp Bạc nghiền ngẫm viết " Binh thư yếu lược ". Cuộc đời Võ Nguyên Giáp xuyên suốt hơn thế kỷ, luôn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Bởi thế " Tổng tập hồi ký " của ông: " Từ nhân dân mà ra ", " Những năm tháng không thể nào quên ", " Chiến đấu trong vòng vây ", " Đường tới Điện Biên Phủ ", " Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử ", " Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng " cùng với các tập hồi ký " Cứu quốc quân " của Chu Văn Tấn, " Du kích Ba Tơ " của Phạm Kiệt, " Những năm tháng quyết định " của Hoàng Văn Thái...là những bộ biên niên sử vô giá xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành toàn thắng thu non sông về một mối thống nhất đưa cách mạng Việt Nam lên đỉnh điểm chói lọi vinh quang. Là người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ông đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo toàn diện cuộc cách mạng vũ trang từ xây dựng lực lượng lên chính quy hiện đại, từ chiến thuật chiến lược, lại trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên Giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) trong chống Pháp. "Điện Biên Phủ trên không" (1972), các chiến dịch lớn ở miến Nam trong đó có " Chiến dịch Hồ Chí Minh " (1975) trong chống Mỹ. Những vấn đề thuộc đường lối lãnh đạo kháng chiến, những vấn đề thuộc chỉ đạo chiến tranh, tổ chức các lực lượng vũ trang nhân dân từ "Du kích vận động chiến" đến "Ba giai đoạn chiến lược", về đường lối và phương thức thực hiện cuộc "Chiến tranh nhân dân"... Trong tác phẩm "Tổng tập luận văn" Đại tướng đã phân tích sâu sắc những chủ trương chiến lược của ta và của địch, làm sáng tỏ tư tưởng cách mạng tiến công và nghệ thuật quân sự trong mọi tình huống, đồng thời cũng phê phán những tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong quá trình chiến đấu. Đại tướng cũng phân tích nghệ thuật tạo thời cơ, tận dụng những yếu điểm của đối phương để thực hiện lấy yếu thắng mạnh, thô sơ thắng hiện đại, kinh nghiệm tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm chiến lược. Đặc biệt Đại tướng phân tích đường lối sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ trong lý luận chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân...Ngoài ra ông còn làm chủ biên cuốn: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" rất quý về nhiều lĩnh vưc. Có thể nói tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những công trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn vô cùng giá trị đã đưa tên tuổi ông lên hàng những danh tướng thiên tài cả khoa học quân sự cả tổ chức và chỉ huy tác chiến. Đó là sản phẩm từ bộ óc kiệt suất mà không phải ai muốn cũng có được.
Tư chất ấy chỉ ở nhân cách lớn, bản lĩnh lớn và trí tuệ lớn.
Nhà văn Hữu Mai, người được Đại tướng tin tưởng giao chắp bút thể hiện những ký ức và ý tưởng của mình thành sách. Một hôm qua thư ký của Đại tướng nhà văn nhận được điện mời đến gặp ông sớm hơn lịch hẹn. Ông nói: "Vừa rồi Quân y viện 108 phát hiện hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô họ bảo cần sang ngay. Ở vị trí này thường là rất nhanh. Nếu qua Liên Xô kiểm tra đúng là có chuyện, tôi sẽ bàn với anh phải làm gấp một số việc". Ý Đại tướng muốn để nhà văn Hữu Mai hiểu rằng nếu đó đúng là triệu chứng căn bệnh hiểm nghèo thì kế hoạch làm việc sẽ phải đẩy nhanh hơn, cường độ làm việc sắp tới sẽ cao hơn kẻo không kịp. Ông sẵn sàng tiếp nhận tin dữ một cách bình thản bằng sự thấm nhuần triết lý Lão Tử: "Việc gì đến khắc đến. Việc gì chưa đến khắc chưa đến" như thế.
Điều ấy thường chỉ có ở những bản lĩnh lớn.
Trong cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập dân tộc sự cống hiến của nhân dân ta rất to lớn. Nhiều bà mẹ hy sinh đến người con, người cháu cuối cùng, nhiều người vợ trở thành "Hòn vọng phu" suốt cuộc đời, nhiều đứa trẻ mồ côi cha ngay từ khi còn trong bụng mẹ, nhiều chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hoặc chèn lưng cứu pháo, nhiều điệp viên hoạt động trong lòng địch thường xuyên đối diện hiểm nguy cung cấp những tin có giá trị quyết định thắng lợi cả chiến dịch mà không được để ai biết, sẵn sàng hy sinh trong thầm lặng, nhiều tướng lĩnh dạn dày trận mạc chỉ huy trăm trận trăm thắng, nhiều nhà lãnh đạo hoạch định chiến lược đúng đắn, nhiều nhà ngoại giao đấu trí căng thẳng với đối phương trên bàn đàm phán giành ưu thế thắng lợi... Thật khó có chuẩn mực so sánh công trạng nào lớn hay nhỏ. Bởi những đóng góp ấy giống như những bộ phận hoặc đinh ốc trong cỗ máy chiến tranh không thể thiếu, mỗi thứ đều có vai trò tạo ra thắng lợi. Vì vậy những chiến công ấy đều mang ý nghĩa tập thể.
Riêng nhân cách là thuộc về một người.
Trong cuộc chiến vĩ đại giải phóng dân tộc công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng to lớn. Song cống hiến đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, đó là những đặc trưng và bản lĩnh về nhân cách của ông:
Trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Nhân dân. Sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Khiêm tốn, giản dị theo cốt cách các bậc hiền triết phương Đông hòa mình với thiên nhiên và cộng đồng được lòng dân kính trọng. Lấy "Dĩ công vi thượng" làm phương châm sống, những việc khác ít làm ông bận tâm. Nhờ thế mà bản lĩnh vững vàng, trước mọi áp lực luôn bình tĩnh, kiên nhẫn, xử lý sáng suốt, đúng đắn.
Nhân cách của Đại tướng là sự đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc và mãi mãi trường tồn. Tìm hiểu về ông, suy ngẫm về ông chắc chắn chúng ta sẽ học được không ít những triết lý nhân sinh sâu sắc từ ông.