Đa phương tiện là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại
Đa phương tiện - cụm từ này hiện nay không còn xa lạ trong giới báo chí truyền thông, nhất là trong kỷ nguyên hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0. Đa phương tiện là truyền thông tin, làm báo bằng nhiều phương tiện, như viết, nghe, nhìn, truyền tin trực tuyến (real time) đem lại sự sống động cũng như thông tin trung thực nhất.
Đối với việc phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám định xã hội – một chức năng quan trong của báo chí thuộc Liên hiệp hội, việc áp dụng tổ chức tòa soạn đa phương tiện sẽ nâng hiệu quả của công tác này gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, đa phương tiện không phải chỉ là một tòa soạn có đủ các hình thức báo chí: báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình… mà để đạt được một tòa soạn đa phương tiện, người lãnh đạo phải tổ chức, quản lý được hệ đa phương tiện đó, phóng viên cũng trang bị cho mình các kiến thức về đa phương tiện. Đa phương tiện phải trên cả 3 mặt: Không gian đa phương tiện; Phóng viên đa phương tiện; Quản lý đa phương tiện.
PGS.TS Phạm Quang Thao – PCT LHHVN phát biểu chỉ đạo tại hội thảo Vai trò của báo chí LHHVN trước sự phát triển của không gian mạng – do LHHVN tổ chức ngày 27/10/2021
Không gian đa phương tiện
Sự phát triển của truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ ở phương Tây từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là sự phát triển mạng internet, những thay đổi về thói quen thu nhập thông tin, sự phát triển của độc giả trẻ tuổi…, đã đặt nhiều tòa soạn trước những lựa chọn “sinh tử”. Đó là phải đổi mới để tồn tại. Những tòa soạn đa phương tiện bắt đầu hình thành với những thay đổi căn bản. Lối làm báo truyền thông đã được thay thế bằng một lối hoạt động linh hoạt, năng động, dựa trên hiệu quả công việc là chính. Bởi thế, không gian làm việc cũng được nhiều tòa soạn đặt ra như một cách để nâng hiệu suất công việc.
Không gian mở là điều thật tuyệt vời đối với một phóng viên chuyên nghiệp. Ở đó họ thấy mình có thể tiếp cận lãnh đạo và có một không gian làm việc cởi mở. Sự phân cấp cũng giản dị, tiến độ công việc được đẩy nhanh bởi không gian mở giúp mọi người đưa ra câu hỏi và nảy sinh ý tưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, cần khắc phục tình trạng ồn ào và phóng viên bị phân tán.
Nhiều tòa soạn đã mở rộng mặt sàn, rất ít sự chia cắt về không gian làm việc. Hầu hết lãnh đạo và nhân viên đều ngồi trong không gian mở này. Không gian mở giúp mọi người giao lưu với nhau nhiều hơn và tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận cởi mở. Phóng viên, biên tập viên, họa sĩ thiết kế có thể trao đổi ý tưởng trong quá trình phát triển bài viết thay vì khi mọi sự đã rồi. Phòng làm việc của Tổng Biên tập có thể được sắp xếp riêng nhưng vẫn có những liên kết với không gian mở này như cùng tầng, cửa kính…
Nhà báo đa phương tiện
Phóng viên đa phương tiện phải biết làm việc theo nhóm. Làm việc theo nhóm là phải biết lên kế hoạch cụ thể cho từng sản phẩm của mình. Đối với các bài viết “đinh” của trang báo, tờ báo, ekip phóng viên cần họp để lên kế hoạch. Điều này nhằm bảo đảm bài viết vào đúng trọng tâm, được trình bày trên trang báo hiệu quả, hấp dẫn và trả lời được các câu hỏi của độc giả. Người trưởng nhóm sẽ tập trung các phóng viên viết, biên tập, phóng viên ảnh, người làm đồ họa, có thể cả họa sĩ thiết kế, họp trong khoảng 10-15 phút.
Đối với báo điện tử, phóng viên luôn ý thức về những đặc thù khác biệt từ sự nghiên cứu độc giả. Roy Peter Clark, cây bút chuyên viết cho Viện Poynter, một website nghiên cứu danh tiếng về báo chí, từng tuyên bố rằng: "Viết cái gì thì viết nhưng phải dưới 800 chữ".
Điều đó tưởng như phi lý bởi việc giới hạn số lượng từ ngữ thường chỉ đặt ra trên báo in, song thực tế, báo điện tử dù không giới hạn về số lượng từ ngữ lại đặt ra yêu cầu tối quan trọng này. Bởi, trên internet giờ đây có hàng ngàn, hàng triệu thông tin hấp dẫn chỉ với một cú click chuột, nếu không “tung” ra được các từ, các câu, các đoạn bắt mắt, bắt tay, tờ báo dễ dàng mất độc giả. Ngắn là điều quan trong để độc giả lưu lại bài báo của mình.
Bên cạnh những tiện ích hấp dẫn và cách thức sử dụng tiện lợi, một website chỉ thu hút người đọc khi có nhiều thông tin. Nhưng điều oái oăm là chúng ta thì muốn viết dài, kể cho chi tiết, nhưng người đọc lại muốn đọc những bài ngắn.
Có thể có người lập luận rằng bài dài thì cắt trang. Cách làm này không sai, vấn đề chỉ nằm ở chỗ người đọc có lật trang hay không mà thôi. Vậy nên ta chẳng cần tham chi tiết làm gì, bởi nhiều khi cho vào cũng... công cốc.
Một cơ quan báo chí đa phương tiện chuyên nghiệp lôi kéo độc giả đến với mình cần có những tin mới, nóng. Điều đó chưa đủ. Tầm của một tờ báo còn ở những bài viết thể hiện chính kiến của mình – đảm bảo vị trí “cơ quan ngôn luận”. Chính bởi thế, phóng viên viết chuyên luận cũng cần chuyên nghiệp theo sự phát triển của cơ quan báo chí.
Một phóng viên bình luận giỏi phải luôn đi sát tin tức thời sự, đó chính là khởi nguồn cho những sáng tạo của họ, khi họ mổ xẻ vấn đề ở mọi góc độ. Không chỉ đưa tin, một tờ báo thu hút được độc giả còn bởi các bài phân tích, đưa ý kiến công chúng, tranh luận, bình luận…
Dần dần, báo chí đa phương tiện với những đòi hỏi về tính nhanh nhạy, độc đáo, sự lôi cuốn của hình ảnh… đã hình thành nên một lớp phóng viên di động. Phóng viên di động là một thuật ngữ phổ biến chỉ những người thu thập tin tức, các bài viết của mình với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật như máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay video xách tay cùng với kết nối không dây. Họ trở thành “đội đa phương tiện – một người”.
Thông thường, phóng viên di động không ngồi tại tòa soạn. “Văn phòng” của họ là xe otô, xe máy, xe bus hoặc đường phố. Họ liên tục di chuyển, có mặt tại hiện trường ngay tức khắc và đưa tin cực kỳ chi tiết, sống động. Điều quan trọng là các thông tin phải luôn được cập nhật một cách thường xuyên (đặc biệt trên báo mạng) để độc giả phải quay lại liên tục để đọc. Phóng viên di động cũng có trách nhiệm thông tin đó tới địa phương. Như vậy, phóng viên di động giống như một người liên lạc giữa cộng đồng và tòa soạn.
Với cách làm việc nhóm, bộ phận thư ký tòa soạn luôn phải theo sát đội ngũ tác nghiệp. Một thư ký tòa soạn giỏi là một người biết lắng nghe, được huấn luyện, quyết đoán và nhiều tham vọng. Một thư ký tòa soạn giỏi phải luôn hỏi ý kiến phóng viên cũng như biết sắp xếp các cuộc họp và thảo luận nhanh, biết dành thời gian trò chuyện với nhân viên của họ. Phải gạt bỏ cái tôi sang một bên.
Là người theo dõi hàng ngày đối với tờ báo, đưa ra quyết định vào những thời khắc cuối cùng trước hạn ra báo, thư ký tòa soạn liên tục có các thảo luận và sau khi báo ra, tiếp tục thảo luận một cách dân chủ để phát huy những điểm tốt và thừa nhận những sai sót của mình và đồng sự để làm tốt hơn ở lần sau. Biết cách kéo mọi người cùng tham gia là bí quyết của một thư ký tòa soạn giỏi.
TS Nguyễn Văn Cảm – PTBT Tạp chí KHKT Thú y phát biểu chỉ đạo tại hội thảo Vai trò của báo chí LHHVN trước sự phát triển của không gian mạng – do LHHVN tổ chức ngày 27/10/2021
Quản lý đa phương tiện
Theo báo chí phương tây, báo chí hiện đại bắn một mũi tên nhằm 3 cái đích: nhanh nhất, đông nhất, lãi nhất. Tâm lý chung của các nhà báo chuyên nghiệp ở đó là ai cũng muốn có tin sốt dẻo, mong muốn bắt được vụ “độc”, hơn người.
Những quyết định chiến lược của tờ báo nằm ở Tổng Biên tập. Người giữ chức danh này cũng phải đổi mới theo hướng đa phương tiện. Ngoài việc hiểu rõ đặc trưng từng loại hình báo chí, Tổng Biên tập đa phương tiện cần hiểu rõ độc giả của mình. Họ cho rằng độc giả đã trao cho họ một sứ mệnh trở thành tai, mắt và trả tiền cho tòa soạn để làm việc đó. Vì vậy, họ phải cố gắng ở mức tối đa.
Tổng Biên tập luôn đứng trước những lựa chọn, có thể không có lợi nhất cho tòa soạn nhưng phải có lợi cho dư luận, cho độc giả. Một Tổng Biên tập từng nói, “là người chịu trách nhiệm xuất bản, xét cho cùng là một công việc đơn độc. Một số điểm, chúng tôi có thể thảo luận với phóng viên, với các lãnh đạo khác. Nhưng quyết định cuối cùng có đăng hay không chỉ có tôi”. Chính bởi chịu một áp lực nặng nề như vậy nên lắng nghe độc giả là điều cần thiết của một Tổng Biên tập chuyên nghiệp. Báo nào cũng mong muốn có được những tin độc, tin bản quyền, những bức ảnh có một không hai. Điều đó vừa mang lại lợi thế cạnh tranh, vừa chứng minh sức mạnh và độ chuyên nghiệp của tờ báo. Tuy nhiên, nhiều tòa soạn phải bỏ đi những tin tức như thế khi tin đó xâm phạm đời tư, có thể dấy lên làn sóng dư luận… Quyết định bỏ hay đăng là sự lựa chọn “ngàn cân treo sợi tóc” của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Ngoài việc quyết định đăng tải tin tức, Tổng Biên tập cũng như đội ngũ lãnh đạo tòa soạn phải tạo ra những nguyên tắc, “thủ thuật” nhằm đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, hình thành một lối làm việc theo hướng đa phương tiện cho nhân viên của mình.
Người đứng đầu một công ty, một tờ báo, một tổ chức xã hội nhiều khi quên mất vai trò của mình. Họ cứ tưởng phải lăn xả vào từng ngóc ngách của công việc, bày cho người này việc này, nhân tiện sắp xếp một công việc khác thay cho phụ trách một phòng ban chức năng đang lúng túng... nghĩa là họ năng động. Tuy nhiên điều đó không đúng vai trò của họ.
Nếu một nhà lãnh đạo bị "ngập lụt" trong công việc quản lý hàng ngày thì anh ta không thể chỉ đạo tốt ở tầm vĩ mô với một định hướng lâu dài. Nhiều thứ công việc quản lý lặt vặt cứ lôi một nhà lãnh đạo từ vấn đề này sang vấn đề khác, thế là một giờ trôi qua, một ngày trôi qua, thậm chí chỉ thoáng một chút đã qua một tháng, một năm mà những kế hoạch lớn cứ bị đình trệ. Vậy mới có câu nói: nhà lãnh đạo giỏi là người giỏi về sử dụng con người chứ không hẳn phải là một cá nhân kiệt xuất trong mọi lĩnh vực. Tất nhiên, một người kiệt xuất có thể là một nhà lãnh đạo tài ba, song xung quanh chúng ta không có nhiều người như thế.
PTBT Nguyễn Hữu Đức – PTBT Tạp chí Hóa học phát biểu chỉ đạo tại hội thảo Vai trò của báo chí LHHVN trước sự phát triển của không gian mạng – do LHHVN tổ chức ngày 27/10/2021
Làm báo trên mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở thành một kênh truyền thông thu hút đông độc giả nhất hiện nay. Với lợi thế này, các tờ báo thuộc Liên hiệp hội có thể sử dụng mạng xã hội để phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám sát xã hội một cách hiệu quả.
Về tư vấn, phổ biến kiến thức, mạng xã hội có sự kết nối mạnh mẽ, với mọi tầng lớp trong xã hội. Thực tế, rất nhiều độc giả mạng xã hội hỏi ý kiến cộng đồng mạng về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Mạng xã hội đem đến câu trả lời cho họ từ tập hợp ý kiến của mọi người, dựa trên kinh nghiệm bản thân. Điều này đem lại sự phong phú song lại không có kiểm chứng rõ ràng. Báo chí Liên hiệp hội có thể đem đến các tư vấn, phổ biến kiến thức dựa trên cơ sở khoa học. Nếu làm tốt, các tòa soạn hoàn toàn có thể có cho mình lượng độc giả lớn.
Về phản biện, giám sát xã hội: Từ khi có mạng xã hội, mỗi người dân đều trở thành một “phóng viên” truyền tin đến mọi người. Thực tế, mạng xã hội đã trở thành một kênh tiếp nhận thông tin phản biện, giám sát xã hội. Từ các ý kiến này, báo chí Liên hiệp hội có thể đi sâu hơn tìm hiểu để có được các ý kiến phản biện tốt nhất lại có cơ sở thực tiễn.
Tuy nhiên, mặt trái của “đa phương tiện” là nếu không quản lý tốt, sản phẩm của cơ quan báo chí sẽ bị hỗn tạp. Nhà báo đa phương tiện nếu không sử dụng thành thạo các công cụ của mình dễ bị kéo theo bởi “cộng đồng mạng” vốn không được kiểm chứng.
Đa phương tiện là xu thế tất yếu, là cơ hội để các cơ quan báo chí hướng tới tòa soạn hội nhập, là cơ hội để phóng viên nâng tay nghề của mình./.
L.H