Cuốn từ điển kỳ lạ tại APICTA
Từ điển ký hiệu giao tiếp của người khiếm thính được viết dựa trên ứng dụng công nghệ lập trình Dot Net để tạo ra một từ điển điện tử với 3.900 mẫu minh họa cho 2.000 từ thông dụng, cho phép người dùng có thể tự học ký hiệu giao tiếp.
Học sinh khiếm thính có thể dùng máy vi tính để tự luyện tập môn học ký hiệu ngoài những giờ học với giáo viên tại lớp. Các giáo viên dạy trẻ khiếm thính và sinh viên ngành giáo dục đặc biệt cũng dùng đến nó để trau dồi kỹ năng về ký hiệu giao tiếp với học sinh của mình, tăng hiệu quả giảng dạy.
Đồng thời, những người có thân nhân bị khiếm thính cũng có thể học ký hiệu từ bộ từ điển này để giao tiếp. Chị Lê Nguyệt Trinh - người trình bày đề tài trước Hội đồng giám khảo cuộc thi Công nghệ thông tin - truyền thông châu Á - Thái Bình Dương - kể lại: "Có rất nhiều đề tài hay của các nước dự thi, nhưng đề tài của mình được họ "chấm" ý tưởng. Đặc điểm của phần mềm này là dữ liệu mở, cho phép người dùng có thể tự cập nhật từ điển theo ngôn ngữ riêng của mình. Do đó, từ điển này không chỉ áp dụng cho Việt Nam mà còn cho bất kỳ nước nào có nhu cầu xây dựng một từ điển dành cho người khiếm thính. Một đặc điểm nữa là từ điển này đã và đang được phân phát miễn phí cho các trường và phụ huynh có nhu cầu".
APICTA là giải thưởng thường niên nhằm xem xét chất lượng và kết quả sản phẩm CNTT ở khu vực và quốc tế. Các thành viên tham dự APICTA 2005 gồm: Việt Nam, Singapore, Pakistan, Sri Lanka, Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Ma Cao, Malaysia, Úc, Brunei với nhiều sản phẩm dự thi có giá trị. |
Cô Cao Thị Xuân Mỹ - chủ nhiệm đề tài - cho biết: Lâu nay, việc tiếp xúc với những người khiếm thính rất khó khăn vì chưa có một ngôn ngữ nào thống nhất. Hầu như chưa có cá nhân, tập thể nào xây dựng được hệ thống ngôn ngữ giúp thu ngắn khoảng cách giao tiếp giữa người khiếm thính với xã hội. Để hiểu được người khiếm thính, các giáo viên phải mất vài năm tiếp xúc, tìm hiểu thậm chí "cùng ăn cùng ở" với họ.
Với mục đích giúp cho sinh viên khiếm thính có kiến thức nền tảng về ngôn ngữ, khoa đã làm đề tài nghiên cứu cách giao tiếp của người khiếm thính. Đây là một vấn đề khá gai góc bởi từ trước đến nay chưa có quyển từ điển nào kỳ lạ thế này. Để hoàn thành từ điển đặc biệt này, các thầy cô khoa Giáo dục đặc biệt (ĐH Sư phạm TP.HCM) đã phải lặn lội từ Bắc vào Nam, lên tận Tây Nguyên để tìm "diễn viên", quay phim thu thập và ghi nhận những động tác rất riêng của người khiếm thính.
Ở mỗi vùng, miền, người khiếm thính thể hiện ngôn ngữ không giống nhau. Chính vì thế, nhiệm vụ của những thầy cô tham gia đề tài này phải sắp xếp tư liệu, hình ảnh thu thập được lại thành từng nhóm rồi diễn giải ra bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Công việc thật bề bộn nhưng với lòng đam mê, tập thể khoa đã hoàn thành dự án trong vòng một năm. Thành công này không những đem lại "tiếng thơm" cho trường mà còn cho người khiếm thính có công cụ để hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: tuoitre.com.vn 27/3/2006