Công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
Đây là những công trình mang tầm quốc gia và quốc tế và là kết quả của hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học ở nước ta trong suốt một quá trình lâu dài từ đầu thế kỷ tới nay. Cụm công trình được thực hiện với sự tham gia, đóng góp của nhiều thế hệ các nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, các trường Đại học trong và ngoài nước. Sơ bộ đã có tới 57 chuyên gia động vật học, 40 chuyên gia thực vật học trong nước tham gia soạn thảo Động vật chí (ĐVC), Thực vật chí (TVC) và trên 70 nhà khoa học tham gia soạn thảo Sách đỏ Việt Nam.
Động vật chí và Thực vật chí Việt Nam
ĐVC, TVC Việt Nam có thể coi là sản phẩm kết quả tổng kết một giai đoạn rất cơ bản của công cuộc kiểm kê, đánh giá tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học ở nước ta. Lần đầu tiên, ta có được một tài liệu tổng hợp rất cơ bản, mang tính chất chính thống, tin cậy về tiềm năng tài nguyên sinh vật, mức độ phong phú của sinh vật nước ta để sử dụng sinh vật, đáp ứng kịp thời công cuộc phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới. Các tài liệu này cũng cho ta lần đầu tiên có được một sự hiểu biết tổng thể tương đối toàn diện, chuẩn xác về các nhóm động vật, thực vật quan trọng trên đất liền và ở biển, thay vì những tài liệu riêng lẻ chưa đủ tin cậy được công bố tản mát từ trước tới nay. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu sau cùng phải đạt được của nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên sinh vật thiên nhiên của mỗi quốc gia. Cho đến nay đã có 36 tập về các nhóm động vật và thực vật được công bố. Tổng khối lượng trang in các bộ ĐVC, TVC Việt Nam là trên 10000 trang in.
Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam
Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam có thể coi là tài liệu đầu tiên được công bố ở nước ta về hiện trạng của đa dạng sinh học thiên nhiên của đất nước; đánh giá được đúng mức độ đe dọa của từng loài của những quần thể biến động qua một giai đoạn vừa qua dưới tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Đây là cơ sở khoa học tin cậy phần nào mang tinh chất pháp lý, cho việc xử lý các vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái môi trường và bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, ngăn chặn xu thế suy thoái đang diễn ra của đa dạng sinh học nước ta. Tài liệu khoa học này cũng được sử dụng vào việc soạn thảo các quy định của Chính phủ về bảo vệ tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học và sinh thái môi trường của đất nước. Hiện nay trong khu vực Châu Á, mới chỉ có 3 nước đã soạn thảo và xuất bản được Danh lục đỏ và Sách đỏ hoàn chỉnh về Động vật, Thực vật của nước mình, đó là: Việt Nam (1992-2007); Trung Quốc (1992-1999); Singapore (1994). Các nước khác chỉ mới xuất bản được một phần Động vật (Philippin, Nepal) hoặc mới chỉ xuất bản được Danh lục đỏ chưa hoàn chỉnh (Bangladesh, Indonesia, Srilanka), hoặc chỉ mới có các tài liệu sơ khảo (Lào, Campuchia, Pakistan). Như vậy, với việc soạn thảo và xuất bản các bộ Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam, nước ta có thể coi là một trong những nước có thành tựu đi trước so với các nước trong khu vực về lĩnh vực kiểm kê đánh giá tài nguyên sinh vật, bảo tồn đa dạng sinh học.
Danh lục Đỏ Việt Nam công bố danh lục các loài sinh vật trong thiên nhiên nước ta hiện nay đang được coi là bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức dộ khác nhau. Với mỗi loài đều có thông tin vắn tắt, tên khoa học chính xác, tên Việt nam, phân bố và nhất là thứ hạng mức độ bị đe dọa theo các tiêu chuẩn quốc tế của IUCN ban hành và được các quốc gia chấp nhận sử dụng. Danh lục đỏ phần động vật gồm 418 loài động vật thuộc các nhóm: thú, chim, bò sát lưỡng cư, cá nước ngọt và biển, động vật không xương sống nước ngọt và biển (giáp xác, trai ốc, côn trùng) đã được phân hạng về mức độ đe dọa. Danh lục đỏ thực vật gồm 464 loài thuộc các nhóm: Mộc Lan, Thông dục, Thông Đất, Rong Biển, Nấm lớn.
Sách đỏ Việt Nam gồm 2 tập: Phần I - Phần Động Vật và Phần II - Phần Thực Vật. Phần Động vật gồm 407 loài, phần Thực vật 462 loài được phân hạng về mức độ bị đe dọa trong thiên nhiên hiện nay như đã có trong Danh lục Đỏ. Nội dung trong Sách Đỏ được trình bày chi tiết hơn, bao gồm các dữ liệu về danh pháp phân loại các loài, đặc điểm nhận dạng, sinh học, sinh thái, giá trị và phân hạng mức độ đe dọa theo các tiêu chuẩn phân hạng của IUCN. Cùng với phần viết còn có phần hình vẽ và ảnh chụp các loài. Với nội dung đầy đủ trên trong thực tiễn sách có giá trị sử dụng cao hơn.
Những đóng góp của cụm công trình
Hiệu quả trong kinh tế - xã hội:
Với việc xuất bản bộ ĐVC, TVC Việt Nam, bao gồm các nhóm động vật, thực vật có ý nghĩa kinh tế, dân sinh quan trọng, đã có được những tài liệu chuẩn tương đối đầy đủ để sử dụng vào các công trình nghiên cứu về nông nghiệp, y học, khai thác nguồn lợi thiên nhiên, nuôi đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế. Các dữ liệu chính xác phân loại học, phân bố, sinh học sinh thái của các loài là cơ sở cần thiết để sử dụng vào nghiên cứu các biện pháp sử dụng các đối tượng có giá trị kinh tế.
Bộ sách đỏ Việt Nam có một giá trị, hiệu quả lớn trong nhiệm vụ quản lý, bảo tồn sinh vật hoang dã trong thiên nhiên hiện nay và là cơ sở khoa học để xử lý các vụ vi phạm quy định về cấm săn bắt sinh vật hoang dã, thực hiện các Nghị định 32/2008/NĐ-CP của Nhà nước. Có thể nói rằng Sách Đỏ Việt Nam hiện nay đã trở thành một công cụ đắc lực giúp cho hoạt động kiểm soát việc săn bắt, buôn bán sinh vật hoang dã ở nước ta. Sách Đỏ Việt Nam cũng là cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ các loài đã được đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng trong thiên nhiên, góp phần phục vụ bảo tồn thiên nhiên, tham gia thực hiện công ước Đa dạng sinh học, công ước Ramsar và các hiệp định quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.
Trong khoa học và công nghệ:
Có được những tài liệu cơ bản về khu hệ động vật, thực vật Việt Nam có giá trị khoa học cao, đáp ứng yêu cầu về tài liệu cho các hoạt động nghiên cứu sinh học, sinh thái môi trường ở trong và ngoài nước. Có được những dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học thiên nhiên Việt Nam giai đoạn hiện nay để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu động vật học, thực vật học, phân loại học, sinh học sinh thái, đánh giá số lượng qua hoạt động điều tra khác và nhất là việc soạn thảo ĐVC, TVC, Sách Đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam. Từ đó, đã hình thành một lực lượng chuyên gia có tay nghề, kinh nghiệm vững vàng trong hoạt động nghiên cứu này.
Cũng trong hoạt động điều tra khảo sát, soạn thảo ĐVC, TVC, và Sách Đỏ Việt Nam, đã tăng cường quan hệ khoa học, mở rộng được sự hợp tác khoa học với các nước phương tây (Mỹ, Pháp, Nga) và các nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Singapo, Indonesia..) và các tổ chức quốc tế.
Xây dựng được những bộ sưu tập mẫu vật động vật, thực vật và các cơ sở dữ liệu có giá trị ở các cơ quan phối hợp tham gia nhiệm vụ (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vât, Viện Hải dương học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học sau này.
Về giá trị Quốc tế :
Việc xuất bản ĐVC, TVC, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam được đánh giá như một sự kiện trong lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá tài nguyên sinh vật và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực và thế giới. Trong bối cảnh khu vực, do thời gian có chiến tranh, không thể tiến hành được các hoạt động điều tra nghiên cứu nên khu hệ sinh vật, hiện trạng đa dạng sinh học, sinh thái môi trường ở Việt Nam vẫn là một mảng trống, làm cho sự hiểu biết về khu hệ sinh vật, đa dạng sinh học của toàn khu vực thiếu hoàn chỉnh, chưa đánh giá được chính xác đầy đủ tình hình xu thế biến động chung, cũng như sự phối hợp hành động trong việc khai thác, bảo vệ tài nguyên sinh vật giữa các nước và các tổ chức quốc tế trong khu vực. Việc xuất bản các tài liệu trên đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên đang cần có cơ sở dữ liệu đầy đủ, rõ ràng ở trong toàn khu vực. Vì vậy, các công trình xuất bản Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam đã được các nước trong khu vực và thế giới, các tổ chức quốc tế, đặc biệt IUCN, WWF,… đánh giá cao.