CÔNG NGHỆ NƯỚC TA CẦN LƯU Ý: Châu Âu buộc công nghệ kỹ thuật cao bỏ các chất ô nhiễm
Liên hiệp châu Âu - EU đang cấm 6 chất nguy hiểm ở ngành điện tử. Lệnh cấm này giúp nhiều cho sinh thái, nhưng lại đòi hỏi các công ty khắp thế giới phải làm nhiều điều chỉnh đầy thách thức.
Gerald Baker là Phó chủ tịch Công ty Coherent Inc ở Mỹ, một công ty chuyên chế tạo những máy móc phức tạp sản xuất laser hiệu năng cao. Các luồng ánh sáng này được sử dụng thực hiện giải phẫu cao nhãn áp (glaucoma) và sản xuất các stent (căng mạch máu) cấy vào những động mạch để làm tim khỏi ngừng và nhiều ứng dụng y khoa khác. Thế nhưng vài chất trong số 50.000 vật liệu chế tạo sản phẩm ở công ty ông lại chứa một lượng bé tí ti của 5 chất nguy hiểm, tỉ như chì và thủy ngân. Vì thế, hai năm qua, ông đã cố gắng loại bỏ các thành phần tai hại này. Ông đã thay thế những hợp kim hàn chì ở các bảng mạch vòng (circuit boards), vất đi những cách nhiệt plastic ô nhiễm và thay cả sơn ít độc hại hơn. Hãng của Baker muốn bảo đảm tiếp tục xuất khẩu kỹ thuật laser hiệu năng cao đến các nước châu Âu sau ngày1/7/2006, khi các chính quyền khởi sự cấm bán những sản phẩm điện tử chứa 6 chất bị cấm đoán. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến mọi điều, từ máy vi tính đến điện thoại tế bào, chí đến các máy rút tiền tự động và xe lửa đồ chơi.
Hãng Coherent có tổng doanh số hàng năm lớn hơn 500 triệu đô la Mỹ, đã chi tiêu nhiều triệu đô la để cùng với các nhà cung cấp xác định những chất này, thay thế chúng bằng các chất thân thiện môi sinh hơn. Rồi họ phải thiết kế lại, cũng như thử nghiệm những sản phẩm đã sửa đổi. Baker không nhận thức được là những thể lệ châu Âu sẽ làm thế giới an toàn hơn, nhấn mạnh rằng ngành công nghệ điện tử chỉ tạo ra 2% chì trên thế giới. Nhưng 28% mức bán của hãng là ở châu Âu, cho nên ông không thể húc đầu vào luật lệ mới. Mọi người bắt buộc phải chiều theo đường hướng này. Khi dùng sức mạnh của thị trường lớn nhất thế giới để gây ảnh hưởng, 25 quốc gia Liên hiệp châu Âu đã khởi động một sự chuyển hướng toàn cầu sang chế tạo xanh, tiêu tốn của các nhà chế tạo hàng tỉ đô la Mỹ. Các nhà làm luật nói rằng luật này sẽ làm cho các bãi rác ít độc hại hơn, nước uống và thực phẩm an toàn hơn.
Liên hiệp châu Âu cũng đang chấp thuận những chương trình tái sử dụng bắt buộc (mandatory recycling) cho các sản phẩm điện và điện tử do luật về các chất nguy hiểm đặt ra. Các chính quyền khác đang nối gót, nhằm tăng uy tín môi sinh của mình nhưng đang lo ngại là sẽ trở thành nơi đổ rác cho các sản phẩm không được phép bán ở châu Âu. Trung Quốc, đôi khi được mệnh danh là xưởng công nghệ thế giới, đã nói là năm tới, sẽ có một bản quy định riêng cho Trung Quốc về các chất nguy hiểm như thể châu Âu. Và dù cho chính quyền Bush không chịu gia nhập, một số (tiểu) bang gồm cảCalifornia, đang ép buộc những biện pháp tương tự. Lệnh cấm đoán các chất nguy hiểm của bang California, được thông qua năm 2003 và sẽ thực thi vào tháng giêng 2007, không gồm các chất chống cháy (flame retardants) và áp dụng cho ít linh kiện hơn, tỉ như các ống tia cathod, máy vi tính và ti vi. Rác thải điện tử đã trở thành một vấn đề quan trọng, đặc biệt ở các nước đang phát triển mau chóng, như Trung Quốc, mà công cuộc bảo vệ môi trường lại yếu kém.
Ở Hoa kỳ, Cơ quan Bảo vệ môi sinh (EPA) ước lượng là hơn 200 triệu tấn phế thải điện tử bị vất đi mỗi năm, với những lượng lớn chì và các kim loại nặng thải vào các nơi đổ rác. John Frey, giám đốc chiến lược xử lý môi sinh của hãng Hewlett Packard, nói rằng thể lệ châu Âu đã mau lẹ biến thành mẫu mực toàn cầu trong thực tế. Thế cho nên hãng ông ta và nhiều hãng khác đã tuân thủ, không chỉ riêng cho các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu. Khi mọi khách hàng đều đổi hướng, các nhà cung cấp hàng hóa, từ thép, vi mạch đến sơn, bị bắt buộc phải thay thế những chất mới, có thể đã dùng từ nhiều chục năm rồi nhưng an toàn hơn. Hewlett Packard cũng đã duyệt xét lại chương trình tái sử dụng nhựa vì hãng đã dùng các ống phun mực và các chai nhựa, đôi khi chứa các chất bị cấm đoán.
Theo Bijan Dastmalchi, chủ tịch hãng Symphony Consulting ở thị trấn Sunnyvale, California, điều này gây bấn loạn chưa bao giờ xảy ra cho các dây chuyền sản xuất của ngành công nghệ điện tử. Dastmalchi và các chuyên viên của hãng chế tạo khác cho biết rất nhiều công ty điện tử Hoa Kỳ, đặc biệt những công ty nhỏ làm theo đơn đặt hàng, không sẵn sàng trước những cải cách toàn cầu. Họ tiên đoán những chuyến tàu cung cấp hàng sẽ chậm trễ và giá cả hàng hóa sẽ tăng vọt vào những tháng tới, vì giờ chót phát hiện sản phẩm có các chất nguy hiểm hoặc thiếu thép mạ thay thế hay các vật liệu thường dùng. Các hãng cũng sẽ thấy khó bán ra những sản phẩm hay những thành phần không thỏa mãn các chuẩn mực châu Âu.
Vài sản phẩm, tỉ như các linh kiện y khoa, máy bay hay các máy chủ (servers) phức tạp chạy mạng dữ liệu tài chính thế giới, được miễn áp dụng thời hạn mồng 1/7/2006. Liên hiệp châu Âu đồng ý là các nhà chế tạo các sản phẩm này khỏi bị yêu cầu chuyển đổi cho đến khi nào các vật liệu thay thế hoàn tất thử nghiệm về độ tin cậy và mức an toàn. Vài sản phẩm khác, tỉ như các bóng đèn huỳnh quang chứa thủy ngân, cũng được miễn lệ vì chưa có được những thay thế tốt.
Hợp kim hàn (solders) đã được sử dụng ở nhiều tiến trình chế tạo, gồm cả việc ráp các bảng mạch điện tử. Chì thường được dùng để hàn vì nó giúp cho vật liệu nóng chảy ở nhiệt độ thấp hơn và làm vật liệu nhẵn nhụi. Các hợp kim hàn chứa thiếc hay đồng, phải làm ở nhiệt độ cao hơn. Chúng cũng thường gây ra hiện tượng các sợi thiếc trồi lên từ vùng nối hàn và làm đoản mạch. Các sản phẩm sử dụng hợp kim không chì, thường phải được thiết kế lại kiểu dáng vì các thành phần không chịu nổi nhiệt độ cao hơn. Jean Philippe Brisson, một luật giaNew York, chuyên viên về luật lệ châu Âu, cho biết là hiện nay có rất ít tài liệu về mức độ khả tín của những chất thay thế chì.
Đa số công ty Mỹ bán sản phẩm cho châu Âu và cả rất nhiều công ty không bán, đều đòi hỏi các nhà cung cấp đưa cho họ tài liệu chứng minh là các sản phẩm theo đúng các thể lệ mới. Một lỡ lầm sẽ tốn kém và thiệt hại rất nhiều, đặc biệt khi một hãng cạnh tranh của họ biết được. Năm 2001, các chức quyền Hà Lan, hành động theo một tin mách nước, đã tịch thu 1,3 triệu máy Sony Play Stations, vì dây điện của các máy này vi phạm giới hạn về cadmium. Brisson nói: hãng bị nhiều hiểm nguy nhất là hãng có nhãn hiệu danh tiếng.
Các công ty nhỏ, như Electronics Sources Co., chuyên ráp bảng mạch ở thị trấn Van Nuys cho các hệ thống mạng máy tính và vệ tinh, đang phấn đấu thỏa mãn yêu cầu mới. Chủ tịch Scott Alyn nói là ông đã phải chi ít nhất là 50.000 đô la Mỹ mua một máy hàn hợp kim khổng lồ thứ hai, để có thể sản xuất hai loại sản phẩm, trong đó có một loại sẽ thỏa mãn các chuẩn mực châu Âu. Để ngăn ngừa ô nhiễm, Alyn đã phân loại các nhà cung cấp và huấn luyện lại nhân viên cách sử dụng những vật liệt mới. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng sẽ bị nhức đầu, kéo dài suốt 5 năm tới đây”.
Jeff Krull, Phó chủ tịch Phát triển sản phẩm cho hãng Shure Inc, một nhà chế tạo microphone kỹ thuật cao và các linh kiện audio khác ở bang Illinois, nói rằng các nhà điều hành đang băn khoăn cách đây 9 tháng, không rõ là các nhà cung cấp nguyên liệu cho họ có thể thỏa mãn nổi các chuẩn mực sinh môi khó khăn không. Shure là hãng bán khoảng 30% các sản phẩm cho châu Âu. Nhưng Krull nói thêm là các nhà sản xuất những vật liệu chống cháy và laminate đã phát triển mau lẹ, và có vẻ như đã thỏa mãn yêu cầu. Shure có vài sản phẩm sản lượng thấp, tỉ như máy mix âm thanh thế hệ cũ, không có phương cách có lợi để thỏa mãn yêu cầu mới. Ông sẽ chấm dứt sản xuất các máy này… Krull ước lượng là chương trình thỏa mãn thể lệ mới tiêu tốn của công ty ông đến 5 triệu đô la Mỹ. Shure sẽ thỏa mãn yêu cầu của Liên hiệp châu Âu ngày 1 tháng 7 năm 2006, sản xuất bán cho châu Âu. Những gì không bán được cho châu Âu, ông cũng có khả năng bán ở Hoa Kỳ. Nhưng chính điều này cũng làm cho Charles Corcoran, một chức quyền Cục kiểm soát các chất độc hại, ở bang California lo ngại. Ông này nói là sẽ đề nghị bổ sung vào luậtCalifornia, sẽ thực thi vào tháng giêng 2007, có mục đích bảo vệ bangCalifornia, tránh khỏi các vật liệu độc hại thải tống vào đây.
Nguồn: Khoa học phổ thông31/5/2006