Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 17/09/2009 20:56 (GMT+7)

Công chúa Ngọc Vạn với vùng đất Nam bộ

Lúc về nhà chồng, công chúa được phép đem theo nhiều người Việt đến sinh sống tại Chân Lạp, có người được giữ chức hệ trọng trong triều. Bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn gần kinh đô (2). Số người Việt này sinh cơ lập nghiệp và sinh đẻ ngày càng đông. Năm 1665, trong một bức thư, giáo sĩ Chevereuil kể lại rằng: Ông tới Colombé (cách viết chữ Phnôm Pênh thời đó) vào cuối năm, ở đây đã thấy có 2 làng Việt Nam bên kia sông, “cộng số người được độ 500, mà kẻ theo đạo Thiên Chúa chỉ có 4 hay 5 chục mà thôi” (3).

Ngoài việc đưa người Việt sang lập nghiệp ở Chân Lạp, công chúa Ngọc Vạn còn xin phép nhà vua cho lưu dân người Việt sang làm ăn sinh sống ở vùng đất Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa – Vũng tàu ngày nay. Theo Biên niên sử Chân Lạp, năm 1623 chúa Nguyễn lại gởi sang thủ đô nước này một vị sứ thần đem theo nhiều tặng phẩm và quốc thư đến dâng lên vua Chey Chetta II với nội dung ngỏ ý muốn mượn sứ Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) để lập các trạm thuế thương chính. Sau khi tham khảo triều đình (và chắc là có sự vận động ngầm của công chúa Ngọc Vạn), vua Chân Lạp bằng lòng chấp nhận theo lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Do đó chúa Nguyễn lệnh cho các quan thương chính đến đóng trụ sở ở hai nơi đó để tiến hành việc thu thuế thương chính (4). Tuy tài liệu không nói tới, nhưng cứ lý mà suy, xung quanh trụ sở các sở thuế này, còn có gia nhân của các viên chức và các đơn vị quân đội đi theo để bảo vệ an ninh và để sai phái. Đó cũng là cái cớ chính đáng để lưu dân người Việt được đưa vào định cư ở hai nơi này.

Như trên đã nói, vua Chey Chetta II cầu thân với chúa Nguyễn là để tìm chỗ dựa đặng đối đầu với người Xiêm. Vậy chúa Nguyễn có giúp gì cho vua Chân Lạp không? Điều này thì sử ta và sử Chân Lạp đều không nói tới. Nhưng một giáo sĩ Thiên Chúa giáo đã từng nhiều năm ở xứ Đàng Trong, giáo sĩ người Ý Christopho Borri lúc về nước có viết tập hồi ký, trong đó có đoạn nói về sự giúp đỡ của chúa Nguyên đối với con rể mình, như “chúa Nguyễn phải luôn tập lính và gửi những đạo quân đi giúp vua Cao Miên”, “Chúa viện trợ cho vua (Chân Lạp) cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm” (5).

Năm 1628, vua Chey Chetta II qua đời. Con của ông lên nối ngôi lấy hiệu là Préa Outey (1628 - 1642). Công chúa Ngọc Vạn trở thành Hoàng thái hậu, tất nhiên là vẫn còn nhiều thế lực ở triều đình Chân Lạp. Trong thời gian này lưu dân người Việt vào làm ăn ở vùng Đồng Nai – Gia Định càng nhiều. Sau khi vua Préa Outey qua đời, vua Pônhêa Chan (1642 – 1659) ta dịch là Nặc Ông Chân lên thay, tại triều đình Chân Lạp nổ ra cuộc tranh chấp ngôi vua, khiến có cuộc can thiệp quân sự của chúa Nguyễn. Về sự kiện này sử ta chép khác, sử Chân Lạp chép khác.

Sách Đại Nam thực lục tiền biênghi rằng: “Tháng 9, vua nước Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên (6)báo lên. Chúa sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc (2 người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phước Chánh tỉnh Biên Hòa) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đem về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hằng năm nộp cống (7).

Biên niên sử Chân Lạp ghi như sau: “Năm 1658, hai vị hoàng thân Sô và Ang Tan, con vua Prah Outey đã thoát nạn lúc Quốc vương Ponhéa Chan tàn sát gia đình vị phụ chính 16 năm trước, cầm quân nổi loạn đánh nhà vua, bị quân triều đình (Chân Lạp) phản công mãnh liệt, hai vị chạy trốn sang cung Hoàng hậu (8)Ngọc Vạn, vợ của tiên vương Chey Chetta II. Hai người nhờ Hoàng hậu xin binh nhà Nguyễn đến giúp khôi phục ngai vàng. Chúa Nguyễn Hiền vương nhận lời, phái một đạo binh viễn chinh vào tháng 10 năm 1658. Một hạm đội Cao Miên do một vị Hoàng thân chỉ huy chặn đánh đạo quân Việt Nam , bị thua to ở ngoài biển Bà Rịa. Quân nhà Nguyễn tiến vào bắt Quốc vương Ponhéa Chan nhốt trong cũi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Quốc vương thăng hà ở đấy. Quân Việt Nam đặt Hoàng thân Sô lên ngôi vua là Batom Réachéa (1600 – 1675) ta phiên âm là Nặc Nộn (9).

Qua 2 đoạn trích dẫn trên đây, chúng ta thấy phần ghi chép ở của Chân Lạp đúng thực tế và logic hơn. Bấy giờ biên giới phía Nam nước ta chỉ mới đến sông Phan Rang, cách vùng Mô Xoài bởi nước Chiêm Thành ở giữa, làm sao người Chân Lạp xâm phạm được biên giới của ta? Nếu có thì binh lực của ta ở Trấn Biên đủ sức đánh trả, cần gì phải báo về Quảng Bình nơi hành tại của chúa Hiền xin lệnh? Cho nên việc 2 Hoàng thân tranh chấp ngôi vua với Ponhéa Chan vì cho mình là chính thống và bị đánh thua nên chạy trốn vào dinh Hoàng thái hậu Ngọc Vạn nhờ xin chúa Nguyễn giúp binh lực là hợp lý. Sau khi đánh thắng và bắt vua Ponhéa Chan đem về Quảng Bình rồi chết ở đó, chúa Nguyễn cho hoàng thân Sô là anh lên làm vua nước Chân Lạp, lấy hiệu là Barôm Réachéa, sử ta phiên âm là Nặc Nộn. Tất nhiên là từ đó lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở Đồng Nai – Gia Định càng được thuận lợi hơn và đông hơn. Cũng từ đó các vua thuộc dòng chính nước Chân Lạp chịu làm phiên thuộc của xứ Đàng Trong nước Đại Việt. Mỗi lần có sự tranh chấp nội bộ ở triều đình Chân Lạp, phe nổi loạn chạy sang cầu viện Xiêm La, còn phe chính thống chạy sang nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn.

Năm Giáp Dần (1674), nước Chân Lạp lại có cuộc tranh chấp nội bộ ở triều đình. Nặc Ông Đài muốn cướp ngôi vua, làm cầu phao và xích sắt qua sông, xây thành Nam Vang, nhưng chưa dám hành động, vì sợ Nặc Nộn còn được chúa Nguyễn bảo trợ, bèn ngầm cho người sang cầu viện nước Xiêm La, rồi phao tin rằng nước Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy và 1 nghìn voi ngựa đến hỏi tội Nặc Nộn không chịu thuần phục nước Xiêm như các triều vua trước. Nặc Nộn cả sợ bỏ kinh đô chạy tới dinh Thái Khang (Khánh Hòa). Dinh thần đem việc tâu lên. Chúa Hiền nói rằng: “Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Bèn cử Dương Lâm làm thống binh, tướng thần lại thủ hợp là Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, Văn Sùng (không rõ họ) làm thị chiến, đem quân đi cứu Nặc Nộn. Quân ta phá cầu phao, chặt đứt xích sắt, kéo thẳng tới vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài hoảng sợ bỏ chạy rồi chết. Nặc Thu đến quân môn xin hàng. Triều đình Phú Xuân chuẩn cho Nặc Thu là dòng đích được làm vua chính, đóng đô ở Oudong, Nặc Nộn làm vua thứ nhì đóng tại Sài Gòn. Hàng năm nước Chân Lạp phải triều cống (10).

Mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679) nhóm cựu tướng lãnh nhà Minh không chịu thuần phục nhà Thanh, đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền bỏ nước chạy sang thần phục chúa Nguyễn, được cho vào khai khẩn lập nghiệp tại 2 nơi Đồng Nai và Mỹ Tho. Bấy giờ vua Chân Lạp và Nặc Thu là phiên thần của chúa Nguyễn, nên không phản đối, mặt dầu trên danh nghĩa 2 vùng đất này còn thuộc chủ quyền của Chân Lạp.

Tới lúc lưu dân người Việt trên địa bàn Đồng Nai – Gia Định đã tăng lên rất nhiều, và đường bộ đã thông suốt từ Thuận Hóa vào đến Mô Xoài do phần đất còn lại cuối cùng của Chiêm Thành đã sáp nhập vào Đại Việt, nên năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền nam, lấy đất Đông Phổ lập ra phủ Gia Định, chia đất Đồng Nai lập huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn lập huyện Tân Bình, phân chia ranh giới tổng, xã, thôn, lân, phường, ấp, điếm, đặt quan chức cai trị, tuyển mộ binh lính bảo vệ biên cương. Chính sách của chúa Nguyễn vẫn tiếp tục giúp đỡ Chân Lạp đàn áp các lực lượng ly khai, chống lại sự can thiệp của quân Xiêm, giữ vững ngôi báu.

Bấy giờ nội bộ triều đình Chân Lạp thường xuyên xảy ra tranh chấp. Phe nổi loại thường rước quân Xiêm về đánh lại vua chính thống để giành ngôi báu. Những lúc như thế, vua chính thống Chân Lạp đều chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Sau mỗi lần quân ta giúp Chân Lạp lập lại an ninh trong nước, vua Chân Lạp thường cắt đất hiến dâng cho chúa Nguyễn để trả ơn.

Cần ghi nhận rằng trước khi có các dịp dâng hiến đất của các vua Chân Lạp, một sự kiện hết sức quan trọng đã diễn ra ở phía tây nam lãnh thổ Đại Việt. Đó là vào tháng 8 năm Mậu Tý (1708) Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên thuộc quyền của ông cho chúa Nguyễn, được chúa giao cho chức Tổng binh tiếp tục cai quản vùng này. Đó là lần đầu tiên phủ Gia Định được mở thêm đất về phía cực Tây Nam .

Về việc các vua Chân Lạp hiến dâng đất cho chúa Nguyễn để trả ơn, thì đó là trường hợp năm Bính Tý (1756) vua Chân Lạp Nặc Nguyên dâng hiến đất 2 phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp, nay là vùng đất Gò Công và Tiền Giang. Đó là năm Mậu Dần (1758) vua Chân Lạp là Nặc Nhuận hiến vùng đất Trà Vinh, Ba Thắc, nay là vùng Trà Vinh, Sóc Trăng. Rồi đến Nặc Nộn hiến đất Tầm Phong Long, nay là vùng Vĩnh Long, An Giang. Nặc Tôn lại cắt đất 5 phủ Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Lình Quỳnh dâng cho Mạc Thiên Tứ để đền ơn riêng. Thiên Tứ là trấn thần của chúa Nguyễn, nên dâng cả 5 phủ ấy lên chúa. Chúa cho nhập vào địa bàn Hà Tiên (11).

Tới đó, trọn phần đất Nam bộ của nước ta đã được định hình cho đến hôm nay. Xuất phát từ cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn, tuy vua Chân Lạp Chey Chetta II không chính thức cắt vùng đất nào để làm sính lễ như vua Chế Mân cắt châu Ô, châu Rý dâng cho vua nhà Trần, nhưng đã mặc nhiên chấp thuận cho lưu dân người Việt vào khai thác vùng Đồng Nai – Gia Định. Cũng do mối lương duyên đó mà 2 triều đình Thuận Hóa và Oudong có mối quan hệ mật thiết với nhau suốt mấy trăm năm, dẫn tới việc các vua Chân Lạp lần hồi dâng hiến các vùng đất tạo thành Nam bộ ngày nay.

Nhờ có cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân mà nước ta có được 2 châu Ô, Rí nay là vùng Thừa Thiên và bắc Quảng Nam, để từ đó lần hồi mở rộng về phía Nam tới ranh giới Bà Rịa. Cũng nhờ có cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn mà nước ta có được vùng đất Nam bộ trù phú qua đường lối ngoại giao, hòa bình. Để nhớ ơn công chúa Huyền Trân, ngày nay nhân dân Thừa Thiên – Huế đã lập đền thờ để tôn vinh bà. Chẳng lẽ 2 sự kiện như nhau, mang lại lợi ích cho Tổ quốc dân tộc như nhau, mà một bên thì ca tụng, tôn vinh như thế, một bên lại lạnh lùng quên lãng như kia sao? Thiết tưởng đã đến lúc nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Nam bộ nói chung, cũng nên xây dựng một ngôi đền tại đây để biểu dương công ơn của công chúa Ngọc Vạn và để giáo dục truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cho lớp con cháu ngày nay và mai sau. Mong lắm thay!

__________

(1) Lê Hương, Việt kiều ở Campuchia, Nxb. Trí Đăng, tr. 10.

(2) Nguyễn Đình Đầu, Địa chỉ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, tr. 146, dẫn Moura trong sách Royaume du Cambodge, tập 2, tr. 57.

(3) Nguyễn Đình Đầu, sđd, tr. 114.

(4) Lê Hương, sđd, tr. 10.

(5) Bonifacy dịch và chú thích tác phẩm của Christopho Borri đăng trong BAVH năm 1931 số III – IV.

(6) Dinh Trấn Biên bấy giờ là dinh Bình Khang tức Khánh Hòa. Theo tục lệ của các chúa Nguyễn, dinh ở giáp biên giới phía Nam thường được gọi là dinh Trấn Biên. Chẳng hạn khi biên giới nước ta đến đèo Cả thì dinh Phú Yên gọi là dinh Trấn Biên. Đến khi biên giới lùi vào giáp sông Phan Rang thì dinh Bình Khang gọi là dinh Trấn Biên.

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Sử học Hà Nội 1962, tập 1, tr. 98.

(8) Ở đây phải nói là Hoàng thái hậu mới đúng.

(9) Lê Hương, sđd, tr. 10 – 11.

(10) Đại Nam thực lục tiền biên, sđd, tr. 122.

(11) Đại Nam thực lục tiền biên, sđd, tr. 224, 226.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...