Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 25/08/2011 20:46 (GMT+7)

Cồng Chiêng Mường những biến đổi

1. Sự biến động của một số tình huống sử dụng cồng chiêng

Xưa, người Mường thường sử dụng cồng chiêng trong các tình huống: tập hợp dân làng, kéo gỗ, dựng nhà, đuổi thú dữ, báo động khi có hỏa hoạn hoặc giặc cướp, báo tang, cúng lễ, cưới xin, chúc tết, hội lễ, săn thú, đánh bắt cá… Hiện nay một số tình huống sử dụng đã biến mất, đang hiếm dần, thay đổi hoặc được mở rộng phổ biến hơn.

Những tình huống sử dụng đã mất hẳn gồm chiêng lệnh của lang, chiêng đi săn, chiêng đánh cá. Chiêng lệnh của lang đương nhiên không thể tồn tại bởi chế độ lang đạo đã bị xóa bỏ từ giữa thế kỷ trước. Chiêng đi săn còn duy trì ở một số vùng mường hẻo lánh cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước thì mất hẳn vì điều kiện tự nhiên và xã hội không còn chỗ cho các cuộc đi săn tập thể như xưa nữa. Chiêng đánh cá cũng vậy, trước kia sông suối ao hồ đều của nhà lang, mỗi lần lang cho phép đánh cá tập thể là lần đó như ngày hội, có mở đầu và kết thúc hẳn hoi và đương nhiên phải có tiếng chiêng điều khiển. Ngày nay, chẳng nơi nào còn tổ chức đánh cá tập thể trên sông, người ta nuôi cá lồng, thầu ao lớn nuôi cá giống…, thu hoạch cá như một nghề để sống, chiêng ở đây chẳng có ý nghĩa gì, tất yếu mất hẳn.

Những tình huống ngày càng hiếm là chiêng kéo gỗ dựng nhà, báo động, cúng linh hồn người sống, cúng lễ tổ tiên, xắc bùa chúc tết, đám cưới. Tình trạng nhà xây kiên cố thay thế nhà sàn truyền thống là lý do của chuyện ngày càng hiếm chiêng kéo gỗ dựng nhà. Cuộc sống thanh bình, mức sống ngày càng cao, phương tiện thông tin hiện đại dần phổ biến khiến chiêng báo động không còn môi trường tồn tại. Việc chữa bệnh bằng cúng vía rất hãn hữu, chiêng cúng linh hồn người sống vì thế cũng hiếm dần, chỉ còn tồn tại nơi vùng sâu vùng xa. Chiêng cúng lễ tổ tiên vẫn còn rải rác đây đó, một số nhà còn giữ được chiếc chiêng đời trước truyền lại, tết đến, họ dùng chiêng mời tổ tiên về ăn tết, hết tết họ dùng chiêng tiễn tổ tiên về rừng. Đáng tiếc nhất là phong tục xắc bùa chúc tết đã trở nên hiếm hoi, dường như không còn duy trì. Ngay ở Mường Vang, nơi còn giữ được tương đối nguyên vẹn không gian văn hóa truyền thống Mường thì vài năm trở lại đây, người ta không còn thấy phường bùa hoạt động nữa. Tết đến, nếu các cụ nhớ bài chiêng, luyến tiếc phong tục xưa thì rủ nhau mang chiêng họp lại ở một nhà ai đó, cùng nhau uống rượu, đánh bài chiêng cổ truyền, rồi hát thường rang cho vui vậy thôi. Nếu huyện có huy động cồng chiêng cho lễ hội khai hạ thì Ban văn hóa xã tập trung đội chiêng, chọn các cô gái trong đội văn nghệ tập luyện bài chiêng xắc bùa của vùng mình tham gia. Vậy là những bài chiêng xắc bùa không còn dùng trong xắc bùa chúc tết nữa mà để dụng cho mục đích khác. Còn đám cưới bây giờ nặng tiệc tùng hơn là nghi lễ, những đám cưới có sử dụng cồng chiêng càng hiếm hoi. Tuy nhiên, cũng có đám cưới, mặc cho nhạc trẻ ầm ĩ, đội cồng chiêng của các cụ vẫn đánh say sưa trong gian nhà chính, nơi có bàn thờ ở gian giữa. Rất đông các ông bà và cả thanh thiếu niên tập trung ở đó để xem và nghe bài chiêng xắc bùa quen thuộc của họ.

Những tình huống không thay đổi nhiều là chiêng báo tang, nhạc hiếu. Dường như những thay đổi của cuộc sống không ảnh hưởng nhiều đến những thủ tục tiễn đưa người chết sang thế giới khác. Vẫn còn tiếng chiêng báo tang, trang phục, nhà táng, quạt ma, những bài mo (cho dù chỉ còn mo một đêm),…, và tất nhiên không thể thiếu ban nhạc hiếu mà ở đó chiêng vẫn tham gia.

Những tình huống có phần mở rộng, phổ biến hơn là chiêng lễ hội, chiêng đón khách. Mặc dù phong tục xắc bùa dần bị quên lãng, nhưng những bài chiêng xắc bùa thì lại có thêm nhiều dịp trình diễn hơn xưa. Ngoài những lễ hội cổ truyền, các ngày quốc tế lễ như 2-9, 30-4, quốc tế lao động, quốc tế phụ nữ, ngày đại đoàn kết dân tộc, ngày tiễn con em lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự,..., bà con thường đánh các bài chiêng xắc bùa. Chưa kể hàng năm, ngành văn hóa còn huy động các đội cồng chiêng tham gia các cuộc hội diễn, liên hoan văn nghệ, ở đó, những bài bản cồng chiêng xắc bùa tiêu biểu, những đội chiêng ưu tú nhất được lựa chọn.

2. Sự biến động của số lượng cồng chiêng

So với thời còn chế độ lang đạo, ngày nay số cồng chiêng Mường bị hao hụt khá nhiều. Tuy không thể có con số thống kê, nhưng qua tư liệu điền dã, có thể khẳng định sự giảm thiểu số cồng chiêng Mường là một thực tế. Chẳng hạn ở Mường Cời xã Tân Vinh, Lương Sơn, Hòa Bình, thời lang Đinh Công huy ước chừng mỗi xóm ít nhất có đủ một bộ (con số khiêm tốn nhất cũng khoảng vài ba chục chiếc cho cả vùng). Ngày nay, nơi này chỉ còn 6 chiếc của nhà bà Nguyễn Thị Thiếp, 77 tuổi, được trao truyền từ nhiều đời. Hay ở xóm An Trạch, xã Dân Hòa, Kỳ Sơn, Hòa Bình nay chỉ còn đúng một chiếc chiêng của nhà ông Dân do ông nhất định không chịu bán (xóm, xã có việc cần đến chiêng đều phải mượn). Ở làng Én (mường Én), xã Cẩm Quý, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, theo cụ Bùi Văn Mận 83 tuổi, trước đây có nhiều chiêng nhất xã, khoảng trên dưới 30 chiếc, nhưng nay chỉ còn vài chiếc, không đủ bộ, muốn sử dụng chiêng cho lễ hội phải đi mượn. Nhìn chung tình trạng suy giảm số lượng cồng chiêng trong cộng đồng người Mường là phổ biến, thậm chí rất có thể có những xóm mường không còn một chiếc chiêng nào.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: do chiến tranh (thời chống Pháp, nhiều nơi bị càn quét đốt phá, chiêng bị hủy hoại cùng với nhà cửa, có người chạy giặc bỏ mọi tài sản chỉ mang theo chiêng nhưng rồi cũng phải chôn xuống đất hoặc giấu vào hang); do đói ăn phải bán (những năm 80 của thế kỷ trước là thời kỳ nhiều cồng chiêng rời bỏ cộng đồng Mường nhất); do sử dụng, bảo quản (sử dụng không đúng cách, gõ quá mạnh, gõ bằng dùi không bọc vải hoặc dùi có cạnh cứng,…, làm rơi hoặc để vật rắn rơi vào chiêng trong khi vận chuyển, có thể làm chiêng bị méo, nứt vỡ, mất tiếng không thể phục hồi); do nhận thức (một số người cho rằng giá trị của chiêng đối vớ đời sống hiện nay không đáng kể, chiêng đã hết thời, gặp người tìm mua chiêng xưa với giá cao một chút là một số người khó có thể từ chối).

Để bù đắp thiếu hụt của bộ chiêng người ta buộc lòng phải mua chiêng mới, chủ yếu là chiêng gò, nặng hơn so với chiêng xưa cùng kích cỡ, âm sắc đanh cứng không dày ấm bằng chiêng xưa. Đó là lý do khiến người đánh chiêng ngày nay nhanh mỏi, chóng chán, bài chiêng vang lên chỉ một lát đã ngừng nghỉ, so với ngày xưa ngắn hơn nhiều. Ngày nay, ngoài những bộ toàn chiêng xưa còn có những bộ kết hợp chiêng xưa với chiêng mới và những bộ toàn chiêng mới.

3. Những biến đổi về hình thức sở hữu cồng chiêng

Trước kia chỉ có một hình thức sở hữu tư nhân đối với cồng chiêng. Thời đó, chiêng là tài sản có giá trị lớn, số chiêng mà một cá nhân có được đánh dấu đẳng cấp của người đó trong cộng đồng. Tuy nhiên, từ sau 1954 tới nay, xuất hiện thêm một số hình thức sở hữu mới.

Sở hữu tư nhân

Xưa kia, cồng chiêng nhiều hay ít cho thấy chủ nhân của chúng giàu hay nghèo. Chỉ tầng lớp lang đạo mới có đủ bộ chiêng trong nhà, đa số dân nghèo thường có một hai chiếc là cùng. Nhưng dù nghèo, hầu như nhà nào cũng cố gắng sắm chiêng, nhiều tiền thì mua chiếc to, ít tiền thì mua chiếc nhỏ. Hầu hết các hoạt động trong đời sống của người Mường xưa đều cần có chiêng. Trong lễ hội xắc bùa và những ngày vui cộng đồng, chiêng là nhạc cụ; khi cầu cúng tế lễ, chiêng là công cụ giao tiếp với thần linh, và khi có giặc cướp hoặc thú dữ, chiêng trở thành vũ khí chiến đấu, bảo vệ cuộc sống thanh bình.

Giai đoạn khó khăn của những năm 80 của thế kỷ trước, người nghèo phải bán chiêng, người có điều kiện thì mua lại để khỏi phải nhìn chiêng trở thành đồng nát. Như thế, có một số chiêng không bị hủy hoại mà tập trung vào một số nhà người Mường khác. Hiện nay, chiêng đang dần tập trung vào một số cá nhân, giảm dần sự nhỏ lẻ, rải đều. Tình hình trên dẫn đến tình trạng tương đối phổ biến là người sở hữu chiêng không biết sử dụng chiêng, ngược lại, người biết sử dụng chiêng lại không có chiêng.

Sở hữu cộng đồng

Hình thức sở hữu này xuất hiện từ sau cải cách ruộng đất ở thế kỷ trước. Khi đó toàn bộ gia sản của lang đạo bị tịch thu, trong đó có cồng chiêng. Có nơi, UBND xã trở thành chủ sở hữu của số cồng chiêng tịch thu được, rồi bàn giao cho xóm nào nổi bật về phong trào hoạt động văn hóa. Trưởng xóm có trách nhiệm giữ gìn bảo quản. Có nơi, hợp tác xã trở thành chủ sở hữu cồng chiêng. Ông Phạm Văn Nhược người Mường gốc làng Sống, xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết năm 1959 cồng chiêng cùng nhiều tài sản khác bị xung công vào hợp tác xã, năm 1976 hợp tác xã rã, cồng chiêng bị bán hết, dù rất cố gắng ông cũng chỉ mua được một chiếc dàm mười (1) (đến nay ông vẫn cất giữ rất cẩn thận). Hiện nay, có nơi muốn khôi phục lại đội chiêng đã tự nguyện góp tiền mua cả dàn chiêng một lúc, đương nhiên dàn chiêng đó là của xóm. Đó là trường hợp ở xóm Đồng Bái, thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình, họ đang có bộ chiêng mới gồm 9 chiếc mua năm 2003 với giá 3.000.000đ.

Hình thức sở hữu cộng đồng về cồng chiêng ở người Mường chỉ mới có từ sau cải cách ruộng đất và cho đến nay vẫn đang phát huy ưu thế của nó trong hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Sở hữu của tổ chức, cơ quan nhà nước

Hình thức sở hữu này mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Những cơ quan nhà nước mua sắm chiêng Mường thường để phục vụ cho yêu cầu công tác. Chẳng hạn Đoàn văn công, Trường nghệ thuật xây dựng tiết mục cồng chiêng để biểu diễn, thực tập; Trung tâm văn hóa sẵn sàng cho các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ; Bảo tàng có hiện vật trưng bày; Phòng Văn hóa huyện đảm bảo cho hoạt động văn hóa cơ sở,… Ngoài các cơ quan văn hóa, đơn vị kinh doanh như Công ty Du lịch Hòa Bình cũng có một dàn chiêng và một đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Cho đến nay, dàn chiêng Mường trở nên không thể thiếu được trong hoạt động kinh doanh du lịch gắn liền với thương hiệu của Công ty Du lịch Hòa Bình.

Đáng lưu ý là nguồn chiêng mà các tổ chức, cơ quan nhà nước có được chủ yếu do mua từ trong dân các vùng Mường những năm cuối thập kỷ 80 đầu 90 của thế kỷ trước. Đó là những chiếc chiêng cổ rất quý, tuy nhiên nhiều chiếc đã bị hư hại do không biết sử dụng và bảo quản đúng cách.

4. Một số biến đổi trong trình diễn nghệ thuật cồng chiêng

Vai trò xã hội biến đổi đã kéo theo sự biến đổi trong trình diễn của nghệ thuật cồng chiêng Mường. Sự biến đổi người tổ chức, người trình diễn, mục đích, môi trường trình diễn… dẫn tới xuất hiện những đội, cồng chiêng bán chuyên nghiệp, điều mà trước kia không có.

Xưa, người tổ chức chỉ là lang đạo thì nay phong phú, đa dạng hơn nhiều, đó là hệ thống cơ quan văn hóa từ trung ương đến địa phương, là chính quyền đoàn thể, tổ chức xã hội hoặc đơn vị kinh doanh văn hóa du lịch. Nghệ thuật cồng chiêng Mường có cơ hội được trình diễn nhiều hơn, ở nhiều nơi hơn.

Xưa, người tham gia trình diễn gần như là toàn thể cộng đồng, những nông dân chân lấm tay bùn, họ vừa là người trình diễn vừa là người thưởng thức, hai vai trò đó luân phiên nhau. Hiện nay, do yêu cầu cụ thể của người tổ chức, người trình diễn thường phải qua sự lựa chọn. Chẳng hạn, ngoài chuyện biết đánh chiêng còn phải biết diễn nhiều tiết mục khác, ngoại hình đẹp và đủ sức khỏe để di chuyển đến nhiều nơi. Vì vậy đôi khi một đội chiêng có người của nhiều vùng mường tham gia. Điều này khiến mỗi khi cần trình diễn họ phải tập luyện với nhau trước khá lâu, hơn nữa phải cần có người hướng dẫn bởi nhiều người trong số họ chưa bao giờ nghe bài chiêng mà họ phải trình diễn.

Xưa, những cuộc trình diễn cồng chiêng chủ yếu do nhu cầu nội tại của sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân chúng thì nay mục tiêu của những cuộc trình diễn đã vượt khỏi phạm vi đó. Ngoài mục tiêu truyền thống, những cuộc trình diễn đôi khi để giải quyết những mục tiêu quan trọng, những nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội cụ thể, hoặc đơn giản chỉ để thu hút khách du lịch phục vụ mục tiêu kinh doanh.

Ngày nay có những cuộc trình diễn cồng chiêng lớn hơn xưa rất nhiều, số chiêng tham gia lên đến vài trăm chiếc. Đó là ngày hội cồng chiêng Mường được tổ chức hàng năm ở Tân Lạc kể từ năm 2000 trở lại đây. Có hàng chục bộ chiêng của các xã huyện trong tỉnh Hòa Bình tham gia. Khi cần, tất cả hợp thành một dàn cồng chiêng khổng lồ cùng diễn tấu một bài bản thật là hoành tráng.

Không gian trình diễn ngày nay được mở rộng và đa dạng hơn xưa. Người ta có thể kết hợp trình diễn cồng chiêng với các tiết mục văn nghệ khác, với các hoạt động xã hội khác (như mít tinh, hội nghị…). Vì thế, cồng chiêng có thể diễn ở bãi rộng hơn như ở sân vận động, có thể trên sân khấu trong nhà hay ngoài trời, có thể ở khoảng không gian hẹp hơn như lớp học, hội trường, có thể ở vùng quê, có thể cả ở thành phố…

Nếu như trong các cuộc trình diễn cồng chiêng xưa của người Mường, khán giả đôi khi cũng là diễn viên, là những người đồng tộc thân quen trong phạm vi làng xã, thì ngày nay khán giả là mọi đối tượng, tầng lớp xã hội, có thể là người ngoại quốc, người dân tộc khác. Từ đó, người trình diễn cồng chiêng Mường ý thức được họ đang trình diễn cho người ngoài nghe. Và như vậy, cái thần của bài chiêng có biến đổi, không còn giống như khi họ trình diễn cho chính họ, cho những người cùng cộng đồng thưởng thức.

Những biến đổi trên dẫn đến chuyện hình thành một số đội chiêng bán chuyên nghiệp, như của Công ty Du lịch Hòa Bình, hay của Phòng Văn hóa huyện Tân Lạc, có thể trình diễn được nhiều bài bản chiêng của nhiều vùng mường khác nhau, điều mà các đội chiêng dân gian không thể thực hiện. Thường thì đội chiêng vùng nào chỉ biết bài chiêng vùng đó. Và một lợi thế nữa là nhờ có đội chiêng bán chuyên nghiệp, người ta có thể thưởng thức những bài bản chiêng Mường bất cứ lúc nào. Đây là điều rất khó khăn trong dân gian, bởi muốn thưởng thức một bài chiêng Mường, người ta thường phải đợi đúng dịp lễ hội hoặc ngày vui cộng đồng, chưa kể phải có đủ người, mượn đủ bộ chiêng…, rất phức tạp, mất thời gian.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.