Con người và nhà thơ
Nhưng Xuân Quỳnh không chỉ là xuất chúng trong giới “thơ phụ nữ”. Hai chục năm nay, thơ Xuân Quỳnh đã đi vào người đọc, trở thành tiếng nói tâm tình về những ngọt bùi, cay đắng ở đời, tiếng nói của tình yêu và tình mẫu tử, tiếng nói hồn hậu, dung dị, chứa đựng sự sống đương thời mà cũng in dấu nếp nghĩ, nếp cảm của tâm hồn người Việt tự xa xưa. Những thiếu nữ bước vào tuổi yêu đương, những người mẹ trẻ phập phồng dõi theo từng giấc ngủ, từng hơi thở, từng bước đi của đứa con mình, họ tìm đến với thơ Xuân Quỳnh và ở đó họ gặp được một tâm hồn đồng cảm, sẻ chia, một người bạn thân thiết, chân thành... Đối với người làm thơ, được như thế đã là hạnh phúc.
Nói đến “xuất xứ” của Xuân Quỳnh giữa làng thơ lại phải nói đến sự xuất hiện đông đảo, ào ạt của một lớp người viết mới đem vào văn học những giọng nói mới, vào những năm sáu mươi. Nếu lấy mốc sự xuất hiện ấy là những năm 64-65 thì Xuân Quỳnh quả là có “ra trước” chút ít, giống như một người chị. Nhưng chị đã nhập bọn như một người bạn cùng lứa. Lớp nhà thơ này, trên chặng tiếp theo, cuộc đời và nghệ thuật của họ vừa tách biệt, phân hoá, lại vừa xen cài giằng chéo vào nhau. Xét về nhiều mặt, chính ngay mối tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ và sự nghiệp văn học của cặp vợ chồng này cũng là nằm trọn vẹn trong phong trào “văn học trẻ” ấy. Cho đến tận gần đây, những thành viên của thế hệ này đã là lực lượng chính của “sản xuất” văn học, nhưng hầu như chưa ai nghĩ đến một sự tổng kết, dù sơ bộ, về họ. Chính việc Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đột ngột ra đi đã khiến chúng ta phải nghĩ đến công việc ấy, một công việc hẳn là sẽ có ích cho văn học sử, hơn nữa, cho thái độ đón nhận của chúng ta đối với những thế hệ mới, đã và sẽ bước vào văn học.
Về thế hệ này, đương thời người ta thường nói rằng họ không có gì để từ bỏ, lựa chọn, không có việc “nhận đường” tìm đường trong nghệ thuật. Cho đến hôm nay, điều đó có vẻ không phù hợp với thực tế. Văn học là quá trình, cuộc đời sáng tác cũng là quá trình. Ở thế hệ nhà văn này, không thể hoàn toàn nói rằng con đường nghệ thuật của họ đã không phải vượt qua những trở lực, đã không phải trải qua những lầm lẫn, bị lừa dối và tự lừa dối, bị mê hoặc và tự mê hoặc rồi tỉnh ngộ, tự tìm đường đi trong nghệ thuật với những mục đích khác nhau, theo những lối khác nhau. Những điều này, thời gian sẽ cho chúng ta thấy rõ dần, qua từng trường hợp cụ thể.
Ai quen biết Xuân Quỳnh, hẳn sẽ để ý đến nét khác lạ nơi tay chị: một đôi bàn tay như già hơn khá nhiều so với khuôn mặt. Một gương mặt xinh đẹp, trẻ hơn tuổi, với cặp mắt tinh anh, duyên dáng, như rất dễ mỉm cười, che hết mọi phiền lo. Gương mặt phụ nữ đẹp và làm thơ ấy lại có đôi bàn tay giống như gương mặt Trương Chi! Chính Xuân Quỳnh đã không ít lần viết về bàn tay mình, ví dụ mấy câu này trong giọng dãi bày với người yêu:
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hai rau dền, rau dệu nấu canh
Tập và may, tết tóc cho mình
Rồi úp mặt trên bàn tay khóc mẹ.
Đôi bàn tay tiết lộ số phận. Một số phận đã từng không may mắn, dường như luôn luôn phải “đánh đu” với cuộc sống, với hạnh phúc. Trớ trêu thay, con người có số phận như thế lại mang trong mình nhiều khao khát. Trong một bài thơ viết năm 1962, Xuân Quỳnh viết rằng ngày bé mình chỉ mơ đến rằm tháng tám để được vui chơi với bạn bè dưới trăng trung thu. “Khi lớn khôn ước mơ cháy bỏng”mơ ước “thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời”,đưa thơ cùng du hành vũ trụ, sưởi ấm vùng trăng lạnh, đưa thơ đi cập bến các vì sao... “Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng - Biết bay rồi ta lại muốn bay cao”.
Hình như nguồn gốc tấn bi kịch của mỗi người nghệ sĩ là như thế. Ít ai làm “nghề” này lại không luôn luôn tự cảm thấy trạng thái quá sức mình. Như luôn luôn chới với về cái đích rất khó tới. Đôi khi còn phải đánh cuộc với số phận, với sự sống, với hạnh phúc. Bởi chính nguồn năng lượng của thơ, của nghệ thuật được nảy sinh từ đó.
Quá sức vì khát vọng, có lẽ, đó cũng là trạng thái của Xuân Quỳnh.
Trong một bản tiểu sử văn học viết ngày 29-8-1982, trả lời cho đề mục: Nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học, Xuân Quỳnh ghi hai điểm: “Vì thích thú. Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa. Vì uất ức. Khi mới vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ nên tôi quyết phải sống. Mà sống tức là phải viết”.
Giá như trong cuộc đời người phụ nữ ấy đã không có những trắc trở trong tình yêu, đã không từng hơn một lần qua đò sang bến thì cũng khó hình dung mảng thơ tình của chị sẽ mang diện mạo ra sao. Bởi “chuẩn mực” tình yêu ở nhà thơ khao khát yêu đương ấy vẫn có vẻ gì rất đồng nội, quê kiểng, nó gắn với sự duy nhất, sự chung tình, với tổ ấm, với mái nhà, với hạnh phúc của hôn nhân, nó đòi tuyệt đối, nó dứt khoát không chấp nhận mọi ngập ngừng, trù trừ, láu cá, nó không chịu bị xẻ chia, bị vay mượn dẫu là tạm thời là thường tình, nó xù tất cả lông cánh, móng vuốt ra để gìn giữ tình yêu trước mọi sự xâm phạm từ phía ngoài. Chính cái chuẩn mực hằng đeo đẳng ấy lại trái hẳn với thực tế đã trải. Hoá ra, người đeo đuổi một ý niệm tình yêu chuyên nhất lại bị mang tiếng trước người đời như là kẻ có lắm sự yêu đương “phức tạp”, phá phách (nhân đây tôi xin nêu nhận xét thú vị của một người bạn tôi: các nhà thơ thường không đứng ngoài đạo đức, chính họ thường hướng tới tạo dựng một đạo đức cho tương lai. Nhưng họ lại thường bị người đương thời coi là vô đạo đức!). Dẫu sao, đấy chỉ là chuyện bề ngoài. Điều chúng ta cần quan tâm ở đây là bề trong, là “lợi ích” của văn học: chính tấn bi kịch ấy đã biến Xuân Quỳnh từ con người có nhu cầu tự ca hát về tình yêu và cuộc săn đuổi hạnh phúc của mình thành một nhà thơ viết về tình yêu vào loại phong phú nhất trong số các nhà thơ cùng thế hệ.
Những nhà thơ cùng thế hệ Xuân Quỳnh đã được nghe không ít những lời khuyên: hãy viết về những cái rộng hơn ngoài cái “tôi” của mình. Xuân Quỳnh đã nỗ lực không ít để đáp ứng điều này. Và nhờ vậy, thế giới sự vật trong thơ chị được mở rộng ra. Song, cái chị viết nhiều nhất, thành công nhất lại vẫn là về chính cuộc đời mình, những chuyện của mình, những gì liên quan đến mình. Có lẽ, ai viết tiểu sử chi tiết của Xuân Quỳnh sẽ có thể dựa khá sát vào thơ của chị. Tính chất tự truyện là nét đậm, xuyên suốt hàng loạt bài thơ, tập thơ, và cũng là nét khá khác biệt rõ rệt so với thơ của nhiều người cùng thế hệ. Gần như chị trở thành nhân vật văn học của chính thơ chị. Chị đam mê sống, đam mê yêu, đam mê trong thiên chức làm vợ, làm mẹ - những điều ấy nhân vật kia nói lên giúp. Mọi sự vẫn như thế nhưng đã chuyển sang một thế giới khác, dịu nhẹ hơn, có thể thêu dệt thêm mầu vẻ cho cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Vẫn chỉ là mình và người yêu đấy thôi nhưng đó đã là ước mơ của mình về mình và cho mình. Phải chăng đấy là cái “cuộc đời khác nữa” mà Xuân Quỳnh tìm thấy trong văn học, nơi thăng hoa và giải thoát độc đáo cho tấn bi kịch của chị? Nói một cách giản dị, Xuân Quỳnh sống trọn vẹn với tấn bi kịch của chính mình, ghi lại bằng thơ những động thái tâm hồn mình, chị trở thành nhà thơ được công chúng ái mộ. Có thể là chị không lưu ý lắm đến cái được gọi là “hằng số của nhân bản” mà các nhà khoa học thường nêu lên, nhưng hẳn là chị tin rằng không có chuyện gì của cuộc đời một con người lại là quá ư dị biệt, xa lạ với cuộc đời những người khác.
Ai tiếp xúc nhiều với Xuân Quỳnh, hẳn sẽ thấy chi rất không ưa những gì nghiêm nghị, trịnh trọng. Chị sẵn sàng phá vỡ cái không khí nghi thức khuôn mẫu bằng những câu đùa hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, nghịch ngợm, hoặc đói khi khá chanh chua, nhưng thường là hết sức dân dã, hết sức gần gũi. Đằng sau cái tác phong mà không phải ai cũng dễ ưa ấy, chúng ta có thể nhận thấy ở con người này đang dần dần hội lại những nét gì tương tự như là sự thông tuệ dân gian, trí khôn và cách ứng xử dân gian ? Tôi vẫn ngờ rằng con người Xuân Quỳnh thuộc về văn hoá dân gian nhiều hơn là thuộc về văn hoá hiện đại. Nếu vậy, hẳn đây lại là chỉ dẫn về một khía cạnh nữa trong tấn bi kịch của chị, bởi hình như cũng ở mức nhiều hơn ai, chị cố gắng làm người của thế giới hiện đại, của người đương thời, cả trong đời sống lẫn trong văn học.
Chỉ học hết lớp sáu, chị đã phải đi làm, chị cố gắng tự học là chính. Chị có mặt ở hầu hết các loại văn hoá, chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ do Hội tổ chức. Vài năm gần đây chị vẫn gắng học thêm để nâng cao trình độ tiếng Pháp, tập dịch thơ rồi nhờ thầy sửa giúp, để rút kinh nghiệm hơn là để đưa đăng. Và chị đọc rất chăm. Phải thức thật khuya mà đọc, chị bảo thế. Nhất là sách dịch, từ nhiều nền văn học khác nhau. Tôi còn nhớ, khi đọc xong cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, chị còn mượn các tài liệu phân tích, để hiểu tác phẩm của một nền văn hoá khác, với chúng ta còn là xa cách, lạ lẫm. Có thể thấy dấu vết sự học hỏi của Xuân Quỳnh ở ngay trong thơ chị. Tà bài mở đầu tập thơ Chồi biếcin rõ dấu ấn ca dao, sang những tập thơ sau này, chị đã trở nên lành nghề, thậm chí đã biết tận dụng cả sự khéo tay, tận dụng những cách cấu tứ của cả nhà thơ cùng lứa lẫn nhà thơ lớp trước. Và chị đã văn chương hoá không ít, hơn nữa, đã cùng các nhà thơ cùng lứa tạo ra một kiểu “văn chương hoá” mới, một kiểu trang sức mới. Nhưng cốt cách thơ Xuân Quỳnh, qua mọi biến thái vẫn gắn bó với những gì đã có nơi chị từ điểm xuất phát. Ấy là một giọng thơ ưng phô bày, kể lể, nhắn nhe, tự tình, ví von, một giọng thơ dù biến hoá đến mức văn hoa kiểu mẫu vẫn đọng lại cái phần gắn bó với lối nói, lối nghĩ, lối cảm thông thường có thể là xa xưa nữa của người Việt, của tiếng Việt. Thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng dễ hiểu đối với công chúng đông đảo. Sáng rõ, nhã nhặn, giản dị - là những đặc tính trong cả thơ lẫn văn xuôi.
Không phải chị không biết đến các màu sắc khác. Không phải chị không biết đến luật thay đổi của thời gian đối với thị hiếu nghệ thuật. Đã có lúc chị thẳng thắn chế diễu cái chất mà chị gọi là “âm lịch”, tức là cái cổ lỗ, cũ kỹ trong thơ văn của những cây bút nào đó. Và chị cũng không tự coi mình là “tân thời”. Không phải là không có dụng ý khi tập thơ tuyển Sân ga chiều em điđược kết thúc bằng hai câu nhắn gửi người đọc: Anh hãy nghĩ khác xa điều tôi nghĩ – Thơ tôi làm không phải để anh theo. Nhưng dẫu sao Xuân Quỳnh, với tư cách một con người và một nhà thơ, vẫn gắn bó, vẫn hướng nhiều hơn về phía những chuẩn mực, những nền nếp đã hình thành từ xưa của đời sống và của nghệ thuật. Ở con người Xuân Quỳnh vẫn tiềm tàng nét đơn giản, thậm chí trẻ thơ “đã yêu củ ấu cũng tròn”, đối với mọi người, mọi sự. Xuân Quỳnh không thích, thậm chí không đồng tình với một số tìm tòi khác lạ của một số bạn viết mới gần đây – đó âu cũng là một sự thường. Vả lại đây cũng là một nét thuộc nhân cách nghệ sĩ: mọi phản ứng của mọi nhân cách như vậy đều nhằm bảo vệ thị hiếu nghệ thuật của mình, tín nhiệm nghệ thuật của mình. Một đội ngũ nghệ sĩ cùng thời cùng lứa chỉ có yêu văn chương của nhau, tâng bốc nghệ thuật của nhau, không có xung đột về thị hiếu, về xu hướng nghệ thuật – thì chưa hẳn đã là đội ngũ có thể làm nên một nền nghệ thuật thật sự đa sắc, đa dạng.
Xuân Quỳnh đã từng bảo vệ thị hiếu và quan niệm nghệ thuật của chị, bằng chính sáng tác của chị. Công chúng nhận ra ở chị một hồn thơ gần gũi, như đã thân quen từ lâu. Đến lượt những bạn viết mới, họ cũng phải tự tìm ra và tự bảo vệ lấy quan niệm nghệ thuật của họ, bằng sáng tác của họ, và họ cũng sẽ tạo ra được công chúng của mình.