Con đường di chuyển mới của tế bào ung thư
Triệt để chữa trị bệnh ung thư chỉ có một cách là ngăn cản sự di căn của tế bào ung thư.
Sự di căn của tế bào ung thư thường được biết đến qua con đường mạch máu hoặc limpho để di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể, nhưng nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học Cornell - Mỹ lại cho biết tế bào ung thư còn di chuyển theo một con đường khác.
Theo giáo sư David Litton, ung thư sẽ cử một "đặc phái viên" đi tiên phong, sau đó sẽ bám vào tế bào tuỷ sống để di chuyển đến một cơ quan nội tạng mới, nhân bản ở đó và phát triển thành khối ung thư mới.
Điều đáng quan tâm là tế bào ung thư rất "thông minh", nó thậm chí biết huy động tế bào tuỷ sống bình thường, bám vào tế bào tuỷ sống và di chuyển đến nơi nó muốn đến, thay đổi môi trường ở đó, hấp thu và thúc đẩy sự di căn của tế bào ung thư.
Hiện tượng này giống như chúng ta đến bến xe buýt, lên xe và xe sẽ đưa chúng ta đến nơi cần đến. Những tế bào tuỷ sống bình thường chu du trong cơ thể lại trở thành "phương tiện giao thông" hữu hiệu cho tế bào ung thư. Tế bào ung thư khi đã rời khỏi gốc bệnh và di chuyển đến cơ quan khác trong cơ thể thì rất khó chữa trị, vì lúc đó, tính chất của tế bào ung thư đã thay đổi, chúng sẽ dữ tợn hơn và nguy hiểm hơn.
Chúng không những nhanh chóng sinh sôi mà còn sinh ra một loại "chất kết dính" có nhiệm vụ hấp thu và "bắt" tế bào tuỷ sống, kết dính lại thành trạm "cung cấp dinh dưỡng" , chuyên tiếp "nhiên liệu" cho tế bào ung thư.
Khi quá trình sinh sôi thành công, đây sẽ là nơi phát sinh ra khối u. Nếu không hình thành được nhờ chất kết dính, tế bào ung thư sẽ tiếp tục di chuyển đến một cơ quan khác.
Các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm trên động vật, họ đã quan sát được sự di chuyển của tế bào ung thư vú, ung thư phổi và ung thư thực quản. Việc kiểm soát được số lượng tế bào ung thư đặc biệt làm nhiệm vụ "chuyên chở" sẽ giúp cho việc phán đoán ung thư đã phân tán hay chưa?
Sự phát hiện này sẽ mở ra một hướng phòng ngừa và chữa trị mới cho căn bệnh ung thư.
Theo Tân hoa xã.