Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 25/03/2009 15:35 (GMT+7)

Còn đó văn hoá làng Việt

Cùng với việc đối mặt trước làn sóng toàn cầu hoá, những năm gần đây, đất nước ta đang đứng trước đòi hỏi lớn của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá mạnh mẽ.

Và, không ít người, trong cơn lốc ấy, đang bày tỏ nỗi băn khoăn, lo ngại cho sự mất còn của văn hoá làng Việt…

Làng Việt là một thực thể khá hoàn chỉnh và có thể được coi như là môi trường tổng hợp để người nông dân thể hiện quan niệm, thái độ và xúc cảm thẩm mỹ của mình. Được cố kết một cách khá tự nhiên theo hình thể địa lý, địa dư, dân cư và theo các cơ cấu tổ chức khác (xóm ngõ, tộc họ, giáp, phe, hội…), làng Việt, đến nay lưu giữ gần như nguyên vẹn môi trường cảnh quan thiên nhiên và môi trường xã hội vốn có theo từng tính chất mà nó có (làng nông nghiệp, làng ngư nghiệp, làng nghề thủ công…). Chính vì là sản phẩm được cấu kết trên sự kết hợp nhuần nhuyễn các nền tảng gồm hoàn cảnh địa lý tự nhiên, sự phân bố dân cư, điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống thiết chế sinh hoạt vật chất, tinh thần, tâm linh… nên văn hoá làng Việt là thực tế quan trọng biểu hiện ý nghĩa nhân sinh và tính chất thẩm mỹ của con người, mà nổi bật là tính chất thẩm mỹ truyền thống cộng đồng nơi thôn dã.

Văn hoá và thẩm mỹ truyền thống cộng đồng được thể hiện ở sự tôn trọng và giữ gìn cảnh quan văn hoá làng. Đó có thể là cảnh quan tự nhiên (sông, núi, đầm, hồ, cây xanh, cánh đồng, luỹ tre, vườn cây…), lại có thể là cảnh quan xã hội (các thiết chế đình, chùa, đền miếu, nhà văn hoá, câu lạc bộ, trường học…). Đó có thể là sự giữ gìn môi sinh trong kiến trúc nhà ở, vệ sinh đường làng ngõ xóm, lại cũng có thể là sự giữ gìn môi trường sống, an ninh trật tự của làng xã. Đó có thể là sự đảm bảo tốt cả quá trình sản xuất lẫn tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong làng xã, lại cũng có thể là sự đảm bảo trong lành một môi trường văn hoá tinh thần, tâm linh của con người trong cộng đồng… Các hương ước xưa và các quy ước làng văn hoá nay đều hết sức chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường sống (bảo vệ đất đai, làm thuỷ lợi, sử dụng nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, làm phong quang đường làng ngõ xóm…). Nhờ những quy ước này mà làng xã không chỉ giữ gìn, làm đẹp cảnh quan tự nhiên, tạo cân bằng sinh thái mà qua đó, còn bộc lộ quan điểm thẩm mỹ của mình trong tạo dựng cái đẹp hài hoà với tự nhiên.

Văn hoá và thẩm mỹ truyền thống cộng đồng được thể hiện qua các mối quan hệ xã hội. Tính cộng đồng chặt chẽ là một đặc trưng của làng Việt, nhất là làng Việt Bắc Bộ. Hầu như, ở mỗi cá nhân, mọi chức năng và quyền hạn, mọi nghĩa vụ và quyền lợi đều được quy định theo một trật tự khá nghiêm ngặt, song tính hoà đồng giữa các vai trò lại được đánh giá cao vì ảnh hưởng của tính chất nền nếp chặt chẽ trong quan hệ gia đình, gia tộc. Chẳng hạn, không ít hương ước quy định rất rõ giới hạn, mức độ, tính chất trong cư xử giữa người này với người khác, khuyến khích giữ gìn thuần phong mỹ tục, khuyến khích dân làng ăn ở hoà thuận, tránh ăn gian nói dối, tránh gây thù chuốc oán. Có thể nói, dù còn có những biểu hiện trái chiều, nhưng rõ ràng môi trường văn hoá xã hội làng xã Việt truyền thống rất trong lành, yên bình. Điều này cũng bộc lộ quan niệm thẩm mỹ của người dân Việt là ưa hoà đồng, hoà thuận, bình yên.

Làng cổ Mông Phụ Văn hoá và thẩm mỹ truyền thống cộng đồng thể hiện qua môi trường văn hoá dân gian. Nói đến văn hoá cộng đồng làng xã truyền thống, không thể không đề cập tới bộ phận cấu thành cơ bản là văn hoá dân gian truyền thống. Cũng có thể coi các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian đã tạo môi trường thẩm mỹ tốt đẹp, trong lành cho đời sống của người dân. Ca dao, hò về, hát giao duyên, diễn xướng dân gian, lễ hội, lễ Tết… là những gì gói ghém gần như trọn vẹn cuộc sống tinh thần của người dân làng quê Việt.

Họ không chỉ sống với công việc sản xuất, làm ăn; họ không chỉ chăm lo bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái mà họ còn trân trọng giữ gìn từng câu ca, điệu múa, từng tục lệ, tín ngưỡng như thể không có chúng, sẽ không còn đầy đủ cuộc sống của họ nữa. Nghĩa là, họ coi những di sản đó như là kết tinh giá trị văn hoá thẩm mỹ của cộng đồng. Nghĩa là ngoài môi trường sinh thái văn hoá làm giàu cho cuộc sống của họ. Bảo vệ và phát huy môi trường văn hoá này, như thế, là một thái độ thẩm mỹ.

Văn hoá và thẩm mỹ truyền thống cộng đồng được thể hiện qua môi trường văn hoá tâm linh. Thực ra, đây là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng làng xã Việt. Con người, trong đời sống hữu hạn trần thế không chỉ quan hệ với thế giới hữu hình mà còn với thế giới vô hình (những điều chưa giải thích nổi, tổ tiên, thần thánh…). Mà thế giới vô hình này chi phối không nhỏ đời sống cũng như quan niệm thẩm mỹ, quan niệm văn hoá của người dân. Tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ cha, thờ mẫu, thờ các nhiên thần (mây, mưa, gió, sấm chớp, thần sông, thần đất…), nhân thần… là biểu hiện sự tôn trọng đối với sợi dây liên hệ giữa người sống và người đã khuất, giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, giữ truyền thống với hiện đại. Kéo thần thánh xuống cùng sống với con người, thờ phụng người khuất bóng để nhằm cầu mong an khang, thịnh vượng cho người đang sống là một cách thể hiện quan niệm thẩm mỹ của người dân Việt… Như thế, đời sống tâm linh, rốt cuộc cũng lại trở thành một môi trường văn hoá bao bọc con người.

Như thế, văn hoá làng Việt được thể hiện qua môi trường tổng thể gồm các môi trường tự nhiên, xã hội, tinh thần và tâm linh. Quan niệm thẩm mỹ của người dân Việt là hoà đồng và tôn trọng cái đẹp tự nhiên, thích ứng và cải biến trên cơ sở cái đẹp tự nhiên. Quan niệm và cảm thức này bộc lộ trong việc tổ chức cộng đồng, phân bố dân cư, bảo vệ cảnh quan tự nhiên; trong việc tổ chức xã hội và đời sống văn hoá; trong việc ứng xử với thần thánh và những người đã khuất. Truyền thống xây dựng các hình thức làng xã, xây dựng cảnh quan đường làng ngõ xóm, sự hình thành nếp ăn, mặc, ở, làm việc; xây dựng văn hoá làng (văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể), xây dựng biểu tượng văn hoá tâm linh… đã có từ lâu đời. Giản dị, tự nhiên, hài hoà, thích ứng… là những đặc điểm thẩm mỹ đáng chú ý trong truyền thống văn hoá cộng đồng Việt. Đặc trưng này khó thể phá bỏ, ngay cả khi làng Việt bị cuốn vào cơn lốc đô thị hoá.

Hiện tại trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá, vấn đề văn hoá làng cũng như thẩm mỹ môi trường truyền thống đang bị đặt trước nhiều thách thức. Địa lý tự nhiên, cảnh quan làng xóm, môi trường sinh thái, quan hệ xã hội, đời sống văn hoá vật chất và tâm linh… đang biến động và đứng trước nhiều thách thức. Chuyển đổi thế nào để văn hoá làng giữ được sự trong sạch, hài hoà của nó, không phải là điều dễ dàng. Trong sự chuyển đổi ấy, không thể không chú ý tới quan niệm, cảm thức, khiếu thẩm mỹ truyền thống của người dân Việt như là một cốt lõi của lối sống trong làng Việt. Đó là lối sống hoà nhập, thích ứng, hài hoà với tự nhiên và xã hội; đó là sự cải biến để tăng trưởng chứ không phải để suy thoái môi trường tự nhiên và xã hội. Không ít bài học về sự cải biến nóng vội, làm ô nhiễm môi trường địa lý tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, môi trường tâm linh đã đặt ra trước mắt. Không ít tiếng kêu cứu về sự suy thoái văn hoá, suy thoái môi trường sống đang vang lên. Và đó chính là lúc văn hoá làng, với tư cách là bầu khí quyển của trên dưới 70% người dân Việt, bị xâm hại.

Cho nên, trong khi đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, người ta vẫn không nên quên ngoái nhìn một mái rạ bên luỹ tre làng, một cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, một mái đình, cây đa, giếng nước, một vốn quý văn hoá dân gian còn đầy ắp nơi hương thôn, một đời sống tâm linh hài hoà, nồng đượm chất quê… Phải chăng chính những di sản ấy là cái tiếp thêm sức để ta có thể tiến nhanh mà không phải trả giá đắt.

Với những người xa quê, sự nồng đượm của văn hoá làng và thẩm mỹ môi trường truyền thống Việt, một lúc nào đó, chợt gợi thêm nhiều ý nghĩa.

Làng cổ Mông Phụ

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
"Sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử
Sáng 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh và có bài phát biểu với nhân dân Thành phố, đồng thời gửi gắm thông điệp tới nhân dân cả nước.