Cơ hội và thách thức trong hợp tác phát triển nông nghiệp ở Châu Phi hai thập niên đầu thế kỷ XXI
1. Bối cảnh và xu hướng quốc tế mới
Bối cảnh quốc tế từ nay đến năm 2020 tạo ra nhiều thời cơ đan xen với nhiều thách thức cho phát triển nông nghiệp ở các nước châu Phi. Những xu thế tác động trực tiếp đến việc hợp tác nông nghiệp ở một số nước châu Phi trong thời gian tới là:
Thứ nhất.toàn cầu hoá kinh tế tiếp tục lan rộng, lôi cuốn hầu hết các nước trên thế giới tham gia.
Toàn cầu hoá vừa làm tăng sức ép cạnh tranh, vừa làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước. Nhờ có sự lan rộng của toàn cầu hoá, quan hệ đa phương, quan hệ song phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng hơn trong tất cả các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường...Toàn cầu hoá mở rộng trong thế kỷ XXI khiến các công ty xuyên quốc gia không ngừng cấu trúc lại, hình thành các tập đoàn khổng lồ chi phối nhiều lĩnh vực kinh tế. Thế giới sẽ hình thành các siêu công ty và thương mại điện tử sẽ trở thành một sân chơi mới. Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.
Toàn cầu hoá lan nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu khiến nền sản xuất thế giới mang tính chất toàn cầu. Tự do hoá về thương mại, đầu tư, tài chính tiếp tục được mở rộng. Hội nhập kinh tế và vai trò của các tổ chức quốc tế trở thành một nội dung của toàn cầu hoá. Hội nhập nhấn mạnh đến tính chủ động tham gia của các nước vào quá trình toàn cầu. Toàn cầu hoá kinh tế và hợp tác quốc tế là một quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Xu thế khu vực hoá trong bối cảnh toàn cầu cũng sẽ gia tăng mạnh hơn. Sự cạnh tranh thương mại giữa các khối, tổ chức khu vực ngày càng gia tăng. Xu thế toàn cầu hoá kinh tế với tốc độ nhanh đến chóng mặt đang làm tăng cơ hội lựa chọn cho các nước, nhưng cũng đòi hỏi các nước phải tham gia hội nhập khu vực, coi đó là bước đi cơ bản để hội nhập toàn cầu và tránh những rủi ro khi hội nhập ra toàn thế giới.
Đặc trưng cơ bản của xu hướng toàn cầu hoá trong thời gian tới là nền kinh tế của các nước trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhau nhiều hơn, liên kết chặt chẽ với nhau hơn trên nhiều cấp độ: song phương, đa phương, tiểu khu vực, khu vực, châu lục và liên châu lục. Trong xu thế khách quan này các nước hội nhập sau không còn cách nào khác là phải nhanh chóng hoà nhập vào quỹ đạo phát triển chung để không bị gạt ra ngoài dòng phát triển của thế giới. Những nước hội nhập sau như châu Phi hầu hết là những nước nghèo và họ có cơ hội nhận được sự giúp đỡ từ các nước công nghiệp, đặc biệt về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, các khoản vay và tài trợ hấp dẫn. Tuy nhiên, với trình độ phát triển kinh tế thấp, các nước hội nhập sau sẽ gặp nhiều rủi ro, dễ bị tụt hậu nếu không nắm bắt và phát huy những cơ hội do thế giới mang lại.
Thứ hai,khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tiếp tục có những bước nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực đời sống xã hội. Tri thức và sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng. Trình độ làm chủ thông tin, tri thức có ýnghĩa quyết định sự phát triển. Chutrình luân chuyển vốn, đổi mới công nghệ và sản phẩm ngày càng được rút ngắn. Các điều kiện kinh doanh trên thị trường thế giới luôn thay đổi khiến các doanh nghiệp phải nhanh nhạy nắm bắt và thích nghi. Các nước đang phát triển đang có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, đồng thời đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tranh thủ được cơ hội và khắc phục những yếu kém để vươn lên.
Sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức trên thế giới buộc các nước phải nỗ lực cải cách cơ cấu để tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Việc cải cách cơ cấu đó đòi hỏi các rước châu Phi phải có những cách nhìn và cách làm khác để có thể tiếp nhận hiệu qủa sự chuyển giao công nghệ từ bên ngoài. Nền kinh tế tri thức giúp các nước kém phát triển hơn như châu Phi có đủ điều kiện để có thể lựa chọn, ứng dụng những công nghệ phù hợp và hiện đại nhờ phương thức nhập khẩu công nghệ để phát triển kinh tế. Xu hướng phát triển nông nghiệp của thế giới trong hai thập niên tới sẽ dựa vào tính năng động về công nghệ bởi trong tương lai thế giới sẽ không còn nhiều đất mới để phát triển và những khoản trợ cấp cho nông nghiệp cũng sẽ phải giảm đi theo đúng lộ trình cam kết của WTO. Nhiều nước công nghiệp phát triển hiện nay đang tập trung đầu tư phát triển khoa học công nghệ để ứng dụng cho nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước cũng như dành cho xuất khẩu. Một số công ty xuyên quốc gia cũng sẽ tập trung nghiên cứu công nghệ trong nông nghiệp, thay vì việc chỉ chú trọng đến phát triển và kiểm soát thị trường lương thực như trước đây. Nhờ khoa học công nghệ trên thế giới liên tục phát triển, quá trình phát triển kinh tế của châu Phi có thể được rút ngắn dựa trên sự phát huy nội lực và khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI cũng mang đến nhiều thách thức cho các nước châu Phi. Là những nước thiếu trầm trọng vốn, công nghệ, thị trường, cơ sở hạ tầng, trong khi phản ứng chính sách của chính phủ thường chậm và kém hiệu quả, các nước châu Phi có thể phải tiếp nhận các công nghệ lạc hậu hoặc không phù hợp, dẫn đến hiệu quả sản xuất kém, chất lượng hàng hoá thấp. Và nguồn lao động rẻ, kỹ năng thấp, sẵn có nguồn tài nguyên thiên nhiên, đang rất cần vốn và công nghệ, các nước châu Phi dễ có khả năng phải tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, mức độ gây ô nhiễm cao và không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.
Thứ bacục diện thế giới sẽ có sự cơ cấu lại tương quan lực lượng giữa các quốc gia và quan hệ quốc tế.
Vai trò của các quốc gia trong việc hình thành cục diện thế giới là không giống nhau. Trong giai đoạn 2011-2020, vai trò to lớn, quan trọng và mang tính chất quyết định thuộc về các nước lớn, các cường quốc, các trung tâm quyền lực, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, EU, Ấn Độ. . .
Mỹ tiếp tục giữ vai trò siêu cường duy nhất dẫn đầu thế giới về các mặt kinh tế, khoa học - công nghệ, quân sự, chính trị và văn hoá. Mặc dù hiện nay, Mỹ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng dự báo trong vài năm tới sức mạnh kinh tế - chính trị của Mỹ tiếp tục được khôi phục và tiếp tục có những ảnh hưởng lớn đến các nước khác trên thế giới trong mọi lĩnh vực.
Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành một nền kinh tế lớn nhất trên thế giới vào năm 2020. Cho đến năm 2007, GDP của Trung Quốc đã đạt 3470 tỷ USD, tăng 16 lần so với năm 1978. Với tốc độ tăng GDP nhanh như vậy kinh tế Trung Quốc đang vươn lên hàng thứ 4 sau Mỹ Nhật Bản và Đức. Hiện tại, kinh tế Trung Quốc chiếm 5% sản lượng thế giới và đóng góp 10% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo nhiều dự báo khác nhau, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với nền kinh tế Đức vào năm 2010 và vượt nền kinh tế Nhật Bản vào năm 20201. Đặc biệt, với chiến lược thâm nhập thị trường thế giới bằng hàng hoá Made in China giá rẻ và chiến lược hợp tác Nam- Nam riêng có của mình: Trung Quốc đang là đối thủ đáng kiêng nể của các nước lớn và có những ảnh hưởng quan trọng đến cục diện thế giới mới.
Những nước lớn khác như EU, Nhật Bản sẽ tiếp tục là một trong những trung tâm quyền lực rất lớn trên thế giới, có sức mạnh chi phối các mối quan hệ kinh tế - chính trị trên thế giới từ nay đến năm 2020. Trong tương quan lực lượng, sức mạnh của mỗi nước là rất khác nhau, vừa bổ sung, vừa cạnh tranh với nhau vì sự phát triển chung của toàn thế giới. EU tuy thua kém Mỹ về tiềm năng quân sự, nhưng lại có tiềm năng về tài chính và công nghệ rất lớn, đặc biệt là sức mạnh của đồng tiền chung Euro có thể sánh ngang với Mỹ. Nhật Bản vẫn tiếp tục giữ vị trí là một cường quốc kinh tế trên thế giới với GDP hiện tại đạt hơn 4300 tỷ USD, bằng 7,1% GDP của toàn thế giới. Cùng với đó, một số nước khác như Nga, Ấn Độ đang được dự báo là một trong cường quốc mới trên thế giới, tính theo quy mô sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự. Các nước lớn này sẽ tiếp tục vừa hợp tác, thoả hiệp, dàn xếp lợi ích, vừa đấu tranh, kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau để cùng phát triển. Bối cảnh đó vừa tạo cơ hội, vừa là thách thức cho những nước nhỏ hơn trong việc tìm kiếm các chiến lược phát triển và hợp tác từ nay đến năm 2020.
Thứ tư,thế giới phải tập trung giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu trong vài thập kỷ tới.
Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) đã đưa ra những cảnh báo về khủng hoảng thiếu lương thực trong hai thập kỷ tới. Nếu trong thập kỷ 90 của thế ký XX, bình quân lương thực của thế giới là 327 kg/người/năm), thì đến đầu thế kỷ XXI bình quân lương thực của thế giới chỉ còn 320 kg/người/năm do tốc độ tăng trưởng về lương thực giảm từ 2,3%/năm xuống chỉ còn 1,8%/năm vào những năm cuối thế kỷ XX.
Trong khi đó, dân số thế giới đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng làm cho tình hình an ninh lương thực thế giới trở nên bất ổn tính đến năm 2020. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, dân số thế giới vào năm 2020 sẽ là khoảng 7,5 tỷ người so với 6 tỷ người của năm 2002. Khoảng 95% mức tăng dân số thuộc về các nước đang phát triển, trong đó mức tăng cao nhất sẽ thuộc về châu Phi và châu Á. Trong khi đó, đất đai nông nghiệp đang có xu hướng suy giảm do quá trình đô thị hoá và nhiều nguyên nhân khác, đồng thời tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm. Dân số tăng nhanh sẽ khiến sản xuất lương thực không đủ để đáp ứng nhu cầu và dự báo đến năm 2020 số dân thiếu lương thực sẽ là khoảng 1,3 tỷ người (hiện nay là khoảng 854 trệu người). Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhập khẩu lương thực của các nước đang phát triển sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, trong đó châu Á sẽ đạt mức tăng nhập khẩu lương thực gấp 4 lần (chủ yếu là nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ) và châu Phi cận Xahara sẽ đạt mức tăng nhập khẩu lương thực khoảng 150%. Liên hiệp quốc dự đoán đến năm 2020, Mỹ sẽ là nước cung cấp khoảng 60% sản lượng ngũ cốc nhập khẩu cho các nước đang phát triển, EU cung cấp khoảng 16% và Ôxtrâylia cung cấp khoảng 10%. Những nước chiếm phần lớn nhu cầu tăng lên về hàng nông nghiệp, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Dự tính vào năm 2020, Trung Quốc sẽ chiếm 27% mức tăng nhu cầu sản lượng ngũ cốc trên thế giới, tiếp theo là Ấn Độ chiếm 12% các nước châu Á khác chiếm 14%, châu Phi cận Xahara chiếm 11%, châu Mỹ La tinh chiếm 1 1%, Tây Á và Bắc Phi chiếm 10% và các nước công nghiệp phát triển chiếm 15%. Nhu cẩu về các loại sản phẩm nông nghiệp khác ngoài ngũ cốc ở các nước đang phát triển cũng có xu hướng tăng rất nhanh.
Bảng 1. Nhu cầu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc vào năm 2020
Lúa gạo | Lúa mì | Lúa hạt to | Tổng | |
Tiêu dùng bình quân đầu người (kg/người) | 107,7 | 99,4 | 53,2 | 258,3 |
Tiêu dùng ngũ cốc trực tiếp | 66,5 | 51,5 | 23,1 | 141,1 |
Tiêu dùng lương thực đã qua chế biến | 39,2 | 47,9 | 30,1 | 117,1 |
Nhu cầu nhập khẩu (triệu tấn) | 208,6 | 174,8 | 224,5 | 607,9 |
Tiêu dùng trực tiếp và qua chế biến | 150,9 | 142,5 | 75,0 | 368,3 |
Ngũ cốc dành cho chăn nuôi | 46,3 | 21,6 | 138,2 | 206,1 |
Hạt giống | 11,5 | 10,7 | 11,3 | 33,5 |
Nguồn: World Bank Data and Staff Estimate; Trong World Bank (1997): China 2020
Đặc biệt là ở Trung Quốc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và mức độ đô thị hoá, dân số Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng rất nhanh vào năm 2020, vì thế nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc sẽ rất lớn. Trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước số lượng nông dân Trung Quốc bị mất ruộng đất ngày một nhiều. Nhiều quan điểm mới đây của Trung Quốc đã đề cập đến "cuộc cách mạng ruộng đất lần thứ ba" 3 nhằm trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân. Tuy nhiên cuộc cách mạng lần thứ ba mới đang được tranh luận ở Trung Quốc và người dân Trung Quốc vẫn tiếp tục mất ruộng đất và thiếu thốn lương thực trong quá trình công nghiệp hoá. Mỗi năm Trung Quốc có thêm 20 triệu lao động mới cần việc làm, nhưng trên thực tế xã hội chỉ có thể giải quyết được khoảng 12 triệu việc làm mới trong một năm. Vấn đề này đang đặt ra thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc trong tương lai và khiến nhu cầu sản xuất và nhập khẩu lương thực của Trung Quốc vào năm 2020 là lớn chưa từng có.
Sự thiếu hụt lương thực đang khiến thế giới phải tập trung giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu, đác biệt là ở các nước nghèo như châu Phi. Theo dự báo của Liên hiệp quốc (2001), mức tăng dân số nhanh, hoạt động kinh tế manh mún và thiếu thốn lương thực đã và đang đẩy phần lớn trẻ em châu Phi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Số trẻ em suy dinh dưỡng ở châu Phi cận Xahara vào năm 2020 có thể lên tới 49 triệu người so với con số 33 triệu người của năm 1997. Nếu các nước châu Phi không đủ nguồn vốn và tiềm lực để nhập khẩu lương thực, phát triển mở rộng nông nghiệp thì các vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng trong vài thập kỷ tới và ảnh hưởng đến tình hình ổn định xã hội và an ninh lương thực toàn thế giới. Các tổ chức đa phương như FAO, WB, IMF, UNCTAD, UN ...và các nước công nghiệp phát triển đang nỗ lực đề ra những kế hoạch dài hạn nhằm hạn chế những bất ôn và rủi ro do mất an ninh lương thực thế giới mang lại trong thời gian tới, trong đó có các dự án hạn chế dịch bệnh, quản lý nguồn nước tưới tiêu, nghiên cứu nông nghiệp, phát triển công nghệ sinh học. . .Đây là một trong những cơ hội để châu Phi tận dụng những lợi thế về nguồn lực như tài nguyên nông nghiệp, lao động, đất đai, thị trường... Tuy nhiên, sẽ là bất lợi cho châu lục Đen nếu sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế còn quá ít ỏi, không đồng bộ hoặc không hiệu quả. Điều này sẽ đẩy châu Phi vào tình trạng đói nghèo triền miên và tụt hậu xa so với thế giới bên ngoài .
Thứ năm,thế giới phải nỗ lực giải quyết những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra trong năm 2008.
Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo APEC ngày 23/11/2008 tại Hội nghị thượng đỉnh APEC thường niên, thì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới bị thiệt hại khoảng trên 30.000 tỷ USD, tức là gần gấp đôi GDP của Mỹ, trong đó EU, Nhật Bản và Mỹ là những nước bị thiệt hại nặng nề nhất. Hơn thế cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này tác động đến cả những nước nghèo, trong đó IMF xác định có 26 nước đang phát triển bị tổn thương nhiều nhất, bao gồm cả các nước châu Phi. Các nước đang phát triển đang cần hỗ trợ khoảng 140 tỷ USD để ngăn chặn tình trạng đói nghèo, mất an ninh lương thực và thất nghiệp. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy 46 triệu người ở các nước đang phát triển xuống dưới mức nghèo đói.
Cho đến nay, toàn thế giới đang rất nỗ lực tìm giải pháp để thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng này. Vai trò của các tổ chức quốc tế như IMF, OECD, G7, G20 đang được củng cố và các tổ chức này đang xem xét và thực hiện các gói giải pháp để giúp thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Chính sách kích cầu cũng đang được một loại nước thực hiện, kể cả những nước giàu nhất đến các nước đang phát triển. Vẫn còn có nhiều
tranh cãi về thời điểm phục hồi sau khủng hoảng của nền kinh tế thế giới. Phái lạc quan thì cho rằng kinh tế thế giới sẽ sụt giảm đến đáy trong nửa đầu năm 2009 và sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2009, cùng lắm là đến năm 2010 thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng và suy thoái. Phái bi quan thì cho rằng thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài, một tình hình như Nhật Bản thập kỷ I990, nếu không phải là một cuộc đại suy thoái lần thứ hai giống như giai đoạn 1929-1933.
Cho dù với những đánh giá bi quan hay lạc quan cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của các nước châu Phi. Các nhà tài trợ sẽ tập trung giải quyết các vấ đề trong nước họ, vì vậy những gói cứu trợ, những chương trình trợ giúp hợp tác với châu Phi có khả năng bị đình trệ hoặc dừng lại. Châu Phi sẽ gặp phải nhiều tác động bất lợi do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra.
2. Cơ hội và thách thức trong hợp tác phát triển nông nghiệp ởmột số nước châu Phi
*Cơ hội
Dựa trên bối cảnh quốc tế từ nay đến năm 2020, có thể vạch ra một số cơ hội phát triển và hợp tác nông nghiệp ở châu Phi đến năm 2020 là như sau:
Thứ nhất,nông nghiệp châu Phi sẽ được hưởng lợi từ sự phụ thuộc lẫn nhau và sự hỗ trợ dẫn dắt của các nước đi trước trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Những dự báo mới đây về quyền lực và sức mạnh quốc gia đều cho rằng sức mạnh của mỗi quốc gia đều thông qua kết quả của tác động qua lại giữa các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá. Gregory F.Treverton trong cuốn "Measuring National Power" cho rằng có tất thảy 8 động lực chi phối sức mạnh quốc gia, trong đó có cả vấn đề nông nghiệp (bảng 2). Như vậy có thể thấy, châu Phi - dù cho có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu nhưng cũng tiềm chứa trong mình sức mạnh của một nền nông nghiệp chưa được khai thác triệt để, đất đai rộng lớn, dân số đông và tài nguyên dầu mỏ chưa được khai thác.
Bảng 2. Các động lực chi phối sức mạnh quốc gia
Chính trị xã hội trong nước | Chính trị quốc tế |
Dân số | Kinh tế |
Nông nghiệp | Năng lượng |
Công nghệ | Môi trường |
Nguồn: Gregory F. Treverton - Seth G. Jones (2005): Measuring National Power, Rand, p.4; Theo sách chuyên khảo: Kinh tế và chính trị thế giới: Vấn đề và xu hướng tiến triển; NXB Lao động 2008, trang 30
Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc và liên kết với nhau trên nhiều cấp độ: song phương, đa phương, tiểu khu vực, châu lục, trên châu lục và toàn cầu, châu Phi sẽ được hưởng lợi từ sự giúp đỡ cửa các nước giàu, đặc biệt là về vốn, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm qua không ngừng đổ vào châu Phi, chủ yếu là nhằm tận dụng nguồn lao động và tài nguyên rẻ và hướng các nguồn vốn này vào mục đích thương mại. Nhờ có vốn đầu tư ngày càng tăng của thế giới bên ngoài, châu Phi đang tận dụng lợi thế này để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng mạng lưới thương mại. Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế mới cũng sẽ tạo thuận lợi cho châu Phi tiếp nhận các khoản vay và tài trợ hấp dẫn để phát triển kinh tế trong nước, trong đó có nông nghiệp. WB, IMF, AfDB và các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản, EU đang thiết kế ra các chương trình phát triển của từng nước, từng châu lục để tăng cường viện trợ. Đổi lại, các nước giàu và các thể chế quốc tế đòi hỏi các nước đang phát triển phải tự do hoá và mở cửa nền kinh tế của mình cho dòng vốn - hàng hoá ra vào tự do. Các tổ chức quốc tế và các nước giàu sẽ tạo mọi điều kiện thuận lại cho các nước đi sau tham gia vào quá trình hội nhập, cùng cải cách hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của từng nước vì lợi ích chung của khu vực và toàn thế giới. Với xu thế này, châu Phi sẽ được hưởng lợi bằng việc tuân thủ các điều kiện đặt ra để có điều kiện sử dụng nguồn vốn, công nghệ, thị trường để phát triển nền nông nghiệp của châu lục mình.
Thứ hai,châu Phi có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại trong phát triển nông nghiệp của các khu vực khác.
Cơ hội của các nước châu Phi hiện nay là có thể nhìn nhận và đánh giá được các mô thức phát triển nông nghiệp của các nước trên thế giới để lựa chọn cho riêng mình hướng đi phù hợp nhất. Cuộc cách mạnh Xanh diễn ra thành công ở châu Á trong thập kỷ 1960, sau đó nhân rộng ra châu Mỹ La tinh trong thời gian tiếp đó đang là những bài học thiết thực đối với châu Phi ngày nay, là cơ hội để châu Phi nhìn nhận lại mình để phát triển. Trong suốt một thập kỷ qua sản xuất nông nghiệp của châu Phi tuy không tăng đều trên toàn khu vực, nhưng cũng đạt được nhiều tiến bộ ở một số nước và trong một số lĩnh vực. Trong hai thập kỷ tới sản xuất nông nghiệp ở châu Phi chắc chắn sẽ tăng nhanh thông qua việc mở rộng đất đai canh tác, sử dụng hiệu qua nguồn phân bón, cải tiến mùa vụ và quản lý sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Ngày nay, sản lượng lương thực sản xuất ở châu Phi gần ngang bằng với sản lượng lương thực của các nước Đông Nam Á trong thập kỷ 1960. Điều này đặt ra một vấn đề: Liệu châu Phi có thể học tập được gì từ cuộc cách mạng Xanh đã từng diễn ra ở châu Á để cải thiện năng suất lao động nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo cho toàn châu lục của mình? Và để trả lời câu hỏi này, học tập kinh nghiệm thành công của các nước đi trước trong phát triển nông nghiệp đang là một cơ hội lớn cho châu Phi. Cơ hội này có thề biến thành hiện thực đối với châu Phi khi các nước này áp dụng triệt để kinh nghiệm thành công của châu lục khác, biết lựa chọn những hướng đi thích hợp để khai thác nguồn lực đất đai, con người, tận dụng công nghệ và nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển bền vững. Dự báo trong tương lai, châu Phi sẽ vận dụng tốt kinh nghiệm của thế giới để tăng nhanh năng suất lao động nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có các chính sách phát triển thích hợp hơn, mức độ dầu tư cho đầu vào nông nghiệp đầy đủ hơn, cụ thể là đầu tư về phân bón, hệ thống tưới tiêu, đường sá, nước sạch và hệ thống giáo dục.
* Thách thức
Trong tương lai. nông nghiệp châu Phi có thể gặp phải những thách thức cơ bản sau:
Một là,do nông nghiệp châu Phi đang trong giai đoạn khủng hoảng nên năng lực tiếp nhận dự hỗ trợ từ bên ngoài còn yếu kém và những nỗ lực cải cách nông nghiệp trong nước có thể không đi đúng hướng, làm chệch đi hiệu qua hợp tác nông nghiệp ở châu Phi.
Khủng hoảng nông nghiệp ở châu Phi mang tính chất cực kỳ trầm trọng và cuộc khủng hoảng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Hầu hết các nước châu Phi hiện nay đều đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực. Tương lai của nông nghiệp châu Phi nếu nhìn vào thực trạng hiện nay thì quả thật là không mang tính chất sáng sủa. Dự báo đến năm 2020, dân số châu Phi tiếp tục ra tăng và điều này sẽ đặt ra nhiều
sức ép hơn đối với nguồn tài nguyên tự nhiên cũng như vấn đề an ninh lương thực của toàn châu lục. Theo dự báo của FAO, vào năm 2020 châu Phi cận Xahara sẽ có khoảng 39 triệu trẻ em lâm vào cảnh thiếu đói và suy dinh dưỡng, chiếm 24% số trẻ em toàn châu Phi. Những dự báo lạc quan nhất thì cho rằng số trẻ em suy dinh dưỡng và thiếu đói ở châu Phi vào năm 2020 sẽ là 22 triệu trẻ em, trong khi những dự báo bi quan nhất thì cho rằng con số này lên tới 49 triệu trẻ em. Để giải quyết vấn đề này, châu Phi cần phải tăng lượng vốn đầu tư cho đường sá, nước sạch, giáo dục và nghiên cứu nông nghiệp lên khoảng 1 83 tỷ USD vào năm 2020 so với 76 tỷ USD năm 1997, chiếm khoảng 8-10% GDP. Cùng với đó, cộng đồng quốc tế cũng sẽ tập trung giúp châu Phi giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là năng lực tiếp nhận sự hỗ trợ của các nước châu Phi Thực tiễn cho thấy, trong hai thập kỷ qua thế giới đã không ngừng hỗ trợ châu Phi phát triển nông nghiệp, nhưng nông nghiệp châu Phi vẫn tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Nhiều dự báo khác nhau cho rằng các nước châu Phi sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong hai thập kỷ tới. Các biện pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian qua không mang lại thành công và hiệu qủa. Từ giữa thập kỷ 1960, sản xuất lương thực bình quân đầu người giảm 20%, năng suất lao động nông nghiệp cực thấp, phát triển kinh tế bị gián đoạn, mất ổn định chính trị triền miên là môi trường đang bị hủy hoại. Thực tiễn phát triển kinh tế ở châu Phi thời gian qua cũng giúp chúng ta nhận định rằng: Giải quyết vấn đề thiếu đói ở châu Phi không chỉ đơn thuần là vấn đề phát triển công nghệ mới. Điều trước hết là trình độ học vấn của người dân châu Phi còn quá thấp chưa thể tiếp thu những công nghệ mới, đồng thời ở nhiều nước sự dàn xếp xung đột chưa đem lại kết quả như mong muốn, do vậy đã cản trở những nỗ lực của hợp tác nông nghiệp từ thế giới bên ngoài. Hầu hết những người dân thiếu đói là người nghèo, họ không đủ tiền để mua lương thực mà họ cần. Người nông dân nghèo không thể có đủ khả năng để tiếp nhận những công nghệ đắt tiền bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do vì trình độ học vấn. Một khi năng lực tiếp nhận công nghệ tiên tiến của người dân châu Phi không có, thì những công nghệ tiên tiến nhất mà thế giới muốn hợp tác và trợ giúp cho châu Phi phát triển nông nghiệp sẽ không mang lại thành công. Người dân sẽ quay về những phương thức canh tác truyền thống vốn mang lại năng suất lao động thấp cho họ. Vì vậy, phát triển nông nghiệp bền vững ở châu Phi cần phải dựa trên những yếu tố tài nguyên thiên nhiên và năng lực xã hội, và điều này không phải một sớm một chiều có thể làm được ở châu Phi.
Hai là,những biến đổi bất lợi về thời tiết đang đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng trong hợp tác nông nghiệp ở châu Phi. Châu Phi là châu lục ít gây tác động đến hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây nhưng lại là khu vực chịu sự tổn thương lớn nhất từ sự thay đổi thời tiết. Người ta nói nhiều đến hiện tượng trái đất đang nóng dân lên và những tác động bất lợi của nó đôi với toàn thế giới. Riêng với châu Phi, hiện tượng trái đất đang dần nóng lên đang đặt ra sức ép rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với vấn đề phát triển nông nghiệp. Đặc trưng chung nhất của nông nghiệp châu Phi hiện nay là phát triển nhờ vào lượng mưa hàng năm. Khi trái đất ấm dần lên cũng đồng nghĩa với việc lượng mưa hàng năm phục vụ cho phát triển nông nghiệp ở châu Phi sẽ giảm nghiêm trọng và nhiều vùng đất đai nông nghiệp của châu Phi sẽ bị hiện tượng sa mạc hoá. Theo dự báo của AfDB (2008), thay đổi khi hậu toàn cầu sẽ làm mất đi từ 5-10%/năm GDP của các nước châu Phi. Chỉ tính riêng cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng nguồn nước do trái đất ấm dần lên cũng sẽ tiêu tốn của châu Phi từ 1-3 tỷ USD mỗinăm. 20-40%/o viện trợ nước ngoài vào châu Phi sẽ sử dụng để hạn chế những rủi ro về thời tiết, trong đó bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư cho phát triển ngành nông nghiệp. Uỷ ban châu Phi (AC) năm 2008 cho rằng "vào năm 2020 sẽ có thêm khoảng 75-250 triệu người dân châu Phi gặp khó khăn nghiêm trọng vì khan hiếm nước". Trong khoảng 100 năm qua, nước ở các sông Niger, hồ Chứa, sông Senegal đã giảm khoảng 40-60% và trong vài thập kỷ tới, nước của các con sông này tiếp tục giảm và gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Dự báo của AC cũng cho rằng vào năm 2020 năng suất nông nghiệp ở châu Phi dựa vào lượng mưa tự nhiên sẽ giảm khoảng 50% và điều này khiến khủng hoảng nông nghiệp ở châu Phi sẽ còn kéo dài nếu không có những giải pháp phát triển hợp lý.
Cho đến nay, đã có rất nhiều sự hợp tác trong nội bộ các nước châu Phi cũng như từ cộng đồng thế giới bên ngoài để giúp châu Phi hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết đến phát triển nông nghiệp. Điển hình phái kể đến các chương trình "ClimDev Africa" do Liên minh châu Phi (AU), Uỷ ban kinh tế của Liên hiệp quốc về châu Phi (ECA) và AfDB hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống cảnh báo sớm và dự báo về những biến đổi của khí hậu toàn cầu; hoặc Sáng kiến trồng rừng lưu vực sông Congo do AU khởi xướng. Tuy nhiên, những biến động thất thường của thời tiết là rất khó dự đoán và trong tương lai với sự ấm lên của khí hậu toàn cầu sẽ khiến sự hợp tác, hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp ở châu Phi gặp nhiều khó khăn hơn.
Ba là,châu Phi tiếp tục chịu những tác động bất lợi từ sự bóp méo thương mại trong các vòng đàm phán của WTO. Hội nghị Doha của WTO diễn ra vào tháng 11 năm 2002 trong bối cảnh có nhiều bất đồng quan điểm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nông nghiệp. Về vấn đề nông nghiệp, trong hội nghị Doha, các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển phải dỡ bỏ trợ cấp và bảo hộ nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Đổi lại, các nước phát triển yêu cầu các nước đang phát triển phải mở cửa thị trường cho hàng hoá công nghiệp và dịch vụ của các nước phát triển. Sau gần 7 năm kể từ khi vòng đàm phán Doha bắt đầu khởi động, những bất đồng giữa hai nhóm nước trên vẫn chưa tìm ra phương thức giải quyết hợp lý. Cho đến nay, các nước phát triển vẫn tăng cường bao hộ nông nghiệp của họ bằng những biện pháp như trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất, áp dụng các hàng rào phi thuế quan .. .và điều này đem đến những tác động tiêu cực đối với các nước đang phát triển.
Những bất đồng trong các vòng đàm phán Doha kê từ năm 2002 đến nay đem lại nhiều khó khăn cho sự phát triển nông nghiệp của các nước châu Phi. Cho đến nay, các nước phát triển vẫn thực hiện chính sách bảo hộ nông nghiệp rất cao. Tổng số tiền trợ cấp nông nghiệp của 30 nước OECD tăng từ 182 tỷ USD năm 1995 lên 280 tỷ USD năm 1997, 315 tỷ USD năm 2001 và 318 tỷ USD năm 2002. Mỹ và EU trong thập kỷ 1990 đã trợ cấp nhiều hơn từ 9-10 tỷ USD so với thập kỷ trước đó. Trợ cấp nông nghiệp chiếm tới 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của EU và 25% giá trị sán xuất nông nghiệp của Mỹ. Bình quân trợ cấp nông nghiệp cho một nông dân Mỹ là 22.000 Usd/năm, ở EU là 17.000 Usd/năm, trong khi thu nhập của nông dân nhiều nước châu Phi là dưới 400 Usd/năm. Trợ cấp nhiều dẫn đến sản xuất thừa và do vậy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của các nước phát triển ra thị trường thế giới ngày càng nhiều hơn, trong khi đó nhiều nước đang phát triển vẫn đang phải nhập khẩu lương thực. Như vậy, sự không nhượng bộ của các nước phát triển về trợ cấp nông nghiệp thực tế đang làm phá huỷ nền kinh tế của nhiều nước châu Phi. Nó có nguy cơ làm tăng nhanh nạn thất nghiệp và nghèo đói ở khu vực nông thôn các nước đang phát triển nói chung và các nước châu Phi nói riêng trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Bốn là,châu Phi phải chịu những tác động bất lợi do khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại. Những tác động bất lợi đối với kinh tế châu Phi thể hiện ở chỗ: Tăng trưởng kinh tế châu Phi năm 2008 thấp hơn so với năm 2007 và thấp hơn nhiều so với những dự đoán đầu năm và những dự đoán vào tháng 1 và tháng 11 năm 2008. Theo dự báo tháng 4 năm 2008 của IMF, kinh tế châu Phi trong năm 2008 sẽ tăng trưởng 6,3% - cao nhất từ trước đến nay. Theo dự báo tháng 10 năm 2008 của IMF, tăng trưởng kinh tế của châu Phi được hạ thấp ở mức 5,9 %. Những đánh giá cuối cùng vào tháng 12 năm 2008 của OECD và IMF đều thống nhất rằng tăng trưởng kinh tế của châu Phi trong năm 2008 thực tế chỉ đạt 5,5%. Những dự báo tại Hội nghị bộ trưởng các nước châu Phi về khủng hoảng tài chính, diễn ra tại Tuynidi ngày 12/11/2008 cho rằng trong năm 2009 kinh tế châu Phi chỉ có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4,9%, thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được của năm 2008 và so với những dự báo ban đầu. Còn theo dự báo mới nhất của IMF (4/2009) tăng trưởng kinh tế của châu Phi năm 2009 chỉ có thể đạt khoảng 2%. Đánh giá này được coi là có cơ sở hơn bởi các lý do sau:
+Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tuy không ảnh hưởng ngay tức thời và trực tiếp đến châu Phi, nhưng cũng gây những tác động bất lợi lâu dài. Trong một vài năm tới, FDI vào châu Phi sẽ giảm do các nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong nước: phải thu hẹp và điều chỉnh chiến lược kinh doanh ra nước ngoài. Hơn nữa, viện trợ nước ngoài đang là nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển của các nước châu Phi trong vài năm tới cũng sẽ có xu hướng giảm. Sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu đang gây áp lực buộc WB, IMF, UNDP phải hạn chế các chương trình viện trợ cho các nước ngoài, gây áp lực buộc các nước châu Phi phải thanh toán nợ nần bởi các tổ chức này đang cần gấp các khoản cứu trợ khổng lồ trọn gói cho các ngân hàng đang có nguy cơ phá sản.
+Hoạt động thương mại của châu Phi với thế giới bên ngoài có khả năng bị thu hẹp lại. Những rủi ro ngày càng gia tăng của thị trường toàn cầu trong năm 2009 sẽ đem lại tác động bất lợi cho châu Phi, khiến nhu cầu thế giới về hàng hoá châu Phi có xu hướng giảm, đặc biệt là về dầu lửa, khiến xuất khẩu hàng hoá của châu Phi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Các nước sẽ bị tác động trực tiếp từ suy giảm mức cầu thế giới là các nước xuất khâu dầu lừa, các nước có thu nhập trung bình và các nước có nền kinh tế mở. Tại các nước đang thực hiện chiến lược mở cửa, giá cả thế giới tăng giảm thất thường sẽ gây bất lợi cho các nước châu Phi xuất khẩu nguyên liệu thô. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào dự báo được chính xác về thời điểm kinh tế thế giới sẽ phục hồi, và nếu kinh tế thế giới tiếp tục thời kỳ khủng hoảng kéo dài thì những bất lợi cho các nền kinh tế châu Phi ngày càng lớn. Dòng đầu tư nước ngoài vào châu Phi sẽ trở nên hạn chế hơn, giá cả không còn là lợi thế nếu như các nước châu Phi không tiếp tục cải thiện môi trường trong nước, tích cực ký kết các hiệp ước thương mại khu vực, giảam bớt các rào cản thương mại, chủ động hơn nữa trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
+Trong khủng hoảng, hầu hết các nước trên thế giới đều đẩy mạnh cải cách cơ cấu, giảm chi phí kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Trong khi đó, châu Phi là khu vực kém năng động hơn các khu vực khác trong các chương trình điều chỉnh chính sách và cơ cấu. Sự kém hiệu quả của cơ sở hạ tầng cùng với nguồn cung cấp năng lượng không đầy đủ khiến chi phí kinh doanh tăng cao và hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của châu Phi. Các nhà đầu tư vào châu Phi không những phải chịu cánh cơ sở hạ tầng yếu kém mà còn phải chịu những rào cản cơ chế hơn bất cứ một khu vực nào khác trên thế giới. Báo cáo kinh doanh năm 2008 của Ngân hàng Thế giới cho rằng thứ hạng bình quân của các nước châu Phi cận Xahara là 135 trong xếp hạng môi trường kinh doanh của 178 nước trên thế giới. Năm 2007, chỉ có một nửa số nước châu Phi thực hiện các biện pháp cải cách tích cực về môi trường kinh tế vĩ mô, trong khi đó có tới 18 nước châu Phi bị đánh giá là có môi trường kinh tế vĩ mô quá yếu kém, xếp hạng từ 115 đến thứ hạng cuối cùng của thế giới như Zimbabwe, Zambia, Mozambique, Malawi, Mauritania, Angola, Burundi, Burkina Faso, Chad. . . Những nước có cơ sở hạ tầng bị đánh giá là tồi tệ nhất hiện nay trên thế giới thuộc về Chad, Burundi, Cameroon, Uganda, Burkina Faso, Benin, Ethiopia, Malawi,Mali, Mauritania. Thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2007 cho rằng châu Phi đang thiếu thốn cơ bản những cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế. Cụ thể là thời gian thiếu điện ở châu Phi lên đến 90,9 ngày/năm trong khi tính chung cho nhóm nước đang phát triển là 28,7 ngày/năm; giá trị sản lượng bị mất mát do thiếu diện chiếm tới 6,1% tổng doanh thu nếu kinh doanh ở châu Phi, trong khi ở các nước đang phát triển khác chỉ mất mát khoảng 4,4%; thời gian thiếu kết nối điện thoại ở châu Phi lên tới 96,6 ngày/năm trong khi ở các nước đang phát triển là 43 ngày/năm.
Tuy nhiên, những đánh giá trên chỉ mang tính ngắn hạn và không hề mang tính bi quan. Cần phải khẳng định rằng, châu Phi vẫn có thể tìm ra một số cơ hội để phát triển kinh tế và hợp tác nông nghiệp trong tương lai nhờ khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại. Cơ hội đầu tiên là châu Phi sẽ thoát khỏi sức ép lạm phát hai con số đã diễn ra trong năm 2008. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong năm 2009 sẽ làm giảm sức ép giá cả (đặc biệt là giá dầu lửa và lương thực), giúp châu Phi giảm được sức ép lạm phát. Dự kiến, trong năm 2009 lạm phát ở châu Phi sẽ đạt tốc độ một con số ở mức 9% và điều này tạo điều kiện có lợi cho nền kinh tế.
Cơ hội thứ hai là khủng hoảng kinh tế thế giới đòi hỏi các nước châu Phi phải tích cực hơn nữa trong việc cải cách và mở cửa nền kinh tế. Áp lực này thể hiện ở chỗ châu Phi cần tăng nhanh khả năng mở rộng hoạt động thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đa dạng hoá cơ cấu kinh tế. Nguồn vốn từ bên ngoài hiện đang có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của châu Phi, vì vậy chính phủ các nước cần phải xây dựng các ngành ưu tiên, đầu tư cho giáo dục và y tế, sử dụng hiệu quả vốn ODA với tư cách là một công cụ hữu hiệu giúp châu Phi hội nhập vào kinh tế toàn cầu.