Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 30/11/2009 17:09 (GMT+7)

Chuyện về “kỹ sư sen” Nguyễn Đăng Sơn

Những ngày tháng bôn ba

Gặp Sơn giữa lúc anh đang ngồi thảnh thơi bên trạm bơm thuỷ lợi giữa cánh đồng sen, chúng tôi thật khó hình dung được tuổi thơ của anh từng gắn với chiếc đò và đàn vịt nơi cánh đồng hoang vu. Lớn lên, Sơn vào Nam học nghề cơ khí, sau đó học lái máy ủi, máy xúc... Năm 1973, anh về quê cưới vợ, sinh con. Không đành nhìn vợ con thiếu thốn, anh dắt díu cả gia đình vào Nam lập nghiệp.

Những chuỗi ngày ở miền Nam, vợ chồng anh rong ruổi khắp nơi, khi về miền Tây, khi ngược lên Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai... làm nghề lái xe ủi, lái máy cày thuê. Không có tiền thuê nhà, đi đến đâu vợ chồng anh xin ở đậu tại đó.

Không trụ được ở trong đó, anh lại dắt vợ con ngược ra miền Bắc. Những tháng ngày phiêu dạt trên đất Bắc, anh làm thợ sửa máy cày, máy ủi. Nhưng kinh tế của vợ chồng anh cũng không khấm khá lên.

“Hồi đó đêm nào tôi cũng nằm nghĩ, thấy đi đâu cũng vẫn nghèo thì về quê. Năm 1990, tôi đưa vợ con về quê, chấm dứt cuộc sống tha hương. Thấy đất ở vùng trũng bị bỏ hoang, vợ chồng tôi bàn nhau lên xã xin khai hoang để trồng lúa”, anh Sơn nhớ lại.

Khi được xã đồng ý, vợ chồng vay mượn bạn bè được gần 30 triệu đồng, anh liều bỏ ra 26 triệu đồng tậu một chiếc máy cày MTZ để vỡ đất khai hoang. Phát lau lách, cỏ dại đến đâu, anh cho máy cày trục đến đó, ròng rã nhiều tháng trời, đất hoang dần thành vùng, thành thửa. Trong 5 năm, vợ chồng anh đã khai hoang được 50ha đất. Toàn bộ diện tích được anh thau chua rửa phèn để trồng lúa, đồng thời be bờ bao thật cao, đào kênh tiêu úng thích hợp.

Chính nhờ cách làm táo bạo này mà trong 5 năm liền, ruộng của anh luôn tránh được lũ, năng suất khá cao, có năm thu được gần 100 tấn lúa. Gia đình anh dần trở nên khấm khá. Năm 1995, anh bắt đầu giảm dần diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng sen.

Trở thành “vua” sen

Đồng sen của anh Sơn nằm gần sông ô Lâu, những chiếc đài sen to bằng nắm tay đầy hạt đều đặn nhô cao trên mặt nước. Gặp chúng tôi, anh Sơn than thở: “Thiếu nhân công nên tôi phải làm một mình. Đầm sen này rộng 3ha thôi, thu ở đây xong tôi còn phải vào phá Tam Giang thuê người, trong nớ còn hơn 30ha sen chờ hái”. Quệt vội mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Phan Thị Suy (vợ anh Sơn) cho biết: “Năm nay không được mùa nhưng tính sơ sơ chúng tôi cũng thu được hơn 100 triệu đồng tiền bán sen. Hết mùa chắc được gấp ba số này”.

Vụ sen năm nay, anh Sơn dự định thuê 10 người trực tiếp thu hái sen, khoảng 50 nhân công tách hạt. Theo tính toán của anh, trung bình mỗi hecta sen thu được 3 tấn hạt, với giá 15-20 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, lãi 300-400 triệu đồng.

Anh Sơn cho biết, do chi phí đầu tư ban đầu ít, mỗi hecta chỉ khoảng 3 triệu đồng tiền giống, cộng với công chăm sóc, tiền thuê đất không đáng kể nên lãi từ trồng sen rất cao. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng tiền thu từ cá tự nhiên trong đầm cũng đủ trang trải chi phí trồng sen. “Coi bộ dễ ăn nhưng thật ra trồng sen rất khó, nếu nguồn nước ô nhiễm, gặp lũ là coi như trắng tay. Nhưng với kinh nghiệm lâu năm, tôi có thể trồng được ở mọi loại đất, nguồn nước cũng như biết trồng vào thời điểm nào để tránh được rủi ro do mưa lũ”, anh Sơn nói.

Để chủ động nguồn sen giống, anh Sơn thuê 3ha đầm nước ở huyện Cam Lộ để ươm giống. Đến giờ, gia đình anh đã trở thành đại lý cung cấp sen giống, anh còn được bà con phong là “kỹ sư sen”.

Đưa ánh mắt dõi ra phía đầm sen của mình, anh Sơn tâm sự: “Sang năm tôi sẽ xây dựng trang trại rộng khoảng 10ha quanh đầm sen này. Trong đó, tôi sẽ múc bờ bao thả cá, xây chuồng nuôi 50 lợn nái, ở giữa tiếp tục trồng sen”. Với anh, người nông dân không bao giờ nghèo mãi, điều cốt yếu là phải táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và có sự hỗ trợ tốt từ các cấp chính quyền, đoàn thể.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.