Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/08/2009 17:09 (GMT+7)

Chuyện “ông Tây” mang hồn Việt

Tìm đến địa chỉ trên, hóa ra chẳng khó bởi không ít người biết đến "ông Tây" này. Là bởi Frederick Abel đến Việt Nam tính đến nay cũng được chục năm rồi. Thời gian không biết có phải là yếu tố để "Việt hoá" người từ bên kia địa cầu, cách nửa vòng trái đất không mà bây giờ Abel khi ăn, dùng đũa gắp nhoay nháy, thịt chó mắm tôm cũng xơi vô tư nhưng vẫn biết ngày đầu tháng chớ có dùng thứ khoái khẩu này. Những ngôn ngữ đường phố mà ta vẫn gọi là tiếng tắt, tiếng lóng, Frederick Abel đều biết cả và dùng "hết sảy"! Cũng chẳng biết vì bạn bè thấy tên anh dài quá, khó gọi quá mới chọn cái chữ "đe rich" trong tên anh thành chữ Đức hay như một chứng chỉ bất thành văn đánh giá chất lượng Việt trong Abel mà bây giờ, không ít người vẫn gọi anh bằng cái tên rất Việt là "Đức". Không cần biết về lý do gì, Abel rất thích cái tên này vì theo anh, chữ "Đức" là cái gốc của tâm hồn và lối sống Việt.

Trước khi thành "Đức", chàng thanh niên quốc tịch Mỹ Abel đã từng sang châu Phi trong đoàn tình nguyện viên mà như lời anh nói, giống như thanh niên, bác sĩ ta bây giờ đến vùng sâu, vùng xa. Châu Phi xa xôi và nghèo đói, đất nước Dimbabuê nhiều vùng không có điện không có nước khiến trái tim chàng trai trẻ người Mỹ đã bao lần nhói quặn vì nỗi buồn nhân thế. Đợt công tác kết thúc, lẽ ra phải trở về Mỹ thành ông bác sĩ ở một bệnh viện lớn nhưng Abel vẫn cứ đau đáu về những số phận con người. Sao cùng là con người dưới gầm trời này mà người ở chỗ này đầy đủ, người ở nơi kia khốn khổ là vậy. Và thế là anh xin sang Việt Nam .

Frederick Abel sinh năm 1963, lớn lên khi nước Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến ở Nam Việt Nam . Hai chữ Việt Nam dội vào trong anh từ ngày ấy với tất cả những tưởng tượng về nỗi đau của con người dưới bom đạn, trước sự tàn phá của chiến tranh. Năm 1992, quan hệ Việt - Mỹ chưa bình thường hóa và không đến được Việt Namthì anh đến... cạnh Việt Nam ! Anh xin đến Campuchia với tư cách giám đốc một dự án nhân đạo. Chính tại đây, tình yêu Việt Nam bắt đầu nhân lên khi Abel chợt phát hiện ra những điều mới lạ từ những người Việt qua lại Campuchia. Những ấn tượng tốt đẹp cùng sự khâm phục về tính nhẫn nại, cần cù chịu đựng cùng với tính lạc quan, thông minh của người Việt càng làm Abel thêm tò mò muốn khám phá. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người với những màu da khác nhau nhưng tính cách và tâm hồn Việt vừa như có sức hút, vừa như sự thách đố anh đi tìm lời giải.

Anh bác sĩ tốt nghiệp loại ưu đại học nha khoa tại Indianapolis của nước Mỹ có thêm 1 năm cao học về bệnh nấc tưởng có thể thênh thang con đường hoạn lộ hoặc thỏa sức kiếm tiền trên đất nước giàu có bậc nhất thế giới nhưng anh từ bỏ tất cả. Từ bỏ tất cả để đến Việt Nam chỉ vì niềm yêu và sự thôi thúc từ sâu thẳm tâm hồn. Năm 1997, Abel đặt chân đến Hà Nội khi lúc này, chuyện bác sĩ nước ngoài tự nguyện đến ta còn rất hiếm. Khó khăn đầu tiên của anh là ngôn ngữ bất đồng. Chuyện khám chữa bệnh là chuyện của con người với con người khó có thể hiểu nhau qua phiên dịch. Người thầy thuốc hiểu bệnh nhân không chỉ từ những dụng cụ y học và hiểu biết y khoa mà lớn hơn cả là hiểu bằng sự thông cảm, chia sẻ trước nỗi đau người bệnh. Và điều này thì không một phiên dịch nào có thể làm nổi. Thế là Abel- Đức bỏ ra 2 năm vào Trường đại học Ngoại ngữ để học tiếng Việt. Học trong trường chưa đủ, Đức học chủ yếu từ thực tế. Ngoài giờ học, anh lái xe, dạo phố, đi chùa và nhớ, và ghi thuộc những mẫu câu thường gặp. Với anh, học tiếng Việt không chỉ là sự chuyển dịch từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước kia theo kiểu "máy bay bay trên trời hay dưới trời, con kiến bò dưới đất hay trên đất" đều hiểu được như nhau cả. Học tiếng Việt trước hết là học ngôn ngữ văn hóa của một dân tộc để mở rộng sự hiểu biết về dân tộc đó. Tình yêu Việt Nam trong anh được đền đáp. Số phận hay đất nước này đã "thưởng" cho anh, cho tình yêu Việt ấy bằng... một cô vợ Việt hết ý Đức bảo:

- Tôi người Mỹ nhưng cách nghĩ, cách sống của tôi rất Việt nên có thể gọi là nửa Tây nửa ta. Vợ tôi người Việt trăm phần trăm, từng sống ở nước ngoài lại đang là chuyên gia tài chính cho một tổ chức của Thụy Sĩ tại Việt Nam kể cũng có thể gọi là nửa ta nửa Tây. Thế là gặp nhau và cả hai "chết" nhau luôn từ ánh mắt đầu tiên.

Họ gặp nhau khi chị đến khám răng ở phòng khám của anh dạo còn ở Thái Hà năm 2001. Tưởng chỉ nhìn vào răng vậy mà ông bác sĩ lại nhìn cả vào mắt, vào tim người ta. Đức cười:

- Vợ chồng là cái duyên cái số thôi. Yêu nước Việt thật lòng thì thế nào cũng lấy được vợ thật lòng, thật Việt!

- Trông anh đẹp trai thế này, có vợ rồi liệu vẫn bị các cô gái khác tấn công không?

- Con gái Việt không khiêu chiến trước đâu nếu mình án binh bất động - Đức lại mủm mỉm cười - Cơi nới là đánh mất kiến trúc, dễ xấu và đổ nhà lắm đấy.

Cách nói có thể có lúc còn lơ lớ nhưng cách nghĩ của Đức-Abel thì Việt quá! Cũng như mọi người khác, “cơm áo không đùa với khách thơ” và Đức cũng xin mở phòng khám chữa răng theo chuyên môn của mình. Mới đầu chỉ có 3 người nay quân số đã thành 11 với các bác sĩ, kỹ thuật viên từ Tiệp Khắc, Đan Mạch và bác sĩ Việt chuyên tư vấn và gây mê. Phòng khám chữa răng của Đức gọi là dịch vụ đấy nhưng bệnh nhân không phải là đối tượng để khai thác. Đơn giản chỉ vì cái dịch vụ ấy là dịch vụ phục vụ trực tiếp con người chứ không phải chuyện giới thiệu mua bán vật dụng như xe máy, tivi, nhà đất... Hỏi vì sao phòng khám khuất bên hồ Trúc Bạch mà bệnh nhân vẫn tìm đến, Đức nói như người Việt:

- “Hữu xạ tự nhiên hương mà”!

Và anh giải thích:

- Đâu cũng thế thôi, có phòng khám bệnh vì có bệnh nhân chứ không phải vì có bác sĩ! Cho nên bệnh nhân là trọng tâm.

Bác sĩ nha khoa Abel-Đức mong muốn đem đến cho người bệnh nụ cười tươi tắn.
Bác sĩ nha khoa Abel-Đức mong muốn đem đến cho người bệnh nụ cười tươi tắn.

Phải thế không mà ở phòng khám này, quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân không phải là quan hệ thuê mướn, trả công cho dịch vụ mà là quan hệ con người với con người, chữ tình, chữ tín được đặt lên hàng đầu. Khám chữa răng nhưng quan trọng hơn là trao đổi để bệnh nhân tự tin, yên tâm cũng như tâm tình để họ biết cách không phải đến phòng khám. Chuyện kể rằng lần một nữ tiến sĩ đến chữa răng. Đức chữa nhưng than thở rằng "người Việt mình" không biết giữ răng. Vòng vo một hồi thế nào dẫn đến kết luận bà tiến sĩ không biết cách đánh răng. Tưởng nữ tiến sĩ sẽ tự ái vậy mà bà cười rũ rượi và công nhận. Cuộc sống này đâu phải cứ học cao chức lớn là có thể biết tất cả trong khi những cái nhỏ lại thường dễ quên hoặc chẳng mấy quan tâm. Hoặc có bà ở quê ra Hà Nội thăm con đang là chủ một doanh nghiệp, quyết nhờ bác sĩ Tây khều cho bằng được con sâu răng ra, thả vào nước xem nó ngọ nguậy ra sao để yên tâm! Ông bác sĩ Tây mang hồn Việt này không cười và việc chữa răng lại kiêm thêm phần phổ biến kiến thức phổ thông về răng miệng.

Yêu người, yêu nghề lắm mới ứng xử được như thế. Khách "Tây" đến với Abel-Đức cũng vì cách chữa chạy... rất Việt. Anh biết trân trọng từng cái răng trên tinh thần còn nước còn tát của người Việt. Ấy cũng là cái tính chắt chiu, thực tế của con nhà nghèo, của một đất nước còn nghèo.

Hơn chục năm ở Việt Nam , chất Việt ngấm vào máu, khó thấy người nước ngoài nào tự hào về người Việt như anh. Đức bảo người Việt ta khéo nhất trần gian. Ví như chuyện chụp sứ trong lĩnh vực răng thì kỹ thuật viên Việt Nam là nhất! Nguyên liệu nhập vào thì đâu cũng như đâu nhưng bàn tay kỹ thuật viên Việt tạo ra sản phẩm đẹp và tốt hơn tất cả. Đấy là sự cảm phục thực lòng bởi Abel- Đức đang có dự định giao lưu với các bác sĩ người Việt. Anh "khoe", đã có kế hoạch với bác sĩ Nhị, Giám đốc y tế Bình Dương để vào trong đó chuyển giao công nghệ cắm ghép... Tôi hỏi:

- Cắm ghép của anh có gì khác và mới?

- Cắm ghép đã phát triển rất mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì chưa phổ biến. Tôi đã làm rất nhiều về cắm ghép và hiện đang sử dụng các vật liệu và công nghệ tiên tiến bậc nhất của Mỹ. Các cắm ghép tôi đang làm rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, răng cắm ghép vừa có độ thẩm mỹ cao vừa chắc khỏe và bền vĩnh viễn...

- Nghe nói làm răng kiểu này chi phí không ít?

- Tất nhiên, "đắt xắt ra miếng" bởi đây là công nghệ tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Với cùng một công nghệ và vật liệu, chi phí làm răng ở đây chỉ bằng 1/2 chi phí làm răng tại các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong kế hoạch làm việc với Sở Y tế Bình Dương, các chi phí cắm ghép này hoàn toàn miễn phí. Mục đích của kế hoạch lần này là giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Việt Nam ...

Tôi nhìn "ông Tây" qua dáng vóc song cảm nhận cả một hồn Việt toát ra từ trong anh qua cách nghĩ, cách nói. Chiều xuân Hà Nội trong cơn mưa phùn bay lắc rắc bên hồ Trúc Bạch, tôi hỏi:

- Anh có nghĩ mình là một người Việt...?

Thay vì một câu trả lời trực tiếp, Abel - Đức trầm ngâm:

- Tôi khó có thể xa được mảnh đất này... Bởi đấy là quê hương...!

Chúng tôi ngồi bên hồ Trúc Bạch. Chợt nhớ mấy chục năm trước, thiếu tá không quân Mỹ John McCain bay vào Hà Nội bị bắn rơi xuống hồ này được bà con vớt lên, cứu sống. Mấy chục năm sau, Abel-Đức thuộc lớp con cháu ngài Thượng nghị sĩ John McCain bây giờ cũng ngồi bên hồ Trúc Bạch và nói chuyện quê hương thứ hai là Việt Nam. Thì ra không thể có súng đạn và hận thù nhau mãi mãi bởi con người dù ở đâu, màu da, màu tóc và tiếng nói ra sao thì vẫn cứ chung nhau một khát vọng hòa bình. Phải thế mà phòng khám của bác sĩ Abel nằm bên hồ Trúc Bạch được đặt tên là phòng khám "Peace (Hòa bình) - Cho bạn nụ cười tươi"...

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.