Chuyển giao các kết quả nghiên cứu vật liệu mới vào đời sống
Theo PGS, TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng khoa học vật liệu (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam): Những năm gần đây, tập thể cán bộ của viện triển khai, thực hiện hơn 20 đề tài, dự án các cấp/năm (riêng hai năm 2009 và 2010 triển khai bốn đề tài cấp Nhà nước). Trong đó tập trung vào các lĩnh vực vật liệu và linh kiện điện tử, vật liệu và linh kiện quang học, vật liệu kim loại và vật liệu tổ hợp; vật liệu và công nghệ na-nô, vật liệu y sinh, vật liệu có tính năng đặc biệt (siêu cứng, chịu mài mòn, chịu nhiệt độ cao...).
Bên cạnh việc thực hiện nghiên cứu cơ bản về khoa học và công nghệ vật liệu, từ năm 2009, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam được Chính phủ giao thêm nhiệm vụ phát triển công nghệ cơ bản theo hướng trọng điểm của Nhà nước về khoa học vật liệu. Với tiềm lực đội ngũ cán bộ có trình độ cao, bao gồm 22 giáo sư và phó giáo sư, 95 tiến sĩ và thạc sĩ, hàng chục nghiên cứu viên cao cấp, lại được đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm về vật liệu và linh kiện điện tử, thời gian qua các nghiên cứu ở đây tập trung cả trên vật liệu truyền thống và vật liệu mới tiên tiến. Sự nỗ lực của từng cá nhân và bước đầu hình thành nhóm nghiên cứu đã giúp đội ngũ cán bộ khoa học ở đây không chỉ góp phần vào lý luận của ngành khoa học vật liệu (hằng năm có 25 đến 30 công trình được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế), mà điều quan trọng hơn là đưa các kết quả nghiên cứu triển khai, ứng dụng vào thực tiễn đời sống.
Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mở ra nhu cầu lớn trong việc sử dụng các loại vật liệu truyền thống cũng như vật liệu mới phục vụ sản xuất và kinh doanh. Triển khai, thực hiện hai đề tài cấp bộ, và một đề tài nghị định thư 'vật liệu ma sát' hợp tác Thái-lan (từ năm 2006), bước đầu chế tạo guốc phanh cho các đầu tàu hỏa. Sản phẩm guốc phanh không thua kém chất lượng của nước ngoài, đến nay đã trang bị cho hơn 100 đầu tàu, Viện khoa học vật liệu đang có kế hoạch liên kết với các cơ sở sản xuất trong vài năm tới đáp ứng nhu cầu của ngành đường sắt, thay thế dần hàng nhập khẩu (khoảng ba triệu USD mỗi năm). Nhiều năm qua, các nhà máy nhiệt điện ở nước ta sử dụng than để hoạt động, không ít nơi như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại hằng năm thải ra khoảng một triệu tấn xỉ than. Làm thế nào để tận dụng nguồn phế thải này, vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa có nguyên liệu phục vụ các công trình giao thông, thủy điện đỡ tốn ngoại tệ nhập khẩu của nước ngoài? Một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quyền chủ trì, sau một thời gian thử nghiệm đạt hiệu quả; từ năm 2007 liên kết với Công ty cổ phần Sông Ðà 12 - Cao Cường (Chí Linh, Hải Dương) cho ra sản phẩm tro bay từ xỉ than - một loại phụ gia trộn vào xi-măng để đổ bê-tông phục vụ các công trình thủy điện. Với công nghệ tuyển ướt, phối hợp công nghệ cô đặc tro bay (chi phí keo tụ rất thấp) và công nghệ sấy khô từ nguồn cung cấp nhiệt đốt tầng sôi bằng than cám (nhờ cải tiến hệ thống thiết bị sấy), chúng ta đã có thể chủ động đáp ứng nhu cầu tro bay cho thủy điện Sơn La theo công nghệ đầm lăn và một số công trình khác. Do ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đề tài 'Công nghệ chế biến tro bay nhiệt điện Phả Lại công suất 300 nghìn tấn/năm' đã giành giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (năm 2008).
Triển khai, thực hiện chín hướng ưu tiên của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, mấy năm gần đây, ngành khoa học vật liệu tập trung vào các nghiên cứu phục vụ công tác khai thác và chế biến khoáng sản. Chẳng hạn như vấn đề thu hồi kim loại quý ni-ken từ các bãi thải công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ chế biến ni-ken thô sang ni-ken tinh từ quặng 10 - 11%. Chế tạo, sản xuất các thiết bị hợp kim chịu mài mòn, ăn mòn sử dụng trong bơm hút cát, khai thác khoáng sản và bảo vệ vỏ tàu đi sông, biển...
Hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng, mặt trái của cơ chế thị trường không khỏi ít nhiều tác động, chi phối đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Khắc phục sự thiếu đồng đều trong chất lượng đội ngũ, khó khăn vướng mắc trong việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống; đồng thời khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong tìm kiếm đề tài, mở rộng hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, các cán bộ thuộc đơn vị đầu ngành khoa học vật liệu đang xây dựng mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu và triển khai ứng dụng một số vật liệu mới có tính năng đặc biệt đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực như: vật liệu đo liều bức xạ, vật liệu xúc tác xử lý nguồn nước nhiễm độc kim loại nặng; nghiên cứu chế tạo vật liệu na-nô ứng dụng trong sinh học nông nghiệp, sản xuất thuốc chữa bệnh và lò đốt rác thải y tế độc hại...